“Nhiều người trong chúng ta tin rằng cuộc đời của ta bắt đầu từ lúc chào đời và kết thúc khi ta chết. Chúng ta tin rằng chúng ta tới từ cái Không, nên khi chết chúng ta cũng không còn lại gì hết. Và chúng ta lo lắng vì sẽ trở thành hư vô...”
Đó là phần giới thiệu của cuốn sách “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Có thể nói con người hễ được sinh ra ở đời thì sẽ đều có ngày phải đối mặt với cái chết, nhất là càng theo thời gian, chúng ta càng ý thức rõ hơn về chiếc lưỡi hái Tử thần nhăm nhe ở trên đỉnh đầu. Trong tâm thức xưa nay, cái chết là một thứ gì đó vô cùng đáng sợ, con người thậm chí né tránh đề cập và coi đó là một điều cấm kỵ, không may. Song theo thầy Thích Nhất Hạnh, cái chết thực chất là một phần của cuộc sống. “Ông sư làng Mai” đã từng không ít lần khuyên chúng ta nên thực tập nhìn sâu để có thể hiểu về bản chất của cái chết.
Khoa học về cái chết
Bởi người giảng là một thiền sư, nhiều người “vô thần” lập tức quy rằng những lời của thầy chẳng qua là niềm tin tâm linh vô căn cứ, song nếu đủ kiên nhẫn lắng nghe, họ sẽ nhận ra đó là những điều đã được khoa học chứng tỏ.
Thầy chỉ ra rằng, trên cơ thể con người có hàng ngàn tế bào chết đi hàng giây, khi ta gãi da thì có nhiều tế bào khô rơi xuống, như vậy ấy là một sự chết, chỉ là do chúng quá nhỏ nên chúng ta mới không nhận ra. Và nếu những tế bào đó chết cũng có nghĩa là chúng ta đang chết, chúng ta chết trong từng giây từng phút, chứ không cần phải chờ đến năm mươi hay bảy mươi năm sau khi trái tim ngừng đập.
Vậy, cái chết không phải thứ gì xa xôi mà nó đang diễn ra trong chính giờ phút này. Đó là một vòng tuần hoàn liên tục và không có hồi kết: vì có một tế bào chết đi nên có một tế bào mới được sinh ra, và vì có tế bào mới sinh ra nên mới có những tế bào chết đi. Con người chúng ta đang trải qua sự sống và cái chết trong từng giây từng phút.
Bạn nghĩ bạn được sinh ra từ khi nào? Nếu bạn nghĩ đến sinh nhật, vậy tức là bạn đang nghĩ vào ngày ấy bạn đột nhiên xuất hiện từ hư không, và “chết đi” nghĩa là bạn hoàn toàn biến mất. Thực ra, bạn đã có mặt từ trước lúc lọt lòng mẹ rồi. Trước khi được thụ thai trong bào thai thì bạn đã có mặt trong cha và mẹ của bạn, chỉ là ở dưới một hình dạng khác. Vì vậy mà có thể nói không có sinh, không có một điểm bắt đầu thực sự, do đó cũng không có kết thúc.
“Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi”
Câu nói ấy đã tóm gọn một cách hoàn chỉnh vòng đời của mỗi con người. Tâm lý sợ già sợ chết không phải thời nay mới có, xưa có chuyện Tần Thủy Hoàng tìm kiếm thuốc trường sinh bất tử, nay ta cũng thấy trên thị trường đủ thứ thuốc duy trì nhan sắc trẻ trung và sự khỏe mạnh, con người sợ đối mặt với cái chết, cho rằng chết là hết, là tan biến vào hư không. Nhưng chúng ta đã bao giờ được “sinh ra” để mà “chết đi”? Các nhà khoa học đã tuyên bố không có sinh cũng không có diệt, chỉ có sự chuyển biến từ hình thái này sang hình thái khác. Như vậy, cái mà ta nghĩ là sinh hay diệt trên thực tế chỉ là sự chuyển biến từ hình thái này sang hình thái khác mà thôi.
Ta yêu một đám mây, khi ngẩng đầu lên trời ta không thấy đám mây đâu nữa, ta tưởng đám mây đã biến mất nhưng thực ra nó chỉ đang tồn tại ở hình tướng khác là mưa hoặc tuyết; đám mây không hề mất đi. Mọi sự vật trên đời cũng như vậy, bao gồm cả con người. Sinh hay diệt chỉ là cái nhìn bề mặt, khi con người đã nắm được bản chất của sự vật thì sẽ không còn sợ hãi cái chết nữa. Ta hiểu rằng chết không phải là mất đi, mà cũng là một phần của cuộc sống. Do đó, hãy sống một cuộc sống thức tỉnh, hạnh phúc và bản lĩnh trước cái chết của kiếp người.
Vivian (Tổng hợp) / Theo: emdep
No comments:
Post a Comment