Friday, December 1, 2023

TỚI HAVANA, CUBA, NƠI YÊU THÍCH CỦA NHÀ VĂN ERNEST MILLER HEMINGWAY

Ernest Miller Hemingway là một nhà văn được giới văn học Hoa Kỳ rất trọng vọng. Ông có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng trên thế giới và đã từng đoạt giải Nobel Văn Học. Khi đặt chân đến Havana, thủ đô Cuba, tôi mới hiểu thêm thời sinh hoạt ngày xưa của ông vì ông từng sống ở đây nhiều năm.

Khách sạn Ambos Mundos tại khu phố cổ Havana. (Hình: wikipedia.org)

Nhà văn Hemingway là một mẫu người cao lớn và có nhiều đam mê trong các lãnh vực như văn chương, săn bắn, câu cá và kết bạn với những người mà ông muốn. Ông vừa là ký giả, vừa làm bạn với các tay chính trị Cộng Sản như Fidel Castro. Cũng vì thế mà ông đã nhiều lần bị FBI thẩm vấn về các sự liên hệ này giữa ông và các tay trùm Cộng Sản Cuba. Nhưng có lẽ ông được mọi người biết nhiều qua lãnh vực văn chương.

Ông đến Cuba lần đầu tiên năm 1932 và yêu thích ngay đảo quốc này nhất là vùng biển gần thủ đô Havana. Du ngoạn biển và câu cá là hai đam mê mà nhà văn Hemingway ưa thích, ông sắm cả một chiếc thuyền đi biển đặt tên là Pilar Key West để có nhiều cơ hội lênh đênh trên biển đi câu cá với các bạn bè.

Ông thích thú với các chuyến đi câu và săn cá marlin (cá kiếm) vì loại cá này thường tụ tập bơi về khu biển gần Havana vào khoảng tháng sáu hằng năm. Vùng biển này về sau được đặt tên là Marina Hemingway và trở thành một điểm du lịch mà những người ái mộ tên tuổi ông đều thích ghé qua. Tuy nhiên, cũng có người bản xứ cho rằng ông thích thú vùng đất này một phần vì ông thích uống một số loại rượu sản xuất tại Cuba.

Sau đó ông thường lui tới Havana và ông chọn một phòng trên lầu bốn của khách sạn Ambos Mundos làm nơi lưu trú. Hiện khách sạn này vẫn còn hoạt động. Sau cái chết của ông, phòng 511 trong khách sạn đã được lưu giữ trở thành “phòng bảo tàng Hemingway.”

Nếu bạn thuê phòng ở khách sạn này thì bạn sẽ được ghé qua căn phòng ngày xưa ông ở và được xem miễn phí. Những khách ở ngoài muốn thăm “phòng bảo tàng Hemingway” phải trả tiền để vào xem. Tất cả những vật dụng ông dùng lúc tạm trú ở đây vẫn còn được giữ nguyên vị trí như lúc ông còn sống thuê phòng ở đây.

Ngôi nhà của Hemingway tại Finca La Vigia. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Căn phòng ông ở ngay góc tòa nhà khách sạn, có góc rất đẹp nhìn xuống hai con phố chính của khu phố cổ. Con phố Obispo là con phố sầm uất nhất của phố cổ Havana. Du khách đến Havana ai cũng ít nhất một lần đi dạo trên con phố thị này. Những khách sạn 4 sao, những ngân hàng, những nhà hàng lớn nhỏ, những tiệm café Cubano, những gian hàng bán quà tặng đan chéo nằm san sát bên nhau, và tiếng đàn hát của các ban nhạc hát rong hòa quyện vào nhau tạo thành nét sinh động náo nhiệt khiến con phố Obispo trở thành một nơi chốn khó quên trong tâm tư du khách.

Con phố Obispo cũng là con phố nối liền khu phố cổ Old Town và Center Havana. Nhờ thế mà quán Floridita Bar-Restaurant và nhà hàng La Bodeguita del Medio trở thành những nơi chốn Hemingway thường hay lui tới vì các nơi đây không xa khách sạn Ambos Mundos cho lắm.

Floridita Bar-Restaurant là một quán vừa bán rượu vừa bán thức ăn. Quán này nằm cuối con đường Obispo, giáp ranh giới giữa phố cổ Havana và trung tâm thành phố. Quán này nổi tiếng với món rượu Daiquiri, một loại thức uống pha trộn lime juice, simple sugar, rượu rum và nước đá nghiền nhỏ. Hemingway ghiền uống loại thức uống này đến nỗi Daiquiri được người ta gọi là “Hemingway’s daiquiri” để phân biệt.

Ở Cuba còn có một loại thức uống khác, có vẻ giông giống như Daiquiri gọi là Mojito nhưng uống nhẹ hơn. Khi pha Mojito thì người ta pha chung với nước soda và bỏ thêm vào ly những cọng lá mint (bạc hà), nhưng vẫn không làm sao bằng Daiquiri được.

Bức tượng đồng Hemingway trong tiệm Floridita Bar-Restaurant. (Hình: Anne and Saturnino Miranda/Pixabay)

Du khách nườm nượp tiếp nối nhau vào tiệm, phần lớn họ chỉ uống Daiquiri hay Pina Colada, nhưng mục đích chính là họ thích đứng cạnh tượng đồng Hemingway chụp hình làm kỷ niệm. Chủ quán rượu Floridita chắc hẳn mang ơn ông lắm, cho dù chủ tiệm có bỏ ra một số tiền đúc tượng đồng ông thì cái giá này cũng chẳng nhằm nhò gì với số lượng khách hàng vào tiệm.

Nhưng có uống thử Daiquiri ở đây rồi, so với hương vị rượu của các tiệm khác thì mới biết Hemingway quả là người sành uống rượu. Daiquiri có hương vị rượu thơm, nhẹ nhàng. Uống dễ chịu hơn ly “Caipirinha” một loại rượu chanh có độ nồng đậm đà hơi cao là một loại cocktail đặc biệt của Brazil. Uống “Caiparinha” của Brazil mà ai tửu lượng kém thì chỉ cần uống một ly là chân đi bước ngắn bước dài, uống ly thứ hai là trời đất cùng quay. Nếu ở Havana lâu ngày, chắc tôi cũng trở thành tín đồ Daiquiri mất. Bạn đến Havana mà quên thưởng thức Hemingway Daiquiri thì thật thiếu sót.

Buổi chiều tối ghé về quán ăn La Bodeguita del Medio nơi mà ngày xưa nhà văn Hemingway hay lai vãng đến ăn tối. Quán ăn này lại không nằm trên con đường Obispo sầm uất mà lại nằm trong khu ngõ hẻm của Plaza Catedral Center. Thời Hemingway không biết tiệm quán ra sao, còn bây giờ, cả con đường hẻm chỉ còn hiện diện mỗi tiệm ăn này. Tôi muốn vào dùng bữa ăn tối để hình dung ra hình ảnh xưa kia của Hemingway, nhưng đành chịu thua vì không thể xếp hàng đợi được. Quán ăn đông khách đến nỗi dù đã mở rộng thêm cả ở trên lầu hai mà vẫn không đủ chỗ ngồi cho khách. Tiệm không quảng cáo nhiều nhưng mà trước cửa ra vào “trưng bày” nhiều hình ảnh và chữ ký của các nhân vật nổi tiếng như Ernest Hemingway, Nat King Cole và nhiều người khác tiếng tăm trên thế giới.

Quán Floridita Bar-Restaurant tại khu phố cổ Havana nơi Hemingway thường lui tới uống rượu Daiquiri. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Hình ảnh tiệm La Bodeguita del Medio và chiếc xe cũ kỹ Chevy đã trở thành một biểu tượng cho thành phố Havana. Các họa sĩ đã lấy hai hình ảnh này làm chủ đề cho các bức tranh vẽ về Havana. Không hiểu người chủ tiệm ăn ái mộ ông thật hay chỉ là để “câu khách” những người tò mò như tôi tìm đến! Nhưng cần phải nói thêm, giới trẻ đến ăn ở đây khá đông. Không biết họ có biết gì về ông già Hemingway không, hay vì tiệm Del Medio này nấu ăn ngon thật! Tự nhủ lòng lần sau trở lại Havana, nhất định tôi sẽ đứng xếp hàng ăn thử dù phải đứng trước cửa chờ đợi hơi lâu để tìm ra câu trả lời “có thật ngon hay không!”

Năm 1939 Hemingway quyết định ở lại Havana lâu dài, ông đã mua một căn nhà trên đồi tại Finca La Vigia. Ngôi nhà không to lắm nhưng con đường dẫn vào nhà ông tạo cho người đến thăm một cảm giác thoải mái dễ chịu, còn phía sau lưng nhà là cảnh quan nhìn xuống thành phố Havana trông rất ư thoáng mắt. Ông cho xây thêm một căn phòng nhỏ như một ngọn tháp cao hẳn lên khỏi nóc nhà để dễ quan sát hơn không gian chung quanh và biến nơi đây thành một phòng nghỉ ngơi của ông. Cũng chính tại ngôi nhà này ông đã tập cho ông một thói quen mỗi sáng thức dậy ông đều viết một đoản văn ít nhất 500 chữ trước khi ông làm bất cứ chuyện gì khác.

Hemingway kết hôn bốn lần, lần sau cùng ông lấy nhà văn Mary Welsh năm 1946 và sinh sống ở Finca La Vigia gần 20 năm. Cuối thập niên 1950 ông bị các chứng bệnh đau đầu bất trị, ông trở về lại Hoa Kỳ năm 1960, nhưng một năm sau đó, một buổi sáng mùa Hè 1961 ông đã chọn cái chết bằng khẩu súng của mình. Có nhiều nghi vấn về nguyên nhân tự tử của ông như chứng bệnh đau đầu cộng lẫn với các cuộc điều tra của FBI về thời gian ông sinh sống tại Cuba. Như đã nói ở trên, trong thời gian ở Cuba ông đã từng gặp Fidel Castro với tính cách bạn bè, nhưng có thể ông chưa rõ lắm hay ông quá ngây thơ về các nhân vật hoạt động chính trị ở đây.

Thủ bút của Hemingway tại quán Floridita Bar-Restaurant ở khu phố cổ Havana nơi ông thường lui tới uống rượu Daiquiri. (Hình: Frejka/Pixabay)

Ông có tính khoáng đạt, cởi mở và thương người. Những người hàng xóm rất thân thiện và quý ông, họ luôn tìm cách bảo vệ và trông chừng nhà cửa cho ông mỗi khi ông không có mặt. Nhờ thế ông biết nhân viên mật vụ thường xuyên đột nhập khám xét nhà ông. Đời sống của ông có thể quá căng thẳng kèm theo chứng bệnh “rối loạn thần kinh” cho đến ngày ông quyết định kết liễu đời sống. Trước khi trở về Mỹ ông đã tặng chiếc thuyền Pilar Key West cho một người bạn Cuba già và nghèo, nhưng sau khi ngôi nhà ông ở Finca La Vigia trở thành nhà bảo tàng Hemingway thì người bạn này đã đưa (hay bị buộc trả lại) chiếc thuyền Pilar Key West này về lại ngôi nhà cũ của ông cho trọn bộ di tích bảo-tàng Hemingway tại Havana.

Nhà văn Ernest Miller Hemingway nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết ngắn “The Old Man and The Sea” (Lão Ông và Biển Cả) năm 1952 và đoạt giải Pulitzer 1953. Cuốn tiểu thuyết này đã từng được làm thành phim trình chiếu.

Năm sau, 1954 ông nhận lãnh giải Nobel Văn Học. Di sản văn chương của ông để lại cho nước Mỹ vô cùng to lớn, vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay. Nhưng điều làm mọi người nhớ mãi về Hemingway là vì cái chết của ông. Như đã nói trên, có người cho rằng ông quá bất cẩn nên cây súng lẩy cò cướp đi mạng sống của ông. Có người lại cho rằng ông tự tử vì một nguyên cớ nào đó mà không ai được rõ.

Chiếc du thuyền Pilar Key West của Hemingway. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Tôi thích nhất tựa đề cuốn tiểu thuyết “The Old Man and The Sea.” Với tôi, Hemingway đã diễn tả cái Chân Không trong triết lý Phật Giáo thật tuyệt vời. Sao Hemingway không nói rõ thêm cho hậu thế hiểu về sự lựa chọn cách ra đi của ông. Có thật chỉ là một sự bất cẩn nên súng bị cướp cò! Tôi chưa đủ trình độ để thấu hiểu cách ra đi của Hemingway, của Kawabata (Nhật Bản, Nobel Văn Học 1968, chọn cái chết bằng hơi gas). Những thiên tài văn chương sinh ra cùng năm với nhau (1899) đã để lại cho người sau những huyền thoại về cái chết của mình.

Tiếng thông báo của viên phi công trưởng cho biết chuyến bay sắp đáp xuống phi trường Los Angeles chấm dứt dòng suy tưởng trong tôi. Tôi bỏ lại sau lưng tất cả những gì vật chất của thành phố Havana cũ-kỹ-xuống-cấp đang chờ đợi trùng tu. Tôi chỉ mang theo hình ảnh Ernest Hemingway khi quay trở về thành phố Thiên Thần.

Bầu trời Los Angeles nắng thật đẹp làm tôi chợt nhớ đến bãi biển tuyệt đẹp Varadero cát trắng nước xanh biếc của đảo quốc Cuba.

Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel