Wednesday, March 20, 2019

KIÊU BINH TẤT LOẠN

Nạn kiêu binh - Dân với Quân với Quan như kẻ thù cũng từ QUAN QUÂN mà ra hết cả.


Câu nói "kiêu binh tất loạn" - với ý nghĩa nói về những người ở cấp dưới vốn phải phục tùng cấp trên nhưng lại sinh thói kiêu căng, ngạo mạn, làm càn thì cuối cùng sẽ dẫn đến loạn, bất phục tùng, vượt quyền trong một mối quan hệ quản lý ràng buộc nào đó. Ngược dòng lịch sử, nạn "kiêu binh" bắt đầu từ thế kỷ XVII, trong cuộc chiến Nam - Bắc triều và từ trong "trò hề lịch sử" vua Lê - chúa Trịnh - vua không ra vua, chúa không ra chúa. Mãi đến năm 1786, Nguyễn Huệ kéo quân Bắc phạt, nạn kiêu binh mới chấm dứt và đồng thời sự nghiệp chúa Trịnh cũng sụp đổ.

"Kiêu binh" là từ chỉ một lực lượng lính chính quy. Lúc đầu, tên của lực lượng này là "ưu binh". Nguyên do khi Mạc Đăng Dung lấy ngôi nhà Hậu Lê, lập ra nhà Mạc năm 1527, nhiều cựu thần Hậu Lê không theo. Nên đến năm 1533, Nguyễn Kim mượn danh phù Lê diệt Mạc, chiêu mộ hào kiệt, lập Lê Duy Ninh lên ngôi vua, tiến quân từ Ai Lao về chiếm vùng Thanh Hóa, đương cự với nhà Mạc đang ở Thăng Long. Lúc này, để có quân lính chiến đấu, nhà Lê phải tuyển binh ở ba phủ Hà Trung, Thiệu Hóa và Tĩnh Gia - nay là vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Đây là lực lượng đầu tiên, chiến đấu đầu tiên để giúp vua Lê - chúa Trịnh đánh nhà Mạc, nên được chúa Trịnh sủng ái, ban thưởng nhiều vàng bạc, quyền lợi và được gọi là ưu binh. Ngoài "ưu binh" này, còn một lực lượng quân sĩ được tuyển mộ ở miền Bắc, gồm 4 trấn từng nằm dưới sự cai trị lâu dài của Bắc triều và được gọi là "nhất binh".

Để hiểu vì sao để xảy ra nạn "kiêu binh" này, người đọc lịch sử cần nhớ rõ trước hết từ năm 1527 đến năm 1802, là một giai đoạn nội chiến - phân chia đất nước khốc liệt giữa các lực lượng vua Lê - nhà Mạc - chúa Trịnh - chúa Nguyễn. Do đó, đất nước rơi vào cảnh loạn lạc, nhân dân lầm than và chiến trận như một lẽ tất yếu quyết định vinh nhục, sống chết cho một đời người trong thời kỳ này. Mặc dù năm 1672, cuộc chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh quyết định lấy sông Gianh làm giới tuyến cho đến năm 1771, nhưng đây cũng chính là thời gian xảy ra nạn "kiêu binh" tại Đàng Ngoài và Đàng Trong bắt đầu đi vào khủng hoảng.

Trong một thời kỳ đầy biến loạn và chiến trận liên miên như thế, sự trung hưng của nhà Hậu Lê từ vùng Thanh Hóa, tuyển chọn quân lính tại địa phương và ban cho lực lượng này quá nhiều quyền lợi đã dẫn đến mầm mống của nổi loạn. Vì trải qua hơn 38 trận chiến lớn nhỏ giữa Nam - Bắc triều, quân "ưu binh" cậy mình có công, được ban thưởng nhiều nên đã sinh ra thói kiêu căng, ngạo mạn tự mình tụ tập mà làm loạn chốn kinh thành Thăng Long, làm loạn không những ngay trong phủ Chúa, điện vua mà còn ức hiếp, bạo ngược với dân chúng.

Bắt đầu năm 1674, nhận thấy đám "ưu binh" xưa nay đã thành kiêu binh và ngày càng lộng quyền, kiêu ngạo, phóng túng, bồi tụng Nguyễn Quốc Trinh và tham tụng Phạm Công Trứ bàn nhau tìm cách dẹp nạn này. Kiêu binh biết được, nên đón đường giết chết viên bồi tụng, rồi kéo đến nhà quan tham tụng tìm giết. Phạm Công Trứ phải bỏ trốn vào phủ Chúa, kiêu binh kéo đến hò hét đòi người. Chúa Trịnh Tạc phải xuống nước vỗ về, ban cho vàng bạc để chúng không làm loạn nữa. Cuối cùng, chúng kéo đi và san bằng nhà viên quan tham tụng thành bình địa.


Rồi đến năm 1741, tham tụng Nguyễn Qúy Cảnh lại muốn dẹp bớt yêu sách của kiêu binh, khiến chúng tức tối mà đón đường toan muốn giết ông đi. May sao trốn được, ông xin Trịnh Doanh cho trí sĩ nhưng chúa không cho, ông phải làm tiếp.

Và cuối cùng, năm 1782, chúa Trịnh Sâm mất, tuyên phi Đặng Thị Huệ và quận Huy Hoàng Đình Bảo lập Trịnh Cán lên làm chúa. Con trưởng Trịnh Sâm là Trịnh Khải ngấm ngầm liên kết với kiêu binh để giành ngôi chúa. Kết quả, quân kiêu binh kéo vào phủ Chúa, đánh chết quận Huy, bắt Tuyên phi và Trịnh Cán phế truất. Về sau, Tuyên phi Đặng Thị Huệ uất ức mà chết, còn Trịnh Cán lên ngôi lúc 6 tuổi và cũng chết sau 1 tháng do bệnh tật.

Từ khi Trịnh Khải lên ngôi, nạn kiêu binh lại càng lớn hơn trước vì cậy mình có công to với nhà chúa, chúng ra sức ức hiếp dân chúng, làm cho kinh thành Thăng Long luôn bất ổn và dân - quân coi nhau như kẻ thù. Còn nữa, kiêu binh còn vào ngục rước Lê Duy Khiêm ra và yêu cầu Lê Hiến Tông đặt Duy Khiêm làm người nối ngôi - tức Lê Chiêu Thống sau này. Từ đó, "công cộng công", nạn kiêu binh lại càng lớn hơn trước.

Nặng nề hơn, khi các quan Nguyễn Khản, Nguyễn Khuông, Nguyễn Triêm muốn cùng Chúa lập mưu dẹp kiêu binh, chúng biết được liền kéo đến phủ Chúa đòi bọn họ để giết đi. Vì Khản và Khuông là thân thuộc, Trịnh Khải và mẹ phải khóc xin tha. Chúng đồng ý nhưng bắt buộc phải giết được Nguyễn Triêm. Trịnh Khải phải vỗ về Triêm, hứa cho dân 1 xã lập điện thờ và truy phong tước cho con cháu. Cuối cùng Nguyễn Triêm tự mình ra cửa, kiêu binh lấy đá đập rồi sau giết chết ngay trước mặt Trịnh Khải.

Sau này, Trịnh Khải ngầm hiệu triệu 4 trấn mang quân về giết kiêu binh, nhưng việc bị lộ nên không thành, phủ Chúa bị vây và cướp hết sạch binh khí. Năm 1786, Nguyễn Huệ mang quân Bắc phạt, bọn kiêu binh quen thói lộng quyền nay không có sức chiến đấu, cố tình trì hoãn ra quân cho đến khi Nguyễn Huệ kéo đến Thăng Long thì tiêu diệt phủ Chúa Trịnh và cả nạn kiêu binh.


Kiêu binh tất loạn như một bài học nhãn tiền của thời loạn dành cho người sau nhìn theo mà tự rút ra bài học. Lê Thái Tổ từng oai hùng sáng lập triều Hậu Lê như thế nào thì hơn 100 năm sau con cháu của Ngài lại bắt đầu mạt hệ như thế. Đáng lẽ ra, nhà Lê không còn đủ khả năng lãnh đạo quốc gia thì để nhà Mạc lên thay là tất yếu. Nhưng một phần vì công lao đánh đuổi giặc phương Bắc của Nhà Lê quá lớn, mà mặt khác lại có nhiều dòng họ thay nhau nổi lên tranh lấy quyền lực nên cuối cùng danh nghĩa vua Lê vẫn phải được giữ lấy. Rồi chúa Trịnh không làm vua, mà lấy danh nghĩa vua để điều khiển thiên hạ lại càng làm cho thời thế đã loạn nay còn loạn thêm.

Vậy nên, nạn kiêu binh xảy ra cũng có nguyên do của nó, ở trên vua-chúa-quan lại tham nhũng, quan liêu, mua quan bán chức, ức hiếp dân chúng, thì ở dưới quân lính, tay sai tất ăn theo mà làm càn, chẳng coi phép nước, pháp luật ra gì, rồi cũng cậy quyền, cậy thế mà đánh đập, áp bức nhân dân. Việc này mà xảy ra, thì dân coi lính, coi quan, coi vua, coi chúa chẳng khác nào kẻ thù, để toan đập, toan đánh, toan giết đi... rồi cuối cùng phép nước lại cũng chẳng ra gì.

Nên năm 1786, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc phạt, rồi 3 năm sau lên ngôi Quang Trung hoàng đế chắc chắn là việc hợp lòng dân. Thời nào có kiêu binh, thì thời đó tất sẽ có Nguyễn Huệ. Chỉ tội nhân dân phải dài cổ đợi chờ mà thôi.

Nguồn: Yêu Sử Việt