Sunday, March 31, 2019

HOA KHÊ DẠ LANG CỐC (花溪夜郎谷)

Ông lão Quý Châu 20 năm kiên trì xây đắp nên “Hoa Khê Dạ Lang Cốc” đặc sắc

Tống Bồi Luân (宋培倫)

Dưới chân núi Hoa Khê ở tỉnh Quý Châu, băng qua rừng rậm bao la khi sự hối hả nhộn nhịp của thành phố dần phai mờ, rồi phóng tầm mắt nhìn về phía trước, sắc xanh lá cây sẽ làm nổi bật lên một tòa thành đá độc đáo.

Ông Tống Bồi Luân (宋培倫), 76 tuổi, là chủ nhân của tòa thành này, ông đã dành thời gian suốt 20 năm thiết kế, kiên trì sử dụng đá để xây dựng một tòa thành đặc sắc hiếm thấy cho chính mình, tên là “Hoa Khê Dạ Lang Cốc”.

Khắp nơi trong cốc, chúng ta có thể thấy rõ các cột đá hình người được xây bằng cách dùng các khối đá xếp chồng lên nhau, cao lớn và thẳng đứng sừng sững. Các cột đá hình người này có cột thể hiện sự trầm lặng, có cột thì tập trung suy nghĩ, có cột lại tựa như buông tiếng gào thét. Còn có các loại cột đá khắc hình động vật, các loại vật tổ thể hiện tính ngưỡng khác nhau với các đường nét thô ráp mãnh liệt ngưng kết thành những nụ cười bí ẩn.

Hoa Khê Dạ Lang Cốc  (花溪夜郎谷)

Đi bộ dọc theo dưới chân cốc, có cây cầu nhỏ nước chảy qua, rừng cây trúc um tùm, dòng nước chảy xiết trong động, tất cả tạo nên một cảnh tượng rất đẹp mắt. Leo lên dọc theo bậc đá là một tòa thành cổ cao lớn, vừa đi theo đường mòn nhỏ vừa ngắm và thưởng thức, người ta phát hiện ra mỗi một góc nhỏ của tòa thành đều được thiết kế và xây đắp công phu kỹ lưỡng, mỗi một thiết kế đều kết hợp hoàn hảo với tự nhiên, mỗi một sự kết hợp đều thể hiện một hình ảnh trong trí nhớ về đất nước Dạ Lang cổ xưa, và mỗi một hình ảnh đều mang phong cách cổ rất gần gũi với thiên nhiên.

Ông Tống Bồi Luân năm nay 76 tuổi cho biết, ý tưởng muốn xây dựng “Hoa Khê Dạ Lang Cốc” nảy sinh vào năm 1993. Năm đó khi du lịch đến Mỹ tham quan “Núi Tổng thống”, ông đã bị ấn tượng mạnh, nhưng việc gây ấn tượng đối với ông không phải là tượng đài tôn vinh 4 vị tổng thống, mà là câu chuyện về một gia tộc người da đỏ 3 đời kiên trì thời gian 60 năm để xây dựng công trình tưởng niệm đồ sộ về anh hùng người da đỏ Crazy Horse.


Ông Tống bị câu chuyện “Ngu công dời núi” phiên bản người đa đỏ làm cảm động. Ông nghĩ đến bản thân luôn quan tâm đến dân tộc thiểu số ở Quý Châu, họ cũng giống như người da đỏ vậy, khi nền văn hóa mạnh mẽ khác xâm nhập, đặc tính dân tộc dần dần mai một.

Vào năm 1996, ông Tống xin thôi chức vụ giáo sư đại học và khước từ tất cả dự án kinh doanh. Ông đã lựa chọn sống ở nơi xa xôi héo lánh nhất của thành phố Quý Dương, rồi khổ cực tích góp 300 mẫu rừng. Ông quyết định sống cả đời ở đây, và nỗ lực chịu khổ để hoàn thành tác phẩm này.

Vào 20 năm trước, trước khi ông Tống bắt đầu xây dựng Dạ Lang Cốc, nghề nghiệp chính của người dân trong thôn là mở núi phá đá bán kiếm sống, cho nên mỗi một người đều có trong tay kinh nghiệm về kĩ thuật đục đá. Ông Tống Bồi Luân cho biết, phá đá bán không có gì thú vị, chúng tôi cùng với nhau dùng đá “xây dựng tòa thành”. Trò chơi “xây dựng tòa thành” này đã mất 20 năm.

(Ảnh: Great Big Story)

Ông Tống đem bức tranh trong tim phác thảo ra, người dân thôn dạy ông cách xây đá như thế nào thì hiệu quả nhất. Ông Tống huấn luyện người dân thôn thành nhà thiết kế, còn người dân trong thôn cũng hướng dẫn ông trở thành một thợ đá lão luyện.

Dành thời gian 20 năm, cuối cùng giữa núi xanh nước biếc ông Tống đã hoàn thành kiệt tác của mình. Toàn bộ kiến trúc của “Hoa Khê Dạ Lang Cốc” đều là từ những hòn đá màu sắc rực rỡ xây đắp thành, nhìn từ xa trong rất sống động đẹp mắt.

Sau khi Hoa Khê Dạ Lang Cốc được biết đến vào năm 2016, nó nhanh chóng nổi tiếng đến toàn thế giới, rất nhiều người nước ngoài ngưỡng mộ đến tham quan, và hy vọng thiết kế của mình có thể trở thành một phần của tòa thành đặc sắc này.

(Ảnh: Sina)

Từ lâu vào vài thập niên trước, khi ông Tống Bồi Luân còn sinh sống tại Mỹ, ông đã sáng tác rất nhiều tác phẩm như “tòa thành cổ Dạ Lang, vật tổ Dạ Lang, khuôn mặt Dạ Lang”, trong nước ông cũng sáng tác các tác phẩm lớn về đất nước Dạ Lang như “Dạ Lang Cốc”, còn có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật liên quan đến văn hóa Dạ Lang.


Có người gọi ông Tống là “Tào Uyên Minh đương thời”, ông Tống rất hài lòng, ông gật đầu đồng ý bản thân mình đúng là “có bản tính vốn yêu thích núi non” sau khi “lầm lạc vào trong thế tục” với lại “thời gian dài bị trói buộc, thì ông tìm lại trở về với tự nhiên”.


Ông Tống hiện tại sống trong Dạ Lang Cốc, mỗi ngày vào sáng sớm một cách tự nhiên sau khi ngủ thức dậy, việc đầu tiên của ông là chăm sóc mẹ già đã hơn 90 tuổi, sau đó đem các con vật cưng như chó và mèo băng xuyên qua núi rừng yên tĩnh, nô đùa với chim trên cây và sóc trong rừng.


Ông Tống Bồi Luân bày tỏ rằng tòa thành đặc sắc này có thể sẽ không bao giờ hoàn thành, cũng có khả năng vào bất cứ lúc nào đều có thể xây xong. Bởi vì ông chỉ hoàn thành một nửa, “một nửa còn lại, giữ lại cho tự nhiên, giữ lại cho ông Trời, thậm chí giữ lại cho người đời sau, giữ lại cho lịch sử hoàn thành”.

Nguyên Phong
Link tham khảo:


SÀI GÒN, CÀ PHÊ VÀ NHẠC SẾN

…Tách cà phê ấm môi,
Mình ngồi ôn lại những phút vui trôi qua mất rồi…
(Hai Mùa Mưa)


Thằng bạn ở Thụy Sĩ về chơi Việt Nam, trên đường tới Hội An, ghé quán cà phê ven đường, “Cho ly cà phê đá Sài Gòn đi bà chủ”. Cà phê mang ra, chưa nếm, y đã lắc đầu, “Không phải. Cà phê là cà phê kiểu Sài Gòn, có biết không?”. “Dạ, dạ… biết”. Dân miền Trung nhẫn nại. Cái gì cũng biết, trừ những cái không biết. Ly cà phê khác mang ra. Cũng không phải!

Tôi sống ở cái đất Sài Gòn này gần mãn kiếp, mấy tiếng cà phê Sài Gòn đã nhạt nhòa từ thuở tám hoánh nào rồi. Nay, nghe một khứa Tây da vàng, biệt xứ 40 năm (xẹt đi xẹt lại Việt Nam giỏi lắm là vài ba lần) dõng dạc: “Cà phê kiểu Sài Gòn”. Thấy sốc!

Tôi không nhớ mình đã uống cà phê từ lúc nào. Chắc từ thuở biết bưng bê, uống vụng cà phê của các bậc bề trên hơi nhiều. Nhưng chỉ thèm cà phê khi thấy mấy ông khách ở quán cà phê các chú (Tàu) đổ cà phê sữa vào đĩa, chấm bánh tiêu. Thèm cà phê hay bánh tiêu? Tôi không biết, có thể cả hai.

Nhưng vị đắng cà phê biết nếm từ lúc nào thì tôi biết chắc. Đó là những tháng ngày của năm 1972, khi bè bạn bỗng chốc xếp bút nghiên ra đi. Thằng về, thằng đi… luôn. Đóng đô ở quán cà phê nhiều hơn lớp học. Cà phê có đường hay không đường đều đắng như nhau. Vị đắng quá dư để nhận lời ủy thác, mày đưa thư này cho em… dùm tao, mà đợi tao đi rồi hãy đưa. Chết thiệt tới nơi rồi, không ngán, mà lại chết… nhát vì mấy sợi tóc dài. Thua xa bọn trẻ @ thời nay.


Cà phê ngon nhất Sài Gòn, theo cái lưỡi của tôi, ở góc đường số 4 Duy Tân. Chỉ là quán vỉa hè, không bảng hiệu, tụi tôi gọi là cà phê lá me, mà hình như ở đó chẳng có cây me nào thì phải. Hồi đó tôi học ở Đại học Khoa Học, mà mấy bà bên khoa học, nói phải tội, khô khan và nặng vía. Tôi phải vượt qua cà phê Năm Dưỡng gần trường, đến ngồi đồng ở cà phê lá me, chiều chiều ngắm mấy cô sinh viên Luật khoa, Văn khoa tha thướt. Trời ơi, nắng Sài Gòn mát rượi chứ không phải “chợt mát” như thi sĩ Nguyên Sa vã mồ hôi làm bài thơ Áo Lụa đâu.

Quẹo trái chừng vài trăm mét là đường Cường Để, con đường đẹp nhất Sài Gòn. Hai bên đường là những biệt thự lâu đời, chủng viện, tu viện cổ kính với hàng cây cổ thụ cả trăm tuổi… Lá đổ muôn chiều là con đường này, chẳng cần đợi tới mùa thu. Bây giờ nơi đây là nhà cao tầng, khu thương mại, ồn ào náo nhiệt, đi quờ quạng kẹt xe. Cả trăm cây cổ thụ bị đốn trên con đường vài trăm mét thì chẳng còn gì để nói thêm nữa. Mất hết…

Cảnh đẹp, người đẹp, cà phê không ngon sao được. Mà cà phê lá me ngon thiệt, chứ không phải tôi mù quáng cái đẹp nói bừa. Cô chủ quán không biết pha kiểu gì, pha vớ, chứ không phải pha phin, mà ly cà phê sữa đá 80 đồng ngon không thể tả. Sau này nếm thử Starbucks, Green Mountain,… cũng không thể bằng. Sức mạnh của dĩ vãng nặng oằn vai.

Luận về cà phê ngon dở hơi bị khó, mỗi người mỗi goût, chân lý đa dạng. Nhưng cà phê Sài Gòn chắc là luận được. Từ luận được cho đến luận hết nổi. Người ta cứ đồn cà phê Sài Gòn độn bắp, độn cau, rượu đế, mắm muối,… toàn là mấy thứ dân dã. Có lửa, có khói. Lời đồn này đúng. Cà phê Tây cũng đâu phải nguyên chất, cũng pha thứ này, trộn thứ nọ chút chút. Thích nghi văn hóa mà! Cà phê Sài Gòn không độn bắp rang làm sao có độ sánh. Xứ nóng, uống cà phê đá mà lỏng le coi sao được. Cà phê không thêm cau rang làm sao đủ đắng mà ngẫm chuyện đời. Cà phê đá làm gì có chuyện hương thơm thoang thoảng nếu không tẩm chút rượu. Rồi cũng phải mắm muối chút đỉnh cho đậm đà… Những thứ lằng nhằng này coi như là… phụ gia, chứ “chính gia” vẫn phải là cà phê rang sao cho tới tới… Bí quyết ngon dở là ở chỗ đó.


Rồi theo thời thế, mọi thứ đổi đời. Phụ gia trở thành chính gia, chính gia thành phụ gia. Đổi đời thêm cú nữa, cà phê biến luôn, chỉ còn đậu nành và hóa chất. Muốn đắng có ký ninh, hạt mắt rồng, dexamethasone. Muốn sánh có a dao gelatin. Muốn đen có nước màu caramel. Hương cà phê thì vô vàn nhớ không hết. Muốn bọt? Đã có lauryl sulfate (tạo bọt xà phòng). Làm gì còn “cà phê kiểu Sài Gòn” hở thằng bạn Tây da vàng kia, thèm lauryl hay sao mà ngồi đó làu bàu.

Thiệt ra, cà phê Sài Gòn vẫn còn, vẫn có vẻ đẹp của riêng nó – Vẻ đẹp của ký ức.

Cà phê lề đường làm gì có âm nhạc, chỉ có âm thanh đường phố, tiếng rao hàng, tiếng còi xe, và cái “mát rượi” riêng tư. Cà phê nghe nhạc phải vào quán đèn mờ, máy Akai băng cối, những bản tình ca diễm lệ, tiếng hát Lệ Thu, Khánh Ly,… Bảnh hơn thì nhạc Tây, Il est mort le soleil, Oh Mon amour,… Thời cuộc thì ca khúc da vàng, đại bác ru đêm, người chết hai lần… Bè bạn về phép (có khi chúng liều mạng “nhảy dù” cũng không chừng) lại kéo nhau ra quán nhậu. Nhậu đã rồi tới quán cà phê Chiêu đường Cao Thắng. Ở quán nhậu thì tranh nhau nói, tới quán cà phê, chẳng thằng nào buồn nói. Cà phê và khói thuốc. Cà phê nhỏ giọt. Giọt có buồn không? Mờ quá không thấy giọt, nhưng nỗi buồn thì thấy.

Dạo sau này tôi đổ đốn khoái nhạc sến, từ khoái tới mê chỉ là gang tấc. Giác ngộ tiệm tiến qua nhiều ngõ khác nhau. Một trong những ngõ đó là nhạc kẹo kéo. Xe kẹo kéo chiều chiều đẩy ngang nhà, mở to những bản nhạc sến một thời. Chưa hát nhạc sến bao giờ, mà sao trong đầu lại hát theo. Thời gian chưa đủ nghe hết bản nhạc thì tiếng hát đã xa dần, và cái đầu lại lẩm bẩm hát tiếp, thuộc lời nhạc sến từ thuở nào chẳng hay. Cù cưa với ký ức kiểu này thì con đường tới bến giác mê cũng chẳng bao xa.


Một ngõ giác ngộ khác, khi tiếng lòng lời ca bỗng nhiên gặp nhau. Cách nay 7-8 năm gì đó, tôi ra Hà Nội có chuyện, nhân tiện ghé quê ngoại. Mẹ tôi bệnh nằm một chỗ, hớn hở dặn dò, con về phải ghé người này trước, thăm người nọ sau, nói mẹ biếu người này cái này, người kia cái kia,… Quê mẹ tôi ở làng Chử Xá, mảnh đất của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nửa tiên nửa tục, nên có máu lãng tử, nhảy cóc qua đời mẹ tôi, tới tôi thành gen trội. Trước hôm đi, bè bạn kéo nhau ra Hóc Môn nhậu gà hấp hèm. Đất ven đô hồi đó còn hơi vắng, nhưng cũng đã lên vàng, chẳng vàng 4 số 9, thì cũng 9 số 4, hơi hớm văn minh đô thị đã len tới. Dàn nhạc lưu động, cũng bass treble ra trò, đến trước quán vừa bán kẹo, vừa mượn nhạc đệm karaoke chơi nhạc sống. …Một mai con về quê ngoại xưa, để mẹ nhắn lời thăm… Càng nghe càng thấm.

Đất Sài Gòn tìm đâu ra cà phê nhạc sến. Dù cà phê ở những quán deluxe không quá tệ như cà phê đậu nành, nhưng chắc chắn không phải là “cà phê Sài Gòn”. Cà phê gì mà đen thui đặc sệt, chỉ là một thứ cà phê bá đạo có bản quyền. Nhạc thì ầm ầm DJ uốn éo, khổ cho cái đầu già cổ lỗ sĩ. Cũng có quán chơi nhạc trữ tình, nhạc của một thời, nhưng nhìn cách bài trí của quán, tôi đã cảm thấy kiểu “một thời” đó là cái mà mình muốn quên. Như lúc này, tôi không còn muốn nghe ca khúc da vàng nữa. Nghe mà ngượng, thì nghe làm gì? Trên đời đâu có gì hoàn hảo, chỉ có thể chọn giữa cái xấu hoặc cái ít xấu hơn. Không chọn lựa chẳng khác nào gián tiếp chọn cái xấu hơn.

Vài năm trở lại đây, mỗi lần từ Đà Lạt về Sài Gòn, tôi vẫn hay ghé xe cà phê đường Nguyễn Minh Chiếu, chỉ là cà phê vỉa hè trong hẻm. Ly cà phê đá 6.000 đồng, mấy năm rồi giá không đổi. Giá đậu nành chưa lên thì cà phê đâu cần lên giá. Đằng nào cũng chẳng tìm đâu ra hương vị cà phê Sài Gòn xưa, thì cà phê ở đâu cũng thế thôi.


Tôi vào quán cà phê vỉa hè đó chỉ để nghe nhạc sến, chẳng phải đến từ dàn Onkyo loa Bose, mà từ cái máy cassette nhỏ xíu rù rì trong hẻm. Ngồi cả giờ đồng hồ, đến khi rời quán mà ly cà phê vẫn còn quá nửa, đá tan loãng hết rồi. Dĩ vãng vay mượn cà phê, để cái vẻ bụi bặm của quán, và nhạc sến đưa tôi về ký ức. Tiếng đại bác không còn ru đêm nữa, nó dội ngược vào lòng. Nhiều bản nhạc từ hồi xửa hồi xưa, giờ nghe lại, rồi lẩm nhẩm hát theo mà chạnh lòng,

Tiếng còi đêm lướt mau,
Đoàn tàu đi về mãi, mà bạn thân tôi nơi đâu…


Thấy tiếc và nhớ. Nhớ ngẩn người!

Vũ Thế Thành (cuối năm 2014)


ĐỪNG ĐỂ Ý ĐẾN ÁNH MẮT CỦA NGƯỜI KHÁC

Vào một buổi sáng, lúc xe bus đến trạm dừng, có một cậu bé trên người rất bẩn, đeo một chiếc túi trên lưng đi theo một người đàn ông bước lên xe.

Xe bus vào buổi sáng thường đông chật cứng người. Nhìn bộ dạng có vẻ như họ là công nhân xây dựng, vừa lúc có một người xuống xe, cậu bé liền ngồi vào chỗ đó còn người đàn ông thì đứng ở bên cạnh.

Có một cậu bé trên người rất bẩn

Không lâu sau, có một phụ nữ mang thai bước lên xe, cậu bé đứng dậy nhường chỗ và nói: “Cô ơi, cô ngồi xuống đi ạ!”

Người phụ nữ mang thai nhìn liếc qua cậu bé bẩn thỉu mà không nói lời nào. Cậu bé nhẹ nhàng đặt chiếc túi xuống đất, rồi từ trong túi lấy ra một chiếc khăn tay và lau qua lau lại chỗ mình đã ngồi, sau đó mỉm cười nói: “Cô ơi, con lau sạch sẽ rồi, không còn bẩn nữa đâu”. Người phụ nữ nhìn cậu bé chằm chằm rồi đỏ mặt ngồi xuống.

Cậu bé vừa cầm cái túi lên thì đột nhiên chiếc xe phanh gấp, thân hình gầy gò của cậu suýt bổ nhào về phía trước nhưng tay vẫn ôm chặt chiếc túi ở trước ngực.

Một người phụ nữ lớn tuổi ngồi bên cạnh âu yếm nói: “Con thật là một cậu bé ngoan!”

Cậu bé cười một cách ngây thơ rồi nói: “Bà ơi, con không phải là đứa trẻ ngoan lắm đâu, mẹ con luôn mắng con vì lúc nào cũng để ý đến người ta nói gì, nghĩ gì về mình. Nhưng hiện giờ thì con đã dũng cảm như Forrest Gump rồi!”.

Người phụ nữ mang thai ngồi trên ghế cúi mặt xuống. Người phụ nữ lớn tuổi kinh ngạc hỏi: “Con cũng biết Forrest Gump sao?”

“Vâng ạ, mẹ thường đọc cho con nghe”.

“Đọc Forrest Gump con học được những gì?”, bà hỏi.

Cậu bé nói rằng: “Điều con học được là, đừng quan tâm đến ánh mắt của người khác, hãy sống thật tốt và đi theo con đường riêng của mình, vì mỗi người là duy nhất, là riêng biệt, họ giống như đủ loại sôcôla vậy…”

“Mẹ con làm gì?”

“Mẹ con trước đây là giáo viên ở trong làng”.

“Thế còn bây giờ thì sao?”

Cậu bé đỏ hoe đôi mắt nói: “Mẹ con đang ở trong cái túi này!”


Người phụ nữ lặng người, ai ai trên xe bus cũng vậy. Rồi người đàn ông đứng bên cạnh lên tiếng kể hoàn cảnh của cậu bé:

“Tôi là chú của thằng bé này, bố của nó mấy năm trước vì bị bệnh mà chết, mẹ nó một mình nuôi con, chị ấy là một giáo viên ở trong làng tôi, rất được mọi người tôn trọng. Vì muốn con có cuộc sống tốt hơn nên đã tranh thủ dịp nghỉ hè đưa thằng bé lên thành phố làm thuê cho công trường xây dựng, dự tính đến ngày khai giảng thì sẽ trở về, không ngờ cuối cùng một ngày đang đi làm, thì bị sắt rơi trúng vào người… trong chiếc túi mà thằng bé mang là tro cốt của mẹ nó…”

Người phụ nữ lớn tuổi nước mắt trào ra: “Con có còn đọc sách không?”

Cậu bé nói: “Con mỗi ngày đều đến hiệu sách bên cạnh công trường để đọc sách”.

Rất nhiều người trên xe đều nói trong nhà mình còn nhiều sách và muốn tặng lại cho cậu bé, cậu bé nở nụ cười…

Điều người mẹ vĩ đại này làm được là đã khiến cậu bé không vì nghèo mà cảm thấy kém cỏi, cậu dùng tâm thái lạc quan và rộng lượng để bao dung sự kỳ thị của người khác, hết thảy điều này là có quan hệ với cách giáo dục “đừng để ý ánh mắt của người khác” mà mẹ đã dạy cậu.

(Sưu tầm trên mạng)

Saturday, March 30, 2019

VƯỜN CÀN LONG

Tử Cấm Thành sắp mở thêm khu vườn bí mật của Càn Long

Vườn Càn Long (Qianlong Garden) - nơi không một du khách nào được phép ghé thăm trong Tử Cấm Thành suốt một thế kỷ qua, sẽ chính thức chào đón khách tham quan vào năm 2020.

Nội thất sau một thời gian dài tu tạo tại Juanqinzhai trong Vườn Càn Long

Quỹ Di sản Thế giới (WMF) cùng Bảo tàng Cố cung đã tích cực tu sửa và khôi phục khu vườn Càn Long. Sau khi hoàn thành, khách du lịch có thể vào tham quan khám phá nơi ẩn dật riêng tư của hoàng đế thứ tư của nhà Thanh.

Dự án Bảo tồn của “Vườn Càn Long” được bắt đầu vào năm 2002 và sẽ được hoàn thành vào năm 2019 với kinh phí là 25 triệu USD

Vườn Càn Long được xây dựng từ năm 1771 đến 1776 dành cho Hoàng đế Càn Long an dưỡng sau 60 năm trị vì. Khu vườn bao gồm 27 sảnh đường, nhà sách, nhà ăn và các hoa viên tuyệt đẹp. Càn Long là vị hoàng đế sống thọ nhất lịch sử Trung Quốc. Năm 1796, ông nhường ngôi cho con trai Vĩnh Diễm (Gia Khánh) và đến năm 1799 thì qua đời.

Vườn Càn Long sẽ mở cửa vào năm 2020

Theo WMF, các khu nhà trưng bày những đồ trang trí và đồ đạc nội thất được thiết kế tinh xảo từ thời kỳ xa hoa nhất trong lịch sử Trung Quốc. Vẻ đẹp của thiết kế cùng sự trang trí tinh vi của khu vườn vẫn tương đối còn nguyên vẹn dáng dấp kiến trúc thế kỷ thứ 18. Nội thất nơi đây được trang trí bằng các vật dụng quý giá, đắt tiền y hệt như cách trang trí bất kỳ ở đâu trong các tòa nhà ở hoàng cung. Sảnh chính sẽ là một không gian mở với tầm nhìn ra những tảng đá trong sân để du khách có thể nhìn vào vườn.

Các khu nhà trong Vườn Càn Long chưa bao giờ được mở cửa cho công chúng, vì thế đây được coi là một trong những địa điểm quan trọng nhất trong Tử Cấm Thành.

Trong những năm gần đây, các cơ quan bảo tồn từ Trung Quốc và trên thế giới đã làm việc chăm chỉ để khôi phục lại Qianlong Garden, khu vườn đang dần lấy lại vẻ đẹp vinh quang cũ và sẽ được mở cửa trở lại trước công chúng sau gần 100 năm. Khu vườn dự kiến sẽ mở cửa cho du khách tham quan vào năm 2020, đây cũng là lúc kỷ niệm 600 năm ra đời Tử Cấm Thành.

Nguyễn Ngân
Theo Báo Du lịch

ĐẬM ĐÀ CANH CHUA CÁ NGẠNH

"Măng giang nấu cá ngạnh nguồn,
Anh ăn cho mát anh thương vợ nhà."


Khi cơn mưa giông mùa hè trút nước xuống cũng là dịp những con cá ngạnh ở thượng nguồn những con sông của miền Trung theo con nước xuôi về vùng hạ lưu.

Cá ngạnh cùng họ với cá trê nhưng nhỏ hơn, dễ phân biệt với các loại cá nước ngọt khác vì có thân và đầu dẹp, da trơn, hai đôi râu và ba ngạnh trên đầu lỡ đụng vào là nhức không chịu nổi. Chúng là loài cá ăn tạp chứ không kén mồi như một số loại cá khác nên rất dễ trong việc chọn mồi khi câu bằng mấy con trùn, con tép khô nhỏ,... Chỉ cần thả cần câu chừng hai giờ đồng hồ xuống dòng nước đục chảy từ đầu nguồn về là kiếm được vài chục con cá ngạnh đủ để chế biến được mấy món ăn ngon cho cả nhà.

Cá ngạnh có thể kho với nghệ, khế, chuối chát, nhưng ngon nhất vẫn là nấu canh chua. Và món canh chua cá ngạnh dường như là món ăn phổ biến, đặc sản dân dã của người dân miền Trung trong những ngày hè nóng bức.

"Măng giang nấu cá ngạnh nguồn
Anh ăn cho mát anh thương vợ nhà"


Nếu người miền Bắc nấu canh chua với mẻ, sấu, người miền Nam dùng các vị lá chua làm canh thì người miền Trung thường nấu bằng măng giang - một loại tre rừng còn gọi là lồ ô. Việc chế biến canh chua cá ngạnh lại tương đối đơn giản vì ngoài hai thành phần cơ bản là măng giang và cá ngạnh, các bà nội trợ chỉ cần cho thêm một ít chuối chát, khế, cà chua, nước mắm, bột ngọt, tiêu, ớt... là đủ.

Măng hái về lột bớt vài lần vỏ ngoài, cắt khúc ngắn rồi cắt dọc thành lát mỏng. Ngâm măng vào thau nước lạnh có pha chút muối chừng nửa ngày là vớt ra, xả qua nước lạnh, rồi thả vào hũ nước vo gạo đậm đặc. Tùy thời tiết nắng nóng và độ đậm đặc của nước gạo, măng tươi sẽ thành măng chua.

Cá làm sạch ruột cẩn thận không được để mất buồng trứng vàng ươm vì đây là phần ngon của cá ngạnh nguồn; cắt bỏ hai ngạnh nhọn bên mang, để lại vây và đuôi để thấy nguyên dạng con cá; sau đó ướp gia vị. Đổ cá ngạnh vào, rim đến khi thịt cá săn lại, cho tiếp măng chua, chuối chát, trộn đều để thấm gia vị. Đổ hỗn hợp trên vào nồi nước đang sôi. Sau cùng, cho khế và cà chua, đợi nước canh sôi lại, tắt bếp.


Món canh chua cá ngạnh ăn nóng với cơm hoặc bún rất ngon, thịt cá vừa mềm vừa béo, vừa ăn vừa thưởng thức từng lát măng chua giòn, vị cay the thé của ớt... khiến ai ăn một lần sẽ nhớ mãi.

Hoàng Anh

THÀNH PHỐ NÀO LÀ NƠI ĐÁNG SỐNG NHẤT Ở MỸ?

Vượt qua 124 thành phố, Austin, thủ phủ bang Texas dẫn đầu bảng xếp hạng những nơi đáng sống nhất nước Mỹ. Trong khi đó, bang Colorado lại có đến 2 thành phố góp mặt vào top 5.


U.S. News & World Report, cơ quan truyền thông Mỹ uy tín, có kinh nghiệm hoạt động 85 năm đã tiến hành xếp hạng 125 khu vực đô thị đông dân nhất nước để tìm ra những thành phố đáng sống. Điểm trung bình mức độ đáng sống xếp theo thang điểm 10, dựa trên các chỉ số giá trị, thị trường việc làm, chất lượng cuộc sống, mong ước được sống và tỷ lệ di cư thuần. Dữ liệu phân tích được thu thập từ các nguồn tin cậy như Cục Điều tra dân số, Cục Điều tra liên bang, Bộ Lao động... Sau đây là top 5 của bảng xếp hạng này. Ảnh: History.


1. Austin (Texas): Với bề dày lịch sử từ năm 1839, thủ phủ tiểu bang Texas hiện là một trong những khu vực đô thị phát triển nhanh nhất nước Mỹ. Trên bảng xếp hạng các thành phố đáng sống nhất đất nước, thành phố bên bờ sông Colorado này dẫn đầu bảng với tổng điểm là 7,7. Austin cuốn hút mọi người bởi các không gian ngoài trời và thể chế văn hóa sống động. Ảnh: Life Storage.


Được mệnh danh thủ đô nhạc sống thế giới, Austin có nhiều địa điểm âm nhạc, các ban nhạc địa phương cùng những lễ hội âm nhạc sôi nổi cho mọi người cùng tham gia. Cư dân ở đây cũng có thể thoát khỏi sự nhộn nhịp đô thị với những chuyến tản bộ, đạp xe, chèo thuyền kayak... trong hơn 250 công viên. Austin còn có ĐH Texas, một trong những trường đại học công lập lớn nhất nước Mỹ. Ảnh: World.


2. Colorado Springs (Colorado): Không là trung tâm kinh tế - văn hóa nổi tiếng như một số khu vực đô thị lớn khác trong tiểu bang Colorado, song thành phố Colorado Springs lại có nét quyến rũ riêng từ sự yên tĩnh, dịu dàng. Nơi đây hiện có thêm các khu dân cư mới cùng các trường học, công viên và những điểm tham quan văn hóa chất lượng. Điểm trung bình mức độ đáng sống của Colorado Springs là 7,6. Ảnh: Colorado Biz Mag.


Colorado Springs có những lợi thế về thiên nhiên tuyệt vời, thu hút nhiều du khách. Cảnh quan núi non xinh đẹp nơi đây rất thích hợp cho các hoạt động ngoài trời. Bạn có thể chiêm ngưỡng những đặc điểm địa chất của đá sa thạch đỏ lộng lẫy tại công viên Khu vườn các vị thần, hoặc ngắm các tầng thác Seven Falls kỳ ảo. Khu nghỉ mát trượt tuyết Aspen và Vail là địa điểm nổi tiếng khác của Colorado Springs mà du khách không nên bỏ qua. Ảnh: New York Daily News.


3. Denver (Colorado): Thành lập giữa những năm 1800, Denver từng được biết đến như một trung tâm khai thác trong cuộc "chạy đua vàng" của lịch sử miền Tây hoang dã nước Mỹ. Nằm ở độ cao khoảng 1.600 m, nơi đây có biệt danh Mile High City, tức thành phố cao 1 dặm. Denver còn là điểm đến nổi tiếng của những người đam mê trượt tuyết trong mùa đông. Thành phố này đạt 7,5 điểm về mức độ đáng sống. Ảnh: Denver Post.


Denver có hơn 2.000 ha công viên, đường mòn, sân golf... Những không gian xanh nổi bật này rất được yêu thích ở Denver. Âm nhạc cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống ở đây. Denver ghi dấu các nhóm nhạc nổi tiếng như The Fray và Big Head Todd and the Monsters. Hàng năm, thành phố là nơi tổ chức lễ hội bia vĩ đại của nước Mỹ (Great American Beer Festival), góp mặt hơn 3.800 loại bia từ 800 nhà máy bia khắp đất nước. Ảnh: GABF.


4. Des Moines (Iowa): Thủ phủ tiểu bang Iowa của Mỹ là một nơi đáng sống đối với gia đình bạn. Nơi đây có những ngôi nhà xây dựng đầu những năm 1900 theo phong cách kiến trúc Tudor thanh lịch, nằm ẩn mình trong những khu phố yên tĩnh cách không xa trung tâm thành phố nhộn nhịp. Nhiều đường mòn, công viên của thành phố cho bạn cơ hội giải trí ngoài trời tuyệt vời như đi bộ đường dài, cắm trại... Điểm trung bình mức độ đáng sống của Des Moines là 7,3. Ảnh: IES.


Các sự kiện văn hóa và lễ hội ở Des Moines thu hút mọi lứa tuổi đến khu vực trung tâm thành phố. Nơi đây cũng không thiếu các cửa hàng độc đáo, các nhà hàng, quán bar địa phương... Nếu yêu thích các môn thể thao như bóng chày, bóng rổ, khúc côn cầu... bạn hãy đến Des Moines để tham dự các sự kiện thể thao và các giải đấu sôi nổi tại đây. Ảnh: RunBlogRun.


5. Fayetteville (Arkansas): Nằm trong khu vực tăng trưởng mạnh mẽ, Fayetteville đã chuyển mình từ thị trấn nhỏ thành một trung tâm giáo dục đại học, văn hóa và thương mại có tiếng. Nép mình ở dãy núi Ozark, thành phố có 36 công viên và 16 khu vực tự nhiên với diện tích khoảng 1.700 ha. 7,3 là điểm trung bình mức độ đáng sống của Fayetteville. Ảnh: Fayetteville-Ar.


Cư dân Fayetteville cũng rất quan tâm đến nghệ thuật. Trung tâm nghệ thuật Walton trên đường Dickson tự hào có một sân khấu Broadway rực rỡ sắc màu. Nhà hát TheaterSquared gần đó cũng chào đón hơn 30.000 lượt khách mỗi năm. Các không gian xanh công cộng, các sân chơi, công viên, đường mòn đi bộ... giúp mang đến sự phong phú của những hoạt động ngoài trời. Ảnh: Fayetteville Flyer.

Song Phúc
Theo U.S. News & World Report

BÀI HỌC TỪ NHỮNG DÒNG SÔNG: CHO ĐI ĐỂ ĐƯỢC NHẬN LẠI


Giở bản đồ thế giới ra, ta thấy những vệt núi màu nâu, đồng bằng rộng lớn màu xanh lục, vùng gò đồi và thung lũng màu vàng nhạt và xanh nhạt đan cài trộn lẫn vào nhau. Nhiều dòng sông lớn uốn khúc quanh co, ao hồ lấm tấm như sao, tựa những viên ngọc sáng khảm trên mặt đất.

So với nước biển, thì nước trên lục địa chẳng thấm tháp vào đâu. Nhưng nói về con số thì nước trên lục địa cũng tương đối lớn. Sông, hồ, ao đầm, băng tuyết và nước ngầm đều là nước lục địa, có đến hơn 47,97 triệu kilômet khối. Trong đó, khối lượng băng tuyết hơn 24 triệu kilômet khối, nước ngầm khoảng 23,4 triệu kilômet khối. Ngoài ra, còn có nước trong đất, băng vĩnh cửu dưới đất, nước đầm lầy, nước sinh vật. Riêng tổng khối lượng nước của sông hồ, chưa tới 1,76 triệu kilômet khối. Số lượng tuy ít nhưng nước sông hồ có quan hệ rất lớn đến con người.

Sông lớn cuồn cuộn chảy về biển cá. Tổng lượng nước đổ vào biển cả mỗi năm của sông ngòi trên toàn thế giới lên tới hơn 37 nghìn kilômét khối. Năm này qua năm khác, nước số chảy hoài chảy mãi. Nước ở đâu ra mà nhiều vậy? Tại sao nó có thể chảy mãi không ngừng?


Không từ các dòng suối nhỏ thì không thành sông, biển. Thì ra, sông lớn là do nhiều sông nhánh hợp thành. Nước sông có nguồn gốc từ nước mưa, nước ngầm và nước băng tan. Quy cho cùng, thì đều là nước từ khí quyển rơi xuống.

“Nước chảy chỗ trũng”. Nước mưa, nước tuyết tan hoặc nước suối đều chảy theo các dốc núi hình thành khe nước, suối nhỏ, rồi hợp lại thành sông. Trên dòng chảy, sông lại tiếp nhận thêm nước mưa, nước ngầm, càng nhiều nước để chảy cuồn cuộn…

Vĩ đại nhất chỉ có thể là sông Amazon ở nam Mỹ. Lưu lượng nước đỏ ra biển của Amazon lên đến 300.000 mét khối một giây (11.000.000 cu ft/s) trong mùa mưa, trung bình 209.000 mét khối một giây (7.400.000 cu ft/s) trong khoảng thời gian từ 1973 đến 1990. Amazon cung cấp khoảng 20% lượng nước ngọt trên thế giới đổ vào đại dương.

Sông Congo cũng là một con sông có lưu lượng nước rất lớn. Lưu vực sông Congo có diện tích 4.014.500 kilômét vuông (1.550.000 sq mi), với lưu lượng tại cửa sông từ 23.000 mét khối một giây (810.000 cu ft/s) đến 75.000 mét khối một giây (2.600.000 cu ft/s), trung bình 41.000 mét khối một giây (1.400.000 cu ft/s).


Sông Trường Giang là sông lớn thứ năm thế giới về lưu lượng nước, với hơn 30.000 mét khối một giây, gần gấp đôi Mississippi hoặc Mekong, ba lần so với Saint Lawrence, bốn lần so với sông Danube hay Columbia, và hơn mười lần suối nhỏ như Rhine hoặc sông Nile.

Sông Nin bắt nguồn từ hồ Victoria ở khu vực xích đạo có mưa quanh năm nên lượng mưa khá lớn. Tới Khác-tum sông Nin nhận thêm nước từ phụ lưu Nin Xanh ở khu vực cận xích đạo, lưu lượng trở nên rất lớn, mùa nước lũ lên tới 90 000 m³/s; đến biên giới Ai Cập mặc dù sông Nin chảy giữa miền hoang mạc và không nhận được thêm phụ lưu nào nữa, nước sông vừa ngấm xuống đất, vừa bốc hơi mạnh, gần biển lưu lượng nước giảm nhiều nhưng ở Cai-rô (Ai Cập) về mùa cạn lưu lượng vẫn còn 700 m³/s.

“Nước Hoàng Hà từ trên trời xuống, chảy hoài ra biển không trở về”. Đây là thủ pháp khoa trương của nhà thơ Lý Bạch. Nhưng đúng là nước Hoàng Hà từ “trên trời” xuống, còn “không trở về” thì ở góc độ nào đó là hoàn toàn không đúng. Do hạn chế nhận thức của thời đại, Lý Bạch khó có thể nói rõ sự thay đổi tuần hoàn của nước.


Nước trên lục địa, suy cho cùng, đều là nước trên trời rơi xuống bằng nhiều hình thức (mưa, tuyết, sương, mù) nước ngầm cũng là do nước mưa ngấm xuống đất. Các loại nước mưa này chủ yếu đều bắt nguồn từ biến cả.

Ước tính, lượng nước mưa hàng năm trên lục địa vào khoảng hơn 100 nghìn kilômét khối. Một phần trong đó bị động thực vật hấp thu, một phần ngấm xuống đất thành nước ngầm, một phần bốc hơi trở lại vào khí quyển, một phần hình thành suối nhỏ đi rồi hợp thành sông, chảy ra biển. Sau đó lại bốc hơi, lại mưa, không ngừng tuần hoàn, lặp đi lặp lại.

Nước là một lực lượng vĩ đại, nó không ngừng làm thay đổi bộ mặt quả đất. Do tác dụng xâm thực, bào mòn xông xói… của dòng chảy, trên mặt đất hình thành các ghềnh đá, vực sâu, núi đá, hang động cùng đồng bằng rộng lớn. Đồng thời nó cũng ảnh hưởng tới sự biến đổi của thời tiết và khí hậu, thúc đẩy sự trao đổi không ngừng giữa vật chất và năng lượng.


Sông cuồn cuộn chảy không mệt mỏi, tô điểm giang sơn thêm đẹp, mang lại thuận tiện tưới tiêu, đi lại cho con người. Đồng thời, nó cung cấp một cách vô tư tài nguyên động lực to lớn cho loài người.

Nước là nguồn gốc của sự sống. Nơi có nước, cây cối tốt tươi, động vật phong phú, sức sống tràn trề, dân cư đông đúc. Hàng triệu năm nay bằng trí tuệ và đôi bàn tay của mình, loài người đã nắm vững quy luật chuyển động và biến hóa của nước, xây dựng nên các đập nước, trạm điện, điều tiết nguồn nước, phát điện năng, làm cho sông ngòi mang lại hạnh phúc cho loài người.

Nguồn: theki.vn

Friday, March 29, 2019

SẮN DÂY - SÁT THỦ SINH THÁI Ở MỸ

Cây trồng xâm lấn là vấn đề thường gặp trên toàn thế giới, hiện nay có rất nhiều quốc gia cấm mang theo hạt giống hoặc cây non từ nước ngoài về trồng, điều này nhằm ngăn chặn xảy ra việc cây trồng xâm lấn gây phá hoại môi trường sinh thái.


Loài cây bị Mỹ xem là “sát thủ sinh thái” nhưng lại quý như nhân sâm ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc mà ngay cả các nước châu Á có một loài cây trồng được quý như nhân sâm, thậm chí còn được gọi bằng mỹ danh là “nhân sâm châu Á”. Nhưng sau khi đến Mỹ thì loài cây này lại bị coi là “sát thủ sinh thái”. Loài thực vật này rất quen thuộc – đó chính là sắn dây.

Sắn dây có sức sống rất mãnh liệt. (Ảnh: Shutterstock)

Theo báo chí nước ngoài, vào những năm 70-80, sắn dây có thể nói là báu vật, từ lá đến rễ đều có rất nhiều công dụng. Lá sắn dây không chỉ có thể là rau ăn được, mà còn có thể dùng để làm thức ăn cho lợn, hơn nữa thân của sắn dây rất cứng, những người nông dân có tay nghề còn dùng chúng để làm thành ghế và gọi là “ghế bấc”.

Đương nhiên phần có giá trị nhất của sắn dây vẫn là rễ-củ của chúng, có rất nhiều người thích ăn củ sắn dây. Loại củ này trong Đông y được gọi là “Cát Căn“. Cát căn có thể dùng làm chiết xuất tinh bột vì có lượng tinh bột cao, ngoài ra chúng còn có giá trị dược liệu rất cao, có công dụng giải khát, chữa tiêu chảy, hạ hỏa, chữa ngộ độc rượu, hạ huyết áp v.v…, hơn nữa trước đây người ta còn dùng của sắn dây làm lương thực, từng là loại thực phẩm cứu mạng của những người dân nghèo khổ trong thời kỳ đói kém.

Củ sắn dây. (Ảnh: Internet)

Nếu cho bột sắn dây vào nấu cùng với cháo, sau khi ăn sẽ cảm thấy vô cùng dễ chịu và no bụng. Tại các vùng nông thôn Trung Quốc không chỉ có số lượng lớn sắn dây thiên nhiên, mà còn có không ít người nông dân trồng lượng lớn sắn dây để tinh chế tinh bột. 

Ở Việt Nam, sắn dây mọc hoang ở rừng và cũng thường được người dân trồng để lấy củ ăn hoặc làm bột. Nhiều người cũng công nhận tác dụng rất tốt của loài “nhân sâm” này.

Bột sắn dây có tác dụng thanh nhiệt, tốt cho tỳ vị. (Ảnh: Shutterstock)

Thật ra trước khi “du nhập” sắn dây vào nước, ở Mỹ cũng từng trồng rất nhiều loài cây này. Tại vùng phía Nam nước Mỹ, vào những năm 30 của thế kỷ trước, nhằm chống xói mòn đất, người ta đã trồng rất nhiều sắn dây, khi đó quả thật đã đạt hiệu quả vô cùng tốt. Thế nhưng sau 10 năm, sắn dây đã xâm lấn khắp các nông trường lớn ở phía Nam.

Tuy nhiên, người Mỹ không biết cách ăn sắn dây, không biết cách sử dụng chúng ra sao, cuối cùng dẫn đến việc sắn dây mọc tràn lan, rất nhiều loại cây trồng khác đều bị sắn dây bao phủ nên không có đủ ánh sáng để quang hợp, cuối cùng chết rất nhiều.

Vào những năm 1960, Bộ Nông nghiệp Liên bang vốn ban đầu cho phát triển loại sắn dây này đã bắt đầu tập trung nghiên cứu cách tiêu diệt chúng. Dù vậy, điều đó vô cùng khó khăn vì sắn dây là loài thực vật có sức sống vô cùng mạnh mẽ.

Dù cho có dùng dao cắt bỏ dây sắn trên đất, dùng lửa đốt chúng cũng vô ích, vì rễ sắn dây dưới đất không bị loại bỏ thì năm sau chúng sẽ lại mọc ra một khoảng lớn. Có thể nói là ngay cả lửa cũng không đốt được sắn dây, dù có dùng đến thuốc diệt cỏ cũng không thể nào tiêu diệt được hết, trừ phi đào hết rễ của chúng lên, không được để lại một dây nào, như vậy mới loại bỏ chúng được toàn bộ.

Cây sắn dây sinh trưởng rất nhanh. (Ảnh: Shutterstock)

Thế nhưng khí hậu phía Nam nước Mỹ khá ẩm, vô cùng thích hợp cho sự phát triển của sắn dây, một ngày chúng có thể dài thêm 5 cm. Vì vậy, mỗi năm nước Mỹ phải tiêu tốn rất nhiều tiền do bị mất đất trồng trọt và các chi phí kiểm soát sắn dây. Có lẽ giải pháp để giải quyết vấn đề này cho nước Mỹ chính là người dân cần học cách sử dụng sắn dây như một loại thuốc quý như trong Đông y, chứ không phải là tìm cách tiêu diệt chúng.

Thanh Vân
Link tham khảo:


CHÓ CHÊ MÈO LẮM LÔNG

Ở đời, mỗi người mỗi tính, ít ai giống với ai. Có người này thì cũng có người khác. Người tốt hay kẻ xấu, thật hay giả lẫn lộn không biết chừng. Trong đó lại có một nhóm người, họ chuyên phán xét người khác một cách vô tội vạ mà không hề nghĩ đến hệ quả về sau. Mà đúng rồi, người ta còn không suy xét lại bản thân mình huống chi là nghĩ cho xa xôi để mệt thân.

Bản thân mình chưa chắc đã tốt đẹp gì nhưng lại cứ thích nói người khác. Bởi thế, thành ngữ có một câu răn “Chó chê mèo lắm lông” là vì vậy.



“Chó chê mèo lắm lông”


Câu thành ngữ này hiểu một cách đơn giản về mặt chữ thì con chó nó chê con mèo sao mà nhiều lông quá. Ừ thì mèo nhiều lông thiệt nhưng con chó nó đã quên một điều, nó cũng có lông nhiều không kém. Vậy đó, chê người ta cho đã rồi nhìn lại mình cũng y như họ chứ có khác gì. Rồi một ngày, họ bắt bẻ và chê lại mình thì lúc đó biết giấu mặt vào đâu. Lúc đó, mình lại còn cái lý lẽ gì nữa đâu mà đem ra phản bác lại. Bởi người xưa mới dạy “Cười người hôm trước, hôm sau người cười” mà.

Con người có ai là hoàn hảo đâu, nếu có cũng thật hiếm thấy và chắc chỉ bằng một phần vạn người thôi. Đã như vậy, chúng ta cũng đừng nên quá khắt khe. Lẽ dĩ nhiên, có người góp ý và nhận xét để chúng ta càng ngày càng tiến bộ là một điều đáng quý. Cái đó mình mong mà không được nữa là phiền trách. Nhưng sự cảm ơn chỉ dành cho những ai thật lòng muốn mình khá hơn, chân thành khuyên bảo mình. Chứ kiểu nhận xét và hạ bệ người khác cho sướng miệng thì còn phải nói làm gì.

Hãy xem như đó là một bài học

Có vô vàn kiểu người mà chúng ta sẽ gặp phải ở trong đời. Có người mang đến cho chúng ta niềm vui; có người đem lại nỗi buồn; có người dạy bảo, giúp đỡ; có người hãm hại, trù dập;….nhiều đến không đếm xuể. Chúng ta có thể vui vì những người tốt và đôi lúc, tổn thương vì những người không xứng đáng. Nhưng thôi, hãy nén nỗi bi thương đi vì đó là quy luật của cuộc sống rồi. Mỗi một người xuất hiện đều trao cho chúng ta một bài học đắt giá.


Đó có thể là bài học của lòng tốt, của sự sẻ chia hay thậm chí là tâm địa đa đoan của con người. Nhưng không sao cả, chúng ta vì những bài học như thế mới dần trở nên trưởng thành hơn. Trưởng thành là một quá trình khó khăn vì bạn phải tự chống đỡ bầu trời của riêng mình. Nếu sau lưng bạn không có lấy một ai thì bạn sao dám ngã xuống? Vậy ra, tiếp tục bước về phía trước là con đường duy nhất bạn có thể chọn. Hoặc là đi tiếp hoặc là chết ngay bây giờ, có quá khó khăn để bạn lựa chọn hay không?

Những người thích phán xét

Có khi, đây cũng là một chứng dễ “bị nghiện” đấy. Họ thích thế và đó hầu như là toàn bộ cuộc sống của họ. Xem nào, nhu cầu thể hiện bản thân là nhu cầu cao nhất của con người. Thế nên, nhiều người lại thích thể hiện mình một cái thái quá. Ví như bạn là người có tài năng thì bạn có cái để thể hiện nhưng nếu bạn là người không có tài thì sao? Chỉ còn cách hạ người khác xuống và nâng mình lên thôi. Soi mói xem người ta có khiếm khuyết chỗ nào là cứ lao vào “xâu xé” cho bằng được.

Những người thích phán xét, thích bàn về cái dở của người này, cái xấu của người kia nhưng chưa bao giờ biết tự nhận xét mình một cách đúng đắn. Liệu mình có hơn gì người ta không? Hay nói như thế chỉ là để thỏa mãn tính hiếu kì và xem nó là thú vui trong cuộc đời buồn chán này? Đúng là “Chó chê mèo lắm lông”


Tôi hay nghe các bạn ca thán về những bà hàng xóm, rằng họ là nỗi ám ảnh của các bạn. Tôi không biết nữa vì hàng xóm ở quê tôi rất hiền, họ trong ký ức của tôi là những cô, chú, bác gần gũi và rất đỗi lương thiện. Còn hàng xóm của các bạn, thật sự hắc ám như vậy sao?

Họ có mặt ở khắp nơi

Có những người hàng xóm hay tụm năm tụm bảy bàn chuyện thiên hạ. Lôi từ chuyện nghệ sĩ, người mẫu đến chuyện đầu làng cuối ngõ mà phân tích, phán xét theo ý kiến chủ quan của mình. Những câu chuyện được đồn thổi và xuyên tạc một cách khó tin dần lan rộng hơn. Để được gì ngoài sự khốn đốn của người trong cuộc.

Đi làm lại gặp một đồng nghiệp mắc ngay căn bệnh “thích phán xét”. Cho dù bạn có làm gì cũng bị mang ra nói, làm tốt cũng không được, làm không tốt lại càng khó yên thân. Họ cứ chăm chăm chỉ trích người khác mà quên nhìn lại chính mình. Hoặc trong lớp tôi có một đứa bạn, nó suốt ngày chê bai đứa này, đứa nọ một cách rất ngang nhiên trong khi nó thậm chí còn không bằng họ. Ai cũng quen tính nên chỉ cười trừ, đôi lúc còn quăng lại cho một cái nhìn đầy ẩn ý.


Tôi chẳng thấy được niềm vui nào ở những người như thế. Cái họ gây ra cho người khác là khó chịu và tổn thương, còn họ nhận về sự xa lánh và đôi khi là thương hại. Cuộc sống của những người đó nào biết đâu là niềm vui, biết đâu là tình cảm chân thành. Tự họ nhốt mình trong lớp vỏ cô độc rồi lại mãi cô độc đến khi họ nhận ra cái sai của bản thân mình mà thôi. Mà đâu biết, có khi hối hận cũng đã muộn.

Hãy tin vào chính mình

Có quá nhiều “thành phần” thích đem người khác ra để mà phán xét nên chúng ta hãy tự thay đổi tư tưởng của chính mình. Trong đoạn đường mà bạn sắp đi, sẽ có nhiều người như thế nên tốt hơn hết là mình cứ thản nhiên cho qua. Chúng ta hãy tin vào việc mình làm và mặc kệ những lời nói xung quanh. Thiên hạ chẳng nuôi ta được ngày nào nên đừng vì họ mà sầu não nữa. Đứng lên đi, bạn còn bao nhiêu ước mơ và dự định chưa thể hoàn thành kìa.

(Sưu tầm trên mạng)

DƯƠNG HƯ ÂM HỎNG

Tối nay, như mọi khi các vong hồn nghĩa trang X tụ tập tám chuyện với nhau.

Một vong trẻ bức xúc:

- Tức thiệt, âm ty đâu có xài tiền, thế mà cái dịch vụ cúng vong oan gia trái chủ của chùa Ba Vàng trúng đậm mới lạ!

Một vong già gật gù:

- Tiền âm phủ mà người dương gian đốt xuống tụi mình còn không xài được, nói chi tiền thật. Với lại, haiza... tiền nhiều mà làm gì?

Vong trẻ quật lại ngay:

- Hỏi lạ. Tiền nhiều thì mua tiên cũng được, chứ làm gì nữa! Ông tưởng tượng đi, dưới này mà được xài tiền, chỉ cần bỏ chục triệu lo lót là có ngay một suất đầu thai chứ đâu phải vất vưởng bao lâu nay như ông!

Tranh: N9

Sau câu ấy, cả đám vong nhao nhao. Đứa thì “Nếu cho xài tiền, tao mua ngay cái bằng tiến sĩ để làm phán quan!”, đứa khác “Còn tao, tiếc chi không sắm cái thẻ xanh cho kiếp sau ngập trong bơ sữa!”, đám trẻ trâu thì chép miệng “Đổi hết ra giấy 200.000, tha hồ mà cưỡng...!”. Một vong ra dáng doanh nhân nghe thế, bĩu môi:

- Tụi bây thật là... Tiền phải đẻ ra tiền! Theo tao, hay nhất là... xây chùa!

Doanh nhân cõi âm nói xong, săm soi nhìn tác giả “tiền nhiều mà làm gì” đến độ vong già phải e dè:

- Nè, sao mày nhìn tao dữ vậy?

- Em đang cân nhắc bác có đủ tiêu chuẩn trụ trì cái chùa của em hay không!

Người Già Chuyện
Nguồn: Người Đô Thị Online

Thursday, March 28, 2019

CÀ RI Ở ẤN ĐỘ, THÁI LAN VÀ NHẬT BẢN KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO?

Chắc hẳn nhắc đến hai chữ cà ri, mọi người sẽ lập tức liên tưởng ngay đến Ấn Độ, quốc gia có hương vị cà ri nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, đối với những thực khách sành ăn thì còn có 2 nước nữa cũng rất nổi tiếng với món cà ri, đó là Nhật Bản và Thái Lan.


Tuy nhiên, cà ri ở mỗi quốc gia sẽ có những đặc điểm khác nhau hết sức đặc trưng, vì những khác biệt trong khẩu vị và khí hậu của mỗi nước.

Nước dùng:

Người Ấn thường dùng sữa chua làm nền cho món ăn này, đây cũng là nguyên liệu khiến cà ri Ấn sánh và có mùi vị khác biệt. Trong khi đó, người Thái thì chủ yếu dùng nước cốt dừa, để tạo độ béo và ngọt dịu, cũng do đó món cà ri Thái thường ở thể lỏng hoàn toàn. Nước Nhật rất hay ăn món cà ri, nhưng họ chủ yếu dùng viên súp để tạo vị hoặc nước dùng làm từ Dashi, một loại nguyên liệu thuần Nhật.


Nhân và món ăn kèm:

Cà ri Ấn Độ thường sử dụng các gia súc đặc trưng của nền kinh tế chăn thả, là trâu, bò, gà dê và thường ăn kèm với bánh mì Nan hoặc cơm Nị. Còn các loại cà ri Thái khá chú trọng vào việc sử dụng các loại hải sản như tôm, cua, hàu và ăn kèm bún hoặc cơm trắng. Riêng Nhật Bản, mỗi vùng lại có một loại nhân khác nhau tùy vào đặc sản từng nơi, đặc biệt nhất là có vùng còn dùng táo làm loại nhân chủ chốt.


Gia vị:

Ở đất nước kinh đô gia vị như Ấn Độ thì cà ri là một tổ hợp gia vị khổng lồ, tuy nhiên được biết đến nhiều nhất chính là tiêu, bột ớt, nghệ, quế, hoa hồi và thì là Ai Cập. Có thể nói, sự kết hợp hài hòa nhưng nồng đậm giữa nhiều loại phụ gia này, đã khiến cà ri Ấn được nhớ đến trên toàn thế giới. Trái ngược hẳn người Ấn, cư dân xứ Phù Tang chủ yếu dùng các gia vị thuần Nhật và có vị thanh như nước tương và rượu Mirin để nêm nếm món ăn.


Còn người Thái thì khá cân bằng khi sử dụng nhiều gia vị, nhưng lại chia nhỏ từng loại cho mỗi hương vị cà ri riêng biệt. Cà ri xanh với rau mùi, lá chanh, húng quế dành cho người không thích ăn cay, cà ri vàng với bột nghệ, nước dảo dừa, sả nên thơm và sệt hơn các loại khác, còn cà ri đỏ với ớt, tiêu, nước mắm là loại cay và đậm đà nhất ở xứ sở chùa Tháp.


Theo: Bếp Vàng