Saturday, April 1, 2023

VÌ SAO TỪ HI THÁI HẬU LẠI GHÉT ÁI PHI CỦA QUAN TỰ ĐẾ ĐẾN MỨC BÀY MƯU HÃM HẠI, GÂY NÊN CHUYỆN "GIẾNG TRÂN PHI"

Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao Từ Hi lại xem Trân phi như cái gai trong mắt? Thật sự có chuyện ghét từ cái nhìn đầu tiên sao?

Chân dung Từ Hi Thái Hậu

Chúng ta đều biết Từ Hi Thái Hậu buông rèm nhiếp chính hơn 40 năm, nắm giữ toàn bộ quyền lực nhà Thanh, hơn nữa Từ Hi Thái Hậu gắt gao khống chế Quang Tự đế.

Trong số các phi tử của Quang Tự đế có một Trân phi, gần như thoát khỏi sự kiểm soát và thường xuyên khiêu chiến quyền uy của Từ Hi Thái Hậu. Đến khi liên quân tám nước đến tràn vào cung đình, trước lúc chạy nạn, Từ Hi đã tính kế hãm hại Trân phi, từ đó gây nên câu chuyện “Giếng Trân phi” truyền đời về sau.

Trân phi sinh thời

Trân phi là vị phi tử được Quang Tự đế hết mực sủng ái, là con gái của Lễ bộ thị lang Trường Tự. Từ Hi Thái Hậu đã chọn Hoàng hậu cho Quang Tự đế, đó là cháu gái của bà, cũng là Long Dụ Hoàng hậu. Ban đầu, Trân phi viết chữ rất đẹp, hơn nữa biết ứng xử khéo léo, rất được Từ Hi yêu thích.

Song cũng vì Trân phi sinh ra ở Quảng Đông, từ nhỏ lớn lên trong môi trường tương đối cởi mở, do đó rất được Quang Tự đế sủng ái. Được Hoàng đế yêu thương, Trân phi trở nên quá quắt hơn, bắt đầu không còn xem trọng quyền uy của Thái hậu.

Sủng ái trân phi, mà không yêu Hoàng hậu của mình, chuyện này phá vỡ kế hoạch của Từ Hi Thái Hậu. Khi liên quân tám nước vây hãm Bắc Kinh, hoàng cung hỗn loạn, Từ Hi Thái Hậu và Quang Tự đế bỏ trốn, bà không quên sai người ném Trân phi xuống giếng.

Trân phi

Từ Hi Thái Hậu vì sao lại ghét Trân phi như vậy?

1. Sự sủng ái của Quang Tự đế dành cho Trân phi khiến Từ Hi nảy sinh căm phẫn

Quang Tự đế vô cùng chiều chuộng Trân phi, từng thưởng cho bà một kiệu tám người khiêng. Trân phi ngồi trên kiệu lớn đi lại trong cung. Chuyện này không phù hợp với lễ nghi, từ đó khiến Từ Hi Thái Hậu có sự bất mãn với vị phi tử này.

Hơn nữa Hoàng hậu lại là cháu gái ruột của Từ Hi Thái Hậu, là do bà đích thân khâm điểm. Sở dĩ Từ Hi sắp xếp Hoàng hậu cho Quang Tự là để cài gián điệp ở bên cạnh ông. Song với cương vị là Hoàng đế, mà mọi động thái đều bị Từ Hi kiểm soát, điều này khiến Quang Tự đế phẫn uất và nhất quyết không sủng ái Hoàng hậu. Chuyện này càng khiến Từ Hi Thái Hậu tức giận.

Kiệu lớn tám người khiêng

2. Trân phi khiến Từ Hi cảm thấy bị uy hiếp

Trân phi lớn lên ở Quảng Châu, cha mẹ và anh chị em trong nhà có tư tưởng tương đối cởi mở, cho nên từ nhỏ bà đã thông minh hoạt bát, tiếp thu văn hóa phương Tây, không thích bị gò bó trong khuôn khổ lề lối nào.

Nhận được sự sủng ái của Quang Tự, Trân phi thường ở bên cạnh Hoàng đế, đồng thời phát hiện tư tưởng phong kiến trong cung quá nghiêm trọng, cộng thêm chiến tranh Giáp Ngọ (1894-1895) thất bại và ký kết một loạt hiệp ước gây hại cho đất nước. Trân phi bắt đầu đề xuất biến pháp Mậu Tuất (hay còn gọi là Bách nhật duy tân năm 1898) với Quang Tự đế.

Theo đó, Trân phi đặc biệt ủng hộ Quang Tự tiến hành cải cách, hơn nữa còn thường xuyên bày mưu tính kế với biến pháp Mậu Tuất. Động thái can dự chuyện triều chính này của Trân phi cũng xem như: Một là phá vỡ luật lệ từ trước đến nay của triều đình, hai là qua mặt Từ Hi.

Từ Hi Thái Hậu là người bảo thủ trong tư tưởng, chủ trương bế quan tỏa cảng, chỉ một lòng theo đuổi địa vị, bảo vệ quyền uy và sự thống trị của mình. Từ Hi Thái Hậu và Trân phi có tư tưởng chính trị đối lập nhau, mà Trân phi chủ trương biến pháp uy hiếp đến sự thống trị của Từ Hi Thái Hậu. Trân phi có ý đồ nhiếp chính, xâm phạm uy nghiêm của Từ Hi Thái Hậu.

Trân phi và Quang Tự đế

3. Trân phi quá mức “Tây hóa”

Công nghệ tiên tiến của phương Tây vừa được du nhập vào nhà Thanh, nhiều người chưa thể tiếp nhận những thứ mới lạ này, đặc biệt là máy ảnh.

Trân phi đã mua máy ảnh, còn học kỹ thuật chụp ảnh trong cung, thường xuyên chụp ảnh cung nữ và thái giám, đôi khi còn chụp cảnh Quang Tự đế đang phê duyệt tấu chương.

Hành động này của Trân phi cũng không phù hợp với lễ tiết, thường xuyên mặc trang phục dành cho nam giới, thậm chí còn có thể mặc long bào của Quang Tự đế. Vào thời điểm đó, nhiều người nghĩ rằng máy ảnh là con quái vật có thuật nhiếp hồn.

Cũng trong giai đoạn này, Trân phi vừa mới mang thai, nhưng không may bị sảy. Điều này càng khiến mọi người cảm thấy máy ảnh là tà vật. Từ Hi tức giận sai người thu giữ máy ảnh của Trân phi và ném ra ngoài cung, chỉ riêng bà được phép chụp ảnh với điều kiện thợ nhiếp ảnh phải là người phương Tây.

4. Trân phi coi trời bằng vung vì được Quang Tự đế che chở

Trân phi có sở thích tiêu tiền thoải mái, ban thưởng rất nhiều cho thái giám. Trong cung, ngân lượng của phi tần đều có hạn chế nhất định, và đương nhiên nhiêu đây không đủ để Trân phi tiến hành tiêu xài. Vì thế Trân phi bắt đầu học theo Từ Hi Thái Hậu, phối hợp với anh trai để nhận hối lộ bán chức quan.

Anh trai của Trân phi ở ngoài cung hỗ trợ tìm người, sau khi nhận được tiền giao dịch, Trân phi đề cử người này cho Quang Tự, vì sủng ái nên Hoàng đế hào sảng ban thưởng quan vị.

Song Trân phi chỉ muốn kiếm tiền, không kiểm tra năng lực của người được tiến cử. Sau khi bà tiến cử một thợ mộc làm quan, sau đó Quang Tự phát hiện thợ mộc này mù chữ. Chuyện đến tai Từ Hi Thái Hậu, bà đã nổi trận lôi đình giáng trân phi từ quý phi thành quý nhân.

Trân phi bán quan cầu tài

5. Trân phi làm bẽ mặt Từ Hi trước bá quan triều đình

Trân phi tính cách cao ngạo, nhiều lần không tuân thủ quy củ, thậm chí còn dám chống đối Từ Hi, khiêu chiến quyền uy của Từ Hi Thái Hậu, thậm chí còn có mấy lần phản bác ý kiến của Thái hậu trước mặt các quan.

Nhiều lần bị mất mặt, Từ Hi đương nhiên ôm hận trong lòng. Một người không xem mình ra gì, hà cớ chi để họ lưu lại trên thế gian này? Thế là để tránh rước họa vào thân, Từ Hi đã ra tay trước.

Mộ Trân phi

Liên quân tám nước xâm nhập vào vương triều nhà Thanh, Từ Hi chạy trốn đến Tây An, trước đó không quên xử tử Trân phi, sai người ném bà xuống giếng. Sau khi Từ Hi Thái Hậu trở về cung, để che giấu hành vi của mình, bà đã sai người lấy hài cốt của Trân phi lên và chôn cất, lại giả vờ khen ngợi Trân phi chết vì thủ tiết tự sát, đồng thời truy phong làm quý phi.

Trung Hạ / Theo: Thể Thao & Văn Hóa
Nguồn: Baidu
Link tham khảo: