Sunday, December 22, 2024

SỐ PHẬN HẨM HIU CỦA "QUÁI THÚ RỒNG 3 ĐẦU" CHƯA TỪNG ĐƯỢC CẤT CÁNH Ở LIÊN XÔ

Nguyên bản duy nhất của mẫu máy bay kỳ lạ này giờ nằm im chờ mục nát ở một khu vực gần Moscow, nhưng nó từng là niềm hy vọng của Liên Xô nhằm chống lại tàu ngầm của Mỹ.

VVA-14 được thiết kế để cất cánh thẳng đứng từ mặt nước hoặc đất liền. Ảnh: Andrii Salnikov

Mẫu máy bay Bartini Beriev VVA-14 – viết tắt của “máy bay lưỡng cư cất cánh thẳng đứng” và số 14 là số động cơ của nó – được thiết kế để có thể cất cánh ở bất cứ đâu mà không cần tới đường băng. Nó cũng có khả năng bay sát bề mặt nước trong khoảng thời gian dài.

Được thiết kế trong khoảng những năm 1960, mẫu máy bay này được xem là câu trả lời của Liên Xô đối với các tên lửa đạn đạo Polaris. Mỹ đã cho ra mắt mẫu tên lửa này vào năm 1961, lắp đặt trên hạm đội tàu ngầm của họ như một phần trong kế hoạch răn đe hạt nhân. Trong tư tưởng của nhà thiết kế mẫu VVA-14, Robert Bartini, con “quái thú” sẽ là cỗ máy hoàn hảo để truy lùng và tiêu diệt các tàu ngầm mang tên lửa.

Tuy nhiên kế hoạch này không diễn ra suôn sẻ. Chỉ có 2 trong số 3 nguyên mẫu của nó được chế tạo, và chỉ có 1 từng được cất cánh. Khi Bartini qua đời vào năm 1974, dự án này cũng chết theo ông, và nguyên mẫu thứ hai bị hủy.

Nguyên mẫu đầu tiên của VVA-14, gần như vẫn còn nguyên vẹn, từng được gửi tới Viện Bảo tàng Không quân Trung ương gần Moscow vào năm 1987, nhưng dường như đã có vấn đề xảy ra trong quá trình vận chuyển. Chiếc máy bay này bị ăn cắp các bộ phận và chịu tổn hại, và kể từ sau đó không được sửa chữa.

“Rồng ba đầu”

“VVA-14 thực chất là một con thuyền bay với khả năng cất cánh theo phương thẳng đứng từ mặt nước hoặc trên mặt đất, và có thể hoạt động như một chiếc máy bay khi ở trên cao” – Andrii Sovenko, sử gia hàng không Liên Xô, nói. Năm 2015, Sovenko đã gặp gỡ Nikolai Pogorelov, cấp phó của Robert Bartini trong giai đoạn thiết kế mẫu máy bay này.

VVA-14 được chế tạo để đáp trả mẫu tên lửa Polaris mà Mỹ lắp đặt cho các tàu ngầm (Ảnh: CNN)

“Theo Pogorelov, Bartini là một người có tầm nhìn, và thường xuyên có những suy nghĩ kỳ lạ xuất hiện trong đầu. Dường như ông ta không phải là người ở thời đại này, mà đến từ một thời đại khác – có người thậm chí còn nói ông là người ngoài hành tinh. Không nghi ngờ gì khi nói Baritni đã để lại một dấu ấn trong công tác chế tạo máy bay của Liên Xô. Tuy nhiên, ông ấy nổi tiếng chủ yếu là nhờ những ý tưởng của mình, trong khi chỉ số ít trong đó trở thành hiện thực” – Sovenko nói.

Bartini đã rời khỏi quê hương là Italy để đến Liên bag Xô viết vào năm 1923 sau khi chủ nghĩa phát-xít trỗi dậy. Ông từng đưa ra một vài phiên bản khác nhau của VVA-14, trong đó có một nguyên mẫu có phao khí để hạ cánh trên nước, và một nguyên mẫu khác có cánh gập để có thể đáp trên các chiến hạm.

Nguyên mẫu đầu tiên đã cất cánh vào năm 1972, sau đó nó được gắn thêm phao khí và thử nghiệm độ nổi trên nước.

“Mẫu máy bay này không có các động cơ tạo lực nâng hay bất cứ trang bị nào để truy lùng tàu ngầm. Nó chỉ được sử dụng vì mục đích nghiên cứu đặc tính của các chuyến bay theo phương ngang và thử nghiệm các hệ thống máy bay. Tính tổng cộng, từ năm 1972 đến 1975, nó thực hiện khoảng 107 chuyến bay với thời lượng bay 103 giờ đồng hồ” – Sovenko cho hay.

Hình thù kỳ lạ của VVA-14 khiến người ta đặt biệt danh cho nó là “Zmei Gorynich” – một con rộng trong các câu chuyện dân gian ở Nga.

“Khi nhìn vào mẫu máy bay này trên mặt đất, thật dễ hiểu lý do mà người ta liên hệ nó với Zmei Gorynych: Nó cũng có 3 đầu, và phần cánh khá nhỏ” – Sovenko nói thêm.

Nguyên mẫu thứ hai của VVA-14 thì được đề xuất là gắn nhiều động cơ để có thể cất cánh theo phương thẳng đứng, tuy nhiên các loại động cơ không thể lắp vừa vào một chiếc máy bay gần hoàn thiện như vậy, và cũng không có loại động cơ nào được phát triển riêng cho nó. Điều này khiến dự án VVA-14 không thể tiếp tục, và mẫu máy bay này bị hủy.

Bartini từng đưa ra thêm một vài phiên bản của VVA-14, nhưng đều thất bại (Ảnh: CNN)

Bartini từng cố thổi luồng sinh khí mới cho VVA-14 bằng cách biến nó thành một “Ekranoplan” – một loại máy bay sử dụng hiệu ứng mặt đất để lướt đi trên bề mặt với vận tốc cao, giống như tàu đệm khí. Tuy nhiên, điều đó cũng không thể cứu vãn được dự án này.

“Tôi nghĩ rằng quân đội Liên Xô đã rất nhanh chóng nhận ra rằng khả năng chống ngầm của VVA-14 sẽ thấp. Nó chỉ có thể mang một số lượng rất nhỏ tên lửa, trong khi quá trình chế tạo loại máy bay bất thường như vậy phát sinh nhiều thách thức về mặt kỹ thuật. Cuối cùng, quân đội vẫn phải dựa vào các mẫu máy bay truyền thống hơn để làm công việc chống ngầm” – Sovenko cho hay.

Sau khi được cho “nghỉ hưu”, nguyên bản VVA-14 được chuyển bằng sà lan từ Taganrog ở phía Nam Russia, nơi nó được chế tạo và thử nghiệm, tới một thị trấn nhỏ gần Moscow, Lytkarino. Được đặt gần bờ, nó nằm đơn độc, bị hỏng hóc và tháo dỡ một phần.

Sau đó, nó được chuyển bằng máy bay trực thăng tới Monino, và tại Bảo tàng Không quân Trung ương, chiếc máy bay này vẫn chịu nhiều tổn hại cho đến tận ngày nay mà không được sửa chữa.

“Thực ra một số mảnh của nguyên mẫu VVA-14 đã nằm ở Monino suốt 33 năm qua, dưới dạng một đống sắt vụn. Tôi không biết lý do tại sao mà viện bảo tàng không có biện pháp để phục hồi mẫu máy bay rất thú vị này” – Sovenko nói.

Những phần bị thiếu

Bảo tàng Không quân Trung ương phần lớn là trưng bày hiện vật ngoài trời, bởi vậy giống như phần lớn các mẫu máy bay trong bộ sưu tập máy bay Liên Xô khổng lồ, VVA-14 cũng được đặt ngoài trời. Và rất dễ để nhận thấy là nó đã bị mất đi phần cánh. Nhiều phần khác của nó cũng bị tách rời, nằm dưới mặt đất.

"Rồng ba đầu" giờ nằm cô độc và chịu nhiều hỏng hóc (Ảnh: CNN)

Alexander Zarubetsky, Giám đốc viện bảo tàng, cho hay một vài bộ phận của chiếc máy bay này bị thiếu.

“Năm 2012, các đại diện đến từ nhà máy máy bay Taganrog, nơi VVA-14 được chế tạo, hứa hẹn sẽ giúp chúng tôi tìm kiếm các bộ phận thay thế của nó, nhưng do thiếu nguồn vốn mà đến nay vẫn chưa thực hiện được” – ông Zarubetsky nói.

Ông thêm rằng, nếu nguồn vốn được đảm bảo, chi phí phục hồi con “quái thú” này sẽ rơi vào khoảng 1,2 triệu USD, thêm rằng quá trình phục hồi phải mất từ 1 – 2 năm và cần có đội ngũ chuyên gia hàng không.

Sovenko cho rằng, nếu VVA-14 được phục chế và đem ra thử nghiệm, nó sẽ thực sự trở thành một mẫu máy bay độc nhất.

“Nó có thể cất cánh và hạ cánh cả theo phương ngang và phương dọc, hạ cánh được cả trên mặt đất và mặt nước. Nó có thể nổi trên mặt nước trong thời gian dài không khác gì một con tàu và tham gia vào chiến tranh chống ngầm. Và đương nhiên, nó có thể được sử dụng như một chiếc máy bay thông thường nữa” – Sovenko nói.

Theo: Viettimes
Link tham khảo:



Saturday, December 21, 2024

SHAWARMAS: TINH HOA ẨM THỰC MANG NẶNG DẤU ẤN TRUNG ĐÔNG

Shawarma là một loại bánh mì mang đậm hương vị đặc trưng của khu vực Trung Đông, đồng thời là niềm tự hào của người dân nơi đây. Cùng MIA.vn khám phá những nét đặc biệt của món ăn này nhé.


Nguồn gốc của chiếc bánh mì kẹp Shawarma

Bánh mì kẹp Shawarma xuất xứ từ thời đế chế Ottoman, là một món ăn đường phố phổ biến tại các quốc gia Trung Đông bao gồm Ai Cập, Kuwait, Iraq, Levant và Ả Rập Saudi. Từ "Shawarma" có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập, xuất phát từ từ "xoay", thể hiện cách nướng thịt trên bàn xoay đứng đặc trưng trong nền văn hóa của khu vực này. Mặc dù Shawarma có điểm tương đồng với bánh mì Doner Kebab của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng món ăn này vẫn có những đặc trưng riêng.

Shawarma - Món ăn trứ danh vùng Trung Đông

Những thành phần làm nên chiếc bánh Shawarma

Thực tế có nhiều phiên bản khác nhau của Shawarma, tuy nhiên theo truyền thống loại bánh này được làm từ thịt cừu tươi được tẩm ướp cẩn thận với muối, tiêu, tỏi và bạch đậu khấu. Sau đó, thịt được cắt thành lát mỏng và xếp chồng lên nhau để tạo hình nón ngược, sau đó được nướng trên bàn xoay thẳng đứng đang quay. Khi thịt đã chín, nó sẽ được kẹp vào bánh mì dẹt, kèm theo dưa chuột, hành tây, bắp cải, cà chua và nước sốt. Bí quyết chính nằm ở các loại gia vị, sau khi đã kẹp đủ thịt và rau, người ta sẽ phủ lên một loại sốt đặc trưng là Tahini - một hỗn hợp đậm đà hương vị từ nước chanh, mè, dầu và tỏi.

Nước sốt giúp cho món Shawarma trở nên tròn vị hơn

Sau quá trình hòa nhập và trao đổi văn hóa, người ta đã bổ sung thêm thịt bò và thịt gà vào làm nhân bánh vì hai loại thịt này mang lại nguồn dinh dưỡng phong phú và tốt cho sức khỏe. Đối với Shawarma làm từ thịt bò, người ta phải dùng sốt tahini kết hợp với một ít dầu ô liu và nước cốt chanh. Trong khi đó, Shawarma làm từ thịt gà sẽ được phục vụ cùng sốt tỏi, nước cốt chanh và dầu ô liu.

Thịt để làm Shawarmas rất đa dạng, từ thịt cừu, thịt bò cho đến thịt gà tùy theo văn hóa ẩm thực của từng vùng đất

Sự đa dạng của các nguyên liệu giúp cho món Shawarma đầy đủ hương vị và có lợi cho sức khỏe

Bánh mì Shawarma có đặc điểm là mềm mại, không giòn như các loại bánh mì thông thường. Điều này là do bánh mì Trung Đông thường mềm ở bên ngoài và giòn ở bên trong nhờ sự kết hợp của khoai tây chiên, dưa chuột muối và hành tím. Để có được bánh mì Shawarma ngon, trước hết, bánh mì và thịt phải tươi, không đông lạnh, thậm chí thịt còn được ướp trong hơn 24 giờ.

Các nguyên liệu của bánh mì Shawarma phải luôn được đảm bảo độ tươi để mang đến trải nghiệm tốt nhất

Khi cắn một miếng Shawarma, bạn sẽ có một trải nghiệm thú vị khi cảm nhận vị ngon của lớp vỏ bánh nóng hổi, kết hợp với thịt gà thơm ngon và hương vị đặc biệt từ sốt chua dịu… Nhờ hương vị nhẹ nhàng, không gây ngán, món Shawarma có thể thưởng thức mọi thời điểm trong ngày.

Các phiên bản Shawarma đặc biệt ở một số nước trên thế giới

Trải nghiệm Shawarma tại Ấn Độ

Sau khi được du nhập vào Ấn Độ, món ăn này đã thu hút sự chú ý và nhanh chóng trở thành một trong những món ăn đường phố phổ biến nhất tại quốc gia Nam Á này.

Khi quan sát cách chế biến và bề ngoài của món Shawarma, bạn sẽ liên tưởng ngay đến bánh mì Doner Kebab. Tuy nhiên, Doner Kebab thường sử dụng thịt bò hoặc thịt cừu, trong khi người Ấn Độ lại chuộng thịt gà được tẩm ướp một cách cầu kỳ, nướng chín kèm với rau diếp, sốt, củ cải đường, và tương ớt... Thịt gà sau khi sơ chế sẽ được rút xương và ướp gia vị. Bên cạnh các loại gia vị đặc trưng của ẩm thực Ấn Độ, họ còn thêm vào sữa chua, tiêu đen, bạch đậu khấu, giấm... Sau một đêm ướp, thịt gà trở nên mềm mại và thấm gia vị đều từng phần.

Shawarma tại Ấn Độ mang những nét đặc trưng riêng

Trước khi kẹp thịt gà, người Ấn Độ thường nướng lại chút để vỏ bánh khi ăn có độ nóng và giòn miệng. Đặc biệt, Shawarma Ấn Độ thường đi kèm với một loại sốt đặc biệt làm từ sữa chua, dầu ô-liu, nước cốt chanh, muối, tiêu đen và mùi tây. Hỗn hợp sốt này được trộn đều và để trong tủ lạnh trước khi được sử dụng.

Nếu bạn có cơ hội du lịch đến Ấn Độ và thưởng thức món ăn đường phố tại đây, bạn đừng bỏ qua những quầy bán nhỏ có những chiếc trụ thịt gà nướng khổng lồ. Khi có khách đến mua Shawarma, người bán sẽ nhanh chóng cắt thịt gà thành miếng vừa ăn, xoay trụ thịt 360 độ để đảm bảo thịt gà chín đều. Sau đó, họ lấy một chiếc bánh đã được nướng vàng, phết đều lên vỏ bánh, từ từ thêm các nguyên liệu và gói tròn lại để đưa cho khách.

Nếu có dịp dạo bước ở Ấn Độ, mang có thể bắt gặp những trụ thịt gà khổng lồ dùng để làm Shawarma

Món Shawarma đầy sức hút tại Canada

Với sự khéo léo và tinh tế trong ẩm thực, người dân ở xứ sở Lá phong đã biến tấu Shawarma gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ thành nhiều phiên bản độc đáo. Đặc biệt một số quán ăn đã kết hợp Shawarma với Poutine (một món ăn truyền thống của Canada với khoai tây chiên phủ pho mát và sốt thịt bò). Sự sáng tạo này đã nhận được sự đánh giá cao từ nhiều thực khách.

Tại Canada đây là một món ăn tiện lợi và tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, hương vị đậm đà của thịt kết hợp với rau xanh tươi và nước sốt đặc biệt tạo ra một trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ. Trung bình, giá mỗi suất ăn cho một người dao động từ 12.75 đến 13.49 CAD (khoảng 221.000 - 234.000 VND).

Món Shawarma Poutine độc đáo tại Canada

Шаурма - Shawarma phiên bản Nga

Shawarma đã trở thành một trong những món ăn đường phố được ưa chuộng nhất tại Nga. Món Шаурма này có thành phần nhân bánh phong phú và đa dạng hơn nhiều so với phiên bản Shawarma ở Trung Đông, bao gồm thịt lợn hoặc thịt cừu, bắp cải, mayonnaise, khoai tây và được gia vị kỹ lưỡng và công phu tạo nên hương vị riêng biệt cho Shawarma ở Nga. Không ai có thể phủ nhận độ ngon và hương vị đặc biệt của loại bánh này.

Shawarma Nga có phần nhân khá đa dạng so với phiên bản gốc

Ngày nay, Shawarma đã được du nhập rộng khắp các nước trên thế giới và trở thành một món ăn phổ biến ở châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á... thu hút nhiều tín đồ ẩm thực trên toàn cầu. Bánh mì kẹp Shawarma được chuẩn bị đơn giản và chế biến nhanh chóng, nhưng vẫn giữ được sự tinh tế trong hương vị, tạo ra một trải nghiệm ẩm thực đặc trưng không thể bỏ qua cho bạn khi xách balo đến du lịch vùng Trung Đông.

