Saturday, June 3, 2023

WALTER CRONKITE: NGƯỜI ĐÁNG TIN CẬY NHẤT NƯỚC MỸ

Người đáng tin cậy nhất nước Mỹ (the most trusted man in America) là danh hiệu cao quý nhất mà dân nước này tặng cho phát thanh viên truyền hình Walter Cronkite. 

Walter Leland Cronkite Jr. (November 4, 1916 – July 17, 2009)

Trong 20 năm, hàng triệu người Mỹ tối nào cũng mở ti-vi xem “Chương trình thời sự buổi tối của CBS” để nghe Cronkite tường thuật các sự kiện chính trong ngày. Chương trình này luôn được xếp hạng cao nhất từ năm 1969 cho đến khi Cronkite nghỉ hưu năm 1981. Buổi phát hình cuối cùng của Cronkite “CBS Evening News with Walter Cronkite” vào tối ngày 6/3/1981 được thông báo trước cho khán-thính giả, đã trở thành sự kiện được tất cả người Mỹ quan tâm. Sau 46 năm làm nghề nhà báo, khi về hưu ở tuổi 65 Walter Cronkite được tặng Huy chương Tự do của Tổng thống, vinh dự cao nhất của một người Mỹ không phải là quân nhân.

Bài viết nhân dịp Cronkite qua đời đăng trên trang web của hãng truyền hình CBS hôm 17 tháng 7 năm 2009 mở đầu bằng câu “’Người đáng tin cậy nhất ở nước Mỹ’ đã ra đi”. Tổng thống Obama hôm ấy cũng ra tuyên bố nói “Trong nhiều thập niên, Walter Cronkite là tiếng nói đáng tin cậy nhất tại nước Mỹ”.

Đây không phải là nhận định riêng của công ty CBS hoặc ông Obama. Trong một cuộc thăm dò dư luận năm 1972, Cronkite được dân chúng Mỹ bình chọn là “Người đáng tin cậy nhất ở nước Mỹ“, trên cả Tổng thống và phó Tổng thống. Tiếp đó năm nào CBS cũng đánh giá Cronkite như vậy. Năm 1980 tạp chí Gia đình phụ nữ (Ladies’ Home Journal) tổ chức trưng cầu dân ý bình chọn Nhân vật được công chúng tin cậy nhất, kết quả Cronkite được nhiều phiếu hơn cả: 40% số phiếu; người thứ hai là Giáo hoàng được 26% số phiếu. Tại Đại hội Đảng Dân chủ năm 1980 ở New York, Cronkite được hoan hô nồng nhiệt hơn cả Tổng thống tái ứng cử Jimmy Carter.


Tại một xứ sở tuyệt đối tôn thờ tự do ngôn luận như nước Mỹ, các phương tiện truyền thông phát triển kinh khủng, thông tin trái chiều nhiều tới mức nhiễu loạn khiến người bình thường chẳng biết tin ai, thì một phát thanh viên truyền hình được cả xã hội coi là đáng tin nhất quả là cực kỳ cần thiết để định hướng dư luận. Người ấy cần có những phẩm chất như thế nào?

Vài nét tiểu sử

Walter Leland Cronkite sinh năm 1916 ở bang Missouri nhưng từ nhỏ sống tại bang Texas, trong một gia đình có bố là nha sĩ, mẹ làm nội trợ. Cronkite mê làm báo từ nhỏ. Hồi học phổ thông trung học, sau khi đọc một bài báo nói về cuộc đời phiêu bạt khắp thế giới của các nhà báo, cậu bé xin làm biên tập cho tờ báo của trường mình. Năm 1933, Cronkite vào học Đại học Texas ở Austin, được hai năm thì bỏ học, chuyển sang làm phóng viên, có lúc làm báo in, có lúc làm phát thanh viên thể thao. Năm 24 tuổi, Cronkite lấy vợ là Mary Elizabeth Maxwell, quen gọi là Betsy, họ sinh được 3 người con và sống với nhau gần 65 năm cho tới khi Betsy mất năm 2005.

Năm 1939 Cronkite trở thành phóng viên của hãng thông tấn United Press (tức UP, sau đổi thành UPI, tức United Press International) và là một trong số những nhà báo đầu tiên được quân đội công nhận sau khi nước Mỹ tham gia cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ II (12/1941). Tiếp đó, theo chân binh đoàn Mỹ đổ bộ lên đất Hà Lan, Cronkite bắt đầu công việc của một phóng viên chiến trường tại các mặt trận ở châu Âu. Ngày 6/6/1944 ông ngồi trên máy bay quân sự trong cuộc đổ bộ vĩ đại của lực lượng Đồng minh lên bờ biển xứ Normandy nước Pháp. Năm 1945, ông tường thuật tin tại Tòa án quân sự Nuremberg xử tội phạm chiến tranh phát xít Đức.

Sau chiến tranh, từ năm 1950 Cronkite làm việc ở công ty phát thanh CBS (Columbia Broadcasting System) và bắt đầu tiếp xúc với truyền hình, một phương tiện truyền thông mới.


Trong thời gian 1962-1981 ông là anchor (phát thanh viên) của chương trình thời sự buổi tối CBS Evening News trên đài truyền hình CBS. Năm 1963, thời lượng của chương trình này được tăng từ 15 lên 30 phút và Cronkite được cử làm biên tập viên trưởng; nhờ đó CBS Evening News có số khán giả tăng dần và từ năm 1966 đã vượt chương trình Huntley-Brinkley Report của Công ty NBC từng thống trị ngành truyền hình Mỹ. Cronkite bắt đầu có ảnh hưởng lớn dần trong giới truyền thông và dư luận, trở thành nhân vật của công chúng.

Sau khi về hưu Cronkite vẫn mê nghề cũ, ông lại giúp đài truyền hình cáp CNN và truyền hình Anh Quốc tiến hành công việc phỏng vấn, từng tham gia làm 60 bộ phim tài liệu.

Con người nổi tiếng ấy có những sở thích độc đáo không phải là công việc. Cronkite nói, giờ phút sung sướng nhất trong đời ông là những lúc tự lái chiếc du thuyền Wyntje rời bờ biển Georgia hoặc Maine, lướt trên đại dương xanh thẳm dưới ánh nắng chói chang, và trước khi mặt trời lặn, tìm một vịnh nhỏ không người để thả neo, sau đó nằm khểnh trên thuyền, rót ly rượu nhắm nháp với bắp rang, thả hồn ngắm lũ hải âu tung tăng bơi đi bơi lại xung quanh thuyền và chờ màn đêm êm đềm buông xuống. Có lần ông nói, giấc mơ ban ngày của tôi là lái du thuyền đi khỏi “thế giới ngày ngày tràn đầy những nỗi đau khổ này”; như thế ông mới có thể không phải suy nghĩ cố gắng xây dựng một trật tự mới cho cái thế giới ấy.

Walter với TT. Harry Truman năm 1952.

Bạn đọc sẽ hỏi: do đâu Cronkite trở thành một phát thanh viên giỏi? Có thể trả lời: đó là nhờ trước khi làm công việc ấy, ông từng có 25 năm làm nhà báo, một nghề đã giúp ông có được bản lĩnh xử lý thông tin nhanh nhạy, vững vàng, chính xác.

Giờ đây nhìn lại sự nghiệp của Walter Cronkite, người ta thấy rốt cuộc ông chỉ là một huyền thoại của ngành truyền hình Mỹ thời đã qua. Ngày nay không còn mấy nhà báo được coi là “đáng tin” nữa. Một cuộc thăm dò dư luận năm ngoái cho thấy 72% dân Mỹ nói giới truyền thông có thành kiến lệch lạc; 80% không tin vào truyền hình. Nỗi buồn này của ngành truyền hình có thể có một nguyên nhân là sự bùng nổ Internet – nguồn thông tin vô tận. Nhiều người hiện nay chúi mũi vào màn hình máy tính mà lãng quên màn hình ti-vi. Thông tin họ nhận được từ mạng thì nhiều hơn và đa dạng hơn từ truyền hình, hơn nữa qua mạng họ có thể kiểm tra thông tin từ nhiều nguồn. Chỉ một click là người ta đã bay khắp thế giới, sục vào ngọn nguồn của bất cứ thông tin nào. Phát thanh viên nhiều khi chỉ còn là người phát ngôn của “nhà đài” mà thôi chứ không còn được coi là nguồn thông tin khách quan – nhu cầu đích thực của dân chúng.

