Vào tháng 7 trở đi, mùa mưa vào sâu là lúc người ta đi hái xay ở cánh rừng rậm.
Nhiều người hằng thích câu thơ tượng trưng của Nguyễn Xuân Sanh “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” và hiểu theo nghĩa là mùa nào thức nấy. Chẳng hạn, mùa thu là mùa của cốm non thơm cả trang văn Thạch Lam, thơ Nguyễn Đình Thi, là mùa cốm sánh với hồng bước vào “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng, mùa thu còn được Hữu Thỉnh làm mới với “hương ổi phả vào trong gió se”… Với tôi, mùa thu, ngoài những cảm xúc nao nao khai trường, còn có chút bồi hồi chờ một thức trái dân dã của mùa thu – trái xay.
Sáng ngày qua, tình cờ đi ngang một mẹt trái cây bán xổi (kiểu mua và bán cho hết trong ngày, không để hàng tồn qua ngày sau), một rổ xay sẻ đập vào mắt. Tự dưng tim tôi thoáng khẽ rung và tôi biết mùa thu đã đẩy cửa vào năm nay.
Trái xay hay còn gọi là trái Nhung vì ở ngoài lớp vỏ có một lớp lông tơ mịn như nhung.
Một ký mở hàng mà không trả giá cho người bán được may mắn. Nhưng chỉ dám một ký thôi vì nghĩ đến mấy tiếng đồng hồ buổi trưa mất ngủ ngồi bóc vỏ! Chia tay cô hàng cùng lời hẹn ngày mai để cô một ký nữa em nhé với niềm hân hoan vì hình dung con gái sẽ sáng mắt lên khi nhận quà cách xa 500 cây số từ quê nhà. Vậy mà, hôm nay, thức dậy thiệt sớm, ra đến hàng, cô bé chờ đón từ xa với niềm thất vọng: “Hôm nay không có hàng cô ơi!”. Chợt nhớ câu “Chim trời cá nước”, chả lẽ trái xay cũng vậy sao? Nhưng ngẫm một chút, chợt hiểu: xay bị hút hàng, bởi nó là trái ngon và lạ, nó còn có bài thuốc, nó được yêu chuộng, được xuất đi nhiều nơi, kể cả ra nước ngoài. Và chắc rằng, người ta khai thác nhiều quá, nó không còn nhiều như ngày xưa nữa.
Trái xay tên khoa học là Velvet tamarind, nguồn gốc từ Thái Lan và Malaysia. Ở Việt Nam, xay có mặt ở núi rừng Tây Nguyên, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận… Xay họ thân gỗ, cây cao lênh khênh, có khi đến 30 – 40 mét. Do vậy có nhiều cách để người ta hái trái. Người có tính biết tằn tiện, dành dè thì trải tấm bạt quanh gốc, leo lên dùng cây tre dài, đập nhánh cho trái rớt xuống. Kẻ ăn xổi ở thì cứ cưa ngang ngọn (hoặc chặt gốc) thu một lần cho gọn (!).
Cây Xay thuộc họ thân gỗ, cây cao lênh khênh, có khi đến 30 – 40 mét.
Ngày còn nhỏ, độ thu này, má đi chợ thường mua xay về làm quà. Giờ nghĩ lại mà thương người mẹ quê, con đông, mua quà cũng phải biết chọn thức quà nào nhiều, dễ chia. Mỗi đứa một vốc (người Nha Trang mình gọi là “bụm”), út ít được má nhón thêm cho một nhúm. Thế là sướng, và sướng lắm khi ăn dè, để lúc các anh chị lớn ăn hết rồi, mình vẫn còn, vừa ăn vừa nheo nheo mắt ra điều chua lắm cho người lớn nuốt nước miếng thầm mà thấy vui sướng chi lạ!
Tôi nhớ, ngày xưa ấy, trong mớ xay má chia phần, bao giờ cũng có trái chín, trái sống, trái non. Hoài cố về ngày xưa có cả niềm vui, cả nỗi buồn khi được phần xay trái chín nhiều hay trái sống nhiều. Nhưng có hề chi, trái chín có cái ngon của chín, trái sống có niềm vui của sống. Gặp trái non thì có ngay một trò chơi rất “độc”: tách hai mảnh của hột xay non dán lên bên dưới hai tuyến lệ của mắt thành hai cục ghèn (dử mắt), cứ nhìn nhau mà cười rũ như những con đười ươi trong câu chuyện cổ tích hằng đêm của bố.
Trái xay rừng bán tại Malaysia.
Trái xay có nhiều loại nhưng tôi biết xay sẻ và xay nhung. Có thể gọi tắt xay nhung là Nhung vì da nó nâu vàng, óng ánh lông tơ mịn mềm rất giống vải nhung. Trái xay nhung rừng Khánh Hòa không nhiều, thường là từ nơi khác chở tới. Mỗi lần nâng trái nhung trên tay, má thường tặc lưỡi: “Trái ăn chơi mà một ký mắc hơn chục lần một ký gạo!”. Xay nhung trái to, có trái to bằng đầu ngón tay cái, trái có hột đôi càng to hơn nữa. Xay nhung ngọt mịn màng.
Rừng núi Khánh Hòa có say sẻ. Say sẻ nhỏ hơn, màu đen nâu, ít óng ánh hơn, vị chua hơn. Vì vậy, xay nhung chín ăn ngay, còn say sẻ thường được trộn với muối, đường, ớt bột. Một buổi chiều thu dìu dịu, mắt thả vô quyển sách hay, lâu lâu nhón một trái xay ướp muối ớt đường, cái tổ hợp ngọt-cay-mặn-chua quyện trong đầu lưỡi, tê tê tái tái cả tâm hồn đang lâng lâng.
Trái xay cũng được ưa chuộng ở Sri Lanka.
Trái xay có tác dụng nhuận trường và giảm nồng độ cholesterol trong máu. Nhưng trái xay thích quyến rũ dân chuộng quà vặt, nhất là mấy cô con gái, ăn hoài không biết chán, càng ăn càng “say”. Vì vậy, từ lúc vào mùa, người biết lo xa thường thủ sẵn những hũ xay ướp hoặc ngào đường, dành ăn dè tới tận mùa thu sau. Thương quý ai, tặng một ít xay làm quà, quà quê lạ miệng và ngon lạ ngon lùng…
Mùa thu thú vị và thi vị hơn, phải chăng có sự góp mặt của một thời trân – xay rừng, nghe như đã thân quen tự thuở nào?
Đi tìm chính danh của loại quả này: “xay” hay “say”? Trên các trang báo , có người viết là “xay”, người cho là “say”. Tôi lục tìm “Từ điển tiếng Việt” của Hoàng Phê không thấy mục từ “xay/say” với nghĩa thực vật/trái cây. Hỏi một em học sinh chuyên Văn cũ, em cung cấp hai tài liệu, một trong “Đại Nam quốc âm vị tự” của Huỳnh Tịnh Của và một trong “Việt ngữ chính tả tự vị” của Lê Ngọc Trụ. Trong “Đại Nam quốc âm vị tự” có mục từ “xay” ghi như sau: “Thứ cây lớn, có trái nhỏ, đến khi chín thì khô vỏ, cơm nó có mùi chua chua ngọt ngọt, trái có lông mà trộng gọi là xay-lông, không lông gọi là xay-sẻ.” Còn trong từ điển “Việt ngữ chính tả tự vị” của Lê Ngọc Trụ có mục từ “xay” (n, tức danh từ) định nghĩa nó là “tên loại cây”.
Từ hai tài liệu đó, em học sinh của tôi đã suy luận ra rằng, “có thể ngày xưa, nó là “xay” như Huỳnh Tịnh Của đã ghi nhận trong “Đại Nam quốc âm vị tự” và Lê Ngọc Trụ trong “Việt ngữ chính tả tự vị”. Bẵng đi một thời gian, một số từ điển không ghi nhận nó nữa (mà “Từ điển tiếng Việt” của Hoàng Phê – cuốn từ điển phổ dụng hơn cả từ sau năm 1975 – là tiêu biểu), người ta viết lại theo ngẫu hứng của từ nguyên học dân gian để bây giờ trên báo, đài nó là “say”. Nghe cũng rất có lý, nhưng suy cho cùng, đây cũng chỉ là một giả thuyết khoa học về phương ngôn. Còn từ nguyên như thế nào là đúng nhất, xin chờ các nhà ngôn ngữ học lên tiếng vậy!
Theo: Trái Cây Dũng Mập
Xem người nước ngoài thưởng thức trái xay rừng.