Thursday, September 29, 2016

CHIẾC CẦU

Tại Học viện Quân sự West Point (Mỹ) trong một tiết học về môn kỹ thuật, khi giáo sư ra đề tài vẽ một chiếc cầu, dĩ nhiên sinh viên của trường phải hiểu đây là một chiếc cầu cần được thiết kế cho mục tiêu quân sự. Các sinh viên khác đều thiết kế một cái cầu theo tiêu chuẩn và kỹ thuật như đã học ở phần lý thuyết. Riêng Whister lại không đếm xỉa gì đến khía cạnh quân sự. Anh vẽ một chiếc cầu thơ mộng, bắc qua một mỏm núi cao với một gam màu sáng của ánh mặt trời đang ló dần trên đỉnh. Dọc hai bờ sông là thảm cỏ xanh rì. Nhưng thơ mộng hơn nữa là có hai đứa bé đứng câu cá trên chiếc cầu ấy.

Vị giáo sư cầm bức tranh lên quan sát và tỏ vẻ không ưng ý chút nào. Ông yêu cầu anh phải xóa hình ảnh hai đứa bé. Whister ngẫm nghĩ một hồi bèn đặt cọ lông di chuyển hai cậu bé từ chiếc cầu xuống thảm cỏ bên bờ sông. Lần này vị giáo sư tỏ ra giận dữ, ông quát to và đập tay xuống bàn : “Tôi đã bảo anh phải cất chúng ra khỏi bức tranh”.

Không thể vẽ thiên nhiên mà thiếu bóng dáng con người, Whister bèn vẽ hai ụ đất trên thảm cỏ dọc theo dòng sông như muốn vị giáo sư hiểu ngầm rằng anh đã chôn hai cậu bé trong hai cái mộ ấy.



Người sinh viên ấy là họa sĩ tài ba James Mc.Neil Whister.

Với anh, chiếc cầu bắc qua dòng sông là để nối liền đôi bờ là để con người ở hai bờ sông liên lạc với nhau. Không thể được gọi là cầu nếu chiếc cầu không dùng để đi lại, thông thương hay chiếc cầu sẽ trở thành vô nghĩa nếu thiếu vắng sự qua lại của con người.

Hằng ngày, chúng ta cũng đang vẽ bức tranh của những chiếc cầu gặp gỡ, cảm thông, yêu thương để xóa đi những ngăn cách, những hận thù. Một cử chỉ hỏi thăm, một nụ cười, một cái bắt tay, một ánh mắt cảm thông của con người đang là những thanh gỗ được ghép lại thành chiếc cầu để nối kết nhân loại.


Con người chỉ có thể sống hòa bình và an vui khi giữa chúng ta được nối kết bằng những chiếc cầu của gặp gỡ, yêu thương và tha thứ.

Hoathuytinh