“Cái neo” của nước Mỹ

Cronkite được coi là một anchor hoặc anchorman của Công ty phát thanh truyền hình CBS.

Anchor (cái neo) theo từ điển định nghĩa là “một thứ dùng để cố định, ổn định; một nguồn gốc của niềm tin”. Theo nghĩa hẹp, anchor dùng để chỉ phát thanh viên trên đài phát thanh hoặc phát hình, luôn giữ được sự điềm tĩnh trong mớ tin tức sự kiện phức tạp rối rắm, mâu thuẫn nhau.

Walter với TT. Dwight D. Eisenhower

Quả thật, trong suốt 20 năm làm phát thanh viên Cronkite đã thực sự là “cái neo” giữ cho tâm trạng người Mỹ có được sự ổn định trước vô vàn thông tin trái chiều gây hoang mang trong dư luận khi xảy ra những sự kiện, biến cố phức tạp. Dường như từ cái neo dùng để hình dung Cronkite khi đưa tin về đại hội của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa năm 1952. Về sau trong suốt 20 năm, ông thường xuyên đưa tin cho cả nước Mỹ biết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, những biến cố lớn rung chuyển lòng người như vụ Wategate, và nhất là ba vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy và mục sư Martin Luther King rồi Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy. Với việc trình bày trên truyền hình tin tức về các biến cố kinh hoàng ấy, Cronkite trở thành một sức mạnh kiên định vững vàng giúp trấn an lòng người trong khi cả nước hoang mang và đau buồn.

Cronkite có giọng nói trầm ấm, trang trọng, tuy có khi nói nhanh và nhẹ nhưng người nghe thích nhất là ông phát âm rõ từng tiếng. Giọng nói ấy đã chinh phục biết bao khán giả truyền hình. Mỗi khi nhắc đến Cronkite, dân Mỹ lại nhớ tới biệt hiệu Chú Walter (Uncle Walter) họ thân mật gọi ông, và hình ảnh đôi mắt trầm tư đượm buồn cùng hai mái tóc mai màu sẫm của ông lại hiện lên trước mắt họ, tràn đầy sự điềm tĩnh bình thản trước mọi biến cố.

Ấy thế mà khi đưa tin về vụ ám sát Tổng thống Kennedy, trước nỗi kinh hoàng của dân chúng trong hoàn cảnh có biết bao tin đồn nhảm, ông thỉnh thoảng tháo cặp kính xuống rồi lại đeo lên, như để trấn an lòng người nghe bằng những tin tức ông nắm được. Khi đọc bản tin về nhà du hành vũ trụ Mỹ đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, ông hồi hộp tới mức thở hổn hển, lau mồ hôi trán và kinh ngạc không nói nên lời. Những hình ảnh xúc động ấy, dân Mỹ sao có thể quên.

Không một người Mỹ nào chưa từng nghe tiếng nói của Cronkite trong chương trình thời sự buổi tối hàng ngày, dù là cánh đàn ông đang nhồm nhoàm nhai bánh kẹp thịt hoặc các bà nội trợ đang tiếp thức ăn cho chồng con, hay các em nhỏ sắp đi ngủ.

Đôi khi tiếng nói của Cronkite được hình dung là tiếng của Chúa Trời. Một lần vị Chúa Trời ấy đã sáng tạo nên thế giới trong chương trình thời sự nửa giờ đồng hồ kết thúc lúc 7 giờ tối với câu nói: “Trên đây là tin tức ngày thứ Sáu 20 tháng 7 của đài CBS. Tôi là Walter Cronkite” (And that’s the way it is on Friday, July 20th. For CBS News, I’m Walter Cronkite). Hôm ấy ông vô cùng xúc động tường thuật tin nhà du hành vũ trụ Mỹ đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng. Còn bình thường, cuối các buổi thời sự bao giờ Cronkite cũng nói câu “Tình hình là như thế đấy ạ” (That’s the way it is).

Walter phỏng vấn TT. John F. Kennendy

Nhưng Cronkite chỉ thích gọi mình là Người đưa tin (Newsman) mà không muốn có bất cứ danh hiệu nào khác. Hai chục năm liền ông hài lòng với nhiệm vụ (và chức vụ) phát thanh viên, không màng tới chức vụ nào cao hơn. Có điều ông hoàn thành nhiệm vụ ấy với tinh thần trách nhiệm cao cả và nhờ thế ông được tặng danh hiệu cao quý Người đáng tin cậy nhất nước Mỹ.

Nhà báo chỉ nói sự thật, không nói theo chính phủ

Nghề nhà báo của Cronkite luôn xây dựng vững chắc trên cơ sở tôn trọng sự thật. Trong Thế chiến II ông từng làm như thế một cách hoàn toàn tự nhiên khi đưa tin về trận đấu xe tăng tại Bulge và cuộc đổ bộ Normandy, những chiến thắng lớn nhưng phải trả giá bằng sự hy sinh tính mạng của biết bao binh sĩ Mỹ.

Cách đưa tin của Cronkite về mọi sự kiện đều thể hiện quan điểm đúng đắn của một nhà báo: tôn trọng sự thật, chỉ nói sự thật, không nói theo quan điểm của chính phủ.

Một lần khi Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger nói các nhà báo cần có thái độ yêu nước, ý nói truyền hình CBS cần ủng hộ chính phủ Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Cronkite lập tức phản ứng nói: Làm thế nào để xác định được lòng yêu nước? Phải chăng yêu nước chỉ đơn giản là đồng ý, không thắc mắc với mọi hành động của chính quyền? Hay chúng tôi có thể định nghĩa yêu nước là có can đảm nói và hành động theo các nguyên tắc người ta nghĩ là tốt nhất cho đất nước, không cần biết nó có hợp với ý muốn của chính quyền hay không? Mọi người đều có bổn phận tôn trọng pháp luật, nhưng định nghĩa về yêu nước của ông sẽ ngăn cản chúng tôi nghe và tường thuật về quan điểm của những người tin rằng các chính sách của ông có hại cho lợi ích của quốc gia. Có thể những người chống đối (cuộc chiến tranh Việt Nam) này là những người yêu nước. Ít nhất họ có quyền tin tưởng rằng tình yêu của họ đối với đất nước cũng thành thật như ông, và họ có quyền theo Hiến pháp để nói ra những điều họ tin tưởng. Và khi tường thuật cuộc đối thoại lịch sử của họ, chúng tôi không hề phạm tới lòng yêu nước.


Đưa tin đúng sự thực khách quan là tín điều của Cronkite. Ông mong sao được mọi người đánh giá mình là một người tự do với ý nghĩa đích thực, không phải là kẻ giáo điều, không thuộc đảng phái nào. Tuy thế nhiều khán giả cho ông là một người tả khuynh (Pinko Cronkite), người đẩy nước Mỹ về phía phái tả và thua trong cuộc chiến tại Việt Nam.

Tuy có uy tín gần như tuyệt đối với khán giả truyền hình nhưng Cronkite lại ân hận khi thấy người Mỹ quá tin vào truyền hình và sự giải thích của ông trên truyền hình. Có lần ông nói: tất cả tin tức tôi trình bày trong một buổi truyền hình còn chưa bằng lượng tin đăng trên trang nhất của Thời báo New York. Cronkite rất buồn khi thấy ngành truyền hình phát triển kiểu “giải trí bằng tin tức”; ông cho rằng có thể đưa tin tóm tắt về một sự kiện, nhưng để hiểu tình hình một nước hoặc tình hình thế giới thì cần ít nhất hàng tá bản tin.

Duyên nợ Việt Nam

Chiến tranh Việt Nam là sự kiện làm nước Mỹ chia rẽ chưa từng thấy. Mấy đời chính phủ Mỹ có Quốc hội hậu thuẫn, chủ trương tăng quân đưa sang Việt Nam, lúc nhiều nhất tới nửa triệu lính. Máu đổ ngày một nhiều, máu của người Việt Nam và của lính Mỹ. Sinh viên đại học và nhiều đoàn thể xã hội phản đối, nổ ra những cuộc biểu tình chống chiến tranh có hàng trăm nghìn dân tham gia. Trước tình hình nội bộ nước Mỹ mâu thuẫn gay gắt như vậy, Cronkite bay sang Việt Nam 4 lần khảo sát tình hình tại chỗ để có thể đưa ra cho dân Mỹ biết những tin tức đúng đắn, chứ không phải tin tức của chính phủ Mỹ.

Walter và CBS News ở Việt Nam 19/07/1965. Ảnh: CBS Photo

Lần đầu đến miền Nam Việt Nam khi Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh, ông rút ra kết luận: cuộc chiến sẽ không thể diễn tiến tốt đẹp như những lời tuyên bố chính thức của giới quân sự Mỹ.

Trong lần thứ hai trở lại đây, ông khảo sát kết quả cuộc tổng tấn công của quân dân miền Nam hồi Tết Mậu Thân 1968. Trở về Mỹ, Cronkite quyết định chọn ngày 27/2/1968 làm một buổi tường trình đặc biệt trên truyền hình về vụ Tết Mậu Thân. Khác với quan điểm báo chí Mỹ thường đăng tải, Cronkite nói: Giờ đây nếu nói rằng nước Mỹ đang gần chiến thắng hơn thì tức là chúng ta vẫn tin vào những người lạc quan đã từng phạm sai lầm; nhưng nói chúng ta ở trên bờ vực thất bại thì lại là bi quan vô lý. “Hiện nay xem ra điều chắc chắn hơn bao giờ hết là cuộc đổ máu tại Việt Nam đang bế tắc” – Cronkite kết luận, “Điều ngày một rõ ràng đối với người tường trình này là: chỉ có một con đường hợp lý để thoát (ra khỏi cuộc chiến tranh), đó là thương thuyết (It is increasingly clear to this reporter that the only rational way out then will be to negotiate).”

Chính Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson cũng theo dõi toàn bộ buổi tường trình này. Ông thực sự sửng sốt, tắt ti-vi và nói: “Nếu tôi để mất Cronkite thì tôi sẽ mất nước Mỹ” (If I’ve lost Cronkite, I’ve lost America). Năm tuần sau, Johnson làm cả nước Mỹ ngạc nhiên khi ông loan báo quyết định không tái tranh cử Tổng thống, vì ông đã tin vào quan điểm của Cronkite – Hiện nay xem ra điều chắc chắn hơn bao giờ hết là cuộc đổ máu tại Việt Nam đang bế tắc. Điều đó cho thấy nhà báo Cronkite có ảnh hưởng lớn chừng nào với chính trường nước Mỹ! Thử hỏi nơi nào trên thế giới từng có một nhà báo dám nói ngược với chính phủ và kết quả lại giúp chính phủ nhận ra sai lầm và sửa sai theo ý kiến của nhà báo như vậy?

Walter và CBS News ở Huế 27/02/1968. (Photograph Courtesy National Archives and Records Administration)

Phát thanh viên Walter Cronkite – chứ không phải nhà lãnh đạo hoặc chính khách nào – đã trở thành người đầu tiên công khai nói trước bàn dân thiên hạ rằng nước Mỹ phải thương lượng để rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Bằng tư duy sắc bén và lòng dũng cảm, Cronkite đã định hướng được dư luận Mỹ đang chia rẽ trên vấn đề cực kỳ phức tạp này. Dân Mỹ gọi ông là Người đáng tin nhất thật đúng.

Đáng tiếc là mãi đến năm 1973, chính phủ của Tổng thống Nixon mới chịu rút ra khỏi cuộc chiến vô nghĩa hao người tốn của tại Việt Nam.

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Theo: nghiencuuquocte
Link tham khảo: