Sunday, December 15, 2024

SỐ PHẬN CỦA 11 TRIỆU LÍNH ĐỨC SAU THẾ CHIẾN 2

Khoảng 11 triệu lính Đức đã phải lao động khổ sai ở khắp châu Âu để đền bù cho những thiệt hại mà Đức Quốc xã gây ra cho thế giới.

Franklin Delano Roosevelt, Winston Churchill and Joseph Stalin during a conference at Tehran. Stalin greets Sarah Churchill. Ảnh: rbth.com

Tháng 5/1945, Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Đệ tam đế chế hay Đức Quốc xã sụp đổ. Đức bị các lực lượng từ Mỹ, Anh, Pháp chiếm đóng phía Tây, Liên Xô tiếp quản Đông Đức. Các cường quốc giam giữ khoảng 11 triệu lính Đức làm tù nhân chiến tranh, trong đó 8 triệu người thuộc quản lý của đồng minh phương Tây, 3 triệu người còn lại bị Liên Xô giam giữ.

Vào tháng 2/1945, 3 nhà lãnh đạo lớn của lực lượng đồng minh là Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và lãnh tụ Liên Xô Stalin đã gặp nhau tại cung điện Lavadia ở Crimea. Hội nghị Yaltar này nhằm quyết định số phận cuối cùng của nước Đức bại trận. Một trong những điểm mấu chốt của thỏa thuận là khắc phục hậu quả chiến tranh và không để nước Đức có thể đe dọa thế giới lần thứ 3.

Ngoài việc phân chia nước Đức thành các khu vực chiếm đóng và ý tưởng về tiền bồi thường chiến tranh, 3 cường quốc đã đồng ý rằng người Đức phải tự mình sửa chữa những thiệt hại mà đất nước họ đã gây ra cho Châu Âu, điều này bao gồm cả việc lao động cưỡng bức.

Các tù nhân Đức tại Trại Carson ở Colorado (Mỹ) hát khi họ diễu hành đến khu giặt là của trại năm 1943.

Số phận lính Đức ở phía Tây

Trong nhiều năm, lính Đức bị giam cầm ở khoảng 20 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả lục địa Mỹ. Tại các tiểu bang, tù nhân Đức được các trang trại hoặc nhà máy thuê như những lao động thông thường nhằm bù đắp cho lực lượng lao động bị thiếu.

Ở các trang trại miền nam nước Mỹ, lính Đức kết bạn với nông dân Mỹ và thường coi phim Hollywood trong giờ giải lao. Họ được đối xử nhân đạo và số lính Đức chết ở Mỹ khá thấp, chỉ 491 người.

Ở châu Âu, người Mỹ ước tính số tù binh Đức chết ở các trại giam rơi vào khoảng vài nghìn người, nhưng người Đức tuyên bố có khoảng 40.000 người đã chết trong các trại giam.

Tù binh Đức giúp xây dựng con đường dẫn đến sân vận động Wembley (Anh) năm 1948.

Nước Anh quản lý lên đến 2,5 triệu lính Đức sau chiến tranh. Lính Đức ở Anh sống tại các túp lều được dựng lên trên các cánh đồng. Một số may mắn hơn sống trong những nhà tù sang trọng được cải tạo từ những trang viên bỏ hoang.

Tương tự như các đồng đội của họ ở Mỹ, lính Đức ở Anh có mối quan hệ rất thân mật với người dân Anh, họ thường được cho tiền và thức ăn. Lính Đức ở Anh có thể lao động để kiếm tiền và họ được trả 2 shillings mỗi ngày. Theo một số báo cáo, số lính Đức chết ở Anh là 1.254 người.

Lính Anh cũng như lính Mỹ đã tham gia tra tấn khi thẩm vấn người Đức bị nghi ngờ phạm tội ác chiến tranh dẫn, buộc họ thú tội dưới hình thức cưỡng bức. Nhưng đây không phải là điều tồi tệ nhất một lính Đức bị bắt ở mặt trận phía Tây gặp phải.

Tù binh Đức tới bờ biển Pháp tháo gỡ mìn sót lại sau chiến tranh.

Sự ô nhục đáng nhớ đó nằm ở nước Pháp. Những người lính Đức bị bắt trong quá trình giải phóng nước Pháp cũng như một số người được chuyển đến đó từ những trại giam ở Mỹ phải đối đầu với sự khắc nghiệt và sự trả thù của thường dân Pháp bằng những lời nói xúc phạm hoặc hành hung tù nhân Đức, ném đá hoặc đôi khi đánh đập họ đến chết.

Một số trại ở Pháp thường được thiết kế cho tiêu diệt hơn là giam giữ. Các trại Pháp cung cấp cho tù nhân khẩu phần chỉ 900 calo mỗi ngày. Có thể so sánh với khẩu phần một người Do Thái sống trong thời kì đầu ở khu ổ chuột Warsaw, họ vẫn được lính Đức phân bổ hơn 1.000 calo mỗi ngày.

Trung bình mỗi ngày có 12 người Đức chết trong các trại ở Pháp. Hội chữ thập đỏ báo cáo 200.000 lính Đức ở Pháp luôn ở trong nguy cơ chết đói. Mỹ đã buộc phải dừng các chuyến tàu gửi lính Đức đến Pháp và yêu cầu họ tuân thủ công ước Geneva.

Người Mỹ và Anh cho thuê hàng triệu người Đức đến Pháp để tái thiết đất nước, 64.000 người đi đến Bỉ, 10.000 người đi Hà Lan và 5.000 người đi Luxembourg. Người Đức đến Luxembourg hỗ trợ xây dựng lại đường xá hoặc làm việc trong các xưởng máy và mỏ đá.

Một số ở Pháp và Hà Lan phải đi rà phá các bãi mìn, 2.000 người bị chết hoặc bị thương tật bởi mìn nổ mỗi tháng. Bắt lính Đức phải làm những việc này là vi phạm công ước Geneva. Nhưng ở thời điểm đó, các nước đồng minh phương Tây tuyên bố chính phủ Đức về mặt kĩ thuật không tồn tại và họ mang tội danh tù nhân chiến tranh, do đó họ không được hưởng sự bảo vệ.

Sau năm 1946, tù binh dần dần được hồi hương, đầu tiên là những người bị ốm và tàn tật. Lần ân xá cuối cùng diễn ra vào năm 1955, với sự tham dự của thủ tướng Tây Đức Konrad Adenauer.

Số phận lính Đức ở phía Đông

Liên Xô phải gánh chịu thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít, nên Liên Xô muốn hàng triệu lính Đức phải thực hiện kế hoạch tái thiết đất nước. 3 triệu lính Đức được sử dụng làm lao động cưỡng bức trong 10 năm như một sự đền bù chiến tranh của Đức đối với Liên Xô.

Liên Xô tổ chức những tù binh Đức thành các tiểu đoàn từ 3.000 - 5.000 người và được chia thành khoản 1.000 tổ chức, chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng và lcông nghiệp nặng. Từ năm 1945-1946 nhiều người ốm yếu không thể làm việc được Liên Xô cho hồi hương.

Năm 1947, các cường quốc đồng minh đồng ý rằng sẽ hồi hương tất cả người Đức vào năm 1948. Tuy nhiên Liên Xô tiếp tục duy trì đến năm 1950 với khoảng 26.000 người Đức, còn những người bị kết án về tội ác chiến tranh vẫn phải ở lại Liên Xô cho đến năm 1956.

Nói chung người Đức ở Liên Xô sau chiến tranh phải đối mặt với lao động khổ sai bắt buộc trong những điều kiện đầy thử thách, nhưng đa số cũng đã được hồi hương rất sớm so với kế hoạch ban đầu là 10 năm.

Theo: VTC
Link tham khảo:





No comments: