Giai thoại thư họa:
DANH HỌA TỀ BẠCH THẠCH (齊白石) ĐI CHỢ
Tề Bạch Thạch là bậc danh họa lớn chuyên vẽ tranh thủy mặc của Trung Quốc. Người ta biết về ông, kính trọng ông, không chỉ qua những tuyệt tác nghệ thuật trong di sản hội họa đồ sộ ông để lại, mà còn vì nhân cách ngay thẳng, lối sống đời thường rất bình dân của ông.
Xin kể dưới đây một chuyện giai thoại thú vị về ông.
Với một sự nỗ lực không mệt mỏi, tên tuổi Tề Bạch Thạch ngày một nổi trội trong họa đàn, ngay thường dân của thành Bắc Kinh cũng biết đến tiếng tăm ông. Ngoài sáng tác hội họa, ông còn thích thú với việc bếp núc, và thường xuyên tự đi chợ để mua thức ăn.
Một buổi sớm, ông Tề lại xách giỏ đi mua rau. Giữa chợ, thấy hàng rau cải trắng của một chàng nông dân trông to bắp mà tươi rói, ông liền hỏi: “Cải trắng này anh bán bao nhiêu một cây?” anh chàng nông dân vừa định trả lời, thì đã kịp nhận ra Tề Bạch Thạch, anh ta liền cười ranh mãnh và nói: “Cụ muốn mua rau à, cháu không bán đâu.” Ông Tề nghe vậy thấy hẫng, ông hỏi: “Không bán thì anh ra đây làm gì?” anh ta trả lời: “Cụ muốn ăn rau của cháu thì phải đổi lấy bằng tranh vẽ.”
Tề Bạch Thạch hơi ngớ ra, nhưng rồi hiểu ngay, biết anh chàng đã nhận ra mình, ông liền nói: “Đổi bằng tranh ư? Được thôi, nhưng không biết sẽ phải đổi bằng cách nào?”. Anh ta trả lời: “Cụ vẽ cho cháu một cây rau cải trắng, cháu sẽ biếu cả xe rau này cho cụ”.
Tề Bạch Thạch cười khoái chí: “Anh bạn trẻ ơi, như vậy là anh bị hớ to rồi!” – “Không, không có hớ đâu, cụ vẽ là cháu đổi ngay.” “Được!” Tề Bạch Thạch cũng đã hứng chí, “Mau đem giấy bút đây!” Chàng trai hớn hở chạy đi mua giấy tuyên với bút mực, rồi dọn mượn một chiếc bàn, và mời Tề Bạch Thạch tác họa. Ông Tề nhấc bút vung tay, vẽ tranh ngay giữa công chúng….
Chỉ một lát sau, một bức thủy mặc tao nhã thanh đạm, vẽ rau cải trắng đã thành hình trước sự trầm trồ thán phục của người xem. Tề Bạch Thạch buông bút nói với người bán rau: “Anh bạn trẻ, tranh này là của anh, còn rau kia nay đã thuộc về tôi rồi.” “ Vâng, vâng, xe rau này là của cụ cả đấy ạ!” Tề Bạch Thạch nhìn xe rau đầy ự, nói: “Anh bạn ơi, đống rau tú hụ thế này tôi biết vác về cách nào đây?”.
Anh chàng nghĩ ngợi rồi nói: “Thế này vậy, cụ vẽ thêm cho cháu con châu chấu lên tranh rồi cháu xin biếu cả chiếc xe này cho cụ.” chẳng nói chẳng rằng, ông Tề cầm bút vẽ luôn một chú châu chấu sống động, to bự lên tranh. Chàng bán rau nhìn tranh và không ngớt lời khen đẹp, anh ta vừa cẩn thận cất tranh vừa nói: “Xin cụ đợi chút, cháu đưa rau đến nhà cụ ngay đây ạ”.
Dọn dẹp qua loa, rồi anh chàng nhấc càng xe đi liền. Tề Bạch Thạch vội ngăn lại, ông tiện tay lấy một cây rau bỏ vào trong giỏ, và nói: “Anh bạn trẻ, rau cải trắng nên một đổi lấy một thôi, chỗ còn lại anh cứ để mà bán!” Anh ta nghe thế vội nói: “Đâu có được, đã giao kèo trước rồi, rau và cả xe này đều là của cụ rồi.” Tề Bạch Thạch nói: “Nhưng làm sao mà nhà tôi ăn hết được ngần này rau kia chứ?” “Cụ cứ để ăn dần.” “Không được…..”
Hai người cứ thế tranh chấp mãi, rồi chàng trai đột nhiên buông xe xuống, ôm một đống cải trắng, vừa bỏ vào làn giỏ của những người chung quanh, vừa lớn tiếng: “Cầm giúp, xin cứ cầm giúp, bữa nay cụ Tề mời mọi người ăn rau cải trắng vừa tươi vừa bự này đây!”.
Chỉ một lát, xe rau đã chẳng còn lại bao, Anh ta cười tươi tắn và nói với Tề Bạch Thạch: “Bây giờ thì không nhiều nữa đâu nhé, để cháu đưa về cho cụ đây!” Nhìn vẻ mặt hiền hậu chân chất của anh nông dân trẻ tuổi, Tề Bạch Thạch chỉ còn biết cười và cùng anh ta đi về phía ngõ nhỏ nhà mình.
Từ đó, cứ cách vài hôm là anh chàng lại đưa một ít rau tươi lên biếu Tề Bạch Thạch, và ông Tề cũng tặng lại anh ta một vài bức tranh. Lâu dần, hai người đã kết bạn vong niên.
Phó Thiên Tùng
Báo Thư họa Trung Quốc