Friday, March 8, 2019

BẠN CÓ ĐANG NHÌN "VẺ BỀ NGOÀI" ĐỂ PHÁN XÉT MỘT NGƯỜI?

Cuộc sống có những điều không thể cứ nhìn bề ngoài mà phán xét cho được, bởi những thứ ở bên ngoài chưa hẳn đã phản ánh được chính xác bản chất của một vấn đề.

Có bao nhiêu người có thể thật sự không lấy “cái vẻ bề ngoài” của người khác để đánh giá đo lường một con người? (Ảnh: Quote Master)

Tại một cửa tiệm lớn nơi thị trấn, có 2 đứa trẻ đang run rẩy trình diện với cảnh sát vì bị coi là kẻ đã ăn cắp tiền của bà chủ tiệm.

Bà chủ tiệm lớn tiếng phản ánh với viên sĩ quan cảnh sát: “Tuy tôi không tận mắt nhìn thấy thằng bé này lấy trộm, nhưng tôi để 2 tờ 100 USD trên bàn chưa được một lúc, tiền đã ở trong tay thằng ăn trộm này!“.

Viên cảnh sát nhìn hai đứa trẻ đang có mặt tại cửa tiệm, một trai và một gái, cô bé có cặp mắt long lanh chăm chăm quan sát mọi việc đang diễn ra, còn cậu bé giữ thái độ im lặng.

Viên sĩ quan cảnh sát hỏi cậu bé: “Tiền có phải cháu lấy không?”.

Cậu bé gật gật đầu, im lặng không nói gì.

“Nói cho chú biết cháu đã mấy tuổi rồi!“.

“Dạ, 6 tuổi“.

“Thế em gái cháu?“.

“Dạ, 4 tuổi“.


Viên cảnh sát không khỏi đồng cảm với hai đứa trẻ này: “Chúng ta hãy cùng đến hiện trường xem thử nhé!“.

Viên cảnh sát để ý thấy phía sau cái tủ bày hàng có một chiếc quạt gió rất lớn, trong tiết trời oi bức như vậy khiến cho khách hàng cảm thấy mát mẻ.

“Tiền lúc đầu được để ở chỗ nào?“, viên cảnh sát hỏi.

“Chính để ở đây!” – Bà chủ đem tiền để lên trên cái tủ bày hàng.

Sau đó, viên cảnh sát để một viên kẹo ở trên mặt của tờ tiền, rồi bảo bé gái đến lấy.

Bé gái dù có cố gắng thế nào cũng không sao lấy được, bởi tuổi cô bé thật sự vẫn còn quá nhỏ, không với đến được món đồ để trên quầy.

“Anh thấy nên phải làm sao đây! Đối phó với loại trộm vặt này, nhất định cần phải trừng trị nghiêm khắc một phen” – Bà chủ tiệm lại hét tướng lên, ra điều có lý, quyết không chịu bỏ qua.

Bỗng nhiên! Tờ tiền để trên quầy hàng bị luồng gió mạnh từ chiếc quạt gió thổi bay xuống đất.

Bé gái trông thấy vậy lập tức cúi người xuống nhặt lấy tờ tiền đó đưa cho anh trai mình, sau đó chỉ thấy cậu bé lập tức đưa tờ tiền đó giao cho viên cảnh sát.

Viên cảnh sát nói: “Ồ! Thì ra mấy tờ tiền này chính là em gái cháu lượm đưa cho cháu?“.

Vẻ bề ngoài không thể là thước đo để đánh giá một người. (Ảnh: Meetup)

Cậu bé khẽ gật gật đầu, những giọt nước mắt ấm ức trong mắt cậu lập tức chảy ra.

“Thế lúc nãy sao cháu lại phải nói là chính cháu đã lấy trộm?”.

Cậu bé sợ em gái bị bắt đi lại càng khóc lớn tiếng hơn: “Đó là em gái cháu, nó trước giờ vốn chưa từng biết ăn cắp“.

Viên sĩ quan cảnh sát quay đầu lại nhìn bà chủ tiệm, chỉ thấy bà cúi gầm mặt xuống không dám nói thêm câu nào nữa.

Trong lòng của bà chủ tiệm rốt cuộc chỉ nghĩ đến chuyện ai đã lấy trộm tiền của mình, người đã lấy trộm tiền phải trả một cái giá tương xứng. Trong mắt của bà chủ tiệm, cậu bé ăn mặc rách rưới này nhất định là đồ xấu xa! Nhất định là nó đã lấy trộm chứ không ai khác.

Nhưng mà thông qua hỏi dò cẩn thận của viên cảnh sát này, không những đã biết được chân tướng sự thật không có giống như những gì bà chủ nghĩ, cậu bé đó vốn không có lấy cắp tiền. Cậu chẳng qua chỉ là không biết xử trí như thế nào hoặc là không kịp xử trí đối với mấy tờ tiền mà em gái mình nhặt được mà thôi.

Tuy vậy, sự che chở và tấm lòng của cậu dành cho em gái mình e rằng rất nhiều người lớn chúng ta và những người có tiền đều không làm được.

Có bao nhiêu người có thể trao gửi một tấm lòng yêu thương khiến người khác có thể cảm động?

Có bao nhiêu người có thể thật sự không lấy “cái vẻ bề ngoài” của người khác để đánh giá đo lường một con người?

Thiết nghĩ, ở bên cạnh chúng ta, dù là những người tầm thường nhất, trong sinh mệnh của họ cũng có những chỗ đáng để cho chúng ta kinh ngạc và đáng để chúng ta học tập.


Cảm ngộ

Có một số người chỉ nhìn thấy một phía của sự việc liền vội vàng đưa ra kết luận, rồi mau chóng đưa ra thưởng phạt, dường như chỉ có như vậy mới có thể cho thấy họ thông minh sáng suốt hơn người, không ai rõ ràng như họ vậy.

Nhưng người thông minh, phân rõ phải trái trắng đen, khi gặp phải chuyện đều hiểu được rằng những gì chính mắt trông thấy vốn không nhất định là thật, phàm là chuyện gì cũng không nên đưa ra kết luận quá sớm, nghĩ nhiều một chút, quan sát kỹ hơn một chút, hỏi nhiều một chút, dù cho có tội chứng xác thật cũng phải thẩm tra cẩn thận rồi sau mới đưa ra kết luận, để tránh nhất thời sai sót mà khiến người chịu oan.

Dù sao kẻ phạm tội thật sự cũng sẽ không bởi thẩm tra cẩn thận hơn mà bị thả nhầm, còn người bị oan khuất lại có thể vì vậy mà được minh oan.

(Sưu tầm trên mạng)