Lê Uyên Thảo / Theo: MIA
Nguồn: Tổng hợp



HIỂU LẦM NGƯỜI RẤT DỄ, THẤU HIỂU NGƯỜI MỚI THẬT GIAN NAN

Câu chuyện dưới đây cho ta thấy rõ một đạo lý rằng tai nghe mắt thấy chưa chắc đã là đúng, đừng dùng vài lần tiếp xúc đã vội đánh giá một con người.


Thời kì Đông Hán, Mao Nghĩa người Lô Giang và Trịnh Quân người Bình Đông đều là những bậc quân tử trung hậu chính trực, quang minh chính đại, được coi là tấm gương sáng trong vùng.

Làm quan không vì công danh

Ở Nam Dương có một người tên là Trương Phụng rất ngưỡng mộ danh tiếng của Mao Nghĩa. Vì để gặp được Mao Nghĩa, Trương Phụng đã rời khỏi quê nhà, không quản đường xá xa xôi tới Lô Giang bái kiến Mao Nghĩa.

Khi Trương Phụng vừa tới nơi, đúng lúc có công văn đưa tới, mời Mao Nghĩa đến An Dương làm huyện lệnh. Mao Nghĩa đọc xong thư nhậm chức thì nét mặt lộ rõ vẻ vui mừng. Điều này khiến Trương Phụng cảm thấy khó chịu. Chẳng lẽ một bậc quân tử danh tiếng lẫy lừng như Mao Nghĩa lại dung tục như vậy, lại ưa thích chốn quan trường, cầu công danh, lợi lộc hay sao? Vậy nên Trương Phụng lập tức cáo từ, không còn thiết tha gặp lại Mao Nghĩa nữa.

Vài năm sau, khi mẫu thân của Mao Nghĩa qua đời, ông liền xin phép được từ quan. Mặc dù hoàng đế hết lần này tới lần khác níu giữ, thậm chí còn thăng chức cho ông làm Thái thú, nhưng ông vẫn kiên quyết từ quan về nhà.

Khi Trương Phụng biết chuyện, dường như đã hiểu được sự tình nên trong lòng vô cùng cảm khái: “Tấm lòng của bậc hiền nhân quân tử thì kẻ phàm phu tục tử không thể đo lường được. Năm đó Mao Nghĩa vui mừng như vậy, ta lại cho rằng ông ấy thích làm quan, đâu biết được ông làm quan là để phụng dưỡng mẹ già!”


Cày thuê cuốc mướn bù đức cho anh

Nói về Trịnh Quân, người ở Bình Đông. Lúc ấy, khi anh trai của Trịnh Quân đang làm sai nha trong huyện, thường nhận quà hối lộ của người khác để giúp mở cửa sau, tạo thuận lợi cho người khác đi đường tắt. Việc làm này trái với đạo lý và dĩ nhiên là điều không hợp pháp.

Trịnh Quân đã nhiều lần khuyên nhủ, nhưng ông ta xem những lời nói của Trịnh Quân như gió thoảng bên tai, nhất định không chịu nghe. Trịnh Quân nghĩ tới nghĩ lui, ông quyết định bỏ nhà đi làm thuê làm mướn cho người ta, cuối năm được bao nhiên tiền công ông đều mang về đưa hết cho anh trai.

Ông nói với anh trai rằng: “Tiền dùng hết thì còn kiếm ra được, nếu tham ô hối lộ mà bị bắt vào nhà lao thì tất cả sẽ mất hết. Tiền làm sai nha thì huynh dùng, đệ làm mướn để bù thêm cho huynh”.

Anh trai của Trịnh Quân nghe xong vô cùng xúc động, từ đó trở nên công chính liêm minh, không chiếm một chút lợi lộc gì của người khác nữa.

Trịnh Quân từng làm đến chức Thượng thư, sau này ông đã chủ động cáo quan về quê, cùng anh trai sống những tháng ngày đơn sơ, đạm bạc.

Hoàng đế Đông Hán là Hán Chương Đế vô cùng tôn trọng nhân cách của cả Trịnh Quân và Mao Nghĩa nên đã hạ chiếu ban thưởng, mỗi người được ban cho 1 nghìn đấu ngô, mùa thu hàng năm còn sai sứ giả tới thăm hỏi vấn an, và kêu gọi quan dân noi gương học hỏi.

Trương Phụng vì thế lại càng thêm tôn kính Mao Nghĩa, ông vẫn thường thở dài tự nói với mình rằng: “Thật là hổ thẹn! Hiểu lầm một người rất dễ, nhưng thấu hiểu một người lại là chuyện vô cùng gian nan!”


Hiểu lầm người rất dễ, thấu hiểu người mới thật gian nan

Trong cuộc sống, cõ lẽ hiểu lầm một ai đó chỉ là chuyện của giây của phút, nhưng thấu hiểu họ thì lại là chuyện của cả kiếp cả đời.

Bạn nói một người sao sầu não, tiêu cực, yếu đuối nhưng bạn lại không biết họ đang trải qua những gì.

Bạn nói một người phải nghĩ thoáng, đừng buồn nữa, phải buông bỏ, sao ngu ngốc khờ dại, nhưng bạn lại không biết họ đang cảm nhận thế nào.

Cảm giác và suy nghĩ khi đứng trong một nỗi đau, nỗi buồn, sẽ hoàn toàn khác. Cảm giác đánh mất đi một điều gì đó rất quan trọng, điều mà mình đã đặt rất nhiều yêu thương, hi vọng, điều mà mình nuôi dưỡng, không dễ nguôi ngoai.

Mỗi người trong cuộc đời đều sẽ có những ngày, có những giai đoạn như thế. Như một kẻ nhỏ bé, yếu ớt, luôn hoang mang không ổn định và cần chỗ dựa.

Cuộc sống của người khác phát sinh việc gì, họ đang trải qua khó khăn và trắc trở gì, đứng tại lập trường của mình, chúng ta cũng không biết được, những điều chúng ta nhìn thấy chỉ là bề ngoài mà thôi…

Chúng ta có từng trải qua khổ đau mới hiểu được nỗi đau của người khác. Chúng ta có trải qua con đường đời gập ghềnh nhấp nhô như thế nào mới hiểu được người khác cũng trải qua như vậy.

Theo: tinhhoa

BÀI HÁT "ĐẠI ƯỚC TẠI ĐÔNG QUÝ" (大约在冬季)

Nhân ngày Đông Chí mời các bạn nghe lại một bài hát cũ của Tề Tần (齊秦) có tựa là "Đại ước tại đông quý" (大约在冬季). Bài hát rất cũ nhưng nghe lại cũng vẫn thấy hay. Lời bài hát:


Có lẽ khoảng mùa Đông
(Nhạc sĩ & Ca sĩ: Tề Tần)

Tôi sẽ rời xa em một cách nhẹ nhàng
Hãy lau đi những giọt nước mắt trên đôi mắt của em
Trong đêm dài và những ngày sắp tới
Em ơi, đừng khóc vì anh
Con đường phía trước quá khó hiểu
Xin hãy chúc phúc cho tôi bằng một nụ cười
Dù trời có gió và có mưa
Tôi nhớ em trong gió và mưa
những ngày không có em
Tôi sẽ trân trọng bản thân mình hơn
Trong những năm không có tôi
Em phải chăm sóc bản thân
Em hỏi bao giờ tôi về quê hương
Tôi cũng nhẹ nhàng hỏi mình
Không phải lúc này, tôi không biết khi nào
Tôi nghĩ nó sẽ vào khoảng mùa đông
Không phải lúc này, tôi không biết khi nào
Tôi nghĩ nó sẽ vào khoảng mùa đông
Tôi sẽ rời xa em một cách nhẹ nhàng
Hãy lau đi những giọt nước mắt trên đôi mắt của em
Trong đêm dài và những ngày sắp tới
Em ơi, đừng khóc vì anh
Con đường phía trước quá khó hiểu
Xin hãy chúc phúc cho tôi bằng một nụ cười
Dù trời có gió và có mưa
Tôi nhớ em trong gió và mưa
những ngày không có em
Tôi sẽ trân trọng bản thân mình hơn
Trong những năm không có tôi
Em phải chăm sóc bản thân
Em hỏi bao giờ tôi về quê hương
Tôi cũng nhẹ nhàng hỏi mình
Không phải lúc này, tôi không biết khi nào
Tôi nghĩ nó sẽ vào khoảng mùa đông
Không phải lúc này, tôi không biết khi nào
Tôi nghĩ nó sẽ vào khoảng mùa đông
những ngày không có em
Tôi sẽ trân trọng bản thân mình hơn
Trong những năm không có tôi
Em phải chăm sóc bản thân
Em hỏi bao giờ tôi về quê hương
Tôi cũng nhẹ nhàng hỏi mình
Không phải lúc này, tôi không biết khi nào
Tôi nghĩ nó sẽ vào khoảng mùa đông
Không phải lúc này, tôi không biết khi nào
Tôi nghĩ nó sẽ vào khoảng mùa đông
Không phải lúc này, tôi không biết khi nào
Tôi nghĩ nó sẽ vào khoảng mùa đông


大约在冬季
(谱曲 & 填词: 齐秦)

轻轻的我将离开你
请将眼角的泪拭去
漫漫长夜里未来日子里
亲爱的你别为我哭泣
前方的路虽然太凄迷
请在笑容里为我祝福
虽然迎著风虽然下著雨
我在风雨之中念著你
没有你的日子里
我会更加珍惜自己
没有我的岁月里
你要保重你自己
你问我何时归故里
我也轻声地问自己
不是在此时不知在何时
我想大约会是在冬季
不是在此时不知在何时
我想大约会是在冬季
轻轻的我将离开你
请将眼角的泪拭去
漫漫长夜里未来日子里
亲爱的你别为我哭泣
前方的路虽然太凄迷
请在笑容里为我祝福
虽然迎著风虽然下著雨
我在风雨之中念著你
没有你的日子里
我会更加珍惜自己
没有我的岁月里
你要保重你自己
你问我何时归故里
我也轻声地问自己
不是在此时不知在何时
我想大约会是在冬季
不是在此时不知在何时
我想大约会是在冬季
没有你的日子里
我会更加珍惜自己
没有我的岁月里
你要保重你自己
你问我何时归故里
我也轻声地问自己
不是在此时不知在何时
我想大约会是在冬季
不是在此时不知在何时
我想大约会是在冬季
不是在此时不知在何时
我想大约会是在冬季

(Sưu tầm trên mạng)



TỬ CẤM THÀNH CÓ MỘT CON SƯ TỬ ĐÁ KHÔNG AI DÁM ĐẾN GẦN, DU KHÁCH CŨNG ĐƯỢC KHUYẾN CÁO KHÔNG CHỤP ẢNH CẠNH NÓ - VÌ SAO?

Tử Cấm Thành, hay còn gọi là Cố Cung, tại Bắc Kinh, Trung Quốc từng là nơi sinh sống và làm việc của 24 vị hoàng đế triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Công trình rộng 720.000 mét vuông có hình thế nhìn sông (sông Kim Thủy), dựa núi (núi Vạn Niên).

Sư tử đá được biết đến như một linh vật oai phong, mạnh mẽ. Ảnh minh họa: Sohu

Trong đó sông Kim Thủy thực chất là một kênh đào, còn núi Vạn Niên cũng là sản phẩm nhân tạo, được làm từ đất đào sông, gạch đá từ cung điện nhà Nguyên cũ.

Đoạn Hồng Kiều là cây cầu vòm bằng đá qua một đoạn sông Kim Thủy, được trang trí cực kỳ hoa lệ, điêu khắc tinh mỹ. Hai bên thành cầu đặt 34 con sư tử đá sinh động, mỗi con đều có tư thế đứng, biểu cảm gương mặt hoàn toàn khác nhau.

Có thể nói, Đoạn Hồng Kiều là công trình đứng đầu trong các cây cầu bên trong Tử Cấm Thành nên khách tham quan rất thích chụp ảnh tại đây. Ảnh: 刑警视觉

Tuy du khách có thể thoải mái lại gần nhìn ngắm những con sư tử đá khác nhưng riêng con sư tử thứ 4 tính từ hướng nam của cây cầu thì các hướng dẫn viên du lịch luôn khuyến cáo phải tránh xa, không tự tiện chạm tay vào hoặc chụp ảnh cùng nó.

Người ta cho rằng tác phẩm điêu khắc này mang lại điềm gở cho du khách nên không ai muốn lại gần, thậm chí nhiều người không chịu đi bộ qua cầu. Vậy điều gì khiến con sư tử đá này đáng sợ tới vậy? Thực hư câu chuyện kỳ ảo này ra sao?

Con sư tử đá trên cầu Đoạn Hồng Kiều (断虹橋)

Kể cả khi nhìn bằng mắt thường, người ta cũng cảm nhận được điểm khác biệt của con sư tử thứ 4 trên cầu. Trong khi những con sư tử đá còn lại đều đứng bằng bốn chân, chỉ mình bức tượng này khắc họa con vật ngồi bằng hai chân sau, còn lại một chân ôm đầu một chân ôm lấy hạ bộ.

Đây là con sư tử duy nhất có dáng ngồi hai chân, một chân ôm đầu một chân ôm hạ bộ giống như một người chịu đau đớn. Ảnh: 刑警视觉

Theo các ghi chép dã sử, con sư tử đá đặc biệt trên cầu Đoạn Hồng Kiều có liên quan đến vua Thanh Tuyên Tông (1782 - 1850), niên hiệu Đạo Quang, vị hoàng đế thứ 8 của triều đại nhà Thanh.

Vua Đạo Quang có một người con trai rất thông minh là hoàng tử Dịch Vĩ, tuy Thanh Tuyên Tông đặt nhiều kỳ vọng vào con trai nhưng Hoàng tử Dịch Vĩ vốn yêu thích tự do, không chịu gò mình vào kỷ luật nên thể hiện rõ sự ngang ngạnh.

Khi người thầy dạy học khuyên hoàng tử nên chăm đọc sách để sau này trở thành vị vua anh minh, hoàng tử Dịch Vĩ đã ngang ngược nói: "Lúc ta trở thành hoàng đế, ta sẽ xử tử ngươi đầu tiên!"

Những lời nói xấc láo của Dịch Vĩ sớm truyền đến tai hoàng thượng, khiến Thanh Tuyên Tông vô cùng tức giận, vua chưa chết mà con đã muốn lên làm hoàng đế, còn muốn giết thầy!

Vua Đạo Quang không kiềm chế nổi cơn giận đã tung một cú đá khủng khiếp vào giữa hai chân Dịch Vĩ, khiến vị hoàng tử đau đớn hét lên. Vài ngày sau thì hoàng tử Dịch Vĩ cũng qua đời vì vết thương.

Cái chết của người con trai khiến vua Đạo Quang vô cùng hối hận, tiếc nuối. Tương truyền không lâu sau, vua đi ngang qua cầu Đoạn Hồng Kiều, nhìn thấy con sư tử đá trên cầu có tư thế thê thảm giống hệt hoàng tử Dịch Vĩ trước lúc chết lại càng thêm đau lòng, hoàng đế lệnh trùm một tấm vải đỏ lên con sư tử đá để không ai còn nhìn thấy nó nữa.

Giải thích của chuyên gia

Độ xác thực của câu chuyện Đạo Quang Đế nhìn thấy con sư tử đá chưa từng được xác nhận, tuy nhiên, các chuyên gia cũng đã đưa ra những nhận định riêng về tư thế lạ của con sư tử đá trên cầu Đoạn Hồng Kiều.

Truyền thuyết sư tử đá đã giúp Tử Cấm Thành thu hút rất nhiều khách tham quan du lịch. Ảnh: Sohu

Trong cuốn sử ký "Hán Thư" có ghi chép, loài sư tử vốn xuất hiện tại Trung Quốc như một cống phẩm bắt nguồn từ Tây Vực, do số lượng cống phẩm ít ỏi nên chỉ có hoàng đế, quan triều đình hay hoàng thân mới có cơ hội chiêm ngưỡng chúng.

Đối với dân thường hay các thợ thủ công, sư tử là loài vật quá đỗi xa lạ. Những bức tượng sư tử đá ra đời từ bài tay tạo tác của các nghệ nhân dân gian cũng vì vậy mà rất chủ quan, sáng tạo tự do, chủ yếu kết hợp đặc tính của mèo, hổ và các loài vật khác nên không có sự hùng dũng, uy nghiêm của loài sư tử trong thực tế.

Bản thân công trình cầu Đoạn Hồng Kiều cũng chưa thể xác định thời gian xây dựng. Theo China News, có thể cây cầu đã xuất hiện trước cả thời nhà Minh và được xây từ thời nhà Nguyên. Chuyên gia điêu khắc đá Lưu Vệ Đông cho biết: "Các tác phẩm khắc đá dưới thời nhà Nguyên rất sinh động, sư tử đá thời kỳ này có phần đầu to, eo nhỏ nên dáng ngồi giống như một con ếch."


Sau khi Nho giáo phát triển cực thịnh dưới thời nhà Minh, tính sáng tạo suy yếu đáng kể, sư tử mới dần có hình dạng thống nhất là dáng vẻ uy nghiêm, dữ dằn và dáng ngồi thuần phục như thường thấy ngày nay.

Lúc này, những tác phẩm điêu khắc độc đáo và trái với khuôn mẫu xuất hiện từ thời kỳ trước dễ trở thành nguồn cảm hứng cho những mẩu chuyện ly kỳ lưu truyền trong dân gian.

Ngày nay, giống như giai thoại về những giếng nước, tiếng khóc trong đêm ở Tử Cấm Thành, dù tính chính xác của sự kiện xoay quanh con sư tử đá xui xẻo vẫn chưa được xác nhận nhưng những truyền thuyết "nửa thật nửa ảo" như thế này mỗi năm vẫn đang giúp thu hút hàng triệu lượt khách du lịch tới tham quan và chiêm ngưỡng khu phức hợp cung điện Tử Cấm Thành.

Theo: Pl & Bạn đọc



TRUYỀN KỲ VỀ NHÀ PHONG THỦY LỪNG DANH ĐẤT VIỆT

Từ một cậu bé nghèo khó trở thành nhà phong thủy kiệt xuất, nhưng về cuối đời, cụ Tả Ao vẫn không thể tránh khỏi sự bài xếp của vận mệnh. Câu chuyện truyền kỳ về cuộc đời cụ Tả Ao cũng để lại cho người thời nay không ít suy ngẫm, thật đúng với câu nói: “tiên tích đức, hậu tầm long”.


Tả Ao được xem là nhà phong thủy kiệt xuất của người Việt. Dân gian xem ông là nhà địa lý phong thủy giỏi nhất từ xưa đến nay ở Việt Nam và tôn ông là “Thánh phong thủy”. Người ta còn truyền tụng bài thơ về ông thế này:

Tả Ao phong thủy nhất trên đời
Họa phúc cầm cân định chẳng sai.
Mắt thánh trông xuyên ba thước đất,
Tay thần xoay chuyển bốn phương trời.
Chân đi long hổ luồn qua gót,
Miệng gọi trâu dê ứng trả lời.
Ai muốn cầu sao cho được vậy
Ấy ai địa lý được như ngài.

Nhưng câu chuyện về nhân duyên đến với phong thủy của Tả Ao thì không phải ai cũng biết…

Tấm lòng hiếu thảo của cậu bé nghèo khổ

Tả Ao tên thật là Nguyễn Đức Huyền, người làng Tả Ao, tỉnh Hà Tĩnh, sống vào thời vua Lê. Khi còn nhỏ, gia cảnh cậu bé Đức Huyền rất nghèo khó, cha mất sớm, mẹ lại bị mù cả hai mắt. Dù nhỏ, Đức Huyền vẫn rất chăm chỉ làm hết tất cả các việc để chăm sóc mẹ.

Thấy mẹ không thể nhìn thấy được như những người khác, Đức Huyền thường hay tìm hiểu hỏi thăm cách chữa mắt cho mẹ. Cậu lặn lội tới cả những nơi xa xôi với hy vọng tìm được người chữa khỏi bệnh cho mẹ nhưng đều không có hiệu quả. Tuy nhiên, Đức Huyền không hề nản chí mà quyết tìm bằng được phương thuốc chữa mắt.

Nghe tin về một ông thầy thuốc người Tàu rất giỏi về thuật chữa mắt đang ở đất Nam, Đức Huyền khấp khởi vui mừng. Nhưng do nhà quá nghèo không đủ tiền chữa trị, nên Đức Huyền đã xin hầu hạ thầy để mong thầy chữa bệnh cho mẹ mình.

Ông thầy người Tàu thấy chàng trai này rất siêng năng chăm chỉ, thông minh, đặc biệt lại rất hiếu thảo với mẹ, nên đã đồng ý chữa. Trong quá trình đó, ông cũng truyền cho Đức Huyền một số y thuật để chữa mắt.

Sau bao nhiêu năm chịu cảnh mù lòa, đôi mắt mẹ Đức Huyền đã sáng trở lại. Thế nhưng đó cũng là lúc ông thầy người Tàu phải về nước. Quý tiếc cơ duyên đối với y thuật, Đức Huyền vội vã xin được theo thầy để hầu hạ, học y thuật chữa mắt và đã được thầy đồng ý. Vậy là cậu từ biệt mẹ lên đường sang Trung Hoa.

Kỳ duyên đến với phong thủy

Sau này tại Trung Hoa, y thuật của Đức Huyền vang danh khắp nơi. Một thầy địa lý bị đau mắt đã phải nhờ đến sự chữa trị của Đức Huyền mới khỏi. Ông ta mang tới 50 lượng vàng để hậu tạ Đức Huyền, nhưng cậu không nhận mà xin làm đệ tử. Thấy cậu là người có tài đức lại ham học hỏi, nên thầy địa lý bằng lòng thu nhận cậu làm đồ đệ.

Sau một thời gian, Đức Huyền đã thành thạo tất những những kiến thức mà thầy truyền thụ lại cho mình và xin phép về nước. Tương truyền để kiểm tra và thử tài đệ tử mình, trước khi chia tay, vị thầy địa lý đã làm một mô hình phong thủy, chôn 100 đồng tiền, rồi yêu cầu Đức Huyền dùng kim điểm đúng huyệt chôn tiền.

Đức Huyền đã dùng kim điểm đúng 99 huyệt, còn một cây điểm ở mép, mà huyệt này lại là huyệt thứ 100. Đây là huyệt ảo, vì mô hình tạo dáng rất huyền bí, ẩn hiện dưới những mô đất nhấp nhô, những thầy địa lý giỏi cũng khó phát hiện ra đúng huyệt đạo. Lúc này thầy địa lý kia mới thốt lên rằng: “Thôi, nghề của ta từ nay truyền sang nước Nam rồi!”

Trước khi từ biệt về nước, thầy cẩn thận dặn dò Đức Huyền rằng: “Khi về Nam, nếu qua núi Hồng Lĩnh thì đừng lên”.

Nhà phong thủy không thay đổi được thiên mệnh

Khi trở về quê hương, Đức Huyền làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho người dân, ít khi sử dụng đến khoa địa lý. Chỉ khi nào cần thiết ông mới ra tay xem thế đất dùm mọi người. Tuy vậy danh tiếng xem địa lý, phong thủy của ông lại nổi hơn nghề thầy thuốc. Vì ông là người làng Tả Ao nên người dân vẫn thường gọi ông là cụ Tả Ao.


Trong sách “Nam Hải dị nhân” có kể rằng một lần đi qua núi Hồng Lĩnh, Tả Ao tình cờ lên núi và phát hiện thế đất “Cửu long tranh châu”, tức là chín rồng tranh ngọc, ngọc ở đây mang ý nghĩa là “ngọc tỷ truyền quốc”, có được ngọc cũng có nghĩa là có được thiên hạ. Thấy vậy, Tả Ao liền mừng rỡ mà nghĩ rằng: “Huyệt đế vương đây rồi, thầy dặn không lên là vì thế”. Sau đó Tả Ao đưa mộ cha về táng ở đấy.

Ít lâu sau, vợ Tả Ao sinh được con trai. Khi đó là vào thời nhà Minh ở Trung Hoa. Các thầy thiên văn phát hiện rằng các vì tinh tú đều chầu về phương Nam, liền báo với vua Minh rằng nước Nam sinh được nhân tài sẽ hại cho nhà Minh. Vua Minh bèn truyền cho các thầy địa lý rằng nếu ai đặt đất hoặc dạy cho người Nam thì phải sang tìm mà phá đi, nếu không sẽ bị tru di tam tộc.

Thầy của Tả Ao biết ngay chỉ có học trò của mình mới làm được việc này, nên cho con trai đi tìm Tả Ao. Con của thầy địa lý đã tìm cách cắt lấy ngôi mộ của cha Tả Ao, và bắt con trai của Tả Ao đem về Tàu.

Sau này, biết đất Hàm Rồng có huyệt quý ở ngoài hải đảo, khi mẹ mất, Tả Ao đưa di hài mẹ đến nơi đây để táng. Ông chọn đúng ngày giờ thì lại gặp lúc sóng to gió lớn, không sao đưa đến huyệt để táng được. Đợi đến khi trời yên biển lặng thì nơi đó nổi lên một bãi bồi. Tả Ao chỉ còn nước than thở: “Đây là hàm rồng, năm trăm năm rồng mới há miệng một lần trong một khắc. Trời đã không cho thì đúng là số rồi”.

Từ đó, Tả Ao cũng hiểu rõ về phong thủy hơn, biết dù giỏi địa lý cũng không thể thay đổi được số mệnh. Ông ít khi ở nhà mà chu du bốn phương chữa bệnh giúp người, thỉnh thoảng tìm đất cho người có duyên, không màng đến công danh bổng lộc.

Ông giúp dân tìm chọn nơi đào giếng có nước lành, trong ngon, không cạn, không chạm long mạch; chọn hướng đình để làng yên ấm trong ngoài, dân cư phát triển. Trong dân gian lưu truyền rất nhiều câu chuyện ly kỳ về nhà phong thủy đại tài này.

Bản đồ làng Hành Thiện hình con cá chép bơi ra biển, nơi lưu truyền chuyện xem phong thủy của cụ Tả Ao. (Tranh: Đặng Văn Lâm, hanh_thien_village@yahoo.com)

Một trong những giai thoại là việc cụ Tả Ao chữa thế đất cho làng Hành Thiện ở Nam Định. Khi đi tới ngôi làng này, cụ cho dân làng biết đất làng hình con cá chép bơi ra biển, phù sa mỗi ngày một bồi thêm đất làm làng hưng phát, chỉ hiềm con cá chép không có mắt nên không phát khoa danh.

Dân làng nghe cụ nói liền thết đãi và khẩn khoản nhờ cụ giúp xem lại hướng làng. Cụ liền chỉ cho dân đào một cái giếng làm mắt cho cá chép. Từ đấy dân làng bắt đầu phát khoa danh, nhất là họ Đặng.

Giếng nước làm mắt cá. (Tranh: Đặng Văn Lâm, hanh_thien_village@yahoo.com)

Lúc già yếu, cụ Tả Ao đã chọn sẵn cho mình một thế đất “Nhất khuyển trục quần dương” (chó đuổi đàn dê) ở xứ Đồng Khoai. Nếu táng được ở đây thì chỉ ba ngày sau là thành Địa Tiên, nhưng cần chôn ngay trước khi chết để tự phân kim.

Tuy nhiên lúc sắp lâm chung, con cụ Tả Ao đưa đến mộ được nửa đường thì cụ biết không kịp. Thấy rằng số phận cũng không cho mình ở ngôi đất tốt, cụ nhìn bên đường rồi chỉ đại vào một cái gò và nói với các con rằng: “Chỗ kia là ngôi Huyết thực, bất đắc dĩ thì cứ táng ở đó, sẽ được người ta cúng tế”. Hai con cụ nghe lời và táng luôn ở đó.

Cả đời cụ Tả Ao tìm đất cho không biết bao nhiêu người, nhưng bản thân cụ dù tìm được đất tốt cũng không thể hưởng. Thậm chí dù đã chuẩn bị sẵn đất để chôn chính bản thân mình nhưng lại cũng không được. Sự việc này cho thấy câu nói “tiên tích đức, hậu tầm long” của người xưa rất chính xác. Giỏi như cụ Tả Ao mà tích chưa đủ đức thì có tìm được đất đế vương cũng không thể hưởng.

Gia tài nhà phong thủy Tả Ao để lại chỉ vỏn vẹn 2 cuốn sách nhỏ là “Địa Lý Tả Ao (Địa Đạo Diễn Ca)” gồm 120 câu và “Dã Đàm Tả Ao Tầm Long Gia Truyền”. Nhiều sách khác cũng được xem là của cụ nhưng thực ra đều là dị bản, chủ yếu là từ 2 cuốn sách trên của cụ rồi dẫn giải thêm bớt. Ngày nay tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh vẫn còn đền thờ Tả Ao và giếng Tả Ao.

Theo: Trithucvn



Friday, December 20, 2024

THẦN HOTEI: "ÔNG GIÀ NOEL" TRONG PHẬT GIÁO NHẬT BẢN

Thần Hotei với gương mặt tươi cười, phúc hậu cùng chiếc túi đeo trên lưng gợi nhiều điểm tương đồng với Santa Claus.

Thần Hotei. Ảnh: freestock

Không chỉ riêng các nước phương Tây mà người Nhật cũng cực kỳ yêu thích dịp lễ Giáng sinh. Bỏ đi những nghi thức tôn giáo cầu kỳ, ước lệ, người Nhật tận hưởng một mùa Noel đặc biệt của riêng mình. Đi cùng với dịp lễ hội lớn nhất trong năm là hình ảnh ông già Noel đáng mến với bộ râu trắng, nụ cười ấm áp và đặc biệt luôn mang túi quà đến cho các trẻ em. Và trong văn hóa Nhật cũng có một vị thần mang hình ảnh tương tự như thế, đó là thần Hotei.

Thần Hotei (布袋) là một trong 7 vị thần Shichi Fukujin (七福神 - Thất Phúc Thần). Đây là 7 vị thần may mắn trong thần thoại và văn hóa dân gian Nhật Bản. Mỗi vị thần đều mang một ý nghĩa khác nhau. Trong đó, thần Hotei được xem là hiện thân của Phật Di Lặc, vì luôn mang theo bên mình chiếc túi to nên mọi người cũng thường gọi ông là Bố Đại. Ông là vị thần của tài sản, vận mệnh gia đình, hòa bình, yên ổn, bất lão và trường thọ.

Thất Phúc Thần. Ảnh: wikipedia

Vị thần của hạnh phúcThần Hotei được cho là có nguồn gốc từ Phật giáo Đại thừa, bắt nguồn từ tôn giáo Trung Quốc và Ấn Độ. Vào thế kỷ thứ 10, tại Trung Quốc có một nhà sư Phật giáo có tên là Budai, sống tại núi Siming, thuộc tỉnh Chiết Giang ngày nay. Ông thường xuyên đi dạo quanh thị trấn gần đó với một chiếc túi vải và được xem là hóa thân của Bồ tát Miroku (Di Lặc trong tiếng Phạn).

Tương tự như vậy tại Nhật Bản, thần Hotei được miêu tả là một người có thân hình to lớn, tròn trịa và vui vẻ. Trong tiếng Trung Quốc, ông được gọi là “Phật Cười”. Vì vậy, bất cứ khi nào bạn nhìn thấy một vị Phật to lớn, tươi cười khoe chiếc bụng béo của mình, đó có thể là Hotei.

Trong nhiều tác phẩm tranh, thần Hotei được thể hiện với khuôn mặt tươi cười, cái bụng to để trần, mặc quần áo rộng, mang theo một chiếc túi vải (Nunobukuro - 布袋) trên lưng và một cây gậy bằng gỗ. Ông cũng khoác chiếc áo choàng được cho là bảo vệ ông chống lại bệnh tật và sự tấn công của ma quỷ. Trong các bức tranh sau này, Hotei được vẽ trong nhiều tư thế khác nhau, thường là ngồi hoặc ngủ trên túi, nhưng cũng có thể nhảy múa, đi bộ hoặc chỉ tay lên mặt trăng. Ngoài ra, thần Hotei cũng thường xuất hiện cùng với các nhóm trẻ em đang chơi đùa. Do đó, không khó để nhận ra những điểm tương đồng với ông già Noel.

Bức tranh Hotei và trẻ em của Utagawa Kuniteru I (1808 - 1876)

Sau này, Hotei còn được ví như thần hộ mệnh của các chủ nhà hàng và bartender (người pha chế rượu). Khi một người rượu chè quá chén, đôi khi người ta có thể đùa rằng đó là ảnh hưởng của Hotei.

Có gì bên trong túi vải của Hotei?Trong khi chiếc túi của ông già Noel chứa đầy đồ chơi và quà thì của Hotei lại bí ẩn hơn một chút. Có nhiều truyền thuyết về chiếc túi này, người thì nói rằng bên trong túi vải của thần Hotei là một kho báu vô tận, bao gồm đồ ăn, nước uống để cứu giúp người nghèo, hay giả thiết khác là chứa toàn bộ những tai ương được thu thập trên thế giới.

Chính vì thế, nhiều người coi thần Hotei sẽ mang lại may mắn, niềm vui và hạnh phúc cho mọi người nhờ chiếc túi ma thuật của mình.

Sự tương đồng giữa Hotei và ông già Noel.

Người bạn của trẻ emĐều là những người được trẻ em yêu quý, tuy nhiên, giữa thần Hotei và ông già Noel có sự khác biệt. Trong khi Santan Claus được biết đến là người mang quà đến cho trẻ em, thì Phật tử ở Nhật Bản tin rằng Hotei có được tấm lòng rộng lớn là nhờ vào tâm hồn bao la tràn ngập tình yêu thương đối với nhân loại.

Tác phẩm “Thần Hotei và những đứa trẻ Trung Hoa” của Torii Kiyomitsu II. Ảnh: Gaijinpost

Một số bức tranh miêu tả cảnh Hotei bồng trẻ em qua sông hoặc để chúng trèo lên bụng mình một cách vị tha. Hay như tác phẩm “Thần Hotei và những đứa trẻ Trung Hoa” của Torii Kiyomitsu II mô tả Hotei nằm nghiêng trên một chiếc xe đẩy do những đứa trẻ vui vẻ kéo.
Để nhận được lời chúc của Hotei, những đứa trẻ cần tụ tập thành một nhóm vào đêm Giao thừa.

Bức tượng Phật Di Lặc tại Đà Nẵng. Ảnh: iStock

Tuy nhiên, Hotei sẽ chỉ ban điều ước nếu nhiều người yêu cầu điều tương tự nên hầu hết mọi người sẽ cùng ước một điều gì đó có thể chia sẻ cho nhau. Ngoài ra, một số người sẽ đặt hình của Hotei cùng 6 vị Thất Phúc Thần còn lại dưới gối để hi vọng giấc mơ đầu tiên trong năm mới may mắn và thành hiện thực.

Theo: Kilala

LƯƠNG CHÂU TỪ KỲ 1 - VƯƠNG HÀN


Lương Châu từ kỳ 1 - Vương Hàn

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

Lương Châu nay thuộc tỉnh Cam Túc, giữa Lan Châu và Vũ Uy, trước đây là nơi hàng bao thế kỷ người Hồ và người Hán đánh nhau. Lương Châu từ là một điệu hát cổ của nói về chuyện trận mạc biên ải. Những điệu hát cổ như: Thượng chi hồi, Chiến thành nam, Thương tiến tửu, Quân mã hoàng, Viễn như kỳ, Hoàng tước hành, Lạc mai hoa, v.v... được các thi nhân thời trước lấy làm đầu đề để sáng tác.


涼州詞其一 - 王翰

葡萄美酒夜光杯
欲飲琵琶馬上催
醉臥沙場君莫笑
古來征戰幾人回
Lương Châu từ kỳ 1
(Dịch thơ Trần Trọng San)

Rượu bồ đào, chén dạ quang
Muốn say, đàn đã rền vang dục rồi
Sa trường say ngủ, ai cười?
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu!


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Vương Hàn 王翰 (687-735) tự là Tử Vũ 子羽, người đất Tấn Dương (nay là huyện Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Thuở nhỏ, tính hào phóng, thích uống rượu. Ông thi đậu tiến sĩ, làm quan đến chức Giá bộ viên ngoại lang. Vì kiêu căng nên nhiều người ghét, bị đổi ra làm Trưởng sử Nhữ Châu, sau đổi làm Biệt giá Tiên Châu, rồi bị biếm làm Tư mã Đạo Châu và mất tại đây.

Nguồn: Thi Viện



NGÀY ĐÔNG CHÍ 2024 LÀ NGÀY NÀO, KHÁM PHÁ MÓN ĂN VÀ LỄ HỘI TRONG NGÀY NÀY?

Năm 2024, ngày Đông chí sẽ là ngày 21 tháng 12 (thứ Bảy), nhằm ngày 21/11 âm lịch. Đây là dịp vô cùng quan trọng, được người dân nhiều nước tổ chức long trọng, giống như một lễ Tết chính trong năm.


Ngày Đông chí, diễn ra khoảng giữa tháng 12 hàng năm, không chỉ là sự kiện thiên văn quan trọng mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong các nền văn hóa trên toàn thế giới.
  
Ngày Đông chí 2024 là bước ngoặt quan trọng trong chu trình thiên nhiên

Với sự thay đổi của chu kỳ ánh sáng mặt trời, Đông chí đánh dấu thời điểm mà mặt trời ở vị trí cực nam, khiến cho Bắc bán cầu trải qua ngày ngắn nhất và đêm dài nhất trong năm.

Ở Việt Nam, Đông chí thường không được tổ chức rầm rộ giống như các ngày lễ Tết khác. Tuy nhiên, cái ý nghĩa quanh ngày này vẫn rất đặc biệt, đó là thời gian để gia đình sum họp, điều chỉnh đời sống phù hợp với tiết trời lạnh giá hơn.

Nhiều gia đình Việt vẫn có thói quen ngày Đông chí là ngày đoàn tụ gia đình, cúng ông bà tổ tiên và ăn bánh trôi, chè trôi nước để cầu may mắn, ấm áp (Ảnh minh họa: ITN).

Ngày chính xác của Đông chí trong năm 2024 là ngày 21/12. Đây là thời điểm đánh dấu sự chuyển giao từ mùa thu sang mùa đông, một bước ngoặt quan trọng trong chu trình thiên nhiên.

Tại nhiều quốc gia, dịp này được xem như thời điểm quan trọng để tổ chức các hoạt động và lễ hội mừng mùa đông.

Ngày Đông chí là gì?

Đông chí hay Tiết Đông chí là một trong 24 tiết khí theo lịch Trung Quốc cổ đại, khởi đầu bằng điểm giữa của mùa đông, được coi là một bước ngoặt quan trọng trong chu trình thiên nhiên, tượng trưng cho sự kết thúc chu kỳ tối tăm và sự bắt đầu của ánh sáng.

Đông chí thường bắt đầu vào khoảng ngày 21 hoặc 22/12 Dương lịch (sau tiết Đại tuyết) và kết thúc vào ngày 5 hoặc 6/1 của năm sau, trước khi tiết Tiểu hàn bắt đầu.

Ngày đông chí là ngày chứa điểm đông chí tính theo múi giờ địa phương, trong ngày Đông chí, ở Bắc Bán cầu xảy ra hiện tượng ngày ngắn và đêm dài nhất trong năm. Nguyên nhân là do trục Trái Đất nghiêng xa Mặt Trời ở bán cầu Bắc, khiến ánh sáng Mặt Trời chiếu đến khu vực này trong thời gian ngắn hơn.

Ngược lại, tại Nam Bán cầu, trục Trái Đất nghiêng gần Mặt Trời hơn, dẫn đến hiện tượng ngày dài và đêm ngắn nhất trong năm. Đây là kết quả của sự nghiêng trục Trái Đất và quỹ đạo hình elip của hành tinh quanh Mặt Trời, tạo nên sự khác biệt rõ rệt về độ dài ngày đêm giữa hai bán cầu trong cùng thời điểm.

Tết Đông Chí, nhiều gia đình Việt cũng sẽ làm món bánh trôi đặc trưng để cầu bình an, may mắn (Ảnh minh họa: ITN).

Món ăn truyền thống trong ngày Đông chí

Vào ngày Đông chí, các gia đình thường chuẩn bị những món ăn truyền thống với ý nghĩa sâu sắc. Những món ăn không chỉ để nuôi sống cơ thể mà còn mang trong mình những câu chuyện văn hóa truyền thống:

Chè trôi nước: Tương tự như bánh trôi, chè trôi nước cũng được làm từ bột nếp và nhân đường, nhưng thường được ăn với nước cốt dừa, tạo nên một hương vị độc đáo.

Bánh trôi: Là món bánh truyền thống được làm từ bột nếp, thường có nhân đường hoặc đậu xanh, biểu trưng cho việc gợi nhớ tổ tiên và cầu mong sức khỏe.

Các món ăn từ bột gạo: Người Việt còn làm các món như bánh xèo hay bánh khọt, tạo cảm giác đoàn viên và quây quần bên nhau.

Mỗi món ăn không chỉ là một phần của bữa cơm gia đình mà còn là biểu tượng cho sự đoàn kết và tình yêu thương, là cầu nối giữ chặt những giá trị văn hóa xuyên thế hệ.

Nguồn gốc Tết Đông Chí của người Hoa (Ảnh minh họa: ITN).

Ý nghĩa, Lễ hội của ngày Đông chí trong các nền văn hoá

“Đông chí lớn hơn Tết” là câu nói của người Hoa ý chỉ sự quan trọng của tết Đông chí không hề thua kém Tết Nguyên đán.

Theo sử sách Trung Quốc từ thời phong kiến, vào ngày Đông chí, vua chúa sẽ tổ chức tiệc tùng kéo dài suốt 5 ngày. Các dân thường cũng sum họp và thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh trôi nước (tangyuan), tượng trưng cho sự đoàn viên và hạnh phúc.

Ngoài ý nghĩa trên, ngày Đông chí là một yếu tố quan trọng để xác định ngày Tết Nguyên đán và tháng nhuận trong âm lịch Trung Quốc. Sau ngày Đông chí sẽ đến tháng cuối cùng của năm, gọi là tháng Chạp.

Tại Việt Nam, mặc dù ngày Đông chí không phải là một ngày lễ lớn, nhưng tùy vào phong tục của mỗi gia đình vẫn làm lễ cúng gia tiên để cầu mong một năm bình an, khỏe mạnh và thuận lợi. 

Lễ hội Đông Chí vô cùng hấp dẫn trên thung lũng Pakistan (Ảnh minh họa: ITN).

Các lễ hội ở các nước:

Ngày Đông chí cũng mang nhiều ý nghĩa đặc biệt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Có rất nhiều sự kiện và lễ hội thú vị được diễn ra vào ngày này như: Festivus, Kwanzaa, Yalda, Saturnalia, Hanukkah, HumanLight.

Tại các nước phương Tây, ngày Đông chí trùng với thời điểm lễ Giáng Sinh, những người theo đạo Thiên Chúa giáo tưởng nhớ về sự ra đời của Chúa Jesus vào lúc 0h00 ngày 25/12.

Đây là dịp vô cùng quan trọng và được tổ chức rất long trọng, giống như một lễ Tết chính trong năm. Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu:

Lễ hội Dongzhi ở Trung Quốc: Tại Trung Quốc, Đông chí là một trong những tiết khí quan trọng nhất, được tổ chức từ thời kỳ triều Hán cách đây hàng thế kỷ.


Người dân thường tổ chức các bữa tiệc lớn để chào mừng hồi sinh của ánh sáng, mời gọi hạnh phúc và sức khỏe. Truyền thống ăn các món ăn như bánh trôi nước và thang viên mang ý nghĩa tượng trưng cho sum họp gia đình.

Lễ hội Yule: Ở Bắc Âu, lễ hội Yule được tổ chức vào khoảng thời gian này, với những hoạt động như thắp nến và trang trí cây thông Noel. Đây là dịp để gia đình tụ tập bên nhau, thể hiện cầu nguyện cho phồn thịnh và an lành trong mùa đông.

Lễ hội Inti Raymi: Diễn ra ở Peru, lễ hội Inti Raymi tôn vinh vị thần mặt trời, diễn ra vào mùa hè nhưng thường có một số sự kiện văn hóa gần sát thời điểm Đông chí. Đây là thời kỳ thể hiện lòng tôn kính với các vị thần và thiên nhiên thông qua các điệu nhảy và âm nhạc.

Lễ hội Yalda ở Iran: Yalda được tổ chức vào đêm dài nhất năm, mang ý nghĩa của quây quần và tưởng nhớ ánh sáng. Người dân thường tụ họp bên nhau, thưởng thức các món ăn truyền thống, thực hiện các hoạt động vui chơi.


Một số nền văn hóa khác cũng có các lễ hội truyền thống quanh ngày Đông chí như lễ hội Saturnalia ở La Mã cổ đại, lễ Giáng Sinh hay Hanukkah trong cộng đồng Do Thái.

Những lễ hội và kiện này không chỉ là dịp để kỷ niệm mà còn là thời gian để mọi người tập trung lại với nhau, tạo mối liên kết và giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Thanh Nhung / Theo: Dân Sinh



Thursday, December 19, 2024

MACARTHUR - VỊ TƯỚNG THÁCH THỨC TỔNG THỐNG MỸ

Từng làm mưa làm gió trên khắp Thái Bình Dương, song Douglas MacArthur phải giã từ binh nghiệp trong cay đắng sau cuộc đối đầu với Tổng thống Harry Truman.

Tướng MacArthur ký nhận lời đầu hàng vô điều kiện của Nhật Bản trên chiếc tàu USS Missouri trong Thế chiến thứ hai - Ảnh: US Navy

Danh tiếng của Thống tướng Douglas MacArthur (1880 - 1964) thấm đẫm lịch sử hiện đại của Mỹ. Chiến tích chói lọi của ông được ghi lại trong vô số quyển sách, gần nhất là cuốn Chiến tranh của MacArthur: Thiên tài thiếu sót thách thức hệ thống chính trị Mỹ của tác giả Bevin Alexander. Con đường leo lên đỉnh cao quyền lực của ông được xây trên những chiến công hiển hách trong cuộc chiến đẫm máu tại Philippines hồi Thế chiến thứ hai, nhờ tài năng quân sự trời phú.

MacArthur được biết đến với câu nói nổi tiếng: “Trong chiến tranh, chiến thắng vượt trên tất cả”. Vị tướng tài hoa người Mỹ từng tham gia 3 cuộc chiến lớn trong lịch sử hiện đại, gồm Thế chiến thứ nhất, Thế chiến thứ hai (dưới vai trò Tư lệnh lực lượng Đồng Minh tại Thái Bình Dương) và Chiến tranh Triều Tiên. Ông là một trong 5 nhân vật được phong hàm Thống tướng lục quân của Mỹ. Tuy nhiên, chuyện đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông chính là cuộc đối đầu với Tổng thống Mỹ Harry Truman liên quan đến việc triển khai Chiến tranh Triều Tiên.

Tướng Douglas MacArthur (giữa) chỉ huy quân Mỹ ở Triều Tiên. Ảnh: Wikipedia

Binh nghiệp lẫy lừng

Douglas MacArthur là con nhà nòi đích thực. Ông được sinh ra tại căn cứ lục quân ở Little Rock, bang Arkansas, vào ngày 26.1.1880. Cha ông là trung tướng Arthur MacArthur Jr (người được nhận Huân chương Danh dự và từng là Toàn quyền của Philippines), cháu nội của chính khách Arthur MacArthur Sr. Trong cuốn hồi ký Những ký ức, MacArthur nhớ lại: “Tôi đã học cưỡi ngựa và bắn súng trước khi có thể đọc, viết, hay nói đúng hơn là trước khi biết đi và nói”, theo trang biography.com. Trong Thế chiến thứ nhất, ông được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Sư đoàn bộ binh 42 của Mỹ. Đến năm 1935, Tổng thống Franklin D.Roosevelt chọn MacArthur làm cố vấn quân sự tại Philippines và gửi ông đến đó thiết lập quân đội, trở thành thống tướng tại nước này. Ông giải ngũ vào tháng 12.1937, nhưng được triệu tập trở lại với cấp bậc trung tướng và được bổ nhiệm làm Tư lệnh lục quân Mỹ tại Viễn Đông vào tháng 7.1941. Đến tháng 12, ông trở thành đại tướng khi quân Nhật tấn công trên khắp các mặt trận tại Thái Bình Dương.

Cuộc xâm lược do Nhật Bản tiến hành tại Philippines đã đẩy bật lực lượng Mỹ do MacArthur dẫn đầu khỏi quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, vài năm sau, vị tướng thiên tài đã chỉ huy nhiều chiến dịch thắng lợi trước quân Nhật. Trong suốt thời gian này, ông không ngần ngại lên tiếng chỉ trích các quyết định của thượng cấp về việc tập trung nguồn lực quân sự tại châu Âu hơn là tại Thái Bình Dương. Đến năm 1945, vào cuối cuộc chiến, Tổng thống Truman chỉ định ông vào vị trí Tư lệnh tối cao Lực lượng Đồng Minh tại Thái Bình Dương. Trong cuộc đời binh nghiệp, tướng MacArthur nhận vô số huân chương danh giá của quân đội Mỹ, trong đó không thể thiếu Huân chương Danh dự, Bội tinh các loại, Ngôi sao bạc, Ngôi sao đồng, Quả tim tím…


Cuộc chiến cuối cùng của MacArthur

Trận thua đau đớn nhất trong tất cả các cuộc chiến của vị tướng tài hoa MacArthur chính là trận chiến với Tổng tư lệnh quân đội Mỹ - Tổng thống Truman. Khi cử tri Mỹ bầu tổng thống, họ cũng đồng thời chọn ra một thường dân để lãnh đạo quân đội mạnh nhất thế giới. Đôi khi, việc một dân thường đứng trên mọi quân nhân từng dành trọn đời leo lên các cấp bậc trong quân đội có thể gây nên vấn đề thực sự. Điều đó đã xảy ra vào thời của Truman, làm nổ ra cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa một vị tướng được ngưỡng mộ với một nhà lãnh đạo dân sự không được lòng dân chúng.

Chuyện xảy ra khi CHDCND Triều Tiên tấn công Hàn Quốc vào năm 1950. Quân LHQ, dưới sự chỉ huy của MacArthur, đã nhanh chóng đẩy lui quân miền Bắc và truy đuổi đến tận sông Áp Lục, nằm trên biên giới Triều Tiên - Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã xua quân vượt sông Áp Lục và phản công quân LHQ. Trước đó, Truman đã cảnh báo MacArthur không nên khiêu khích Trung Quốc nhưng ông tự tin Bắc Kinh sẽ không can thiệp, dẫn đến thất bại sau đó. Tức giận trước việc Trung Quốc tham chiến, MacArthur lớn tiếng vận động mở rộng chiến tranh sang bên kia sông Áp Lục, liên tục yêu cầu triển khai chiến dịch không kích các mục tiêu quân sự tại Trung Quốc và thậm chí còn muốn Truman chuyển bom nguyên tử để sẵn ở Okinawa. Ý định của MacArthur là thả từ 30 đến 50 quả bom nguyên tử xuống khu vực Mãn Châu và từ biển Nhật Bản đến Hoàng Hải, tạo ra vành đai bức xạ hạt nhân trong ít nhất 60 năm để ngăn ngừa các cuộc tấn công từ miền Bắc. Lo sợ thái độ quá khích của MacArthur có thể châm ngòi Thế chiến thứ ba, Truman quyết định tước chức tư lệnh của ông vào tháng 4.1951, khiến dân Mỹ bị sốc nặng và phản đối dữ dội lên quốc hội. Trong bài diễn văn từ biệt trước quốc hội, McArthur đã tuyên bố một câu nói để đời mà ông trích dẫn từ một bài ca của lính: “Những người lính già không bao giờ chết, họ chỉ nhạt nhòa dần”.

Douglas MacArthur phát biểu trước đám đông tại Soldier Field, Chicago, sau khi nghỉ hưu khỏi Quân đội Hoa Kỳ, tháng 4 năm 1951.

Dù ra đi trong cay đắng, khả năng lãnh đạo quân sự của MacArthur vẫn được các đời tổng thống Mỹ sau đó nể trọng. Theo biography.com, Tổng thống John F.Kennedy từng khẩn khoản xin ý kiến MacArthur về các vấn đề quân sự và ông đã cảnh báo Kennedy nên tránh gia tăng quân sự tại chiến trường Việt Nam.

Thụy Miên / Theo: TNO
Link tham khảo: