“Gió đẩy gió đưa bông bồn bồn rụng trắng
Thương em một đời dải nắng dầm mưa”
Thương em một đời dải nắng dầm mưa”
Bạc Liêu được xem là “quê hương” của loại cây có gốc trắng nõn loài cỏ hoang mang đến vị ngọt từ đồng chua tên gọi dân dã là bồn bồn. Cây bồn bồn vốn là một trong những loài cỏ hoang, thường mọc ở vùng đất thấp, hay các cạnh ao, hồ có dòng chảy chậm, có nhiều phèn mặn. Bồn bồn thuộc họ lau sậy, thân mọc vượt trên nước, lá dài giống sả, có khả năng chịu ngập sâu đến 1m. Đây là loại cây mọc nhiều nhất là ở Cà Mau, Bạc Liêu.
“Gió đẩy gió đưa bông bồn bồn rụng trắng
Thương em một đời dải nắng dầm mưa”
Cây bồn bồn có tên khoa học là Typha orientalis G.A. và một số khác mang các tên : Typha auhustata Bory et Chaub, Typha augustifolia L, Typha latifoliaL, Typha daviana Hand Mazz hoặc Typhaminima Funk … Tất cả đều cùng họ Hương bồ (Typhaceae). Bồn bồn còn có nhiều tên khác là : Thủy hương bồ, Hương bồ thảo, Cỏ nến, Cỏ lác … là một loại cỏ có hình dạng gần giống như cây lác (cói) dệt chiếu, cao từ 1 – 2 mét. Lá dài và hẹp. Hoa đơn tính, nằm trên cùng một trục, hoa đực ở trên có lông ngắn màu vàng nâu, hoa cái ở dưới có lông màu nâu nhạt. Quả nhỏ hình thoi. Bồn bồn gốc trắng lá xanh là một loại thức ăn rất lành là loài cây không cần chăm sóc, bón phân, chỉ lớn lên nhờ những dưỡng chất màu mỡ từ đất.
Bồn bồn tươi lấy phần gốc non để chế biến thức ăn |
Mùa nước nổi cũng chính là lúc thu hoạch bồn bồn, được bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11. Đó cũng là lúc những vạt bồn bồn đua nhau tươi tốt, phủ một màu xanh mướt lên những cánh đồng chua. Đi hái bồn bồn chỉ cần cầm ngọn lôi ra, tước phần lá ở ngoài, bẻ lõi màu trắng bên trong thế là có phần bồn bồn ngon lành sẵn sàng để chế biến thành nhiều món ngon. Ngoài việc làm dưa chua, phần tươi non của cây bồn bồn được chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất ngon như: xào tôm thịt, nấu canh chua, nấu lẩu chua, làm gỏi… Bồn bồn rất dễ trồng, được người tiêu dùng ưa chuộng vì tính an toàn như một loại rau sạch. Nó cũng rất dễ chế biến và nhờ có hương vị thơm ngon, lại giàu dinh dưỡng, xứng đáng là món rau sạch cao cấp, món đặc sản phục vụ du lịch. Loại rau sạch đồng nội này ngày càng được nhiều người ưa thích.
Loại cây này đã góp phần tăng thêm thu nhập cho nhiều hộ nông dân |
Trong mấy năm gần đây, cây bồn bồn đã được người Bạc Liêu và một số tỉnh ở miền Tây trồng để lấy ngó, thân và lá non làm dưa chua – dưa bồn bồn hiện nay đã trở thành một món đặc sản nổi tiếng ở Bạc Liêu, Cà Mau và các tỉnh miền Tây, vừa ngon vừa rẻ rất được nhiều người ưa chuộng, hương vị của dưa bồn bồn vô cùng đặc biệt nên thường được theo chân du khách dùng làm quà biếu gởi tặng bè bạn, người thân ở các tỉnh xa. Là đặc sản nhưng cách làm dưa bồn bồn khá đơn giản, trước hết phải chọn phần non trắng của bồn bồn, dùng dao nhọn bén chẻ làm hai hoặc tư tùy độ lớn của ruột bồn bồn. Sắp bồn bồn vào hũ, pha muối và đường vào nước vo gạo. Sau đó, đổ hỗn hợp này ngập kín bồn bồn rồi đậy chặt hũ lại, khoảng 3 ngày là ăn được. Dưa bồn bồn có thể biến tấu thành những món ăn với cơm nóng như cá kho dưa bồn bồn có vị bùi, ngọt, nấu càng kỹ vị chua của dưa sẽ mất dần, thịt cá không tanh, mềm mà không nát. Đặc biệt kho cùng tép tạo nên một hương thơm riêng biệt và một sự hài hòa về màu sắc.
Dưa bồn bồn là một món ăm có vị chua giòn, khá đưa cơm |
Ngoài những “đóng góp” trong ẩm thực, cây bồn bồn còn có tác dụng cải thiện môi trường, sinh thái vùng đất ngập nước, ông Nguyễn Đình Hòe – Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trườngViệt Nam cho biết: “…Tập đoàn Cỏ nến (Bồn bồn) có tác dụng lọc nước, làm giảm các chất thải nhất là chất hữu cơ đổ vào hồ, đầm, từ đó làm giảm khả năng hồ, đầm bị phú dưỡng. Cỏ nến còn có thể dùng để sản xuất ethanol. Rể có khả năng chống xói mòn rất tốt. Thời gian dài qua đi, cỏ nến có vai trò tích cực trong việc làm khô đầm lầy… Về nhiều phương diện, cỏ nến là loài thực vật quý của vùng đất ngập nước Miền hạ Nam bộ.”
Phấn hoa của bồn bồn còn được sử dụng trong y học cổ truyền phương Đông với tên gọi Bồ hoàng, là một loài hoa đơn tính cùng gốc (bông đực ở trên, bông cái ở dưới), cụm hoa nhìn giống như cây nến, quả hình thoi. Đông y thường dùng phấn hoa, ngoài ra còn dùng lá, hoa và mầm rễ để làm thuốc. “Bồ hoàng” – vị thuốc thông dụng nhất từ cây Cỏ nến là phấn hoa lấy từ hoa đực. Vào tháng 4 – 8, cắt lấy phần trên của bông hoa (phần hoa đực), giã hay rũ lấy phấn hoa, rây loại bỏ tạp chất, phơi hoặc sấy khô, cất trong lọ kín dùng dần.
Gỏi bồn bồn |
Từ bùn đất xứ này mà bồn bồn ngoi lên, làm cuộc hành trình xa đến nhiều nơi trên đất nước, biến thành những món ăn ngon, từ nhà dân quê bình dị đến các nhà hàng và trở thành những món ăn cao cấp. Loại thức ăn bình dân này còn góp phần thu hút du khách từ trong đến ngoài nước. Về xứ “cơ cầu” ăn món đặc sản miền quê dưa bồn bồn chấm cá rô đồng kho tộ, cái vị chua chua, bùi bùi… sẽ trở thành “nỗi nhớ” :
“Về quê ăn món bồn bồn.
Xa quê thấy dạ bồn chồn quắt quay…”
Bồn bồn - cây cỏ hoang dại này một thời làm vướng bước chân của những người mở đất, khi nó cùng với cỏ năn mọc cạnh tranh với cây lúa nước. Muốn có diện tích trồng lúa, những người xuôi phương Nam về vùng tận cùng của tổ quốc phải phá bỏ bồn bồn, cỏ năn để trồng lúa. Hiện nay, cây bồn bồn có giá trị kinh tế và được chú ý nhiều hơn trong xóa đói, giảm nghèo cho nông dân các vùng chuyển dịch ở Nam Cà Mau và Bạc Liêu vào mùa giáp hạt.
Hoa bồn bồn |
Về xứ “công tử” để hiểu thêm về tình đất tình người nơi đây, giai thoại về “cậu ba Huy” dường như có sức hút mạnh mẽ hơn khi du khách được chứng kiến sự giàu sang của gia đình ông Hội đồng Trạch (thân sinh của công tử Bạc Liêu), gợi nhớ một thời vang bóng qua khối kiến trúc đồ sộ của ngôi biệt thự có giá trị thẩm mỹ cao. Trần Trinh Huy – “Hắc công tử” một thời nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh bởi sự giàu có, phóng khoáng, nổi tiếng ăn chơi. Là người của giới thượng lưu, đối với công tử Bạc Liêu không có món ngon vật lạ nào mà cậu Ba Huy chưa từng nếm thử, từ món ăn cao cấp đến món bình dân thì trong thực đơn của cậu Ba Huy luôn có món ăn được chế biến từ cây Bồn bồn đất Bạc. Bồn bồn đã góp phần làm phong phú nền văn hóa ẩm thực Bạc Liêu và sự miệt mài, sáng tạo trong chế biến món ăn của người dân Bạc Liêu một lần nữa được nhiều người ngưỡng mộ với “Lẩu công tử” – một món ăn “thành công” nhờ những cọng bồn bồn tươi trắng nõn, một loài cây hoang dại, nếu ngày xưa bồn bồn là món khoái khẩu của công tử Bạc Liêu thì ngày nay “Lẩu công tử” đã mang đến cho chúng ta niềm tự hào với món ăn độc đáo có vị ngọt từ đồng chua.
Hiếu Nghĩa