Thu phân là ngày trời đất hòa hợp. (Ảnh: freepik.com)
Thu phân là “Trung Thu”
“Thu phân” là tiết khí giữa tháng Tám (âm lịch), thời điểm cân bằng giữa ngày và đêm, lạnh và nóng vào giữa năm. Hằng năm, vào khoảng ngày 23 tháng 9 dương lịch sẽ bước vào tiết khí này. Mùa thu đến ngày Thu phân là giữa mùa, cho nên ngày Thu phân còn là ngày “Trung thu” và là biểu tượng giữa mùa thu. Tết Trung Thu diễn ra vào thời điểm Thu phân đến. Năm 2023 là năm nhuận, nên Tết Trung thu sẽ đến muộn hơn thường lệ.
Hai tiết Xuân phân và Thu phân là những điểm ngoặt tiết khí trong năm. Quan sát từ Trái Đất, khi đường biểu kiến của Mặt trời (hoàng đạo) giao với đường Xích đạo thiên cầu, thì giao điểm mà Mặt trời đi qua Xích đạo thiên cầu từ Bắc xuống Nam là “điểm Thu phân.” Ngược lại, điểm giao nhau khi Mặt trời di chuyển từ Nam lên Bắc là “điểm Xuân phân.” Vào ngày Xuân phân, dương thịnh âm suy; còn vào ngày Thu phân thì âm thịnh dương suy, đêm dài hơn ngày. Trong “Xuân thu phồn lộ – Âm dương xuất nhập thượng hạ” nói: “Đến tháng Trung thu, dương ở chính Tây, âm ở chính Đông, gọi là Thu phân. Thu phân, âm dương đều phân nửa nên ngày đêm đều nhau, lạnh nóng bằng nhau. Dương ban ngày tổn mà tùy âm, âm ban ngày tăng mà lớn mạnh.”
Thu phân, là điểm giữa mùa thu. Trời thu trong lành, từ xa xưa cổ nhân đã chiểu theo tinh thần cân bằng âm dương của mùa thu để quản lý thiên hạ và chăm sóc sức khỏe. (Ảnh: Đới Binh/Epoch Times)
Xuân phân, Thu phân – âm dương trời đất điều hòa
Thu phân và Xuân phân được xem là những ngày trời đất hòa hợp nhất trong văn hóa Trung Hoa cổ đại. Vì vậy, vào những ngày này nên miễn hoãn hình phạt để tránh làm xáo trộn sự hòa hợp âm dương của trời đất. “Hoài Nam tử – Phạm luận huấn” viết: “Khí của trời đất to lớn nhưng hòa hợp. Hòa ấy là hợp điệu của âm dương, phân cách của ngày đêm, mà sinh ra vạn vật. Sinh vào lúc Xuân phân và thành vào lúc Thu phân.” Hình pháp thời nhà Đường chú trọng đến tinh thần hòa hợp của âm dương trong trời đất, đồng thời sửa đổi pháp tắc trong thực tế. “Thông điển – Hình pháp bát – Khoan thứ” ghi lại rằng, ban đầu lúc Đường Thái Tông mới lên ngôi, đã chế định: “Từ Lập xuân đến Thu phân, không được tấu xử tử hình.” (Xem thêm “Đường luật, quyển 30”) .
Xuân phân và Thu phân – Ngày Bỉ ngạn
Hai ngày Xuân phân và Thu phân còn được gọi là “Bỉ ngạn nhật.” Điều này có nguồn gốc từ Phật giáo. Trong Phật giáo Nhật Bản có giảng, đến ngày “bỉ ngạn” – tức ngày Xuân phân và Thu phân, việc thiện hay việc ác đều sẽ gia tăng quả báo, khuyên mọi người nên tránh làm việc ác và cố gắng làm việc thiện. (“Bỉ ngạn sao” của Nichiren).
Cho đến ngày nay, người dân Nhật Bản vẫn gọi Xuân phân và Thu phân là “Bỉ ngạn” (Bờ bên kia). Vào hai dịp “Bỉ ngạn mùa xuân” và “Bỉ ngạn mùa thu,” họ tạ ơn tổ tiên và đi tảo mộ tế bái. Ngoài ra, một số người tu hành sẽ xem khoảng thời gian bảy ngày trước và sau của hai ngày Xuân phân và Thu phân làm “tuần tinh tấn” để tu thân và làm việc thiện.
“Bỉ ngạn”: Những vấn đề về sinh tử và sự sống vĩnh cửu
Lộ trình chuyển động biểu kiến của Mặt trời đi qua Xích đạo thiên cầu vào ngày Xuân phân và Thu phân gọi là đi đến “bỉ ngạn.” Theo quan niệm nhân gian, “bỉ ngạn” mang hàm ý về một thế giới khác. Sau khi qua đời, con người sẽ rời bỏ nhân gian – bờ bên này và đến “bỉ ngạn” – bờ bên kia. Phật gia cho rằng con người ngộ Đạo thì đến được Tịnh thổ ở bờ bên kia. Hòa thượng Hạo Nhiên, một thi nhân thời Đường từng nhớ cố nhân và ngâm thơ rằng: “Thoát thân đầu bỉ ngạn, điếu ảnh niệm sinh nhai” (Tạm dịch: Thoát thân bờ bên kia, viếng bóng nghĩ đường sinh). (“Tảo xuân thư hoài ký Lý Thiếu phủ Trọng Huyền”).
Phật gia gọi nơi nhân gian có sinh có tử là “bờ bên này,” còn gọi cảnh giới niết bàn siêu thoát khỏi sinh tử là “bờ bên kia.” Vào những năm đầu thời nhà Đường, danh tiếng của “Bỉ Ngạn tự” ở thành phố Loa Hà, tỉnh Hà Nam đã lan rộng khắp Trung Hoa, và là thánh địa Phật giáo được người dân sùng bái vào thời điểm đó. Có thể thấy, từ xưa đến nay, “bỉ ngạn” đã trực chỉ vào điểm cốt lõi của sinh mệnh – vấn đề sinh tử và sự sống vĩnh cửu.
Vào kỳ tảo mộ dịp “Bỉ ngạn mùa thu”, thường thấy hoa Thạch toán màu đỏ hoặc màu trắng nở rộ trên mộ địa. (Hình ảnh: Diệp Thiếu Âm/The Epoch Times)
Hoa Bỉ ngạn – âm dương cách biệt
Vào dịp tảo mộ trong ngày “Bỉ ngạn mùa thu,” thường thấy hoa Thạch toán màu đỏ hoặc màu trắng nở rộ. Thạch toán là hoa Long Trảo (móng rồng), ở Nhật Bản nó được gọi là “Manjusaka,” bắt nguồn từ tiếng Phạn Mañjusaka. Hoa này còn có một biệt danh khiến mọi người khó quên – “Hoa Bỉ ngạn,” vì nó nở rộ vào khoảng “ngày Bỉ ngạn mùa thu.”
Thạch Toán được gọi là “Hoa Bỉ ngạn” thực sự rất phù hợp. Không chỉ nở vào “ngày Bỉ ngạn mùa thu,” mà loài hoa này thường thấy xuất hiện từng cụm trên mộ địa. Thạch Toán có đặc điểm là hoa và lá không sống cùng nhau, dễ khiến người ta liên tưởng đến đặc điểm “bờ bên này” và “bờ bên kia” không gặp nhau. “Hoa Bỉ ngạn,” nếu lá rụng thì hoa nở, nếu hoa tàn thì lá lại tốt tươi, hoa và lá luôn không gặp nhau, giống như hai thế giới âm dương cách biệt, sinh-tử mờ mịt không rõ.
Hoa Bỉ ngạn (còn gọi là Hoa Mạn châu sa) thông thường có hai loại: hoa đỏ tươi và hoa trắng như tuyết. Hoa đỏ tươi một màu rực rỡ như mang hơi ấm cho cố nhân, hoa trắng một màu tinh khiết như hoa vong tình, tuyệt thế mà an tĩnh, trống không.
“Cánh đồng Sukāfu” ở thành phố Hidaka, tỉnh Saitama, Nhật Bản có 5 triệu cây hoa Mạn Châu Sa, trở thành nơi có hoa Mạn Châu Sa lớn nhất ở Nhật Bản. Có hai loại hoa Mạn Châu Sa phổ biến: hoa đỏ tươi và hoa trắng như tuyết. (Ảnh: Diệp Thiếu Âm/Epoch Times)
Bến mê thuyền dễ độ, bờ kia bè khó tìm
Thu phân và Xuân phân tuần tự theo khí hòa hợp của trời đất mà sinh, mà thành. Bờ bên này, bờ bên kia dựa theo định luật sinh tử luân hồi mà đến, mà đi. Đời người đầy những đau khổ như sinh, lão, bệnh, tử, khó vượt qua được thành, trụ, hoại, diệt. Chim hồng bay xa, chỉ lưu lại móng vuốt trên tuyết và bùn, trong thoáng chốc tan đi không để lại dấu vết. Có Tiên phương diệu pháp nào để thoát khỏi quy luật thông thường này? Biết bao bậc Đế vương, danh sĩ và người tu hành trong lịch sử đã truy tầm con đường bước sang bờ bên kia và trường sinh bất tử! Nghiễm nhiên đây là vấn đề lớn nhất của sinh mệnh.
Trong thơ của Hồ Ứng Lân thời nhà Minh có câu: “Mê tân hàng dịch độ, bỉ ngạn phiệt nan tầm” (Tạm dịch: “Bến mê thuyền dễ độ, bờ kia bè khó tìm”) (Trích “Kết hạ Tây Sơn chư Phật sát hiệu sơ thịnh thể vi bài luật thập thủ, kỳ thất”). Đó là sự thật! Tuy nhiên, cũng không hẳn là như vậy! Đời người mê chìm khó tự giác ngộ, người có thể giải thoát khỏi bến mê để đến bờ bên kia thì lại càng hiếm thấy trong thiên thu vạn đại. Ngày nay, Đại Pháp có thể độ nhân và đưa con người hồi về Thiên thượng đã được hồng truyền trên khắp thế giới!
Nhân gian có hai phần thiện-ác, và việc tu trì hành thiện không giới hạn trong hai ngày Xuân phân – Thu phân. Sau Thu phân, khí dương ban ngày tổn và theo âm, do đó, hành thiện để rèn luyện tinh thần, chớ tùy âm khiến dương tổn. Chúng ta hãy tranh thủ thời gian để tỉnh xét nội tâm, tu trì, tu bỏ đi quan niệm hậu thiên và chấp trước. Nếu có thể phản bổn quy chân như hoa bỉ ngạn màu trắng tinh khiết, thì bờ bên kia chẳng phải cũng gần lắm sao!
Tường Vân biên dịch
Theo: epochtomesviet