Sunday, March 10, 2019

VÙNG ĐẤT HOA VÀ TUYẾT CỦA "THIÊN LONG BÁT BỘ"

Người Trung Quốc dùng bốn từ “phong – hoa – tuyết – nguyệt” để nói về Đại Lý, nơi ghi hình bộ phim "Thiên Long bát bộ".


Dưới đây là chia sẻ của Trịnh Hiền Thương - nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Nhân học Văn hóa - Đại học Thượng Hải (Trung Quốc) về hành trình khám phá Đại Lý.

"Phong, hoa, tuyết, nguyệt" là cách gọi tắt của bốn cảnh đẹp ở Đại Lý: “Hạ quan phong (下觀風), Thượng quan hoa (上觀花), Thương sơn tuyết (蒼山雪), Nhĩ Hải nguyệt (洱海月)”. Du khách có thể hiểu đến Đại Lý là đón gió, ngắm hoa, thưởng tuyết trên núi Thương và ngắm trăng ở hồ Nhĩ Hải.

Tôi đi qua các địa điểm cần đến tham quan ở Đại Lý như: Cổ thành Đại Lý, phim trường Thiên Long bát bộ, Sùng Thánh tự Tam Tháp... nhưng có lẽ do bản thân yêu thích cảnh đẹp thiên nhiên nên để lại ấn tượng với tôi hơn cả là Biển hoa Đại Lý và hồ Nhĩ Hải


Phim trường Thiên Long Bát Bộ.

Biển hoa Đại lý

Dừng chân ở một cửa hàng bán bưu thiếp trong cổ thành Đại Lý có cái tên rất đẹp “Mộng ước du lịch”, tôi bị ngơ ngẩn trước tấm bưu thiếp có một biển hoa vàng bên cạnh dãy núi cao. Tôi mua tặng mình tấm bưu thiếp đó và được anh chủ cửa hàng giải thích cảnh đẹp này ở Đại Lý và cách cổ thành không xa.


Dưới sự hướng dẫn của anh ấy, tôi đã đến được nơi gọi là Biển hoa Đại Lý. Mặc dù giao thông công cộng ở Đại Lý khá thuận tiện, nhưng do quãng đường đến thôn Tài đang sửa nên tôi phải đổi hai lần xe bus và đi thêm một quãng đường ngắn bằng xe túc túc.

Biển hoa Đại Lý trên đường Hoàn Hải Tây Lộ.
Đồng hoa Đại Lý.

Biển hoa Đại Lý nằm ở gần hồ Nhĩ Hải, trên đoạn đường Hoàn Hải Tây Lộ, gần bến thuyền thôn Tài. Ở đây có rất nhiều vườn hoa, bạn có thể đi dọc đường và lựa chọn, vì đều là vườn hoa tư nhân nên giá vào tham quan và chụp ảnh là 10 tệ/người (khoảng 33.000 đồng). Được ngắm hoa, chụp ảnh hoa giữa khung cảnh bao la của trời xanh, mây trắng, hoa vàng là điều mãn nguyện nhất của tôi ở Đại Lý.

Hồ Nhĩ Hải

Cách Biển hoa Đại Lý chừng hơn một km là bến thuyền thôn Tài, từ đây bạn có thể ngắm cảnh của hồ Nhĩ Hải. Rất nhiều du khách đến bến thuyền thôn Tài chỉ để ngắm cảnh hồ Nhĩ Hải. Ở bến thuyền người ta rào kín hai bên đường, một cách để đánh lạc hướng du khách, muốn ngắm cảnh hồ buộc phải đi du thuyền với giá 180 tệ (khoảng 660.000 đồng).

Hồ có diện tích 256,5 km2, quãng đường đi hết một vòng hồ khoảng hơn 42 km.
Tuy nhiên, trên đường vào bến thuyền thôn Tài, nếu chịu khó quan sát sẽ thấy vẫn có một con đường nhỏ dẫn vào ven hồ, từ đây bạn có thể ngắm cảnh và chụp ảnh phong cảnh hồ Nhĩ Hải với nhiều góc đẹp mà không phải chi trả bất cứ chi phí nào.

Ngoài ra, ở Đại Lý cũng có tuyến xe bus du lịch đưa du khách tham quan vòng quanh hồ và dừng lại ở các điểm thắng cảnh. Tiếc là đến ngày cuối cùng ở Đại Lý, khi dừng chân chụp ảnh ở cầu Đại Hưng Thịnh tôi mới nhìn thấy tuyến xe bus này, nếu không đã có thể đi hết cả một vòng hồ Nhĩ Hải.

Hưng Thịnh Đại Kiều.
Truyền thuyết về hồ Nhĩ Hải được kể như sau: “Thủa xưa, con gái của đế vương vừa kết hôn chưa được bao lâu thì người chồng xuất chinh ra trận, anh ấy đi liền mười mấy năm không quay lại. Nàng công chúa nhớ thương chồng, khóc nhiều đến khi nước mắt tạo thành hồ Nhĩ Hải. Khi nàng cạn kiệt sinh lực và qua đời thì vừa đúng lúc người chồng quay trở về quê hương. Chàng đau lòng nên thề nguyền với trời đất nguyện hóa thành ngọn núi ở bên cạnh bảo vệ hồ Nhĩ Hải. Từ ấy Thương Sơn và Nhĩ Hải là núi và hồ sóng đôi bên nhau”.

Hồ Nhĩ Hải là hồ nước ngọt lớn thứ hai ở Vân Nam (sau Điền Trì ở Côn Minh).
Người dân tộc Bạch ở Đại Lý gọi Nhĩ Hải là hồ Mẹ. Trên khắp đường phố ở Đại Lý, tôi đều nhìn thấy các dòng khẩu hiệu tuyên truyền bảo vệ môi trường của hồ Nhĩ Hải.

Buổi sáng trên hồ Nhĩ Hải.
Thủa còn nhỏ, tôi yêu thích tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, thế nên Đại Lý đối với tôi đó là quê hương của Đoàn Dự trong Thiên Long bát bộ, hay vương quốc của Nam Đế võ công cái thế. Trước khi đến Vân Nam, một người bạn nói với tôi rằng Đại Lý rất đẹp, tôi sẽ không phải hối hận khi đến đó và cô ấy nói đúng. Tôi không hối hận khi đến thành phố này. Giờ đây Đại Lý đối với tôi không còn chỉ là cái tên trong tiểu thuyết võ hiệp, mà đó còn là một Đại Lý của “phong - hoa - tuyết - nguyệt”.

Trịnh Hiền Thương