Hôm nay mới đọc được bài nói về cà na mà người miền Bắc gọi là quả trám, thấy lạ và không biết các bạn có biết hay còn nhớ không nên share lại nhé.(LKH)
Cà na đen (烏欖) ăn với cháo trắng của người Triều Châu |
Đặc Sản Trám Đen Vân Xuyên - Bắc Giang
Với người dân làng Vân Xuyên (xã Hoàng Vân, Hiệp Hòa, Bắc Giang) thì trám đen lại là một trong những đặc sản nổi tiếng
Trám đen là cây thân mộc, thuộc loại cây lưu niên có thể sống trên một trăm năm, ra hoa vào tháng 2, quả chín vào tháng 7, quả trám hình thoi, khi chín có màu tím thẫm, cùi trám màu vàng, hạt trám nhọn hai đầu, nhân trám trắng ngần.
Quả trám đen
Trám đen trước khi ăn phải om cho mềm. Nước om trám đun vừa tới độ sủi tăm (khoảng 70oC), cho trám vào và đậy vung kín, 20 phút vớt ra, để ráo, bổ dọc quả, bỏ hạt. Thứ quả này nếu ngâm trong nước càng nóng, càng lâu thì càng rắn; nhược bằng đem đun lâu thì nó dai như miếng cao-su. Trám chín đúng độ là cùi của nó không rắn, không nát, dùng dao nhỏ có thể dễ dàng tách thịt trám khỏi hạt, khi ăn chấm muối vừng, tương gạo hoặc nước thịt kho tàu, rất bùi. Đến mùa trám đen, người lớn thì lấy quả, trẻ con cũng ngồi bên xí phần, hạt trám tuy cứng, nhưng khi chặt đôi nhân trắng bùi, thơm mùi cây núi. Lũ trẻ nhỏ chỉ cần vài cái tăm là có thể ngồi khêu nhân hạt trám ăn cùng nhau cả buổi mà không biết chán.
Trám kho cá
Từ quả trám người dân làng Vân Xuyên có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: xôi nhân trám, trám kho thịt…, trong đó món gỏi trám và món nham đã trở thành đặc sản. Nguyên liệu chính để làm món nham gồm có trám nấu bỏ hạt lấy cùi, thịt ba chỉ áp chảo thái chỉ, thịt cá chép rán giòn. Ba thứ đó theo tỉ lệ 2:1:1, đem trộn với gia vị như lạc rang, quả núc nác nướng thái sợi, rau thơm, khế chua, nêm mắm muối vừa đủ ăn kèm với bánh đa hoặc bánh tráng ta được món ăn dân dã, lạ miệng.
Trám kho thịt
Cũng từ quả trám bạn có thể chế biến món “xôi nhân trám”. Một chõ xôi vài cân gạo nếp cần có 1/3 là nhân trám. Như vậy, phải có vài rổ hạt trám mới lấy được 1kg nhân. Để chuẩn bị có một chõ xôi nhân trám phải vo gạo nếp, ngâm gạo từ tối hôm trước, sáng hôm sau mới rửa hạt trám đổ ra nong. Mọi người trong gia đình xúm quanh nong hạt trám, kẻ chặt hạt, người lấy nhân. Sau khi có đủ nhân trám mới xóc cùng gạo có thêm ít muối và cho vào chõ đun nhỏ lửa. Khoảng nửa giờ sau, mùi xôi thơm bay đầy bếp, đầy sân. Trong hơi gió thơm phảng phất mùi hương nhựa trám. Xôi được đơm vào đĩa, nhìn vào bạn sẽ ngỡ là chỉ có gạo nếp không vì nhân trám cũng trắng tinh. Tuy nhiên, khi ăn, ta có cảm giác sần sật, béo, bùi lẫn trong hạt nếp dẻo quánh. Hương thơm của nếp cái hoa vàng quyện lẫn với hương thơm của nhân trám thành một hương vị khó tả. Nếu bạn từng được ăn xôi xéo, xôi trứng kiến, xôi ngũ sắc, xôi lạc, xôi vò, xôi gà xé phay, xôi lạp xường, xôi Điện Biên, xôi Lào, xôi Thái Lan… thì món xôi nhân trám đích thị là xôi hoàng hậu, xôi chúa tể của các loài xôi mà tôi vừa kể.
Xôi trám đen
Xôi trám đen lá chuối
Ngoài ra, người dân nơi đây còn làm món trám đen ngâm tương: mua trám về, rửa sạch vớt ra để ráo, bỏ vào một cái âu tráng men có nắp hay cái hũ sành dầy có nắp. Bỏ vào thìa muối hầm và cho nước nóng sôi và để nguội 85oC rồi đổ ngập trám, đậy nắp, vài tiếng sau là ăn được. Nếu muốn làm trám ngâm tương thì bóc nhẹ món trám muối ra, rồi đem phơi vài nắng cho quắt lại ... rồi mới đem dầm trong nước tương, đây cũng là món ăn rất “bắt” cơm trong những ngày tiết trời se lạnh.
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment