Friday, September 16, 2016

ĐỪNG CỐ CHẤP VÀO VIỆC ĂN CHAY GIẢ MẶN


"Ăn chay không phải là điều kiện tiên quyết để trở thành Phật tử". Ăn mặn nhưng lòng buông xả, từ bi thì vẫn tốt hơn là ăn chay mà lòng tham lam sân hận.
Hôm nay là rằm tháng tám, tức là tết Trung Thu, tối hôm qua bà xã cho ăn "tả bín lù" nên hôm nay thấy ngán thịt. Do vậy mà trưa nay tôi vào tiệm "Thi Thi" kêu một đĩa "cơm chay", tối về thấy bà xã ăn chay, tôi cũng xí phần luôn dù rằng em gái có cho một miếng "heo sữa quay" thật lớn.

Tôi chưa tu nhưng tin Phật và tôi cũng rất ghét ai lợi dụng danh nghĩa chùa chiền để kiếm tiền hay dụ lợi danh. Hôm qua xem clip video của một bạn FB thấy mà buồn cho đạo Phật. Những kẻ ác tâm dùng những hình thức mê tín, gạt gẫm tín đồ, phá hoại. Tội thay!


Tu là để sửa đổi mình tốt hơn chứ không phải ngồi đó mà tụng kinh dù chẳng hiều mình tụng cái gì và để làm gì. Ăn chay là không muốn tạo thêm nghiệp "sát sinh" và ăn chay không phải là đã thành Phật. Ăn chay chưa phải là những gì dữ dội và người đã quy y cũng không phải là thần thánh hay cái chi chi. Nhớ nhé: "Tu sĩ" của đạo nào cũng như nhau, cũng chỉ là người bình thường như mọi người, cũng vẫn đủ "thất tình lục dục", cái hay là ai biết tiêt chế, kiểm soát được chính mình, sửa đổi để làm mình tốt hơn dù là đã "quy y" hay "tu tại gia".


Có một post mà tôi đã post năm trước, hôm nay post lại để ai chưa đọc thì nghiền ngẫm xem sao:(LKH)





ĐỪNG CỐ CHẤP VÀO VIỆC ĂN CHAY GIẢ MẶN

Trên báo Giác ngộ, tôi đọc được bài viết "Thức ăn chay giả mặn, lợi bất cập hại " của ông Lâm Minh Triết phản ứng kịch liệt về những thức ăn chay mà toàn dùng những từ "mặn" để gọi tên (như cháo lòng, thịt gà xé phay...) khiến người ăn chay không quên được mùi thịt cá, khó thể tiến tu được, làm người tu gợi nhớ đến những chủng tử thịt cá trước kia, vô tình trở thành thứ yêu quái quyến rũ người tu quay lại con đường ác... và còn làm tổn hại lòng từ bi của người con Phật".
Tác giả bài viết là người ăn chay trường, tham dự một khóa tu tại chùa P.T Tp HCM, Và tác giả đã bỏ dở khóa tu trở về nhà vì không chịu nỗi những thực phẩm như vậy và không muốn tâm linh mình bị nhiễm bẩn một lần nữa
Đọc bài viết, tôi bỗng sinh lòng lân mẫn (thương xót) đối với ông Triết, Sự phản ứng mạnh mẽ về chuyện ăn chay tới mức phải bỏ dở khóa tu đã trở thành định kiến quá khích khiến suy nghĩ của bạn trở thành hẹp hòi, chấp thủ : "Điều gì không hợp với ta dứt khoát điều đó chống lại ta".



Tác giả đã rơi vào một trong tam độc của con người : sân (hai độc kia là tham và si). Chỉ vì giận chùa nấu loại thực phẩm giả mặn mà bỏ khóa tu và vì không muốn tâm linh bị nhiễm bẩn với tư tưởng " ăn chay thuần khiết, quyết không để thứ giả mặn kia làm tâm ô nhiễm". Than ôi , ông Triết liệu có biết Phật đã dạy " lửa sận hận thiêu đốt cả rừng công đức".
Vâng. Tại sao ông không nghĩ lại rằng khi chùa tổ chức 1 khóa tu hàng chục, có khi là hàng trăm Phật tử tham dự, thì khổ nhọc nhất chính là các vi đầu bếp nhà chùa, thức khuya dậy sớm, tẩn mẩn tỉ mỉ nấu nướng các món chay với nhiều hình thức phong phú (cũng phải gia công suy nghĩ đổi món dùng mỗi ngày- khó lắm chứ phải chơi sao) để phục vụ các Phật tử tham dự ăn ngon miệng, ăn đúng bữa , có sức khỏe để mà tu tập tinh tấn. Cho dù họ có nhào nặn hình thức món ăn giống con tôm, con cá nhưng không phải là nhà hàng nên chẳng có thực đơn, tên gọi, cứ đúng bữa là dọn lên .
Thay vì nghĩ đến công lao nhọc nhằn của các đầu bếp chùa để thương xót họ, ông Triết lại nhảy dựng lên khi thấy các món chay giả mặn trên bàn để rồi giận quá bỏ dỡ khóa tu. Có khác gì một gáo nước lạnh tạt vào những vị công quả tại Chùa, khiến họ buồn lòng. (Mong rằng họ không đọc được bài viết của ông Triết), đã thế lại còn nói không để tâm linh bị nhiễm bẩn.


Những đầu bếp của Chùa dùng tâm chúng sinh để nấu nướng thức ăn phục vụ tăng chúng. Họ vui khi thực khách khen ngon, ăn hết thức ăn, họ buồn khi nhìn thấy còn thừa nhiều (có lẽ vì nấu dở) Tâm họ không nhiễm bẩn mà chính ông Triết tự làm cho nhiễm bẩn bởi bức bối đối với việc giả mặn của thức ăn chay tại chùa .
Sự chấp nê của ông Triết khiến tôi nhớ lại câu chuyện này :
Có hai vị tăng chuẩn bị lội qua sông (chắc sông cạn). Chợt thấy 1 cô gái , đang loay hoay không biết làm sao để qua sông . Một vị tăng thấy vậy bền đến bên cô gái và xăng xái cõng cô ấy qua tới bờ bên kia rồi buông xuống. Cô gái cám ơn rối rít rồi đi . Hai vị tăng tiếp tục cuộc hành trình .
Qua một đoạn khá xa, vị tăng kia không chịu nỗi nữa, lên tiếng trách móc vị tăng đã cõng cô gái :
"Huynh kỳ quá, đã tu rồi mà còn động sắc giới". Vị tăng nọ trả lời : "Tôi động sắc giới hồi nào"
"Thì lúc nãy anh cõng cô gái đó. Nam nữ thọ thọ bất thân mà"
"Tôi đâu có cõng, huynh mới là cõng đó"


Vị tăng kia nhảy dựng lên , sỉ vả vị tăng đã cõng cô gái :
"Rõ ràng huynh cõng cô kia qua sông mà bây giờ lại đổ thừa tôi, quá đáng thật"
Vị tăng nọ mới cười :
"Tôi quên mất rồi . Còn huynh thì cõng mãi cô ấy trong đầu từ nãy cho đến giờ"
Đạo lý vi diệu nhất của Phật pháp là ở "TÂM" (Vạn pháp duy tâm tạo). "Tâm tức Phật, Phật tức tâm". Ăn chay hay ăn mặn chỉ là hình thức bên ngoài. Tâm hòa theo vạn vật, thấu hiểu lẽ "vô thường" của kiếp sống "thành, trụ, hoại, không" , thấu triệt nguyên lý nhân quả luân hồi của mọi việc, lấy tâm từ bi hỉ xả để sống trong đời, có thế mới sinh trí huệ và đạt được "chánh tinh tấn" trên đường tu tập, không nên lấy việc ăn chay thuần khiết để làm căn bản tiến tu mà diệt trừ chấp ngã.
Ðức Phật đã từng cảnh cáo chúng ta về sự chấp thủ vào những quan niệm và ý kiến, như là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra đau khổ.
Theo đó thì quả là ông Triết đang khổ bởi đi ăn chay ở đâu cũng nhìn thấy mùi mặn. Sự cố chấp về chay mặn đã khiến tâm ông không được bình an , luôn thấy khó chịu. Có lẽ ông chưa hiểu :
"Ăn chay không phải là điều kiện tiên quyết để trở thành Phật tử". Ăn mặn nhưng lòng buông xả, từ bi thì vẫn tốt hơn là ăn chay mà lòng tham lam sân hận.



Người Phật tử phải là người có tâm từ, lòng hỷ, yêu thương mọi người, mọi loài, hành xử trong đời theo đúng 5 giới của nhà Phật (không nói dối, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không rượu chè.
Người Phật tử chân chính phải biết tự giác (tự mình giác ngộ trước) và giác tha (gíác ngộ kẻ khác). Mong rằng trên con đường tu tập, ông Triết sẽ dần dần buông xả hết những định kiến chấp nê của mình tiến tới an lạc thân tâm. Đừng lo hoài chuyện chay mặn của trần thế
Trích trong trang mạng Vô Thường.
(bài viết này đã đăng trên mục Diễn đàn báo Giác ngộ online)

No comments: