Tuesday, March 19, 2019

CHUYỆN ĐẠI VIỆT CHỐNG NẠN CON ÔNG CHÁU CHA, LỢI ÍCH NHÓM

Trong bất kỳ xã hội nào, quan chức ở địa phương có vai trò rất quan trọng giúp ổn định xã hội, bởi vì họ là những người ở gần dân và hiểu rõ hoàn cảnh nhất. Nhưng nếu quan lại địa phương thiên vị trong sử dụng và bổ nhiệm người, kéo bè cánh, cấu kết với nhau tạo lợi ích nhóm để lũng đoạn quan trường thì sẽ gây bất ổn cho xã hội.


Từ xa xưa, các triều đại của nước ta luôn chú trọng đến việc ngăn chặn từ gốc rễ các quan viên kết bè với nhau mà “hành” dân.

Ngự Sử Đài và Hiến ty

Vua Trần Thái Tông là người đầu tiên đưa ra Ngự Sử Đài nhằm can gián Vua và triều đình, cũng như kiểm soát các quan địa phương. Phụ trách Ngự Sử Đài là các chức quan Ngự sử đại phu, Ngự sử trung tướng, Thị ngự sử, Giám sát ngự sử, Chủ thư thị ngự sử, Ngự sử trung tán.

Ngự Sử Đài là cơ quan độc lập, không phụ thuộc bất kỳ cơ quan nào và đặt dưới sự điều hành của nhà Vua. Chính vì thế mà Ngự Sử Đài có được điều kiện giúp làm trong sạch hệ thống quan lại.

(Tranh minh họa: Báo Bình Phước Online)

Đến thời vua Lê Thánh Tông lại đặt ra Hiến Sát Sứ ty (Hiến ty) chịu trách nhiệm về thanh tra, giám sát các quan chức địa phương, trực tiếp đến các thông xã tìm hiểu đời sống người dân. Cũng như Ngự Sử Đài, Hiến ty cũng là cơ quan độc lập đặt dưới sự điều hành của Vua. Nhà Vua cũng lập ra 13 Cai Đạo nhằm giúp đỡ Hiến ty.

Cách làm trong sạch bộ máy

Năm 1478 nha Vua ban sắc chỉ:

“Xét quan lại trong bộ thuộc của mình, người nào liêm khiết hay tham ô, chuyên cần hay lười biếng, cùng các quan nho học dạy dỗ nhân tài, hàng năm có người được sung cống sĩ hay không, nhiều hay ít đều ghi tên tâu lên để định việc thăng giáng.”
Đại Việt Sử ký Toàn thư

Hiến ty thường xuyên rà soát quan lại các địa phương, ai phạm tội thì bị xử phạt, giáng chức hoặc buộc thôi chức quan, tội lớn hơn thì cứ chiểu theo bộ luật Hồng Đức mà nghiêm trị.

Cuối năm 1478 Vua lại ban sắc chỉ như sau:

“Sắc chỉ cho đường quan bộ Hình theo công bằng mà xét kỹ quan các ty, có người nào do chân lại viên xuất thân, học ít tài kém, thì tâu lên rõ ràng, đưa sang bộ Lại xét thực, đổi bổ làm việc khác, lại chọn lấy các tiến sĩ và sĩ nhân thi Hội đỗ tam trường, trước đã làm phủ, huyện, châu và các chức thủ lĩnh mà có tài năng kiến thức bổ vào thay.

Định lệnh lựa thải quan viên, có 3 điều:
  1. Bậc trưởng quan các nha môn văn chức trong ngoài, đều phải công bằng xét kỹ các quan viên dưới quyền mình, nếu có kẻ hèn kém… và những tên đần độn bỉ ổi, không làm nổi việc, đáng phải cho nghỉ, thì làm bản tâu lên, giao cho Lại bộ xét thực, đều bắt phải nghỉ việc; lại chọn người đã từng làm việc có tài năng, kiến thức, quen thạo việc mà bổ vào thay.
  2. Bậc trưởng quan các nha môn quản quân trong ngoài, phải công bằng xét kỹ các quan vệ sở dưới quyền mình, nếu có kẻ nào mỏi mệt hèn kém… cùng những tên đê tiện bỉ ổi, không có tài cán, không làm nổi việc, đáng cho về nghỉ, thì làm bản tâu lên, giao cho Lại bộ xét thực, hoặc đổi đi chỗ ít việc hoặc bắt nghỉ việc; lại chọn những người đã từng qua chinh chiến, có tài năng, kiến thức làm được việc mà bổ vào thay.
  3. Trưởng quan các nha môn cần lựa thải thì phải công bằng sáng suốt, không được theo sự ưa ghét riêng của mình để khi làm công việc ấy được mọi người thành tâm tin phục. Nếu xét người hay dở mà sai sự thực thì Lục khoa, Ngự sử đài, Hiến ty kiểm xét hoặc tâu để trị tội.”
    1. Đại Việt Sử ký Toàn thư
Đặc biệt thời Lê Sơ rất lo nạn quan chức địa phương bổ nhiệm người nhà. Cuốn “Xã hội Việt Nam” của tác giả Nguyễn Đức Thiệp có ghi chép rằng:

“Đã có lệ cấm quan lại không được trị nhậm ở hạt nhà cho quyến thuộc khỏi ỷ thế làm càn, cấm quan lại không được lấy vợ tại nơi trị nhậm hoặc tậu ruộng đất, nhà cửa ở nơi trị nhậm để tránh sự hà hiếp dân mà mua rẻ.”

Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép rằng: “Nếu có người nào có quê quán ở ngay bản phủ, huyện mình cai trị, có nhà ở gần nha môn mình làm việc, thì Lại bộ điều động đi nơi khác, chọn người khác bổ thay.”

Thời Lê Sơ cũng cấm các quan lấy vợ tại địa phương mình đang nhậm chức nhằm tránh việc cấu kết với nhà vợ lũng đoạn địa phương. Luật Hồng Đức cũng quy định rõ rằng: “Các quan ty ở trấn ngoài mà lấy đàn bà con gái trong hạt mình, thì xử phạt 70 trượng, biếm 3 tư và bãi chức.”

Không chỉ thế thời Lê Sơ cũng có quy định nhằm tránh các quan dựa vào thông gia lũng đoạn địa phương, cuốn Đại Việt Sử ký Toàn thư mô tả rằng: “Nếu là con cô cậu, đôi con dì với nhau và thông gia cùng gả bán cho nhau đều không được cùng làm xã trưởng một xã.”

Ngay từ chức quan thấp nhất là xã trưởng cũng có quy định chặt chẽ, phải là người có tuổi có uy tín trong xã, hoặc là môn sinh có nghiệp lều chõng nhưng không đỗ đạt và phải là con nhà lương thiện có nề nếp.

Cơ quan Hiến ty cũng thường xuyên đến các địa phương thôn xã không chỉ để biết đời sống người dân mà còn biết được quan địa phương có làm tốt phận hay không, dùng chính thực tế đời sống người dân để đánh giá các quan địa phương chứ không phải là những bản báo cáo. Các quan làm tốt sẽ có thưởng, các quan kém thì có thể thuyên chuyển, quan phạm tội thì cứ chiểu theo luật Hồng Đức mà nghiêm trị.

Đến thời nhà Nguyễn cũng sử dụng Ngự Sử Đài, sau đổi tên thành Đô Sát viện. Dựa vào đó mà kiểm soát được quan lại các địa phương.

Phụ thuộc vào nhà Vua

Ngự Sử Đài là cơ quan độc lập chỉ chịu sự điều hành của nhà Vua, nên hiệu quả của Ngự Sử Đài cũng phụ thuộc rất lớn vào nhà Vua. Thời kỳ có được Vua anh minh thì Ngự Sử Đài hay Hiến ty đều có hiệu quả rất lớn, nhưng nếu gặp Vua ham chơi hay bao che với các quan thì Ngự Sử Đài lại không phát huy được hiệu quả.

Ví dụ vào thời vua Lê Thái Tông, các Đại thần như Lê Thụ, Lê Định cùng 20 người khác lấy vợ và làm dinh thự trái với quy định lúc đó. Quan Ngự Sử Phan Thiên Tứ dâng sớ hạch tội, nhà Vua khen ông ngay thẳng nhưng lại bỏ qua tội của những Đại thần này.

Dẫu vậy, Ngự Sử Đài không chỉ giám sát các quan. Khi thấy vua Lế Thái Tông ham chơi, Phan Thiên Tứ liền dâng sớ can ngăn, nhà Vua xem xong thì lại nổi giận, cho Thái giám đến trách ông. Hôm sau Phan Thiên Tứ vào triều lại tâu lên lời can gián nữa, những lời lẽ của ông tuy không làm Vua hài lòng nhưng cũng rất kính nể ông.

Có những vị quan Ngự Sử gương mẫu không ngại nói thẳng, dù có “thân bại” nhưng danh vẫn không liệt.

Các triều đại trước đây, Ngự Sử Đài và Hiến ty sẽ giúp làm trong sạch bộ máy quan lại, tránh được việc nhũng nhiễu hành dân hay lợi ích nhóm của các quan chức địa phương. Trong thời kỳ không có minh quân thì nó cũng có tác dụng can gián, khiến Vua kiêng nể.

Thời vua Lê Thánh Tông với việc hoàn thiện bộ luật Hồng Đức giúp Đại Việt phát triển đến cực thịnh. Sử sách ghi nhận rằng “ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa, hầu như không có trộm cắp”, dân gian có câu rằng:

Đời vua Thái Tổ, Thánh Tông,
Thóc lúa đầy đồng, chẳng mất mát chi.

Trước thực trạng lợi ích nhóm nhũng nhiễu hiện nay, phải chăng đã đến lúc nhìn nhận lại những tinh hoa giá trị mà cha ông để lại trong việc xây dựng một đất nước hùng cường?

Trần Hưng