Thursday, December 19, 2024

SỐNG THUẬN THEO TỰ NHIÊN: ĐỜI NGƯỜI CÓ ĐƯỢC CŨNG CÓ MẤT

Trên thế gian này, hết thảy sự tình đều là có cái được và có cái mất. Được mất thể hiện rõ ở rất nhiều phương diện trong cuộc sống.


Ví như, tình yêu có thể đem đến cho con người niềm vui nhưng nó cũng khiến người ta đau khổ, tiền tài có thể cho con người sự hưởng thụ nhưng nó cũng là nguyên nhân khiến người ta phiền não, thành công có thể đem đến cho người ta hạnh phúc nhưng nỗi đau thống khổ của sự thất bại cũng khiến người ta khó lòng chịu đựng được.

Đối với một điều nào đó đang mong đợi, nếu đạt được chắc chắn người ta sẽ cảm thấy hạnh phúc vô cùng, nhưng nếu bị mất đi hẳn là cũng sẽ khiến người ta đau khổ tương đương. Mức độ cảm nhận của niềm vui và thất bại luôn là bằng nhau.

Có người kiếm được tiền tài nhưng lại mất đi sức khỏe, gia đình hoặc tình yêu. Có người sự nghiệp, thành tích đều không quá nhiều nhưng chất lượng cuộc sống, sức khỏe lại vô cùng tốt. Có những điều thoạt nhìn thì thấy như là không công bằng, nhưng thực tế nó lại rất công bằng với tất cả mọi người.

Người ta thường cho rằng người có tiền luôn rất hạnh phúc, nhưng thực tế đây là một quan niệm không hoàn toàn đúng. Một người nghèo khó chỉ tiêu vài trăm ngàn đồng cũng sẽ tìm được niềm vui, nhưng khi có nhiều tiền rồi, người ta sẽ phải tiêu số tiền gấp hàng chục lần mới thấy được niềm vui tương đương.

Khi sở thích của một người thay đổi thì cảm nhận của người ấy với mọi thứ cũng sẽ thay đổi theo. Khi một người có càng nhiều tiền thì giá trị đồng tiền sẽ càng giảm, vì thế người ta cũng khó dùng tiền để tìm được niềm hạnh phúc hơn.

Có câu chuyện xưa kể rằng: Một ngày nọ, một con cáo đói bụng nhìn thấy trong vườn có một cây nho sai trĩu quả thì rất thèm được ăn. Nhưng nó tìm mãi mà không thể tìm thấy được đường vào trong vườn nho ấy. Sau một hồi tìm kiếm, nó vui mừng phát hiện ra một lỗ thủng ở hàng rào. Nhưng lỗ thủng này lại quá nhỏ so với thân thể của nó, thế là nó rất đau buồn vì không thể chui vào trong vườn được.


Con cáo nghĩ ra một cách, nó chờ ở ngoài hàng rào 6 ngày liền và không ăn gì. Vì thế cơ thể nó gầy đi rất nhiều và nó dễ dàng chui được vào trong vườn. Nó sung sướng thưởng thức những trái nho thơm chín căng mọng. Nhưng sau khi ăn rất no rồi, con cáo mới phát hiện ra rằng cái bụng của nó đã to lên rất nhiều. Nó đã không thể theo đường cũ mà ra ngoài được nữa. Và như thế, nó sẽ dễ dàng bị chủ vườn bắt được.

Cho nên, con cáo lại đành phải nhịn ăn suốt 6 ngày liên tiếp. Quả nhiên sau 6 ngày ấy, con cáo lại gầy đi và có thể chui ra được khỏi hàng rào. Vậy là, con cáo lại trở về lúc xuất phát ban đầu, nó không thu được gì sau những điều nó đã trải qua.

Cổ nhân có câu: “Sào lâm nhất chi”, nghĩa là con chim ri làm tổ trong rừng cũng chỉ cần một cành cây là đủ. Con người cũng là tương tự như vậy. Nếu chúng ta có cả thế giới này thì chúng ta cũng vẫn chỉ ăn ngày ba bữa, ngủ trên một chiếc giường mà thôi.

Cho dù chúng ta có đến cả trăm chiếc giường thì chúng ta cũng chỉ ngủ được trên một chiếc, cho dù chúng ta có hàng ngàn đôi giày, chúng ta cũng chỉ đi được một đôi. Cho dù chúng ta có gọi hàng trăm món ăn thì cuối cùng chúng ta có thể ăn được đến no bụng.

Địa vị và tài phú của mỗi người trong xã hội là khác nhau, là có sự phân chia cao thấp, nhưng sự nhận thức về khoái hoạt và hạnh phúc thì không có sự phân chia cao thấp như vậy. Chỉ bất quá là niềm hạnh phúc của người có tiền sẽ khá phức tạp, còn niềm hạnh phúc của người nghèo thì lại đơn giản hơn rất nhiều.

Đời người có vui cũng có buồn. Đến một lúc nào đó, khi tâm chúng ta đã đạt đến một cảnh giới nào đó, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, mỗi khoảnh khắc vui hay buồn trong cuộc đời đều đáng trân quý. Mỗi một loại thống khổ hay khoái hoạt, mỗi một thứ chúng ta đạt được hay mất đi đều cho chúng ta những thể nghiệm, những bài học đáng giá.

Đời người có được cũng có mất (Ảnh minh họa)

Niềm vui và nỗi buồn có thể đến sớm với người này, đến muộn với người khác. Có người mất trước được sau, có người được trước mất sau, nhưng suy ngẫm kỹ một chút, chúng ta sẽ thấy tổng thể nó là một lượng không đổi. Chúng ta đã từng vui như thế nào thì khi buồn chúng ta cũng sẽ nhận được một lượng bằng như thế.

Đứng trước “sinh, lão, bệnh, tử”, sinh mệnh con người là rất yếu nhược. Khi người ta chết đi, sẽ không còn phân biệt kẻ giàu người nghèo, không thể nói người giàu sẽ chết thoải mái hơn, còn người nghèo chết thống khổ hơn. Có người khi sống đạt được mười phần thì khi chết đi anh ta cũng sẽ mất đi mười phần, mười phần đó là mười phần đau khổ. Có lẽ đây là điều công bằng tuyệt đối.

Người có trước có khi bị mất đi trước, người có sau sẽ mất đi sau, người không có gì sẽ không bị mất đi. Tổng số được mất sẽ luôn là không, vì thế sống trên đời không nên so đo tính toán quá nhiều, không cần phải quá bận tâm đến được mất, thiệt hơn. Người biết đủ, hiểu thấu lẽ được mất, sống thuận theo tự nhiên sẽ sống được vui vẻ, hạnh phúc nhất.

Theo: Vision Times