Nhạc sĩ Thanh Tùng
Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, sân khấu âm nhạc Việt khởi sắc, nổi lên một loạt các gương mặt nhạc sĩ trẻ: Từ Huy, Nguyễn Cường, Thanh Tùng, Trần Tiến… Và Thanh Tùng, với một loạt những ca khúc đậm chất pop, mang một luồng gió mới tươi tắn. Những “Phố biển”, “Mưa ngâu”, “Lời tỏ tình của mùa xuân”, “Hát với chú ve con”, “Ngôi sao cô đơn”… làm mưa làm gió trên sân khấu ca nhạc, góp phần làm nên tên tuổi của các ca sĩ: Ngọc Thúy, Mỹ Hạnh, Ngọc Bích…
Chọn cho mình một lối viết đa sắc, tiết tấu trẻ trung, những bản tình ca đầy khắc khoải của anh không chỉ làm say lòng công chúng, đồn rằng có không ít ca sĩ, người đẹp đắm đuối bởi lời tỏ tình của chàng nhạc sĩ hào hoa, đẹp trai. Và nhạc nhẹ Việt Nam có thêm một màu sắc mang tên Thanh Tùng.
Anh vốn là nhạc sĩ chỉ huy dàn nhạc được đào tạo bài bản. Thế nhưng, sáng tác đầu tay lại bắt đầu từ bài hát viết cho phần âm nhạc của vở cải lương “Cây sầu riêng trổ bông”. Những ca khúc làm nên tên tuổi Thanh Tùng là những khoảnh khắc đời thường, những cảm xúc tình yêu của những lứa đôi ngập ngừng bóng gió, những lời yêu của kẻ đa tình mà cả người nghe lẫn người hát đều thấy bóng dáng cảm xúc của mình ở trong đó.
Bạn bè nếu đã chơi với Thanh Tùng chắc đều ấn tượng bởi sự hồn nhiên. Hồn nhiên yêu, hồn nhiên hư, hồn nhiên quậy.
Thanh Tùng may mắn có được người vợ xinh đẹp, giỏi làm ăn. Một tay chị quán xuyến làm nên cơ nghiệp. Sinh thời, ngồi vui với bạn bè, Thanh Tùng tự giễu kể chuyện những năm mới chuyển vào TPHCM, vẻ ngoài dữ dằn của anh có tác dụng khi được vợ “sai” đi đòi nợ. Chúng tôi cười rũ rượi nghe anh kể về thuở hàn vi: tỉ mẩn tách gáy cuốn sổ, rút tay nắm nhựa của ghi đông xe đạp để nhét ít tiền “quỹ đen” giấu vợ. Vậy nhưng với “cao nhân vợ”, mánh giấu tiền ở những nơi tưởng chắc nhất mà rồi cũng bể…
Những lần ngồi nhậu với anh, ưu tiên tôi không uống rượu mà chỉ tốn mồi, anh gọi món mực nướng nhưng bắt đầu bếp phải xé tơi như bông. Anh nhìn tôi ăn đầy thích thú, ánh mắt nheo nheo hóm hỉnh. Ga lăng với phụ nữ vốn là bản tính của anh. Những bữa nhậu cùng anh và nhóm, những người bạn là những ký ức đẹp không bao giờ trở lại.
Tài hoa, đẹp trai, giàu có, vây quanh mình rất nhiều bóng hồng, vây quanh mình là những cuộc tình tưởng như bất tận. Vậy mà, sự ra đi của người vợ để lại cho anh khoảng trống vô tận. “Nhớ em vội vàng trong nắng trưa, áo phơi trời đổ cơn mưa, bâng khuâng khi con đang còn nhỏ, tan ca bố có đón đưa…Vắng em đời còn ai với ai, ngất ngây men rượu say…” chắt ra từ tận cùng nỗi đau, nỗi cô đơn của người đàn ông mất vợ. Ca khúc cuối, “Hoa cúc vàng” cũng là giấc mơ thuở yêu đầu, giấc mơ không tàn, món quà cuối anh dành tặng chị.
Nhạc sĩ Thanh Tùng
Những năm sau này, cơn tai biến đẩy người đàn ông vâm váp ngồi bẹp trên xe lăn. Vắng mặt trong các cuộc gặp bạn bè, lúc nghe nói anh ở Hà Nội, lúc lại nghe nói anh ở TPHCM, nghe nói anh có người cháu vẫn đẩy xe lăn đưa anh đi chơi.
Nhóm những người bạn ngày nào đã chia tay Trịnh Công Sơn rồi Từ Huy, rồi Bảo Phúc, Nguyễn Quang Sáng… nhìn ảnh anh tiều tụy thấy thật thương.
Tháng 3 nắng nhạt, nghe tin anh chia tay cõi tạm. Chia tay anh, chia tay người bạn tài hoa đã ghi dấu mình trong cuộc đời bằng những khoảnh khắc tình yêu thật đẹp.
Những thế hệ nghệ sĩ trẻ vẫn hát những bản tình ca của anh, thế hệ công chúng trẻ vẫn yêu chúng. Và đâu đây, giọt nắng bên thềm nhắc rằng: “Có nhạc sĩ Thanh Tùng vừa đi qua cuộc đời này”.
Ca sĩ Thanh Lam ngậm ngùi khi đến viếng mộ thầy.
“Bài hát tìm trong nỗi nhớ từng giờ bình yên.
Bài hát tìm trong lá biếc từng chiều hoàng hôn.
Còn lại trong tôi, còn lại trong anh, chỉ là lung linh...
giọt nắng bên thềm…
…Bài hát tìm trong nỗi nhớ từng giờ bình yên,
Bài hát tìm trong ký ức cuộc tình đầu tiên
Trả lại cho tôi, trả lại cho anh, chỉ là hư không...
giọt nắng bên thềm...”
Nhạc sĩ Hồng Đăng (Viết cùng Lê Anh Thúy)
No comments:
Post a Comment