Đinh Tiên Hoàng và Tần Thủy Hoàng
Đinh Tiên Hoàng (924 – 979), tên húy là Đinh Bộ Lĩnh, là vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi từ năm 968 – 979.
Tần Thủy Hoàng (259 TCN – 210 TCN), tên thật là Doanh Chính, là vua của nước Tần ở Trung Quốc từ năm 246 TCN đến 221 TCN trong thời kỳ Chiến Quốc và trở thành vị Hoàng đế sáng lập ra nhà Tần, cai trị cho đến khi qua đời vào năm 210 TCN.
Tượng vua Đinh Tiên Hoàng (trái) và tranh vẽ Tần Thủy Hoàng (Phải) |
Đinh Tiên Hoàng và Tần Thủy Hoàng đều trở thành hoàng đế sau khi tiêu diệt các thế lực cát cứ phân tán để lập nên một đất nước thống nhất, tự chủ, chuyển đổi chế độ phong kiến phân quyền sang chế độ phong kiến tập quyền.
Đinh Tiên Hoàng là người có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1.000 năm Bắc thuộc, trong khi Tần Thủy Hoàng khi tiêu diệt các nước chư hầu khác trong giai đoạn Chiến quốc. trở thành vị hoàng đế đầu tiên của một nước Trung Quốc thống nhất.
Trước khi làm hoàng đế, cả hai đều đã từng xưng vương, Tần Doanh Chính là Tần Vương, Đinh Bộ Lĩnh là Vạn Thắng Vương.
Cả hai vị hoàng đế đều lập đô ở những vùng núi non hiểm trở, đó là Hàm Dương của nhà Tần và Hoa Lư của nhà Đinh.
Để phòng thủ đất nước, Tần Thuỷ Hoàng đã cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành bằng cách nối lại các đoạn thành sẵn có của các nước chư hầu, còn Đinh Tiên Hoàng nối lại các dãy núi đá trong tự nhiên ở Hoa Lư bằng tường thành nhân tạo.
Cả Đinh Tiên Hoàng và Tần Thủy Hoàng khi làm vua đều dùng chính sách cai trị bằng pháp luật nghiêm khắc. Họ đều ở ngôi trong 12 năm, khi băng hà đều còn đương quyền, người kế tục sự nghiệp đều là con thứ và sớm để quyền bính rơi vào tay quyền thần.
Cả hai triều đại Tần và Đinh đều tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng mang ý nghĩa trọng đại trong lịch sử. Triều Đinh chính là khởi đầu của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên và Đinh Tiên Hoàng là người mở nền chính thống cho các triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam. Với ý nghĩa tương tự, Tần Thủy Hoàng đã mở ra gần hai thiên niên kỷ cai trị của phong kiến Trung Quốc.
Lê Thái Tổ và Hán Cao Tổ
Lê Thái Tổ (1385 – 1433), tên thật là Lê Lợi, là người khởi xướng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi quân Minh và trở thành vị vua đầu tiên của Hậu Lê, triều đại lâu dài nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi từ năm 1428 – 1433.
Hán Cao Tổ (256 TCN – 195 TCN), tên thật là Lưu Bang, là vị Hoàng đế sáng lập nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông ở ngôi Hoàng Đế từ năm 202 TCN đến 195 TCN.
Tượng vua Lê Thái Tổ (trái) và tranh vẽ Hán Cao Tổ (phải). |
Dù cách nhau tới 15 thế kỷ, giữa hai vị hoàng đế của Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều điểm tương đồng.
Cả Lê Lợi và Lưu Bang đều xuất thân từ gia đình nông dân và là con thứ ba trong nhà. Trên Lê Lợi có Lê Học, Lê Trừ còn trên Lưu Bang có Lưu Bá, Lưu Trọng.
Cuộc khởi nghĩa của cả hai ông đều gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian đầu tiên, phải thường xuyên lẩn trốn sự truy kích của kẻ thù, thậm chí có những lúc rơi vào tính thế hiểm nghèo.
Cả hai đều giữ được mạng sống nhờ những thuộc hạ tâm phúc sẵn sàng hi sinh thân mình cứu thủ lĩnh. Khi gặp hiểm nguy, Lưu Bang đã phải nhờ Kỷ Tín thế thân ra hàng. Kỷ Tín đã lừa được đối phương và bị Hạng Vũ giết. Lê Lợi cũng phải nhờ Lê Lai theo gương Kỷ Tín để thoát nạn. Lê Lai cũng bị quân Minh giết.
Sau khi lên ngôi, hai vị hoàng đế đều giết các công thần khai quốc. Lê Lợi vì nghe những lời gièm pha mà giết Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, trong khi Lưu Bang lần lượt trừ khử hoặc phế truất các công thần làm vua chư hầu để hạn chế quyền lực của họ.
Về sau này, cơ nghiệp của hai vị hoàng đế đều bị họ khác cướp ngôi. Nhà Hán và nhà Lê đều bị gián đoạn một thời gian, nhưng rồi lại phục hồi. Nhà Tây Hán bị nhà Tân của Vương Mãng cướp ngôi, nhưng sau đó được nhà Đông Hán kế tục. Nhà Lê (Lê sơ) bị nhà Mạc của Mạc Đăng Dung cướp ngôi, rồi sau đó được nối tiếp bởi nhà Lê trung hưng.
Sau khi qua đời, cả Lê Thái Tổ và Hán Cao Tổ đều được đặt chữ “Cao”. Lưu Bang là (Cao Tổ) Cao hoàng đế, Lê Lợi là (Thái Tổ) Cao hoàng đế.
Quang Trung – Nguyễn Huệ và Napoleon Bonaparte
Hoàng đế Quang Trung (1753 – 1792), tên thật Nguyễn Huệ, là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn, ở ngôi từ 1788 tới 1792. Cùng thời với ông là Napoleon Bonaparte (1769 –1821), người giữ ngôi Hoàng đế của nước Pháp từ năm 1804 – 1815 với đế hiệu là Napoleon I.
Điểm tương đồng lớn nhất của Quang Trung và Napoleon là cả hai đều là những nhà quân sự kiệt xuất với những chiến công lẫy lừng trong sự nghiệp của mình, trước cũng như sau khi lên ngôi.
Quang Trung (trái) và Napoleon (phải) |
Napoleon Bonaparte nổi tiếng từ khi là một viên chỉ huy trong các chiến dịch chống lại Liên minh thứ nhất và thứ hai chống Pháp và cuộc chinh phạt bán đảo Italy. Sau khi lên ngôi, ông đã tham gia vào một loạt xung đột, lôi kéo mọi cường quốc chính ở châu Âu tham gia và giành thắng lợi trong đa số các trận đánh của mình.
Trong sự nghiệp của mình, cả hai vị hoàng đế đều đưa đất nước đạt đến vị thế đỉnh cao của một cường quốc quân sự, khiến các quốc gia trong khu vực kiêng nể.
Dưới thời của Hoàng đế Quang Trung, nước Việt không những không có địch thủ ở khu vực Đông Nam Á mà còn tự tin đưa ra các yêu sách lãnh thổ đối với người láng giềng khổng lồ Trung Hoa ở phương Bắc. Trong khi đó, nước Pháp của Napoleon đã đạt được vị trí thống trị ở lục địa châu Âu sau hàng loạt thắng lợi quân sự.
Không chỉ là thiên tài quân sự, cả Quang Trung và Napoleon đều là những vị hoàng đế có tầm nhìn chính trị sáng suốt. Cả hai ông đều đã thực hiện nhiều cải cách tiến bộ nhằm xây dựng dất nước trong thời gian nắm quyền của mình.
Cái chết của hoàng đế Quang Trung và Napoleon đều gây ra nhiều nghi vấn. Có giả thuyết cho rằng, Quang Trung bị chết do chiếc áo có yểm bùa mà vua Càn Long của nhà Thanh ban tặng, trong khi một số học giả cho rằng, Napoleon là nạn nhân của một vụ đầu độc bằng thạch tín.
Theo KIẾN THỨC