“Ân đền oán trả”
Một câu thành ngữ khá quen thuộc với mọi người. Trước hết giải thích sơ qua về mặt ngữ nghĩa của câu này. Ở đây, “ân” có nghĩa là ân tình, việc làm ơn, giúp đỡ và hỗ trợ người khác làm một việc gì đó. Còn “oán” mang nghĩa đối lập, nghĩa là thù hằng, gây hại cho người khác.
Người khác có ơn với mình thì chắc chắn mình tạ lễ là chuyện đương nhiên. Nhưng ai hãm hại, gây thù với mình thì cũng sẽ nhận lại sự đối xử tương tự. Người xưa luôn coi trọng đạo nghĩa và tình cảm. Họ cổ vũ dùng đức độ, lòng khoan dung của mình để đối nhân xử thế cho đúng mực. Những người được người khác giúp đỡ, họ biết đáp lại ân tình đã vay mượn bằng thái độ và hành động cung kính của mình. Đó là những người xứng đáng nhận được sự trợ giúp, có cho đi thì tất sẽ được nhận lại.
Người thế nào thì mình thế ấy
Người xưa có câu “Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”, nếu người ta đã hối cải rồi thì chúng ta đâu đánh đuổi nữa làm gì. Con người có mấy ai được hoàn hảo đâu, bao dung với nhau một chút cho dễ sống. Đối với những người như vậy thì đâu cần quá mạnh tay “Ân đền oán trả” làm chi. Nhiều lắm thì cứ “Giơ cao đánh khẽ” là được. Dù sao thì như đã nói, ông bà mình cũng vốn trọng tình trọng nghĩa, luôn dạy con cháu đừng quá khắt khe trong mọi chuyện mà.
Nói đi cũng phải nói lại, Điều đó là tốt nhưng còn tùy vào đối tượng chúng ta gặp phải là ai nữa. Có khi “Chúng ta càng nhân nhượng, kẻ thù càng lấn tới” thì lại khổ. Bởi vậy, vạn sự cũng tùy theo nhiều yếu tố mà làm. Có những người bản tính đã vậy, khó có thể sửa đổi. Người ta đã hết lần này đến lần khác muốn hại mình thì mình cũng nên có chút động thái đáp trả. Cứ mãi hiền lành thì không khéo lại cứ bị thiệt về mình thôi.
Cho dù chúng ta có đáp trả lại cũng không có gì là quá đáng, họ gieo nhân như thế nào thì phải chấp nhận lại quả như vậy thôi. Tôi đã từng nghe một câu nói và cảm thấy khá tâm đắc “Người không phạm ta, ta không phạm người. Người phạm đến ta, ta tất sẽ phạm người”. Thế đấy, sòng phẳng một chút vừa khiến bản thân đỡ chịu thiệt, vừa khiến mọi người xung quanh nể sợ.
Lòng bao dung chỉ dành cho người xứng đáng
Chúng ta không thể dành lòng bao dung của mình cho những người không biết trân trọng được. Sự tha thứ chỉ phù hợp với những ai biết nhận ra cái sai của mình thôi.
Thành ngữ “Ân đền oán trả” với riêng tôi không chỉ là áp dụng cho những câu chuyện lớn lao trong cuộc sống mà còn từ những việc nhỏ nhặt. Không hiểu sao, ngay khi vừa đọc câu này tôi lại nghĩ đến từ “sòng phẳng”. Không phải ai cũng sống được kiểu sòng phẳng, không ai nợ ai đâu.
Lấy ví dụ từ những việc đơn giản trong đời sống thôi. Gặp gỡ bạn bè, ăn uống xong thì chia đều tiền cho mỗi đứa hay hôm nay đứa nào khao mình thì hôm sau nhất quyết khao lại. Chẳng phải vì mình thích tính toán rõ ràng mà tính không thích nợ ai, nhất là tiền bạc càng nên rõ ràng hơn để khỏi mất lòng. Hoặc người ta giúp mình cái gì thì cũng sớm tìm cách trả lại, nợ vật chất còn dễ chứ nợ ân tình càng khó trả hơn. Và ngược lại, ai hại đến mình thì có ngày cũng sẽ bị trả lại như vậy.
Đó là quy luật của cuộc sống
Không phải chúng ta thích sân si với ai, cũng không phải bản thân ích kỷ nhưng cái gì cũng có quy luật có nó cả. Mỗi khi làm một việc gì nên nghĩ đến hậu quả. Bản thân có nhận lại kết quả như thế nào cũng đều là do những hành động của người đó đã từng làm thôi. Việc áp dụng “Ân đền oán trả” không có gì là quá đáng. Người ta đã sống sai với mình thì mình chịu để yên sao được. Hoặc có chăng “Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, đối với những người mãi không biết điều thì cần có một bài học thích đáng.
Có mấy ai sống được cuộc đời như mình mong muốn đâu. Nếu được lựa chọn, tôi hay ai ai trong các bạn chắc cũng đều chọn lương thiện nhỉ? Có ai mà không muốn sống tốt, chan hòa với mọi người. Nhưng khổ nỗi, chỉ mỗi mình nghĩ thế thì khó sống quá. Nhìn ra ngoài kia, người ta dối gian nhau đến lúc khó tin. Dẫu cho bạn có muốn thu mình, sống một đời an yên thì vẫn phải gặp vô số những kẻ tiểu nhân trong đời. Họ hại bạn và bạn làm ngơ thì sẽ bị hại tiếp, thậm chí là hại thêm nhiều người khác nữa.
Nếu được, hãy cho họ một bài học. Đó vừa là giúp họ tỉnh ngộ vừa là tránh phiền phức thêm cho những người xung quanh.
Đoạn kết
Muốn thương người thì trước hết phải thương mình cho tốt đã. Có rất nhiều bài học dạy về cách đối nhân xử thế ở đời và chúng ta còn phải học theo chúng lâu dài. Thế nhưng, bảo vệ bản thân mình cũng là một trong những điều phải học. Bạn muốn sống lương thiện và nhân ái nhưng cũng cần tùy người và tùy cảnh. Lòng nhân ái đặt không đúng chỗ nhiều lúc sẽ hại mình lẫn hại người. Vậy nên, mình sống tùy theo chuyện là được. Người đối với ta thế nào thì ta cũng xin được trả lại thế ấy.
Nguồn: gotiengviet
No comments:
Post a Comment