Hồi còn nhỏ ngồi chiếc xe đạp cà tàng, ăn dưa cải muối, nhìn thấy người ta ngồi xe gắn máy tiêu diêu tự tại, lòng không khỏi ao ước. Đợi đến sau này sắm được chiếc xe gắn máy rồi lại nhìn thấy người ta có tiền lái xe hơi, ăn thịt, uống rượu, hút thuốc, sống ở thành phố lớn, lòng thật thèm muốn biết bao!
Sau này lớn lên dốc sức kiếm tiền, cuối cùng cũng đã lái được xe hơi, ăn thịt, uống rượu. Lúc này ngoái đầu nhìn lại, thì thấy người có tiền đang đạp xe đạp, ăn mấy món rau dại mà lúc trẻ ta dùng để nuôi heo trong nhà, không còn hút thuốc, cũng không uống rượu nữa, hơn nữa còn chuyển về sống ở vùng thôn quê.
Trời đất ơi, rốt cuộc là họ đang nghĩ gì? Có thể nói cho tôi biết trước một tiếng hay không? Nếu biết trước là thế, tôi đã đợi các ông ở chỗ ban đầu. Mấy chục năm nay vì để được như họ, tôi đã khổ sở mệt mỏi biết bao, giờ đây lại phải chạy trở về.
Người nghèo thì phấn đấu để lên thành phố – người giàu thì về thôn quê. (Ảnh theo tiin.vn)
Tối qua cùng ăn cơm với mấy ông chủ lớn, tôi hỏi họ: “Các ông có tiền nhiều như vậy, lý tưởng và mục tiêu sống của các ông rốt cuộc là gì vậy?”.
Họ nói: “Đợi phấn đấu thêm mấy năm nữa sẽ về làng quê, mua một miếng đất, nuôi một bầy gà, vịt, ngỗng, heo, chó, trồng một chút hoa cỏ. Mùa xuân hái rau dại, mùa hè thì câu cá, mùa thu thì bẻ bắp ngô, mùa đông thì quét dọn tuyết. Còn những lúc nhàn rỗi không có chuyện gì thì hẹn mấy người bạn đánh mấy ván cờ, uống chút rượu, trò chuyện tán gẫu, cuộc sống làng quê thật là thanh bình dễ chịu!”.
Ăn cơm xong tôi về nhà ngẫm nghĩ cả một hồi lâu. “Trời ơi, ước vọng của những người có tiền lại chính là cuộc sống hiện giờ của mình! Thế thì tôi còn phấn đấu làm gì nữa. Lên giường đánh một giấc thôi!”.
Lời bàn:
Có lẽ nhiều người đọc xong câu chuyện trên thì không khỏi ‘bật cười’, cho rằng thật hài hước. Tuy nhiên, ngẫm lại thì không ít người lại nhận thấy ‘chính là có mình ở trong đó’.
Người nghèo thì phấn đấu để có được cuộc sống như người trên thành phố, còn người giàu thì lại cố phấn đấu, ‘bon chen’ thêm mấy năm nữa để có thể trở về hưởng lạc chốn thôn quê. Dễ có thể thấy, đây là một nghịch lý, một sự mâu thuẫn trong xã hội ngày nay.
Dường như ai ai cũng đang không cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống vốn có của chính mình. Người thành phố thì thấy cuộc sống trải qua thật nhàm chán, ồn ào, lắm bon chen. Hàng ngày phải đối mặt với khói bụi, tắc đường, áp lực hợp đồng, công việc…
Còn người ở nông thôn thì cảm thấy cuộc sống của mình thật vất vả, đầy khó khăn, cả ngày bám ruộng mà lời lãi chẳng được bao nhiêu. Người ta thì có nhà lầu xe hơi, được hưởng thụ, cuộc sống thật là tốt. Còn mình thì nhàm chán, suốt ngày chỉ nhìn thấy đồng ruộng, loanh quanh mãi cũng chỉ là cỏ với cây, thức ăn thì vài mớ rau xanh, tự trồng hay từ thiên nhiên ban tặng…
Sống vì bản thân sẽ ung dung tự tại. (Ảnh theo pinterest.com)
Người thì thừa tiền nên muốn cuộc sống khác đi, muốn được tự do thoải mái hơn sau bao năm vất vả làm việc, muốn mau chóng về già để được an nhàn hưởng lạc. Còn người kia cảm thấy mình chưa được hưởng thụ những lợi ích của thành phố, hưởng thụ giá trị của đồng tiền. Tuy nhiên, họ lại không biết rằng cuộc sống tự do thoải mái, được đắm mình trong thiên nhiên lại là niềm mơ ước của bao người khác.
Rốt cuộc thì cả hai đều mắc sai lầm! Đều là đang chán nản với chính bản thân mình. Người như vậy, dẫu cuộc sống có thay đổi, có ra sao đi nữa thì vẫn không thể nào cảm thấy hạnh phúc.
Dù là ở nông thôn hay thành phố, không có sự phấn đấu nào là vô vọng, chỉ có con người nhàm chán không biết tìm thấy niềm vui từ cuộc sống, không biết học hỏi từ khắp nơi, thì mới thấy cuộc sống này vô vị.
Suy cho cùng: “Cao ốc ngàn gian, thì đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa”, hà cớ gì chúng ta phải truy cầu nhiều thứ như vậy? Huống chi, tiền dù nhiều đến mấy, chức vị cao đến đâu đi nữa cuối cùng đến lúc sinh mệnh lìa đời thì đâu còn ý nghĩa gì?
Vậy nên, hãy học cách hài lòng, bao dung với cuộc sống. Bởi cảnh tùy tâm mà chuyển, và biết đủ thì nghèo khổ cũng vui, không biết đủ thì giàu sang vẫn buồn.
Thiện Sinh
No comments:
Post a Comment