Vị thầy rất bằng lòng về sự tu học cũng như kinh nghiệm gặt hái được của các đệ tử mình. Họ đã rút tỉa được rất nhiều kinh nghiệm sống cũng như đã thâu lượm được tinh hoa của sách vở, kinh điển.
Cuối cùng, người đệ tử chậm trở về với thầy cũng đã trở về.
Ông thầy nói:
-“Con đã về sau các huynh đệ con. Chắc con đã học hỏi được nhiều hơn?”
-“Con chẳng học được gì cả, hơn nữa con cũng quên luôn những gì Thầy đã dậy con.” Người học trò điềm nhiên trả lời.
Ông thầy bực bội, tuyệt vọng lắc đầu, bỏ đi.
Một ngày kia, người học trò “đặc biệt” đó vào kỳ lưng tắm cho thầy, khi kỳ eo lưng cho thầy, người học trò lẩm bẩm và vỗ vỗ vào lưng thầy mình:
-“Cái điện thờ thì đẹp, nhưng tiếc quá bên trong, không thấy tượng Phật đâu cả.”
Ông thầy nghe nói vậy, giận lắm. Ông ta hiểu nó muốn ám chỉ gì mình đây. Người đệ tử thấy thầy giận thì cười ha hả. Ông thầy càng đỏ mặt tía tai, hăm rằng nếu nó còn xấc láo như vậy nữa, ông ta sẽ tống cổ nó ra khỏi tu viện.
Ngày khác, khi ông thầy đang chăm chú ngồi đọc sách, người đệ tử đó lại đến gần, ngồi cạnh thầy. Ông thầy vẫn chăm chú tiếp tục đọc. Vào lúc đó, có một con ong bay lạc vào phòng và nó cố tìm đường ra. Nhưng con ong như bị lạc hướng. Cánh cửa phòng rộng mở như vậy mà con ong cứ húc đầu vào cánh cửa sổ đã đóng chặt. Con ong cứ húc đầu vào cánh cửa đóng đó mãi và tiếng ong kêu dzì dzì …làm người nghe phát sốt ruột.
Anh chàng đệ tử vội kêu lên:
-“Nè, con ong ngu xuẩn kia, không phải cánh cửa đó đâu. Hãy dừng lại, đừng húc đầu vào giấy dán cửa sổ nữa và nhìn lại sau ngươi đi. Cánh cửa mở rộng đó kia kìa!”
Không phải con ong mà chính ông thầy nghe những lời học trò mình nói, và ông đã “tìm thấy cánh cửa.” Đây là lần đầu tiên, ông nhìn kỹ vào mắt đệ tử mình. Đó không phải là đứa học trò mà ông đã cho nó đi tham vấn nữa. Ông thầy hiểu đệ tử mình đã trở về sau khi “nhận thức được điều gì” chứ không phải đã “học được” điều gì. Giờ thì ông đã hiểu câu nói của đệ tử mình “điện thờ không linh vì không có Phật.” Ông nhìn con ong và thấy nó cũng tìm được lối ra rồi.
Câu chuyện này là thông điệp của tôi. Đó là những gì tôi cứ nói mãi, nói đi nói lại, không thôi.
Khi dòng tâm thức thôi không xao động nữa, Phật Tánh, Chân Như xuất hiện.
Tôi mời bạn đi vào Chân Không. Đó là lời mời vào tôn giáo. Nếu bạn nhận lời mời này, bạn là một người có tôn giáo. Chúng ta chỉ cần có vậy thôi.
Theo "Pointing The Way" của Bhagwan Shree Rajneesh
(Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Minh Tâm dịch)
No comments:
Post a Comment