Thursday, March 14, 2019

ĐÀI LOAN, HÒN ĐẢO "XIN LỖI" CỦA THẾ GIỚI


Yun-Tzai Lee và Joanne Chen, một cặp đôi đau yếu, bệnh tật đang cố gắng tiếp lời nhau. Những ngón tay đan lồng ngón tay, họ không ngừng thể hiện sự yêu thương.

Nhưng ba tiếng "Anh yêu em" không dễ dàng nói ra như vậy với Lee khi anh muốn bày tỏ tình cảm với vị hôn thê của mình, cô Chen

Gương mặt anh đỏ bừng khi thốt ra lời đó, và điều đó khiến anh cảm thấy 'buhaoyisi' - một từ chỉ cảm xúc bối rối hay tỏ ý xin lỗi ở Đài Loan.


"Hầu hết mọi người ở đây đều cảm thấy vậy," Lee nói.

Chào mừng bạn đến với thế giới ngôn từ rải đầy từ xin lỗi của dân Đài Loan.

Ở đây bạn chỉ cần đơn giản thốt lên từ 'buhaoyisi' là có thể đã mở ra Hộp Pandora đầy sự bặt thiệp.

Từ này gồm bốn âm tiết 'bất hảo ý tứ' mà khi dịch ra có nghĩa là 'ý tứ không tốt', và được coi là từ có thể đặt vào bất cứ ngữ cảnh nào, từ việc muốn gọi người bồi bàn hay thể hiện lời xin lỗi với sếp, cho tới việc không thể diễn đạt được đầy đủ cảm xúc khi cố tìm cách bày tỏ tình yêu với ai đó.


Nói 'buhaoyisi' ở Đài Loan như thể mở ra Hộp Pandora đầy sự bặt thiệp

Buhaoyisi mãi mãi luôn là từ cửa miệng của dân Đài Loan, theo Giáo sư Chia-ju Chang, người Hoa, từ Trường Brooklyn College City University of New York.

"Chúng tôi dùng từ này liên tục vì Đài Loan là nền văn hóa với ngôn ngữ lịch thiệp. Vì vậy, chúng tôi nói từ này khi phải cắt ngang mọi người hay muốn nhờ giúp đỡ. Chúng tôi thậm chí còn dùng nó khi muốn mở đầu câu chuyện."

Buhaoyisi thường được nói quá nhanh đến mức từ này bật ra như những âm phụ lẫn vào nhau như thể vô nghĩa với những người nghe không để ý.

Và không giống như từ 'Entschuldigung' trong tiếng Đức hay 'Excuse me' trong tiếng Anh (nghĩa là 'Xin lỗi, cho nhờ chút' hoặc 'Xin lỗi, làm phiền một chút'), từ 'buhaoyisi' hoàn toàn không dễ chuyển ngữ chút nào, Ouyu Yang, giáo viên khoa Tiếng Trung Đại học Đài Loan cho biết.

Ý niệm của phương Tây về chuyện 'xin lỗi' rất hẹp khi muốn diễn đạt tất cả những nét duyên dáng xã hội và ý nghĩ tốt đẹp hàm chứa trong từ ngữ này.

Thế nhưng với người Đài Loan thì 'buhaoyisi' có thể là cảm xúc, là sự xúc động, là nguyên tắc của toàn bộ hệ thống ý niệm thấm nhuần trong văn hóa.

Khi đi tàu điện ngầm, bạn sẽ nghe lặp đi lặp lại điệp khúc 'buhaoyisi' khi hành khách thận trọng lách qua những người khác bằng sự tôn trọng khiêm nhường.

Bước vào lớp học, bạn sẽ gặp những sinh viên bắt đầu và kết thúc câu hỏi bằng từ 'buhaoyisi' với hàm ý mang ơn và mắc nợ ngay cả khi cuộc thảo luận vẫn còn tiếp diễn.


Khi mở một email, dòng đầu tiên trong thư sẽ thường là 'Buhaoyisi', hàm ý "xin lỗi vì đã có chút quấy rầy bạn" - dù chỉ là hỏi nhờ một điều gì đó rất nhỏ.

Và nếu một người họ hàng thân thuộc tặng bạn một món quà, phản hồi đúng đắn không phải là 'cảm ơn', mà là 'buhaoyisi' vì đã gây phiền đến bạn.

Với những người ngoài chưa hiểu chuyện, Đài Loan có thể giống như một quốc gia nói xin lỗi nhiều nhất thế giới, một quốc gia lúc nào cũng khẩn khoản nói xin lỗi. Thế nhưng trong thực tế, văn hóa buhaoyisi tiết lộ rất nhiều về những tầng lớp ý nghĩa khiêm cung và ngại ngùng ẩn giấu ở hòn đảo này.

Giáo sư Chia-ju Chang: "Chúng tôi sử dụng [từ buhaoyisi] liên tục vì Đài Loan là nền văn hóa với ngôn ngữ lịch thiệp. Chúng tôi thậm chí có thể sử dụng từ này để làm đầu câu chuyện"

Nhiều thập niên bị đô hộ bởi Nhật Bản cũng như việc tuân theo đạo đức Khổng giáo là những yếu tố đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nền văn hóa xin lỗi đậm nét ở Đài Loan. Nó ảnh hưởng đến những gì bạn nhìn và nghe thấy ngày nay, theo Giáo sư Khin-huann Li, giáo sư danh dự ngành xã hội học ngôn ngữ ở Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan.

Mặc dù nguồn gốc chính xác của cụm từ này hiện vẫn còn là ẩn số, Li và những nhà ngôn ngữ khác đặt giả thiết rằng rất có thể từ này là sản phẩm của ý niệm về sự hài hòa trong Khổng giáo kéo dài cả thiên niên kỷ.

Trung tâm của ý niệm này là việc gìn giữ mối liên hệ giữa con người với nhau cần được coi trọng hơn là tính cá nhân.

Bảo tồn sự gắn kết xã hội bằng bất cứ giá nào hiện vẫn là nền tảng trong đạo đức xã hội của Đài Loan, mà then chốt ở chỗ vị trí của gia tộc, của xã hội cần được đặt lên trên bản thân cá nhân mỗi người.


Thêm vào đó, một phần của nền văn hóa buhaoyisi ở Đài Loan bị ảnh hưởng nặng nề từ văn hóa xin lỗi sumimasen của người Nhật, mà cả hai quốc gia này chia sẻ một lịch sử sâu sắc.

Nói tóm lại, như một thói quen, nói ra từ buhaoyisi thường giúp sự đối đầu giảm nguy cơ căng thẳng hơn, Li nói.

"Văn hóa truyền thống của Đài Loan là vậy, tinh tế và biết suy nghĩ về mọi người, cố gắng gìn giữ quan hệ lịch thiệp với người khác," ông giải thích.


Văn hóa buhaoyisi tiết lộ rất nhiều về những tầng lớp ẩn giấu trong văn hóa Đài Loan, với sự khiêm cung và ngại ngùng

Một mặt, cụm từ này hàm chứa ý niệm phục tùng và lễ nghi quá mức. Nhưng mặt khác, nó thể hiện sự lịch thiệp không gì sánh kịp của Đài Loan.

Đó là lý do vì sao với du khách, khi nói xin lỗi bằng tiếng Trung cộng họ có thể dễ dàng rơi vào cái bẫy ngôn ngữ. Li cho biết, nếu bạn cảm thấy mình phạm lỗi gì đó thì chỉ cần nói 'buhaoyisi', và nhiều khả năng là người khác cũng sẽ nói 'buhaoyisi' lại với bạn. Đó là luật bất thành văn ở Đài Loan.

Li cũng cho rằng văn hóa buhaoyisi là nét độc đáo của Đài Loan, trái ngược hoàn toàn với toàn bộ thế giới nói tiếng Trung còn lại.

Mặc dù bạn sẽ nghe từ buhaoyisi rất nhiều lần trên đường phố Đài Loan, bạn hiếm khi nào nghe thấy từ đó được thốt lên theo cách này ở Trung cộng hay Malaysia, vốn là những nơi ít chú ý tới chủ nghĩa lịch thiệp như vậy.

Theo trang web xếp hạng Expat Insider Index của tổ chức InterNation, Đài Loan đều đặn xếp hạng là một trong những quốc gia thân thiện nhất thế giới.


Khoảng 90% người nước ngoài sống ở Đài Loan đánh giá cư dân bản địa với điểm số cao về sự hiếu khách, so với tổng số trung bình khoảng 65% trong số những quốc gia được khảo sát khác.

Ngày nay, hơn một phần ba người nước ngoài đang cân nhắc tới việc định cư dài hạn ở hòn đảo bé nhỏ giữa Thái Bình Dương này, theo khảo sát được thực hiện trên 12.500 người tham gia từ khắp nơi trên thế giới.

Bí mật giúp thu hút mọi người đến hòn đảo Đài Loan xanh mướt nhiệt đới này thực ra chẳng bí mật gì cả - chỉ là vì sự thân thiện mà thôi.

Tuy nhiên, theo dược sĩ 25 tuổi tên là Jieru You, người sống ở thành phố cảng Cao Hùng, thì câu chuyện về sự tử tế mà Đài Loan đang khiến mọi người nghĩ về sự thân thiện này có thể không phải chuyện thật. Hoặc ít nhất là không phải toàn bộ câu chuyện.

Buộc bản thân phải hạ mình và liên tục xin lỗi vì những bất tiện nhỏ nhặt, và đôi khi xin lỗi chỉ vì sự hiện diện của bản thân, cuối cùng có thể gây hại hơn là có ích.

Trớ trêu thay, liên tục xin phép khi làm việc, khi nói, khi đến, khi đi... có thể gây bất tiện không cần thiết cho chính mình hơn là cho người khác.

"Khi yêu cầu người khác, người Đài Loan thường sử dụng từ buhaoyisi như cách mào đầu thể hiện ý muốn hỏi người khác giúp đỡ với thái độ hạ mình khiêm cung," Youcho nói.

Thực tế là, anh đã cảm thấy có một chút 'buhaoyisi' - ngại ngùng khi được phỏng vấn - trước khi chìm vào suy nghĩ của bản thân.


Từ 'buhaoyisi' hoàn toàn không dễ chuyển ngữ chút nào, theo Ouyu Yang, giáo viên khoa Tiếng Trung Đại học Đài Loan

Ý nghĩ "giữ thể diện" là vấn đề lớn ở Đài Loan.

Hãy tưởng tượng về một bàn cờ giao tiếp xã hội, trong đó mọi sự chuyển động của mọi người sẽ ảnh hưởng đến người bên cạnh.

Trong tình huống này, thể diện là một loại tiền tệ xã hội giúp bạn có thể kết bạn, tăng cường các quan hệ công việc giúp bạn tiến tới công việc quan trọng kế tiếp, có được đầu tư vào công ty của bạn hay thậm chí là được giới thiệu thân mật để gặp người vợ tương lai.

Nếu không có 'thể diện' thì mọi người ít tin bạn hơn, bạn khó lòng phát triển trong đường đời. Cho nên điều quan trọng là bạn phải tự bảo vệ mình, bảo vệ hình ảnh, phẩm giá của bản thân và phải biết đáp lại sự giúp đỡ của người khác bằng cách đối đãi tử tế.

Đó là lý do tại sao Đài Loan không thích đối đầu; đó là quốc gia liên tục nỗ lực tránh xung đột và bảo tồn sự hòa hợp bằng mọi giá.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi ta theo đuổi quá mức quy định đạo đức đó và không được như ý?

Ở khía cạnh ngược lại, những người "mất thể diện", nghĩa là người thiếu hoặc mất uy tín và vị trí xã hội, thì tìm cách không gây rắc rối cho người khác vì sợ làm họ thấy bất tiện, và dĩ nhiên họ không muốn mất mặt ở nơi công cộng, Yang cho biết thêm. Vì vậy, thay vì đứng lên, mọi người chỉ ngồi yên một chỗ đó mà chẳng giải quyết được vấn đề.

Yang cảm thấy như cô chết chìm trong cái bể quá quá nhiều lời xin lỗi chiếu lệ, khi người ta nói 'buhaoyisi' theo thói quen hơn là một từ với ý nghĩa sâu sắc.

Cho nên kết quả là rất nửa vời, làm mất hẳn ý nghĩa của lời xin lỗi thành tâm hay tiếc nuối. Chưa kể vì sự bất ổn kinh tế và cô lập với thế giới của hòn đảo, dân Đài Loan hiện nay đang trải qua một hội chứng với cái tên 'guidao', tức là 'đảo ma'.


Trên thế giới, danh tính của Đài Loan thường bị hiểu nhầm, Wenhui Chen, giáo sư tin học tại Đại học Minh Truyền (Ming Chuan University) cho biết.

Ông đang nghiên cứu về hội chứng đảo ma. Ông nói hòn đảo thường bị coi như quân cờ giữa Trung cộng và Hoa Kỳ, trôi nổi mà không có nhiều vị thế ngoại giao của một quốc gia được chính thức thừa nhận.

Chen dự đoán nền văn hóa 'khấu đầu' của Đài Loan sẽ không thể phát triển xa, và thậm chí có thể dẫn đến tình trạng cả xã hội không chịu làm gì cả.

Tất nhiên, không phải ai cũng chịu những dự đoán u ám về Đài Loan. Với Li, trong quá khứ ông từng thấy văn hóa buhaoyisi sâu sắc của hòn đảo là một phần không thể thiếu trong việc gìn giữ hòa bình - và nếu văn hóa buhaoyisi biến mất, thì hàng thế kỷ của truyền thống sẽ bào mòn theo thời gian.

"Nếu xã hội giữ gìn ý tưởng này và thể hiện từ này mỗi ngày, xã hội có thể trở nên lịch sự hơn, đạo đức hơn và bảo thủ hơn," Li nói.

"Nếu không, xã hội sẽ trở nên thô lỗ, vô đạo đức và hung hãn hơn. Văn hóa Đài Loan phải được gìn giữ nguyên vẹn về mặt đạo đức và sự hòa hợp."


Cuối cùng, ông kết lại ý kiến bằng từ 'buhaoyisi' không thể thiếu.

Leslie Nguyen-Okwu
BBC Travel
Link tiếng Anh:


No comments: