Sunday, March 17, 2019

ĐỒI THIÊN AN VÀ HỒ THỦY TIÊN

Có một địa danh mà khi nhắc đến thì có nhiều người đã có thời thanh xuân ở Huế đều dấy lên trong lòng những kỷ niệm khó quên. Ðó là Thiên An – một vùng đồi hoang vắng với những bước chân dài mấy mươi năm để đi vào thơ ca, với những chiếc lá thông rơi vương kín áo tình nhân; Với những giọt nước thủy chung ở Hồ Thủy Tiên huyền thoại; Với những mối tình xanh dưới bóng thông già.


Thiên An là một vùng đồi núi nhấp nhô nằm ở phía Nam thành phố Huế, trên tuyến đường đi thăm lăng Khải Ðịnh, qua khỏi ngã ba Cầu Lim chừng 2km. Thiên An hiện ra trước mặt bạn một màu xanh của ngàn thông với lô nhô triền đồi, mái lá và con đường dốc ngoằn ngèo chạy vào ký ức.
Quần sơn này gồm 140 ngọn đồi gối đầu lên nhau trong một khu vực rộng khoảng 60ha. Ðường bình đồ, xê dịch từ 60m-125m, điểm cao nhất chính là ngọn đồi có đan viên Thiên An tọa lạc. Chính các đan sĩ người Pháp thuộc dòng tu khổ hạnh Bénedictine đã khai phá và đặt tên cho Thiên An. Ngày 25/1/1935 tu viện Pierre de Vire ở Pháp phái cha Wandrelle đến Việt Nam để xem xét một việc thành lập đan Viện. Cha đã chọn khu Bất động sản Vielle ở Ðà Lạt để xây dựng đan viện vào tháng 10 năm đó. Sau đó Ðức cha tu viện trưởng Fulbert Gloreces ở Pháp đã cử cha Romain Guillaume đến cai quản Ðan Viện ở Ðà Lạt, chính cha Romain là người sáng lập ra đan viện Thiên An vào 3/1940 – trong quá trình mở rộng ảnh hưởng dòng Bénédictine lên phía Bắc Việt Nam. Ngày 6/10/1940 Lễ khánh thành Ðan Viện Thiên An bằng một lễ MiSa được cha Romain tổ chức và ông đã chọn Thánh tâm chúa Jêsu như là vị bảo hộ của đan viện . Dòng tu được xây dựng và đặt trên Thiên An.


Song song với việc kiến tạo đan viện, các đan sĩ sư huynh và những người giúp việc đã xúc tiến việc trồng thông, đào hồ, lập vườn, biến vùng rừng núi khô cằn này thành một vùng rừng núi trù phú. Trước 1968 lúc đông nhất tu viện có đến 80 tu sĩ, 250 đệ tử và 60 người giúp việc. Ðan viện lập được ba vườn cam ở ba thung lũng hẹp bao quanh hồ Thủy Tiên.
Những vườn cam này được mua giống từ Angerie về, lại được chăm sóc tốt nên trái lớn và rất sai. Ngày trước trên những sọt hoa trái ở chợ Ðông Ba, có những quả cam có đóng dấu T.A chính là giống cam quý từ Ðan viện Thiên An. Hai hồ nước trong Ðan Viện được các cha Romain và Cadet Phạm Quang Ðiện cho đào vào năm 1940 – 1960 đã cung cấp nước cho toàn khu vực và trở thành thắng cảnh đặc biệt là hồ Thủy Tiên và huyền thoại về những giọt nước thủy chung.


Ðến thăm Thiên An bạn sẽ bắt gặp những địa danh một thời nằm sâu trong ký ức giới trẻ Huế. Ðó là đồi Ðức Mẹ rợp bóng thông già mà mỗi góc cây vẫn còn in hằn dấu “Yêu” của những đôi tình nhân xứ Huế. Ðó là dốc “Mạ ơi” quanh co khúc khuỷa. Ðó là hình ảnh đôi chân lạc lối vườn cam tìm đến lăng Ba Vành nơi mà lịch sử vẫn tàng ẩn một nghi vấn. Phải chăng đó là lăng mộ vua Quang Trung. Bạn sẽ bắt gặp từng đôi trai gái khoác nhau đi dưới gốc thông già để nhặt đi tìm quả rụng như nhặt tìm kỷ niệm của thời yêu nhau. Bạn sẽ nghe chuông nhà thờ văng vẳng gọi lòng người hướng thiện tâm về với chúa dẫu cánh cửa dòng tu vẫn khép kín và bên bờ hồ Thủy Tiên xanh ngắt là những vũ hội sôi động của đám học trò…


Có lẽ vì thế mà Thiên An đã có nguồn cảm hứng, để nữ thi sĩ học trò Hồ Huê viết lên những vần thơ dễ thương nhất của một thời áo trắng.
Không hiểu sao trời hôm ấy mênh mông
Cánh én vẫy tôi ngỡ chừng vô định
Gió luồn qua gốc cây vẳng tiếng chuông thành kính
Tiếng chuông và gió trốn tìm nhau
……….
Chiều Thiên An rất mơ dù rất thực
Ðể đêm về tôi gọi mớ Thiên An.
Đồi Thiên An, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế.

Theo: HueFestival