Monday, September 26, 2016

NGUYỄN NHƯỢC PHÁP VÀ MỘT MỐI TÌNH

Nói đến Nguyễn Nhược Pháp chắc chắn ai cũng liên tưởng đến bài thơ :"Đi Chùa Hương", một bài thơ thật tuyệt vời nói về một mối tình trong sáng và đầy lãng mạn của cô con gái 15 tuổi. Nguyễn Nhược Pháp chết quá sơm ở tuổi thanh niên và để lại tập thơ "Ngày Xưa".



Hôm nay lang thang trên mạng đọc được một bài viết của Huyền Viêm nói về ông, xin share lại để mọi người cùng đọc và thương tiếc cho một thi sĩ tài hoa nhưng vắn số:

NGUYỄN NHƯỢC PHÁP VÀ MỘT MỐI TÌNH


Sơ lược thân thế

Nguyễn Nhược Pháp là con trai thứ của văn hào Nguyễn Văn Vĩnh và là em nhà thơ Nguyễn Giang, sinh ngày 12­/12­/1914 ở Hà Nội. Ông theo học trường Albert Sarraut, sau khi đỗ Tú tài, ông theo học luật một thời gian ngắn, cùng khóa với Phạm Huy Thông và hai người trở thành bạn thân.

Nguyễn Nhược Pháp bắt đầu làm thơ từ năm 18 tuổi (1932). Ngoài thơ, ông còn viết truyện ngắn, kịch, phê bình. Tác phẩm của ông đăng trên các báo L`Annam nouveau (An Nam mới), Tinh Hoa, An Nam tạp chí, Nhật Tân, Hà Nội báo…Tác phẩm đã xuất bản có tập thơ Ngày xưa và kịch bản Người học vẽ. Ngoài ra, trên bìa sau thi phẩm Ngày xưa có rao sẽ xuất bản tập thơ “Ngày xanh” của cùng tác giả, nhưng chưa thấy in và cũng không biết số phận bản thảo tác phẩm đó nay đã ra sao.


Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp
Ngày 19­/11­/1938, lúc 7 giờ sáng, Nguyễn Nhược Pháp qua đời tại bệnh viện Lanessan Hà Nội vì bệnh thương hàn, hưởng dương 24 tuổi, cái tuổi tha thiết yêu đời và tràn đầy sinh lực sáng tạo.

Đọc tập thơ Ngày xưa, Ông Tự Trị viết :“Tôi chắc là Nguyễn Nhược Pháp vừa viết thơ vừa tủm tỉm cười. Tôi vừa tủm tỉm cười. Tôi chắc ông Giang đọc thơ em cũng tủm tỉm cười. Những bác thợ xếp chữ ở nhà in cũng đã cười, và ai đọc đến cũng sẽ cười”.

Bàn về cảm tình của người đọc với thơ Nguyễn Nhược Pháp, Hoài Thanh viết những lời trân trọng:“Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp. Không mến sao được? Với đôi ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp đã làm sống lại cả một thời xưa. Không phải cái thời xưa nặng nề của nhà sử học, cũng không phải cái thời xưa tráng lệ hay mơ màng của Phạm Huy Thông, mà là thời xưa gồm những màu sắc tươi vui, những hình dáng ngộ nghĩnh. Thời xưa ở đây đã mất hết cái vẻ rầu rĩ cố hữu và đã biết cười, cái cười của những “thắt lưng dài đỏ hoe” và những đôi “dép cong” nho nhỏ…”

Tập thơ "Ngày Xưa"
Nét đặc biệt trong thơ Nguyễn Nhược Pháp là ông đã làm sống lại trong thơ cả một ngày xưa, cái ngày xưa rất thực mà cũng cũng rất thơ, nào là:


Mơ quan Nghè, quan Thám
Đi có cờ lọng đưa

nào là:


Vừa leng keng tiếng ngựa
Lẹ gót tiên gieo cầu

hay:

…..Vua tùy con kén chọn,

Mỵ nương khép nép như cành hoa:
Con đây phận đào tơ bé mọn,
Nhân duyên cúi để phần mẹ cha.

Được dệt bằng những tứ thơ thông minh, những vần điệu dí dỏm, cái ngày xưa trong thơ ông chẳng khác gì những bức tranh ngộ nghĩnh, vui vui và gợi cảm.

Trong gia đình

Nguyễn Nhược Pháp là con của vợ bé ông Nguyễn Văn Vĩnh. Mẹ ông là bà Phan Thị Lựu, người Lạng Sơn, đẹp nức tiếng. Lúc cha mẹ ông kết hôn, cha ông đã có vợ cả và mấy đứa con sống trong một biệt thự ở phố Mã Mây Hà Nội. Hồi ấy học giả Nguyễn Văn Vĩnh có một khách sạn gần Hồ Gươm, bà Lựu cùng gia đình buôn bán đường xa thường lưu lại khách sạn này. Cảm vì sắc, mến vì tài, họ đến với nhau và nên duyên chồng vợ. Bà Lựu sống cùng chồng ở căn nhà ngay trong khuôn viên khách sạn, chung quanh là cảnh sắc đẹp đẽ, xinh tươi.

Chữ ký của Nguyễn Nhược Pháp
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh không chỉ nổi tiếng vì giàu có mà còn là người tài hoa và đa tình. Lấy bà Lựu được vài năm, ông Vĩnh bắt đầu say mê một cô đào lai Tây đẹp tuyệt trần. Bà Lựu tìm mọi cách để giữ ông không được nên tự vẫn, để lại đứa con thơ là Nguyễn Nhược Pháp mới hai tuổi.

Bà cả là Đinh Thị Tính xót thương Nguyễn Nhược Pháp còn quá nhỏ mà đã mất mẹ nên đem về nuôi. Bà Tính là người độ lượng, thương yêu Pháp như các con của mình. Từ đó, Pháp sống trong vòng tay mẹ cả và các anh chị em cùng cha khác mẹ một cách thân tình và ấm áp. Bà Tính thường nói bà Lựu dại, chết vô ích để lại đứa con thơ, trong khi người đáng ghen phải là bà mới đúng.

Bóng hồng trong thơ

Cũng như bao thi nhân khác, Nguyễn Nhược Pháp cũng yêu và nuôi biết bao hy vọng. Người trong mơ của Pháp là Đỗ Thị Bính, sinh năm 1915, nhỏ hơn Pháp một tuổi. Nàng là con gái ông Đỗ Lợi, nhà tư sản lớn nhất Hà thành lúc đó. Cô Bính da trắng nõn nà, vóc người thanh tú cao sang, lúc ra đường có biết bao vương tôn công tử bám theo suốt quãng đường dài.


Người đẹp áo đen Đỗ Thị Bính
Nàng rất thích mặc áo dài màu đen nên người đương thời gọi nàng là “người đẹp áo đen”. Nếu được cha mẹ mua cho quần áo khác màu thì nàng cất đi hoặc cho em chứ tuyệt nhiên không mặc màu gì khác màu đen.

Là tiểu thư khuê các giàu có lại đẹp nức tiếng, nhưng Bính được mọi người thương mến vì nàng rất bình dị, hiền hậu, sống chan hòa với mọi người, không phân biệt giai cấp.

Hồi ấy, trước hiên nhà Bính ở phố Nguyễn Thái Học có hoa phong lan, hoa hồng thơm ngát, chiều chiều nàng thường ra ngắm hoa rồi ngồi trên ghế đá đọc sách. Bấy giờ Nguyễn Nhược Pháp đang làm việc tại tòa báo L`Annam Nouveau, những buổi đi về thường tìm cách đi ngang nhà cô Bính để ngắm giai nhân rồi về nhà làm thơ ca tụng người đẹp:


Nàng chợt nghiêng thân ngà,
Thoáng bóng người xa xa.
Ta mơ chưa lại hồn,

Nàng lẹ gót lầu son.
Vừa toan nhìn nét phượng
Giấy thẹn bay thu tròn.

