Không ngờ Cần Thơ tiềm ẩn khá nhiều cái đặc sắc, hơn 80 năm trước Cần Thơ đã có đội bóng đá nữ và hiện nay sân vận động Cần Thơ lớn nhất VN với sức chứa hơn 50,000 người. Đội bóng đá nữ của Cần Thơ thời ấy đại diện cho trường Võ Văn, nếu tôi nhớ không lầm thì trường Võ Văn ở đường Nguyễn An Ninh mà hơn 50 năm trước thời tiểu học tôi đã đến đây học lớp Hè. Bài viết có nhắc đến sân bóng đá Tham Tướng không biết có phải là sân bóng đá Cần Thơ ở đường Quang Trung ngày trước hay không?
Xin mời người Cần Thơ cùng đọc bài đăng trên báo An Hà năm 1933:
"THUỞ NAY CHƯA CÓ ĐỘI TÚC CẦU TOÀN LÀ NỮ RA MẶT TẠI SÂN BANH THAM TƯỚNG CẦN THƠ" (*)
Tại Cần Thơ thời Pháp thuộc, đã sớm xuất hiện thị hiếu thể thao hiện đại là môn bóng đá (khi ấy gọi là túc cầu). Tuy nhiên, sẽ không có gì là đặc sắc nếu chỉ là phái mạnh chơi túc cầu. Bóng đá nữ xuất hiện ngay thời đó tại Cần Thơ. Sự kiện đầu tiên là bài tường thuật năm 1933 có ghi rõ "Thuở nay chưa có đội túc cầu toàn là nữ ra mặt tại sân banh Tham tướng Cantho’’(*), thuật lại trận thi đấu bóng đá giữa hai đội nữ của làng Cái Vồn (lúc ấy thuộc Cần Thơ) và nữ của trường Võ Văn. Người hướng dẫn, rèn tập cho đội Cái Vồn khi ấy là một thanh niên 28 tuổi, con nhà điền chủ, tốt nghiệp cử nhân nông học tại Pháp, làm việc trong ngành nông nghiệp, ông Phan Khắc Sửu. Ông là một nhà chính trị thanh liêm, khí tiết, từng bị thực dân Pháp bắt giam tại Côn Đảo 8 năm, bị chính quyền Ngô Đình Diệm bỏ tù cũng với bản án 8 năm nhưng thụ án 3 tháng thì chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ.
Đây là bài tường thuật được thực hiện bởi một tác giả nữ, ký tên là Mll Kim Hồng Điểu, đủ cả địa chỉ ở Nhơn Ái Cần Thơ. Xin trích một đoạn (giữ nguyên trạng chính tả hồi ấy): "Mấy hôm rày từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu củng nô nức mong cho mau tới ngày chủ nhật 2 Juillet đặng xem một hội banh toàn là nữ của bên Trà Kiết (Cái Vồn) với đội banh trường Võ Văn, ở Saigon báo đăng tin cho hay trước. Ngày chủ nhựt 2 Juillet quả có hội banh phụ nữ ra mắt tại sân Tham Tướng. Thiệt là phụ nữ đả tiếng mạnh một bước trên con đàng thể dục rồi vậy. Từ xưa đến nay tuy có nhiều báo hô hào khuyến khích chị em chơi thể thao... Nay nếu em chẳng lầm thì bác vật Phan Khắc Sửu là người ở Cái Vồn mấy tháng nay hết sức lưu tâm khuyến khích mấy cô thiếu nữ trong điền ông tập tành chơi thể thao. Bước đầu thật là khó khăn mà ông chịu nhọc nhằn cật lực cho đến ngày nay mới tạo thành một đội mới mẻ ấy. Đúng 3 giờ rưỡi chiều ông Phan Khắc Sửu chẩm rãi đi vào sân, theo sau là mười một chiến tướng mặc toàn một sắc phục: chơn may giày trắng, quần cụt, áo trắng bâu lật dài gần phủ quần, đầu thắt lục màu đọt chuối (bandeau) dây nịch bằng vải màu xanh đi giáp vòng sân chào mừng khán giả. Đội banh của trường Vỏ Văn cũng toàn là tiểu chiến tướng cũng vào sân ra mắt khán giả. Trái banh bị nước và sình quá nặng nên mấy cập giò yếu ớt của chị em đá không đi... Trận dấu cầu hôm nay là bước đầu của chị em ra mặt nên cách đá của chị em hảy còn non nớt, giao banh còn chậm, chạy chưa đặng mau. Thế mà em cầu chúc cho chị em theo giõi bước đường đừng ngã lòng rũng chí mặc cho anh em nam tử bên kia cười nhạo báng. Em lấy làm lạ cho phe ở ngoài nhiều người la lối làm cho chị em khớp mà cách chơi phải bợ ngợ lở làng nhiều nổi. Bên Võ Văn thì nhường cho chị em đá nên rốt cuộc hai bên huề nhau, tuy hôm nay chị em là một trò vui của khán giả nhưng mà biết đâu một ngày kia chị em sẻ bước nhửng bước vửng vàng...’’.
Đây là một minh chứng cho phong trào bóng đá sôi nổi ở Cần Thơ trong nửa đầu thập niên 30. Báo An hà trong các năm 1930, 1931, 1932, 1933 đăng rất nhiều tin về "túc cầu’’. Trong các năm đó, ở Cần Thơ đã xuất hiện nhiều đội bóng đá (chủ yếu là nam) và tên của các đội thường là tên địa phương như các đội Cái Răng, Bình Thủy, Phú Thứ, Cái Chanh, Ba Láng, Rạch Giữa, Xóm Chài... Ngoài ra, các thông tin trên còn cung cấp thêm một sự kiện thú vị nữa là các điền chủ, nghiệp chủ giàu có thường bỏ tiền cá nhân ra làm các "cúp’’ cho các đội tranh giải. Các "cúp’’ này là khá nhiều như tranh cúp bóng đá Chung Phước Mỹ tại Phong Điền; cúp Lý Phước Thạnh giữa các đội Ba Láng, Cái Chanh, Phong Điền và Rạch Giữa; cuộc đấu tranh giải thưởng Chung Ngọc Lệ tại sân Phong Điền B Nhơn Ái Châu Thành Cần Thơ với bốn đội dự thi: Ông Dề Sport, Rạch Chuối, Rạch Vong và Rạch Chiếc.
Sân vận động Cần Tho ngày nay. |
Các thông tin thể thao trên là một khám phá vừa thú vị vừa cảm động về Cần Thơ trong những năm đầu thế kỷ XX. Trên báo An Hà những năm 1930, 1931, 1932... ngày càng nhiều các thông tin thể thao mà nhiều nhất là túc cầu (bóng đá). Cũng có quan niệm cho rằng đây chỉ là một "thủ thuật" của thực dân Pháp hòng lôi cuốn người Việt Nam vào các phong trào "vui vẻ trẻ trung’’ mà quên đi thực trạng nước nhà. Nhưng ở một góc độ khác, đây cũng là một cơ hội để người Việt Nam ôn lại bài học "tương kế tựu kế’’ như kinh nghiệm từng xảy ra với chữ quốc ngữ vậy. Có thể ý đồ thực dân là xấu nhưng bản thân thể thao là tốt. Đây là một môn thể thao có tác dụng nâng cao thể trạng dân tộc, gắn bó tình đồng bào, đồng đội. Nhiều thông tin cho thấy trong gian nan khốn khó, nhiều người Cần Thơ vẫn có cách sống đẹp như tìm cách tương trợ đồng bào miền Bắc, miền Trung bị thiên tai bằng chính khả năng của mình, tự tập tuồng, bán vé, tự xuất lúa bán rẻ, lượm tiền rơi không tham... Những nhà khá giả thì bỏ tiền riêng làm các cúp đồng cho thanh niên tranh giải túc cầu. Dù sao, trong khó khăn mà vẫn cố gắng giữ được lối sống lạc quan tích cực vẫn là một nét lớn đáng ghi nhận trong tính cách Nam bộ-Cần Thơ.
Lê Ngọc Thúy (Đại học Cần Thơ)
(theo Cần Thơ online)
(*) Trích dẫn nguyên văn từ An Hà Báo số 799, năm 1933.