Sử chép rằng năm 1232, Trần Thủ Độ lập mưu chôn sống hơn 300 tôn thất nhà Lý khi họ đang tế lễ. Sự việc đến nay vẫn còn nhiều điểm đáng ngờ.
Nghi án từ sử cũ
Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ Trần Thái Tông chép: “Nhâm Thìn năm thứ 8 (1232)… Tháng 8, gió to, dân gian phát dịch lệ, nhiều người chết. Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý. Khi ấy Thủ Độ chuyên chính lâu ngày, đã giết Huệ Tôn, tôn thất nhà Lý đều bùi ngùi thất vọng. Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ cúng các vua Lý đời trước ở Thái Đường xã Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu làm nhà lên trên, đợi khi người ta uống rượu say, giật máy chôn sống hết. (Xét thời Trần Anh Tôn còn có người họ Lý làm tướng; vả lại sử của Phan Phu Tiên không thấy chép, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm ghi lại)”.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng chép tương tự Đại Việt sử ký đồng thời ghi chú thêm rằng: “Thái Đường: tên thôn, thuộc huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh; chỗ này là hành cung nhà Lý trước”.
Đại Việt sử ký toàn thư là cuốn sử cổ nhất chép về sự kiện này, các sử gia đời sau đều theo đó mà biên chép vào sách của mình như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sỹ. Tuy nhiên, ngay trong các lối chép của cuốn sử cổ nhất là Đại Việt sử ký ta cũng đã thấy có điều chưa chắc chắn.
Sau khi chép lại sự việc trên thì Ngô Sĩ Liên viết thêm trong ngoặc rằng: Xét đời Trần Anh Tôn còn có người họ Lý làm tướng và trong sử của Phan Phu Tiên không thấy chép nên sự việc chưa chắc đã có, nay hãy cứ tạm ghi lại.
Tại sao chưa chắc chắn mà vẫn chép vào sử? Chỗ này cần phải hiểu thêm bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Sau khi quân Minh sang xâm lược nước ta năm 1407, vua Minh đã ra lệnh đốt bỏ hết sách vở, đục phá hết văn bia ở nước ta. Bất kỳ một vật gì có chữ đều phải phá hủy, tịch thu hết. Mục đích của quân minh rất thâm độc, nhằm hủy hoại nền văn hóa của người Việt. Mất sử, mất văn hóa là mất gốc, dần dần người Việt sẽ bị đồng hóa thành người Hán, đất Việt sẽ thành quận huyện của Trung Quốc.
Bộ sử Đại Việt sử ký của Ngô Sĩ Liên hoàn thành năm 1479 dưới triều vua Lê Thánh Tông tức là sau khi nhà Lê đánh đuổi được quân Minh. Ngô Sĩ Liên đã viết bộ sử này dựa trên bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu từ đời Trần, trong hoàn cảnh mọi tư liệu gốc đã mất sạch rồi. Để bổ sung tư liệu, Lê Thánh Tông cho phép chép cả những truyền tụng trong dân gian hoặc các ghi chép dã sử. Điều này được Ngô Sĩ Liên xác nhận trong lời đề tựa tập sách khi dâng lên vua Lê Thánh Tông: “Hoàng thượng trung hưng cơ nghiệp, sùng nho trọng đạo, săn sóc sách vở, khảo xét văn chương, khoảng năm Quang Thuận, xuống chiếu tìm kiếm dã sử và các truyện ký xưa nay của các tư nhân chứa giữ, đều khiến dâng cả lên để sẵn tham khảo”.
Như thế, có thể nói rằng sự việc này được lấy từ một nguồn chưa đáng tin cậy lắm nên sử thần Ngô Sĩ Liên mới phải viết lời giải thích thêm vào.
Giả thiết hiện đại
Trong cuốn Thuyết trần sử nhà Trần, Trần Xuân Sinh nêu quan điểm: “Việc sửa soạn làm lễ lớn tế tổ tiên họ Lý tại đền thờ trong thôn người họ Lý ở, mời hoàng thượng, hoàng hậu đến dự, là công việc của người họ Lý chứ đâu phải là triều đình, mà nếu có nhà vua chủ trương, thì đào hầm lớn trước đền thờ ở ngay trong thôn người họ Lý ở, làm sao những người này lại mù tịt không biết được, khôn khéo đến mức nào chăng nữa, cũng không thể che giấu được ai”.
Quan điểm của Trần Xuân Sinh không phải không có lý. Bởi lẽ, theo như Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Thái Đường là hành cung của nhà Lý khi trước. Nơi đây lại là đất gốc của dòng họ Lý, dân chúng phần nhiều là dòng dõi họ Lý hoặc đã nhiều đời được hưởng ân đức của triều đình. Bởi thế, chọn một nơi mà điều kiện dân chúng không thuận như vậy để ra tay quả là một điều rất ngốc nghếch. Một người cơ mưu như Trần Thủ Độ, đâu dại gì mà làm việc tất hỏng như thế.
Từ điểm này, Trần Xuân Sinh phát triển đến một giả thiết khác về câu chuyện. Ông cho rằng có thể tôn thất nhà Lý sau khi mất cơ nghiệp vẫn ôm bụng oán thán muốn lấy lại cơ đồ. Họ muốn giết Trần Thái Tông và Lý Chiêu Hoàng nên mới lập mưu dùng ngày tế lễ để mời hoàng thượng và hoàng hậu về vì dù sao Trần Thái Tông cũng là rể họ Lý. Bên trên họ cho dựng một cái nhà tạm bằng tre thật rộng để làm chỗ tế lễ. Nhưng bên dưới căn nhà là hố sâu đã có thiết kế sẵn máy móc để khi phát lệnh là làm sụt hết những người ngồi trên xuống hố.
Bằng cách nào đó, Trần Thủ Độ đã biết trước âm mưu ấy nhưng ông không ra tay ngăn cản vua đến tế lễ mà dùng phép tương kế tựu kế. Vào lễ, Thủ Độ cho đổi vị trí của hoàng thượng cho các tôn thất nhà Lý rồi sai người phát động máy móc để cho các tôn thất này rơi xuống hố. Thủ Độ bèn cho người lấp đất chôn sống hết những người này và rồi tuyên bố cho mọi người biết mưu gian của những kẻ kia đồng thời đề cao lên rằng vua Trần không bị hại vì có thiên mệnh còn những kẻ chủ mưu bị đền tội vì dám chống thiên mệnh. Làm như thế thực là nhất cử lưỡng tiện, vừa tiêu diệt được những mầm mống phản loạn lại vừa tuyên truyền được thiên mệnh của nhà Trần.
Vụ án này vẫn còn là điều tồn nghi không biết là có hay không nhưng lâu nay người ta chỉ truyền nhau nội dung câu chuyện, còn cái phần trong ngoặc của Ngô Sĩ Liên thì vô tình hay hữu ý ít người nói cho rành rẽ. Bởi thế câu chuyện vẫn lan đi như một sự thực mười mươi. Mặc dù vậy, nếu sự việc là có thật thì cũng có thể thấy rằng giả thiết mà Thủ Độ đã tương kế tựu kế của Trần Xuân Sinh là có cơ sở thực tế hơn là quan điểm cho rằng Thủ Độ chủ mưu gia hại tôn thất nhà Lý ngay từ đầu.
(theo Kiến Thức)
No comments:
Post a Comment