Không thể đổ tội cho cà-phê theo kiểu thành kiến hễ “cà-phê thuốc lá” là có hại. Bằng chứng là thầy thuốc ngày xưa, vào thế kỷ 17, đã dùng cà-phê trị bệnh. Nhưng nếu muốn cà-phê thực sự nên thuốc cần lưu ý vài điểm quan trọng trước khi nhấp ngụm cà-phê:
1. Muốn tăng cường chức năng tư duy nên uống cà-phê vào buổi sáng, càng sớm càng tốt, lúc chưa ăn sáng, vì khi đó tác dụng của cà-phê có thể kéo dài đến nửa ngày. Nhờ đó không cần uống thêm cà-phê trong giờ làm việc. Thói quen uống cà-phê nhiều lần trong ngày, cho dù pha loãng, nếu xét về mặt tác dụng dược lý hoàn toàn không có lợi, thậm chí có hại vì dễ gây lệ thuộc.
2. Nhiều người dễ mất ngủ vì uống cà-phê quá trễ vào buổi chiều, dù là khoảng thời gian tác dụng của cà-phê ngắn hơn nhiều, thường không kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ. Nói chung, không nên uống cà-phê sau 6 giờ chiều, trừ khi cần thức đêm.
3. Để tăng cường sức dẻo dai của bắp thịt, chẳng hạn vì làm việc nặng, vì chơi thể thao… nên uống cà-phê khoảng nửa giờ trước đó.
4. Người có cơ tạng hen suyễn nên uống cà-phê thật đậm khi có cảm giác cơn hen sắp bộc phát. Nhưng đừng dùng quá thường với hy vọng chặn cơn hen vì chỉ làm cà-phê dễ mất tác dụng.
5. Không phải lúc nào cà-phê cũng bất lợi cho tim mạch, ngoại trừ trường hợp người uống cà phê bị cường tuyến giáp hay rối loạn dẫn truyền thần kinh giao cảm, chẳng hạn ở người mãn kinh. Một số đối tượng có hệ thần kinh giao cảm quá bén nhạy có thể hồi hộp sau khi uống cà phê, nhưng tác dụng đó chỉ có tính chất tạm thời, ngắn hạn và không đủ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trên tim mạch. Hơn nữa mấy ai đã hồi hộp lại tự làm khổ thân bằng cách uống thêm vài tách cà phê! Nếu con tim có diễn tuồng “trống trường thành lung lay bóng nguyệt” thì nhiều khi vì người ngồi cùng bàn trong “cái buổi ban đầu lưu luyến ấy” hơn là vì cà phê!
6. Với người không quen uống cà-phê, hay cho dù uống thường nhưng bất ngờ gặp loại quá mạnh thì tim có thể đập nhanh, có thể hồi hộp trong thời gian ngắn, nhưng cà-phê không làm tăng huyết áp đến độ nghiêm trọng. Nói chính xác hơn, cà-phê chỉ làm tăng huyết áp trên người nghiện thuốc lá. Với người đã bị cao huyết áp, nếu huyết áp không giảm thường do lý do nào khác liên quan đến chế độ dinh dưỡng hay liệu pháp nhiều hơn là vì cà-phê.
7. Tuy vậy, cũng nên lưu ý là người thiếu máu cơ tim nếu uống hơn 5 tách cà-phê mỗi ngày dễ bị nhồi máu cơ tim. Lý do cũng không hẳn vì cà-phê mà thường do tình trạng căng thẳng thần kinh sẵn có của gia chủ..
8. Cà phê tăng chất mỡ trong máu? Đúng, nhưng còn tùy cách dùng, hay đúng hơn, tùy theo cách pha cà-phê. Người lược cà phê với lọc bằng giấy ít bị tăng cholesterol trong máu hơn người lược cà phê bằng máy hay qua phin bằng kim loại. Lý do là vì hai tác chất trong cà phê làm tăng mỡ trong máu, cafestol và caweol, lọt qua phin sắt nhiều hơn nếu so với giấy lược. Bên cạnh đó, cà phê rang nguyên hạt dễ làm tăng mỡ trong máu hơn cà phê dưới dạng hòa tan vì dạng sau ít chứa cafestol và caweol. Tuy vậy, cũng còn tùy theo cách uống mà ẩm khách dễ bị xơ vữa mạch máu hay không. Cholesterol trong máu thường khó tăng nếu uống cà phê cách khoảng vài giờ. Dù vậy, đó chỉ là điều kiện ắt có nhưng chưa đủ. Quan trọng hơn hết, cà phê làm tăng chất mỡ trong máu hay không tùy theo lượng cà phê tiêu thụ. Cà phê đúng là vô hại nếu không dùng nhiều hơn ba tách mỗi ngày. Chính xác hơn, số tách cà phê nên tỷ lệ thuận với mức độ vận động và chức năng tư duy. Nếu ngồi không lại thêm căng thẳng tinh thần thì đừng uống cà phê. Mặc dầu hoạt chất trong cà-phê không hẳn làm tăng chất mỡ trong máu theo kết quả thống kê của hàng chục công trình nghiên cứu ở nhiều quốc gia, nhiều thầy thuốc khuyên nên giảm hay ngưng cà-phê nếu đang uống thuốc hạ mỡ trong máu để thuốc dễ có tác dụng tối ưu. Cẩn tắc vô áy náy là thế.
9. Cà-phê hưng phấn phản ứng bài tiết dịch vị nhưng không tự động gây viêm loét dạ dày. Chỉ một số người đã bị viêm loét dạ dày mới bị cồn cào, bào bọt, thậm chí đầy hơi hay ợ chua khi uống cà phê lúc bụng đói. Với người có đường tiêu hóa còn ngon lành thì cà phê là chất vô hại. Muốn chắc ăn, người đang bị viêm loét dạ dày không nên uống cà-phê trong lúc bệnh đang bộc phát, ngay cả với loại cà-phê đã khử cafein. Vừa uống thuốc trị đau bao tử vừa uống cà-phê thường chỉ tốt cho thầy thuốc và dược phòng!
Thêm một điểm, cà-phê uống trong giờ làm việc thường không ngon. Trái lại, ngon hơn nhiều nếu trốn việc đi uống cà-phê!
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.