Sunday, March 10, 2019

BÀI HỌC VỀ HIỆU ỨNG FOMO

Thánh gà - và bài học về hiệu ứng FOMO "sợ bỏ lỡ cơ hội" trong kinh doanh

Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng hiệu ứng FOMO một cách linh hoạt để tạo sự khan hiếm, cấp bách hay tạo tính độc quyền cho người dùng.


Có một câu chuyện được nhiều người chia sẻ. Câu chuyện như một ví dụ điển hình về hiệu ứng tâm lý Fomo – hiệu ứng "sợ bỏ lỡ cơ hội". Câu chuyện cũng có thể được nhìn dưới góc độ lời cảnh tỉnh trước những chiêu "siêu" lừa đảo. Tuy nhiên, theo hướng tích cực, câu chuyện cũng là một bài học kinh doanh cho những người làm ăn chân chính.

Chuyện bắt đầu từ một làng quê nọ.

Nếu có ai đó bảo bạn rằng: "Hãy đưa cho chúng tôi 230 đô la, và bạn sẽ có thịt gà ăn cả đời, ngay cả khi bạn đã chết" thì bạn có tin không? Nghe thì có vẻ không đáng tin, đặc biệt, là câu chuyện diễn ra ở một thị trấn nhỏ tại Ấn Độ vài chục năm về trước.

Chuyện kể rằng, một người lạ mặt tự xưng Thánh gà, đến thị trấn nhỏ này và đi khắp nơi phát tờ rơi quảng cáo đến các bà nội trợ với nội dung đại loại như trên. Số tiền 230 đô la không phải là một con số nhỏ, nhưng đổi lại mỗi chủ nhật hàng tuần, mỗi người đăng ký sẽ được giao đến nhà 2 kg thịt gà tươi ngon suốt cả đời. Kể cả, khi người đó mất, con cái, cháu chắt các đời sau của họ cũng sẽ được thừa hưởng quyền lợi này mãi mãi.

Dĩ nhiên, ban đầu, không ai tin, cũng chẳng ai hướng ứng. Các cư dân địa phương đều bán tín bán nghi. Thường những thứ gì dễ dàng, có lợi quá sẽ gây nên mối ngờ vực lớn, và người lạ mặt kia cũng dư sức hiểu được chuyện đó.

Phải có chút chim mồi – anh ta bắt đầu suy nghĩ.

Thế là 5 bà nội trợ may mắn và cũng là những người được xem là các "thông tấn xã địa phương" được trao tặng 5 suất ăn gà miễn phí. Trong suốt ba tuần lễ sau đó, gà luôn được giao đến đúng hẹn vào mỗi ngày chủ nhật, kèm theo đó là chất lượng tuyệt hảo.

Một đồn 10, 10 sẽ đồn thành trăm. Thế nhưng qua miệng 5 vị "thông tấn xã" này, câu chuyện lập tức nhanh chóng được truyền đến tai toàn bộ dân làng ở mức hấp dẫn nhất. Dân cư khắp nơi trong thị trấn bắt đầu đứng ngồi không yên.

Đây chính là bài học tâm lý: khi ai cũng như ai thì không có gì thì chẳng sao, nhưng tự nhiên có người hơn mình là bắt đầu có sự so sánh. Đây cũng chính là hiệu ứng FOMO – hiệu ứng "sợ mất cơ hội".

FOMO là từ viết tắt của Fear of Missing Out, được hiểu là nỗi sợ bị hụt mất cơ hội - là sự khao khát được kết nối liên tục với những gì người khác đang làm. FOMO cũng được định nghĩa là một nỗi sợ hay một sự tiếc nuối, dẫn đến một mối quan tâm cưỡng chế rằng bạn có thể bở lỡ cơ hội được tương tác xã hội, một trải nghiệm mới, một cơ hội đầu tư sinh lời hoặc các sự kiện thỏa mãn khác.


Trở lại với câu chuyện, trước những thông tin lan tỏa nhanh chóng, dòng người bắt đầu xếp hàng dài đổ đến gặp Thánh gà.

Thế nhưng không phải ai thánh cũng tiếp. Tuyên bố rằng để đảm bảo phục vụ thật tốt những khách hàng đang có, Thánh chỉ cho phép số lượng người đăng ký cực kì nhỏ giọt. Hiệu ứng FOMO lại càng kích thích, đẩy cho mọi người tìm đến đông hơn. Ở đây, Thánh gà đã khôn ngoan tạo nên "sự khan hiếm" để kích thích người mua.

Cuối cùng, vì cảm thông trước sự nhiệt tình của mọi người, "sau bao ngày tìm kiếm cực khổ tôi đã tìm được nguồn gà chất lượng đảm bảo cung cấp cho tất cả mọi người". Gần như tất cả những ai không ăn chay trong vùng đều đổ đến đăng ký, và để tăng thêm mức độ "hot", một thông báo được đưa thêm "trước tình hình đăng ký quá đông của mọi người, tôi dự tính sẽ tăng giá thêm 30% vào tháng tới". Số người và số tiền đăng ký ăn gà nhanh chóng tăng lên để "dành chỗ".

Một ngày đẹp trời nọ, mọi người bàng hoàng nhận ra văn phòng công ty đóng cửa im lìm. Còn Thánh gà, ai cũng biết, đã cao chạy xa bay cùng cả triệu đô la.

Thông thường, người ta thường có xu hướng đề phòng những hành vi khả nghi. Thế nhưng, thánh gà đã chứng minh một điều rằng: những kẻ lừa đảo vẫn có thể lừa thẳng trước thanh thiên bạch nhật mà nạn nhân vẫn tự nguyện trao tiền trong vui vẻ.

Ngày nay, khi sự phát triển của internet và mạng xã hội ngày càng rộng lớn, hiệu ứng FOMO lại ngày càng lan tỏa nhanh chóng.

Có một câu nói nổi tiếng trong giới đầu tư là "khi thị trường tham lam thì đó là lúc nên rời khỏi cuộc chơi", vì đó cũng chính là lúc hiệu ứng FOMO phát huy tác dụng đến đỉnh điểm. Tâm lý, nhà đầu tư không thể đứng im ngoài cuộc khi "người người trade, nhà nhà trade" – và bong bóng giá sẽ nổi lên, cũng chính là lúc thị trường dễ rơi nhất.

Nhớ lại cơn sốt bất động sản hơn chục năm trước. Chim mồi thả ra là việc đi đâu bạn cũng nghe người này người kia kể đã lãi triệu này, tỷ nọ, thì hẳn bạn cũng không thể ngồi im. Tâm lý sợ bỏ lỡ thời cơ, bỏ lỡ cơ hội, bạn cũng bắt đầu lao vào mua bán, và cũng góp một tay đẩy giá đất lên cao. Cơn sốt đất, bong bóng bất động sản bắt đầu nổi lên, và cũng chìm ngay sau đó khi những người châm ngòi như Thánh gà rút đi.


Ứng dụng FOMO đang được sử dụng như thế nào?

Thế nhưng hiệu ứng FOMO lại là hiệu ứng thường được dùng nhất trong kinh doanh. Không tính những "chiêu" kinh doanh lừa đảo như Thánh gà ở trên, thì FOMO được các doanh nghiệp ứng dụng nhiều để tạo kích cầu người mua.

"Tạo sự khan hiếm và cấp bách"
là chiêu thức thường được dùng nhất để đánh thức "hiệu ứng FOMO" trong người tiêu dùng. Một khuyến mãi chỉ diễn ra vào khung giờ nhất định nào đó, với số lượng hạn chế sẽ làm người tiêu dùng "sợ mất cơ hội mua giá rẻ" – và đây chính là một trong những "chiêu" mà các kênh bán hàng online thường dùng.

Những dòng quảng cáo chỉ 100 sản phẩm duy nhất cho 100 người đầu tiên, hay việc hiển thị số người đang kết nối, số người đang mua… đã kích thích người mua quyết định mua hàng ngay "trước khi hết".


"Tạo tính độc quyền cho người dùng" cũng là chiêu mà các nhà cung cấp sản phẩm thường sử dụng. Các phiên bản thử nghiệm được "ưu ái" cho một số người dùng, và những người khác sẽ cảm thấy "ghen tỵ", ngay lập tức cũng muốn được sở hữu. Tạo nên nhóm người độc quyền, là một cách kích thích và nhân rộng nhu cầu sử dụng sản phẩm của nhiều người.

"Những hành động của ta nằm trong tay ta, nhưng hậu quả của chúng thì không. Hãy nhớ điều đó, và nghĩ hai lần trước khi định làm bất cứ điều gì"- Louisa May Alcott từng nói.

Thái Hiếu
Theo Trí thức trẻ

No comments: