Hồi đó tôi có ăn thịt rùa nhưng sau này thì không ăn nữa nhưng vẫn còn ăn cua đinh mà người Bắc gọi là con ba ba vì quan niệm "ba ba không phải là rùa" mặc dù ba ba cũng nằm trong "bộ rùa".
Trong các món nhậu hơi "rừng" một tí, tôi không đủ can đảm uống máu rắn hay dơi quạ nhưng với máu "cua đinh" thì uống được vì cảm giác nó tươi hơn, không tanh và rất bổ. Có lẽ vì vậy mà đám đàn ông Hong Kong, Đài Loan và TQ mê lắm , họ gọi nó là "thủy ngư" (水魚). Những món tôi thích ăn là cua đinh hầm thuốc bắc, rang muối hay khìa, mà ngon nhât có lẽ là mấy miếng rìa, vừa giòn vừa ngon.
Có một bài vui vui về con ba ba, mời các bạn.
BA BA KHÔNG PHẢI LÀ RÙA
Từ điển Bách khoa Việt Nam đã mắc sai lầm? Buổi cơ cầu, các doanh nhơn thường được thầy phong thuỷ dặn kỹ: chớ ăn thịt rùa. Chủ nhà hàng đã kỵ ăn còn kỵ bán thịt rùa. Nhưng ba ba vẫn bán hà rầm.
Thầy đúng, từ điển tất sai. Vì từ điển chú giải ba ba còn gọi là rùa ba vuốt. Thực ra, sự vụ rùa vốn lắm mâu thuẫn. Trong huyền sử của ta, rùa vốn là “tổ sư bồ đề” của ngành kiến trúc và ngành khí tài chiến tranh. Không có “cụ”, Cao Lỗ ắt bó tay khi xây thành Cổ Loa, chế không ra Linh Quang kim trảo thần nỏ. Thiện tai! Thiện tai! Kinh doanh trong mấy ngành đấy, ắt phải “rước” cụ mới phải. Nhưng, cụ còn là vua phản gián khi “phán chết” Mỵ Châu vì tội gián điệp; chẳng đúng người đúng tội tí nào. Ác tai! Ác tai!
Món rùa cũng mâu thuẫn không kém. Một đằng cho rùa là chậm, nên thầy phong phán không ăn đặng. Nhưng thầy đông lại phán ăn rùa bổ nhiều thứ. Vận động viên Trung Quốc thi đấu quốc tế cũng dùng món rùa để đạt thành tích cao. Đến độ một thời, sau khi kiện tướng điền kinh Mã Gia Quân ba lần vô địch thế giới, nổi lên vụ đổ xô mua “cao ba ba”. Có ông bạn đồng nghiệp lần đầu tiên uống huyết rùa pha rượu xong, quả quyết chuyện dễ “phạm thượng”: “Uống xong, mắt sáng hẳn lên. Chạy xe mấy chục cây số vừa nhanh vừa không biết mệt”. Nếu đây là ca “chuột bạch” khả tín, ừm! Lại có người một hai cho rằng rùa ăn sung lắm. Mấy ông doanh nhơn nghe vụ này chắc rồi cũng bỏ thầy phong mà theo thầy đông. Bằng không tiệc tùng tăng hai ở đâu mà còn.
Sáng sớm, điện hỏi ông bạn ở Đầm Dơi, Cà Mau, rùa độ này giá cả ra sao. Câu trả lời: “Rùa lóng rày hiếm, giá mắc. Rùa ngon cả triệu một ký. Rùa thường cũng phải vài trăm”. Mà rùa ngon thiệt. Phải tội lúc nguội, tẩm ướp không kỹ, hơi tanh. Nhưng gặp tay đầu bếp – chẳng lấy gì làm siêu – chuyện nhỏ như con thỏ. Nhưng chỉ sợ không đủ rùa chớ không sợ nguội.
Món rùa tối giản (đến trùm tối giản người Nhật cũng phải lấy nón) lại ngon nhất là rùa rang muối. Chẳng biết ai là tác giả. Có lẽ cũng là dân ở miệt sông nước Cà Mau. Nơi nhiều rùa nhiều rắn, lại sẵn “kho” muối hột Gành Hào danh truyền không thua công tử Bạc Liêu. Người dạy tôi làm rùa rang muối và thưởng thức nó là ba tôi. Ông có thời chinh chiến ở miền Tây, nên thọ giáo đất ấy chăng? Rùa rang xong, đang nóng trên bếp, đổ tí rượu vào thì chuyên gia Coco Chanel cũng tìm không thấy chút tanh nào.
Rùa hàng “thượng đỉnh G7” phải kể là rùa trấp sống trên núi. Khi phải trốn địch thủ, biết ta chạy chậm, nó co cả người và cái yếm đóng ập vào cái mai kín như một cái trấp. Nhưng địch thủ là người thì a lê hấp, mời vào gùi. Đó là thời theo dân điệu đi tìm trầm hương, rùa trấp nhiều lắm. Nhưng bắt nó phải lén lút vì bầu (nhóm) trưởng có lệnh: gặp rắn đi gặp qui về. Đổ trại tối hôm ấy, món cháo rùa hớp hồn kẻ đang thời cơ cầu.
Húp cháo rùa (ý nói là “phá sản” điều gì đó) và cái sự ngon của cháo rùa chẳng liên quan gì đến nhau. Bên Anh, thời thực dân, rùa xanh được nhập từ Ấn Độ về, được làm món xúp rùa nổi tiếng. Cháo rùa nằm trong list món danh dự đãi khách. Về sau không có rùa mới đẻ ra món mock turtle soup nấu toàn bằng não và nội tạng, móng vó bò nghé. Đại khái giống món giả cầy ở ta.
Nhưng rùa trấp bây giờ không còn mấy nữa. Đã rửa chân ngồi lên Sách đỏ.
Ba ba – rùa ba vuốt – lại làm đầu danh mục của các nhà hàng có số má. Nhà hàng Duyên Hải dưới Cần Giờ còn có đến thất thập nhị món ba ba bán giá “ăn rong” trong mùa hè này. Kiểu 72 tuyệt kỹ chùa Thiếu Lâm ấy mà. Nói đi cũng phải nói lại cho những “tín đồ” tuyệt đối của thầy phong: ba ba dưới nước bơi nhanh bà cố. Chẳng thể chậm như rùa, mặc dầu chúng vẫn là rùa, để phải cất công kỵ ân.
Ngữ Yên
(Sưu tầm trên mạng)
Phụ chú:
Rùa – tác giả Gia định thành thông chí gọi là loài có mai và phân ra rùa núi, rùa ở đầm (tục gọi cần đước), ở sông (tục gọi cần thay), có loại nhỏ đường kính độ một tấc ta, gọi là chuỷ huề (trắng bông) mai mỏng như vỏ đồi mồi. Miết, tục gọi là cua đinh (con trạnh), con nhỏ gọi là hôn, đầu nhọn, hay cắn, có rìa mai (vè mai) vị ngon giòn, con nhỏ càng ngon hơn, nên ngạn ngữ có câu: qui cân1 miết lượng [ăn rùa lựa con lớn được một cân, ăn trạnh lựa con nhỏ (con hôn) một lượng]. Phong miết (tục gọi là con ba ba): không có vè mai, mai có lớp da mềm, hình nó tròn vum, như trái núi. Con đồi mồi và con hải miết (con vích) đường kính lớn đến 4, 5 thước ta2.
Trịnh Hoài Đức, quyển 5, Vật sản chí (1)Cân = 600g; (2)thước: 0,324m.
No comments:
Post a Comment