(Một buổi chiều xuân) 

Hình ảnh giai nhân trong thơ Nguyễn Nhược Pháp đều lấy từ hình ảnh cô Bính, người chàng thầm yêu trộm nhớ. Tả Mỵ Nương, con gái vua Hùng Vương thứ 18, “xinh như tiên trên trần” cũng chính là hình ảnh cô Bính:

Tóc xanh viền má hây hây đỏ,
Miệng nàng bé thắm như san hô.
Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ.

Và sự hồn nhiên của cô gái đi trẫy hội chùa Hương:

Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.
Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo giải yếm đào.
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao

(Chùa Hương)

Lại nữa:

Cúi đầu nàng tha thướt
Yêu kiều như mây qua.
Mắt xanh nhìn man mác,
Mỉm cười vê cành hoa (*).

(Tay ngà)

Nhưng tình duyên chưa thành thì chàng thi sĩ đa tình của chúng ta đã phiêu lưu vào cõi vĩnh hằng. Thi nhân cũng như mỹ nữ và danh tướng “bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”. Nàng giai nhân áo đen cũng đau buồn, rơi lệ vì chàng thi sĩ đa tình.

Ảnh cưới của người đẹp áo đen với ông Bùi Tường Viên 

Hơn một năm sau, gia đình thuyết phục cô Bính kết hôn với một chàng trai du học bên Pháp mới về. Đó là kỹ sư Bùi Tường Viên, em trai út của luật sư Bùi Tường Chiểu. Đám cưới giữa người đẹp phố hàng Đẫy và chàng trai phố Quán Thánh với hàng chục ô tô sang trọng rước dâu được xem là một trong những đám cưới lớn nhất Hà Nội lúc bấy giờ.

Cách mạng tháng Tám nổ ra, cả gia đình bà Bính theo kháng chiến. Năm 1954, hòa bình lập lại, hai vợ chồng trở về Hà Nội và sống bình thường như muôn nghìn người khác.

(*) Xin chú ý : vê cành hoa, chứ không phải vẽ cành hoa (Cái dấu mũ trông giống như dấu ngã).

Ông Bùi Tường Quân, con trai út của người đẹp Đỗ Thị Bính
và bức ảnh của người đẹp được "truyền thần" sang chiếc đĩa sứ.
 

Bài thơ vui dưới đây là di cảo của Nguyễn Nhược Pháp do nhà thơ Bùi Khánh Đản, một bạn thơ của Nguyễn Nhược Pháp, có cái may mắn còn giữ được. Bài thơ này không có trong tập Ngày xưa, đã được đăng lần đầu trên tạp chí BÁCH KHOA số 93 ngày 15­/11/­1960.

CĂN GÁC NHỎ

Ngõ hẻm bùn rêu đầu gác nhỏ,
Văn nhân tài tử mươi lăm người.
Ngọn đèn suốt canh thâu lấp ló,
Văn nhân lên ở cao gần trời.
Tiền không, vui trong đời mộng tưởng, 
Viết nhiều, áo họ lòi khuỷu tay. 
Bờm tóc như bòng bong ngất ngưởng 
Khi nào họ gật đầu khen hay. 
Thường khách tài hoa mê nàng Đẹp, 
Thay cơm bằng hai xu phở bò. 
Có khi óc đầy nhưng bụng lép, 
Thu chăn đành ngủ dài cho no. 
Rồi họ mê đời yêu họ quá, 
Tri âm là muôn ngàn tim thơ. 
Rồi mơ đến Bồng lai cảnh lạ, 
Xong vào Đông Hưng viên đương chờ. 
Bừng mắt thì mưa thầm tí tách, 
Gió thổi làn mây bay ơ hờ. 
Sờ bụng không cơm, chìa khuỷu rách, 
Nhìn trời, họ nhẩm mấy vần thơ. 

NGUYỄN NHƯỢC PHÁP 

Ở đây, ta cũng bắt gặp nụ cười hiền lành, có duyên và đáng mến của Nguyễn Nhược Pháp.

HUYỀN VIÊM
đăng trong: newvietart
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ SàiGòn ngày 03/07/2016



No comments: