Sunday, March 24, 2019

CHÙA NHỎ, CHÙA TO, CHÙA "SIÊU TO" ...CHÙA NÀO CÓ PHẬT?

Hoành tráng, hào nhoáng, vĩ đại, "kỷ lục", vô đối... không phải là những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc, càng không phải giá trị của chùa chiền.


Đầu năm, một bạn là người gốc Hà Nội đã chuyển vào Nam sinh sống nhắn tin rủ tôi đi chùa. Tôi bận công việc không đi được nên bạn hỏi ở trong này nên đi chùa nào để tự đi. Tôi trả lời nên đi chùa nào có Phật... Bạn nhắn lại biểu tượng cái mặt cười, có lẽ nghĩ tôi trả lời ba phải!

Nhân tiết tháng Giêng mạn đàm câu chuyện không ít người đang băn khoăn: chùa nào có Phật, thiết nghĩ không thể thích hợp hơn là nhìn lại hành trạng của Ngài lúc sinh thời.

Có lẽ không nhiều người chú ý rằng những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của đức Thích Ca đều gắn với cây với rừng: sinh ra dưới gốc cây Vô ưu, 6 năm tu khổ hạnh trong rừng già, chứng đạo dưới gốc cây Bồ đề, truyền giáo sinh hoạt tăng đoàn trong Vườn Cấp Cô Độc, nhập Niết Bàn trong rừng cây Sala...

Sau nhiều năm kiên trì tu khổ hạnh ngày ăn vài hạt đậu, mè... sức khỏe suy kiệt nhưng vẫn không đạt được "Tuệ Giác", ngài chuyển qua pháp tu "Trung đạo". Đi khất thực chỉ đủ cơm ăn ngày 1 bữa, ngủ dưới gốc cây ngày 1 giấc (nhật trung nhất thực thọ hạ nhất túc), mặc "y bá nạp", áo được may từ trăm mảnh vải thừa ráp lại...

Khi nhu cầu căn bản về dưỡng chất cho cơ thể được đảm bảo thì đạt được trạng thái tinh thần thơ thới, ngài liền đau đáu: chén cơm mình có ăn là mồ hôi công sức của cần lao bá tánh. Vì thế, Ngài đưa ra "Ba tiêu đề" và "Năm điều tưởng nhớ" để nhà chùa khi bưng bát cơm lên mà biết tự dặn lòng mình ăn sao cho xứng đáng...


Đọc lịch sử Phật, tôi ngẫm phải chăng Liên hợp quốc xây dựng các tiêu chí về "Phát triển bền vững" sau khi nghiên cứu về cuộc đời của ngài. Ăn một ngày một bữa là không mê đắm tiêu thụ vật chất, mặc y bá nạp là sử dụng năng lượng tái sinh, tiết kiệm tài nguyên, sống gần gũi thân thiện cỏ cây là bảo vệ rừng giảm thiểu khí thải Co2, phòng chống tình trạng trái đất nóng lên, đi khất thực là cập nhật với cuộc sống những khổ đau của chúng sinh mà tìm ra giải pháp thiết thực....

Đệ tử của Ngài - các bậc chân tu qua nhiều thế hệ đều tu học theo lối ấy.

Vùng Nam Giao ở Huế ngày xưa là núi rừng hoang vu đã được các tu sĩ chọn làm địa điểm lập am thất, nhiều đến nỗi sau này hình thành nên "xứ chùa". Trên nhiều tháp bia hàng trăm năm tuổi, để ghi nhận các vị có công lập chùa đã không ghi chữ "lập tự" hay "kiến tự" (dựng chùa) mà khắc chữ "khai sơn" (mở núi) là vì vậy.

Trải qua bao thăng trầm dâu bể, ngày nay đô thị hoá vẫn chưa lan tới một số chùa ở đây, cho thấy nơi đây ngày xưa là vùng hẻo lánh, non thiêng nước độc. Phải chăng nơi núi rừng thanh tịnh dễ tu, cho nên ngày xưa vùng Nam Giao xứ Huế là vùng "địa linh" đã ra đời dòng Thiền Liễu Quán, nổi tiếng có nhiều vị chân tu, đắc thiền!?
 
Chỉnh trang, phát quang cây cỏ tháp Tổ sư khai sáng dòng thiền Liễu Quán.

Nước Pháp nổi tiếng là kinh đô vật chất nhưng Làng Mai của hòa thượng Nhất Hạnh cũng là những thiền đường đơn sơ thanh vắng, nhiều cây cỏ, đặc biệt không thể thiếu những loại cây của quê hương Việt Nam như lũy tre, bụi chuối vườn cải... Nay ngài về Việt Nam an dưỡng ở chùa Từ Hiếu, Huế thì cũng ở trong căn phòng rêu phong được xây gần trăm năm trước, nơi có chiếc giường cái bàn... ngày xưa thầy của hoà thượng từng ngồi uống trà, đọc kinh.

Đức Pháp chủ Phật Giáo Việt Nam hiện tại, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, năm nay bước vào tuổi 103 nhưng sức khỏe ổn định tinh thần minh mẫn. Ngài ở trong ngôi chùa giữa đồng không mông quạnh, tự nhận mình là một "lão nông sư". Ngoài việc tu tập giảng kinh trước đây ngài từng canh tác, làm ruộng để sinh sống. Ngài nói:“Sự học đâu cần chùa to cảnh lớn; Giảng đường đẹp, phòng ốc sang trọng cũng chỉ là phương tiện...
 

Như vậy nhìn từ đức Phật đến các vị chân tu thời cận - hiện đại, một đặc điểm chung nổi bật là hạnh khiêm cung, lối sống tối giản về vật chất và không gian tu hành thanh tịnh... Không ai chơi đồ gỗ, khoe đá quý, đi xe tiền tỉ, không treo ảnh chụp chung với quan chức, không chưng bằng chứng nhận "kỷ lục"... Chùa thì nghèo nhưng các ngài thì giàu: giàu về tâm linh, thâm hậu về oai nghi, giới hạnh... làm lan tỏa một nguồn năng lượng bình an cho những người đi chùa, rộng ra cho cả vùng...

Trong văn hóa làng xã nước ta mái chùa, ngôi đình là những hình ảnh gần gũi thân thương, là nơi cất giữ hồn cốt của một ngôi làng, một địa phương. Có người ra nước ngoài sinh sống nhớ quay quắt chùa quê đã thốt lên: mái chùa che chở hồn dân tộc / nếp sống muôn đời của tổ tông...

Những giá trị văn hóa ấy ngày nay đang thay đổi chóng vánh, đang bị đảo lộn gây sự hụt hẫng. Các nhà quản lý có bao giờ đặt câu hỏi chúng ta đang làm gì với văn hoá truyền thống, với đức tin tâm linh của người dân? Hay tất cả đều quy về một mẫu số chung là... tiền!? Tiền thu từ chùa chiền thì nhiều nhưng rơi vào tay ai, có đóng thuế cho nhà nước đồng nào không... là những câu hỏi cần phải có kiểm toán, cần công khai minh bạch!

Đầu năm đi lễ, nhiều người bất ngờ với trạm bán vé giữa lưng chừng non thiêng Yên Tử. Ảnh: Tình Lê

Một số ngôi chùa là di sản của ông cha để lại nay người ta lập “BOT” thu tiền người dân đến viếng! Cúng sao giải hạn là mê tín là truyền bá đức tin ba sàm, năm nào cũng bị nhân sĩ trí thức và dư luận phê phán. Vậy nhưng một số chùa thì mũ ni che tai cứ việc ta ta làm, lại còn chốt giá theo đầu người không cho "cúng" thiếu... khác nào chốn mua bán!

Nghịch lý là chùa "thập diện mai phục" đất nước, chùa trăm hoa đua nở, sư tăng hiện diện trong những nơi đô hội sầm uất... nhưng đạo đức xã hội lại trong tình trạng cảnh báo nguy cấp, giả dối và bạo lực lên ngôi.

Hoành tráng, hào nhoáng, vĩ đại, "kỷ lục", vô đối... không phải là những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc, càng không phải giá trị của chùa chiền. Tôi tin tưởng đức Phật sẽ không ở trong những ngôi chùa như vậy.

Trúc Nguyễn