Friday, April 21, 2023

VỀ CA KHÚC "TÌNH THƯ CỦA LÍNH" CỦA NHẠC SĨ TRẦN THIỆN THANH

Thư của lính thư không được dài như mong nhớ đâu em
Thư của lính chấm dứt ở đây, sau khi đề thêm hai chữ hôn em…


Bài hát tình thư của lính được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác vào biến cố tết 1968 dưới bút danh Anh Chương và Trần Thiện Thanh Tâm, Anh Chương là tên người con trai đầu của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, còn Trần Thiện Thanh Tâm là tên một người em của nhạc sĩ. Khi cho ra đời ca khúc này, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đang là trung đội trưởng trung đội biệt kích ở thủ đô. Bài hát rất dễ thương qua điệu Beguinerock.

“Em ! Anh đã viết cho em rất nhiều lần : ‘Đời lính không hào hoa như nhiều người vẫn tưởng’. Nhưng, em yêu anh bởi anh là lính, và anh viết cho em cũng bằng … Tình yêu của lính. Thế Thôi !” – Nhật Trường Trần Thiện Thanh.

“Cho đại đội III Ư.C – cho những người bạn dễ thương” – Nhật Trường Trần Thiện Thanh.


Đời Lính thì luôn khó khăn gian khổ với biết bao nhiêu cuộc hành quân rừng xa, trên vai ba lô nặng trĩu và cầm chắc tay súng trên tay để làm nghĩa vụ của một người trai thời loạn. Đời lính chiến cực khổ là thế, tuy nhiên trong ca khúc Tình Thư Của Lính thì chúng ta có thể thấy hình ảnh những người lính rất vô tư, dễ thương và gần gũi. Họ cũng bình thường như mọi người, họ cũng mang đủ thất tình “Hỉ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục.” Khi dừng quân giữa đêm rừng hoang vu vắng lặng, tuy có mệt sau một ngày quân hành nhưng các anh lính trẻ vẫn không ngủ được, có anh chàng nằm ‘ước ao’ được gặp người yêu khiến một anh ‘khát khao’ được về phép đi chơi với nàng của mình và còn có chàng ‘thi sĩ của mộng mơ’ nằm thao thức đếm sao trời để sáng tác ra những bài thơ tặng đào.

Tôi cũng đã từng thấy ngày xưa những chàng lính đóng đồn hay những anh lính gác cầu thường ngồi thẫn thờ mộng mơ trước đồn hay trên cầu trong những buổi chiều tàn, có anh ngồi viết thư cho đào, có anh ngồi làm vài xị đế, và cũng có anh ngồi ôm đàn hay lấy hình người yêu ra xem nữa. Những hình ảnh rất chân thật ấy đã được Trần Thiện Thanh đưa vào ca từ của bài hát, khiến chúng ta càng cảm thấy đời lính đâu quá khô khan như người ta thường hay kể, mà ngược lại thì cũng lắm mộng mơ.

Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay

Tôi nhớ có một lần ngày ấy vào khoảng năm 70, vùng quê Long Xuyên của tôi có một cái đồn nghĩa quân bị địch tấn công. Khoảng một tuần sau tôi có dịp đi ngang, những vết tích của cuộc tấn công từ phía địch vẫn còn đó nhưng người lính Nghĩa-Quân gác đồn vẫn nghêu ngao câu vọng cổ trên tháp canh. Tất cả như không mang nét thê lương, ủ dột nào cả. Tất cả chấp nhận sự điêu linh một cách bình thản ….

Đoạn cuối của bài hát chúng ta có thể thấy được những ước mơ nhỏ nhoi của người lính chiến, anh chỉ thèm được một lần được thấy đôi môi em thơm mộng, một lần về phép thường niên mà thôi, và đôi ta lại có đôi sánh bước bên nhau tung tăng trong chiều dạo phố. Những ước mơ quá đơn giản và chợt đến trong suy nghĩ của anh chỉ sau khi anh ấy nhìn thấy một cô gái đi bên đường, cô ấy đẹp ….. nhưng chỉ đẹp tựa như lúc “người em hậu phương” khóc lúc giận chàng. Ôi sao anh chàng khéo thế, vẫn khen cô ấy đẹp nhưng lại thầm khẳng định với người yêu mình rằng cô gái đi bên đường ấy chỉ đẹp tựa như lúc em khóc thôi ….. Lúc khóc là lúc con người ta xấu xí nhất mà !? Sao anh khéo lấy lòng thế.


Tuy vậy, trang thư có dài cũng không thể nào mà diễn đạt hết tất cả những nỗi niềm mong nhớ yêu thương, thôi thì chấm đứt ở đây sau khi viết thêm hai chữ “Hôn Em”. Ôi sao đáng yêu đến thế

Kim Tài (tổng Hợp)
Theo: dongnhacvang



No comments: