Hoàn mỹ
Tiểu hòa thượng ngồi bệt dưới đất khóc lóc, trên mặt đất đều là những mẩu giấy viết chữ đã bị nhàu nát.
“Vì sao con khóc?”, lão hòa thượng hỏi.
“Thưa, chữ con viết không đẹp”.
Lão hòa thượng nhặt vài tờ lên xem thử: “Chữ viết cũng đẹp lắm mà, sao con lại vứt bỏ đi chứ?”.
“Nhưng con thấy không đẹp!”. Tiểu hòa thượng tiếp tục khóc: “Con muốn nó phải hoàn mỹ, tuyệt đối không được phép có bất cứ thiếu sót nào”.
Tiểu hòa thượng và tiêu chuẩn hoàn mỹ.
“Vấn đề là, trên đời này có ai mà không có chút khuyết điểm nào chứ?”.
Lão hòa thượng vỗ vỗ nhẹ lên vai của tiểu hòa thượng, nói: “Cái gì con cũng đều cầu cạnh hoàn mỹ đến tuyệt đối cả, hễ một chút không vừa ý liền tức giận khóc lóc, đây chẳng phải chính là không hoàn mỹ hay sao?”.
Sạch sẽ
Tiểu hòa thượng nhặt hết số giấy trên mặt đất lên rồi đi rửa tay. Xong, cậu lại đứng trước gương rửa mặt; sau đó lại cởi quần áo giặt đi giặt lại hết lần này đến lần khác.
“Con đang làm gì vậy? Con giặt đi giặt lại đã lãng phí hết cả nửa ngày rồi”, lão hòa thượng hỏi.
“Nhưng như thế mới sạch”, tiểu hòa thượng nói. “Con không chịu được dù chỉ một chút dơ bẩn, sư phụ cũng biết mà. Mỗi khi một vị thí chủ rời đi, con đều lau sạch từng chiếc ghế mà họ từng ngồi”.
“Đây gọi là sạch sẽ ư?”. Sư phụ cười nói: “Con chê trời bẩn, chê đất bẩn, chê người bẩn, bề ngoài tuy sạch sẽ, nhưng nội tâm lại lấm lem bụi bẩn, chính là không sạch sẽ rồi”.
Bề ngoài tuy sạch sẽ nhưng nội tâm lại có tật, tốt hơn nên sạch từ trong tâm. Ảnh theo tintuc.vn
Hoá duyên
Trước khi đi hoá duyên, tiểu hòa thượng chọn ra một chiếc áo cũ rách để mặc.
“Tại sao lại chọn chiếc áo này?”, sư phụ hỏi.
“Chẳng phải sư phụ nói không cần quá chú trọng đến vẻ ngoài sao?”. Tiểu hòa thượng có phần ấm ức nói: “Vậy nên con chỉ tìm mặc chiếc áo cũ rách này. Hơn nữa các thí chủ thấy vậy sẽ bố thí cho con nhiều hơn”.
“Thế con muốn đi hóa duyên hay là đi ăn mày?”. Sư phụ nhìn một lượt rồi nói: “Con mong rằng mọi người thấy con đáng thương, nhờ vậy sẽ cúng dường cho con nhiều hơn; hay là con mong rằng mọi người thấy con là người có tu dưỡng, muốn thông qua con mà kết được duyên lành đây?”.
Tiểu Hòa thượng và lời dạy của sư phụ về hóa duyên. Ảnh theo baomoi.com
Gắng gượng không chết và cố gắng sống thật tốt
Trời nắng nóng, những cây hoa trong thiền viện đều héo úa cả.
“Trời ơi, mau mau tưới nước thôi!”. Tiểu hòa thượng la lên, vội vàng xách một thùng nước đến.
“Đừng vội!” Lão hòa thượng nói: “Hiện giờ trời nắng nóng, một nóng một lạnh, tưới vào nhất định sẽ chết, đợi khi trời mát rồi sẽ tưới vậy”.
Đến chập tối, số hoa đó đều khô héo hết cả. “Không tưới nước…” tiểu hòa thượng lẩm bẩm: “Giờ đã chết hết cả rồi, dù có tưới thế nào cũng không sống lại được nữa”.
“Đừng cằn nhằn! Hãy tưới đi!”. Lão hòa thượng ra lệnh.
Sau khi tưới nước xuống, một lúc sau toàn bộ số cây hoa đều đứng thẳng dậy, hơn nữa còn cho thấy sức sống tràn trề.
“Ồ!”, tiểu hòa thượng phấn khích reo lên: “Chúng thật là lợi hại, tàn tạ như vậy mà vẫn gắng gượng không chết được”.
Học cách sống của hàng cây, mỗi ngày đều cố gắng sống cho thật tốt. Ảnh theo kienthuc.net.vn
“Ăn nói tầm bậy!”. Lão hòa thượng đính chính lại: “Không phải là gắng gượng không chết, mà là cố gắng sống thật tốt”.
“Thưa, hai điều này có gì khác nhau ạ?”. Tiểu hòa thượng cúi đầu nói.
“Đương nhiên khác nhau rồi”. Lão hòa thượng vỗ vỗ nhẹ lên người của tiểu hòa thượng, nói: “Sư phụ hỏi con, ta năm nay cũng đã ngoài 80 tuổi rồi, là sư phụ gắng gượng không chết, hay là cố gắng sống thật tốt đây?”. Tiểu hoà thượng trầm ngâm một lúc, tỏ ý chưa ngộ được lời sư phụ muốn nói.
Sau buổi tụng kinh, sư phụ cho gọi tiểu hòa thượng đến trước mặt, hỏi: “Thế nào rồi? Con đã nghĩ thông hay chưa?”.
“Vẫn chưa ạ!”. Tiểu hòa thượng vẫn cúi đầu.
Lão hòa thượng xoa đầu tiểu hòa thượng rồi nói: “Tiểu tử ngốc ạ, người mà từ sáng đến tối đều sợ chết sẽ gắng gượng sống chỉ mong sao cho khỏi chết; còn người mà mỗi ngày đều nhìn về phía trước sẽ cố gắng sống sao cho thật tốt. Có được thọ mệnh một ngày, thì hãy cố gắng sống thật tốt một ngày, còn những người vì sợ chết mà đốt hương bái Phật, mong rằng sau khi trăm tuổi lâm chung có thể đến thế giới Cực Lạc, họ tuyệt đối không thể đến đó được đâu”.
Chẳng qua chỉ là một bát cơm
Một ngày kia, có hai người thanh niên ở tại nơi làm việc cảm thấy không hài lòng nên quyết định cùng nhau đến thỉnh giáo lão hòa thượng.
Khi gặp được vị hòa thượng, một trong hai người nói: “Thưa đại sư, chúng con ở phòng làm việc hay bị ức hiếp, quá thống khổ, cầu xin ngài chỉ bảo, chúng con có nên xin nghỉ việc ở đó hay không?”
Lão hòa thượng khẽ nhắm hai mắt lại, giống như đang trầm ngâm, sau một hồi lâu lão hòa thượng mới mở lời, nhưng lại chỉ nói đúng 7 chữ: “Chẳng qua chỉ là một bát cơm”. Sau đó, vị đại sư liền phất tay, ý bảo hai người rời đi.
Sau khi hai người trở lại công ty, một người lập tức nộp đơn xin nghỉ việc, quyết định trở về quê hương làm ruộng, người còn lại tiếp tục ở lại công ty.
Thoáng một cái đã 10 năm trôi qua, người trở về quê hương làm ruộng luôn tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những bậc tiền nhân đi trước, lấy môi trường thân thiện làm phương thức kinh doanh, kết quả của sự cần cù cố gắng là đã trở thành một chuyên gia nông nghiệp.
Còn vị ở lại công ty cũng không hề thua kém, anh đã tự mình điều chỉnh cho phù hợp, cũng cố gắng thể hiện năng lực, nên dần dần được coi trọng, hiện giờ đã trở thành nhà quản lý.
Đến một ngày, hai người gặp lại nhau.
Vị chuyên gia nông nghiệp nói: “Thật là kỳ lạ, đại sư cho chúng ta biết ‘chẳng qua chỉ là một bát cơm’, bảy chữ này tôi nghe xong liền hiểu ngay, chẳng qua cũng chỉ vì một bát cơm thôi, sao phải miễn cưỡng ở lại công ty mà không rời đi? Cho nên tôi đã xin nghỉ việc ngay.” Sau đó, anh ta hỏi người quản lý: “Tại sao khi đó anh lại không nghe theo lời nói của đại sư vậy?”.
Người quản lý vừa cười vừa nói: “Tôi nghe xong đại sư nói ‘chẳng qua chỉ là một bát cơm’, nên mỗi khi phải chịu nhiều sự khinh bỉ, chịu nhiều rắc rối, tôi chỉ cần nghĩ: ‘Cùng lắm cũng chỉ là để kiếm miếng cơm ăn’, cho nên dù ông chủ nói bất kể điều gì khó chịu, chỉ cần mình bớt hờn giận, bớt so đo là được rồi. Đại sư không phải là có ý này sao?”.
Một ngày khác, họ lại đến thăm lão hòa thượng, lão hòa thượng lúc này đã già lắm rồi, ông ngồi trước mặt hai người và vẫn từ từ nhắm mắt lại, sau một ngày trôi qua, chỉ nói một câu: “Chẳng qua chỉ là sai khác ở một niệm”, sau đó lại một lần nữa phất phất tay.
Hai người bèn nhìn nhau cười, dường như trong lòng đã hiểu rõ.
Thiền viện giữa trời đất
Sau khi lão hòa thượng viên tịch, tiểu hòa thượng đã trở thành sư trụ trì.
Ông luôn ăn mặc chỉnh tề, mang theo rương thuốc, đến những nơi nghèo khó bẩn thỉu, rửa vết thương thay thuốc cho người bệnh ở đó. Sau đó mình mẩy bẩn thỉu trở về thiền viện.
Thiền viện không cần thiết phải ở trong rừng núi, mà nên ở nơi cõi người. Ảnh theo vinhphuc.gov.vn
Ông cũng luôn tự mình đi hóa duyên. Nhưng số tài vật tay trái xin được thì tay phải lại mang ra tiếp tế cho những người đáng thương khác. Ông rất ít khi ở lại thiền viện, thiền viện cũng chẳng hề được xây rộng thêm, nhưng tín chúng của ông lại càng ngày càng đông. Mọi người theo ông lên núi xuống biển, đến những thôn làng nơi vùng núi hoặc cảng cá xa xôi.
“Hồi sư phụ còn sống đã dạy cho tôi biết thế nào là hoàn mỹ, hoàn mỹ chính là cầu mong cho thế giới này trở nên tốt đẹp. Sư phụ cũng đã dạy cho tôi biết cái gì là sạch sẽ, sạch sẽ chính là giúp đỡ những người đã lấm bẩn bụi trần trở nên trong sạch. Sư phụ còn cho tôi biết thế nào là hóa duyên, hóa duyên chính là khiến mọi người tay nắm chặt tay, giúp đỡ lẫn nhau, kết duyên lành cùng đại chúng”.
Tiểu hòa thượng nói: “Còn về thế nào là thiền viện? Thiền viện không cần thiết phải ở trong rừng núi, mà nên ở nơi cõi người. Nam bắc đông tây đều là nơi để tôi hồng pháp; trời đất rộng lớn này chính là thiền viện của tôi vậy”.
Thiện Sinh biên dịch