Ngôi trường mù ở Phú Thọ, nơi Đinh Bằng My làm Hiệu trưởng – kẻ đã lạm dụng tình dục rất nhiều nam sinh đang theo học tại đây.
Ngôi trường mù ở Quảng Bình, nơi cô giáo cho trẻ con tát lẫn nhau.
Ngôi trường mù ở Thủ đô Hà Nội, khi bà Hiệu trưởng ngồi taxi vào tận sân trường để taxi gây tai nạn cho học sinh tiểu học rồi chối cãi đến tận cùng. Thậm chí, phát phiếu khảo sát để chối lỗi.
Ngôi trường mù ở Sài Gòn, khi một cô giáo hơn 3 tháng không giảng bài cho học sinh, kiên quyết im lặng.
Ngôi trường mù ở Bắc Ninh, khi những đứa trẻ mầm non bị ăn thịt lợn nhiễm sán, bị dùng thực phẩm bẩn ôi nhớt…
Đó không phải là những ngôi trường mù cá biệt.
Ban Giám hiệu, giáo viên ở những nơi này đều sáng mắt. Nhưng vì sao sáng mắt lại không đấu tranh chống cai sai, không hành động hay phát ngôn để bảo vệ bọn trẻ? Không phải con em của chúng ta đến trường để học điều hay lẽ phải, học lấy kiến thức để thành người, để có thể bảo vệ cho cá nhân, cho lẽ phải hay sao?
Nhưng cái cuối cùng mà các cháu nhận được lại là sự xấu xí của người lớn. Đau lòng thay, những người lớn ấy hoặc đang làm công tác quản lý giáo dục hoặc đứng lớp trực tiếp.
Nhiều cái sai diễn ra hằng ngày nên cái sai đã thành bình thường?! Tôi không nghĩ như vậy, cái sai hiện hữu là vì sự im lặng của những thầy cô giáo ở những ngôi trường đó.
Thầy cô giáo ở những ngôi trường đó có thể bị mù, bị câm, bị điếc vì những đứa trẻ ăn bị ăn thịt bẩn, bị lạm dụng, bị bạn bè tát… không phải là con em của họ.
Thầy cô giáo ở những ngôi trường đó có thể bị mù, bị câm, bị điếc vì nếu mở miệng có thể bị trù dập, bị mất việc. Mà công việc, mà thu nhập dẫu ít nhiều gì thì cũng là cuộc sống.
Mặc cho, khi im lặng trước cái xấu, cái phản giáo dục thì những thầy cô giáo đã chấp nhận quay ngược lại với nhận thức của chính mình rồi.
Thầy cô giáo cũng là nạn nhân, nạn nhân trước chính mình.
Còn những ông quan bà huyện trong vai thầy cô hiệu trưởng ở các ngôi trường ấy, họ đã thành một tầng lớp quan lại mới, một tầng lớp địa chủ mới, ông bà chủ mới..
Ai bổ nhiệm họ, đích xác phải chịu trách nhiệm. Phải lôi được những kẻ bổ nhiệm này ra để xử lý thì mới có hy vọng. Mới thôi được cái trò chạy ghế, chạy chức, cầm tiền là ký đề bạt bất chấp những quy chuẩn về trình độ, nghiệp vụ, đạo đức.
Cái ác ở đâu cũng kinh tởm, nhưng cái ác ở môi trường giáo dục còn dã man hơn gấp nhiều lần.
Khi những đứa trẻ sẽ nhìn vào đây mà nghĩ về cuộc đời, về cái cách mà con người Việt đối xử với nhau, về cái tư duy ai có ra sao mặc kệ miễn mình được lợi nhất.
Hãy nói chuyện, trao đổi với con em mình nhiều hơn.
NGÔ NGUYỆT HỮU