Hán Thành Đế hết mực yêu chiều Ban Tiệp Dư, đi bất cứ đâu ông cũng cho phép nàng được theo hầu bên cạnh mình. Thậm chí, nhà vua từng có ý định làm một chiếc Liễn xa để Ban Tiệp Dư có thể ngồi chung xe cùng ông xuất du. Nhưng nàng vốn là bậc hiền đức lễ nghĩa, dù được vua ban ân nhưng vẫn một mực từ chối. Nàng tìm lời nhẹ nhàng khuyên nhủ:
“Thưa bệ hạ, các bậc Thánh vương trong lịch sử đều có danh thần ở bên. Nay bệ hạ ban ơn cho thần thiếp được ngồi cùng xe, nhưng e rằng như thế sẽ tổn hại đến thanh danh của bệ hạ. Bởi làm vậy chẳng phải cũng giống với hành vi của Hạ Kiệt, Thương Trụ và Chu U Vương đó sao? Cúi xin bệ hạ lượng thứ miễn cho, thần thiếp xét thấy mình không thể làm điều trái lễ này được”.
Hán Thành Đế thấy nàng nói có đạo lý nên đã nghe theo lời khuyên của nàng. Hoàng thái hậu biết chuyện cũng hết lời khen ngợi phẩm cách của Ban Tiệp Dư, thái hậu nói: “Xưa có Phàn Cơ, nay có Ban Tiệp Dư”.
Nhà vua có ý định làm chiếc Liễn xa để Ban Tiệp Dư ngồi chung xe cùng ông xuất du(Ảnh: Tranh vẽ của Cố Khải Chi thời Đông Tấn, Bảo tàng Cố cung)
Phàn Cơ là ái thê của Sở Trang Vương, từng góp phần không nhỏ giúp Sở Trang Vương trở thành bậc minh quân trong lịch sử, được tôn vinh là một trong “Xuân Thu Ngũ Bá”. Thời đầu, Sở Trang Vương thường hay săn bắn tiêu khiển, Phàn Cơ lo sợ quân chủ ham vui sẽ hủy hoại giang sơn sự nghiệp, vậy nên bà đã cự tuyệt không ăn thịt thú rừng để vua cảnh tỉnh. Hoàng thái hậu ví Ban Tiệp Dư với Phàn Cơ là có ý ca ngợi phẩm đức cao khiết của nàng.
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, sau này hai chị em Triệu Phi Yến vào cung, địa vị của Ban Tiệp Dư rất nhanh chóng bị lu mờ. Hán Thành Đế vì say mê hai mỹ nhân họ Triệu mà ngày đêm đắm chìm trong tửu sắc, không còn quan tâm đến chính sự. Chị em Triệu Phi Yến lại nói lời gièm pha khiến Hứa hoàng hậu phải phế truất, Ban Tiệp Dư cũng bị liên lụy.
Ban Tiệp Dư là người phụ nữ hiền thục, có đức hạnh, có tiết tháo, không màng phú quý vinh hoa. Trước những đố kỵ ghen ghét chốn thâm cung, nàng lựa chọn rút lui, tự nguyện đến cung Trường Tín để hầu hạ Hoàng thái hậu. Tuy rằng từ đây nàng sẽ phải rời xa hoàng đế, nhưng cũng không còn vướng vào những lời gièm pha, tranh chấp. Rời xa phường đua chen danh vị, nàng như đóa sen không nhuốm bụi trần. Đây là lựa chọn bất phàm trong những việc làm bất phàm của Ban Tiệp Dư.
Ban Tiệp Dư ví mình như chiếc quạt mùa thu (Ảnh: Tranh vẽ đời Thanh, Bảo tàng Cố Cung)
Ban Tiệp Dư đến Trường Tín cung, sống những tháng ngày thanh cao đạm bạc. Thân nhẹ tựa cánh đào, nhưng trong tâm nàng vẫn còn vương vấn nỗi ưu tư. Nỗi cô đơn u uất ấy được nàng giãi bày trên trang giấy, và bài thơ “Oán ca hành” (Khúc ca ai oán) chính là một trong số đó.
Oán ca hành
Tân liệt Tề hoàn tố,
Tiên khiết như sương tuyết.
Tài vi hợp hoan phiến,
Đoàn đoàn tự minh nguyệt.
Xuất nhập quân hoài tụ,
Động dao vi phong phát.
Thường khủng thu tiết chí,
Lương tiêu đoạt viêm nhiệt.
Khí quyên khiếp tứ trung,
Ân tình trung đạo tuyệt.
Dịch thơ: (Bản dịch của Tản Đà)
Xé ra vuông lụa nước Tề
Phau phau sạch trắng khác gì tuyết sương
Cắt làm cái quạt buồng hương
Tròn xinh vành vạnh như gương trăng rằm
Liền tay anh để anh cầm
Hằng khi phe phẩy riêng thầm gió bay
Trời thu như sợi hơi may
Lạnh lùng cơn gió đổi thay nực nòng
Trong sương quạt bỏ nằm không
Giữa đường dứt hết mối lòng thương yêu
Bài thơ vịnh chiếc quạt lụa trắng. Mùa hạ nóng bức chiếc quạt được chủ nhân yêu mến, thường mang theo bên mình. Nhưng đến mùa thu tiết trời mát mẻ, chiếc quạt không còn tác dụng nữa liền bị vứt đi, bỏ quên trong một xó. Cả bài thơ viết về cây quạt lụa, kỳ thực từng câu từng chữ lại chất chứa nỗi lòng của người phụ nữ bị phu quân ruồng rẫy, bỏ rơi. Tác giả mượn câu chuyện của cây quạt lụa để bày tỏ nỗi ai oán của mình.
Bốn câu mở đầu khắc họa hình tượng chiếc quạt lụa. Vải lụa vừa mới dệt thành, chưa qua sử dụng, lại là chất lụa tinh xảo nhất, là sản phẩm cao cấp nhất, thượng đẳng nhất, tượng trưng cho phẩm hạnh cao khiết và tư dung mỹ lệ của nhân vật chính. Chiếc quạt được điểm tô với họa tiết “hợp hoan” và hình dáng tròn đầy như trăng rằm, ám chỉ rằng nàng từng có khoảng thời gian hạnh phúc mỹ mãn bên người thương.
“Xuất nhập quân hoài tụ,
Động dao vi phong phát”
(Ra vào tay áo của người,
Phe phẩy sinh ra gió thoảng)
Chiếc quạt lụa từng được chủ nhân yêu thích, luôn mang theo bên mình không nỡ rời tay, cũng giống như nhân vật nữ chính từng được quân vương sủng ái. Hai câu tiếp theo phản ánh thói đời nóng lạnh: Khi tiết thu đến, chiếc quạt cũng bị bỏ đi, nằm một mình lạnh lẽo trong rương. Ngày tháng trong cung sớm chiều bất trắc, quân vương được mới bỏ cũ, yêu chiều chẳng được dài lâu, khiến người ta không khỏi xót xa trước tình cảnh của các thục nữ chốn thâm cung.
Bài thơ quý ở chỗ ý tứ hàm súc mà không lộ liễu, oán mà không giận. Trầm Đức Tiềm bình rằng: “Dụng ý tinh tế, âm vận bình hòa”. Một nhà thơ thời Đường là Ông Thụ từng cảm khái trước nỗi lòng của Ban Tiệp Dư mà viết bài “Tiệp dư oán”, trong đó có bốn câu thơ:
Hết chung xe, Chiêu Dương hoa rụng,
Lầu một mình, Trường Tín trăng soi.
Phồn hoa theo nước chảy rồi,
Múa ca đoàn phiến chỉ sầu nghìn thu.
Sau khi Hán Thành Đế băng hà, Ban Tiệp Dư tình nguyện đến trông coi lăng tẩm cho hoàng đế. Trong vườn lăng lạnh lẽo ảm đạm, nàng giống như bậc tu hành đạo hạnh thanh cao, tịnh khiết như sen, xem thường những đua chen danh lợi. Với nàng, mọi ấm lạnh chốn nhân gian chỉ như gió thoảng, ân oán tình thù rồi cũng theo cát bụi vùi chôn. Nàng thệ nguyện suốt đời lo hương khói cho Thành Đế, ở nơi vườn lăng bầu bạn cùng ông yên giấc ngàn thu, mãi đến khi đi hết con đường nhân sinh vẫn giữ gìn tấm lòng thanh bạch.
Trích từ “Độc điếu hàn giang tuyết – Bí mật trong các danh tác kinh điển”.
Minh Hạnh
Theo Văn Dật Phi - Sound of Hope
Link tham khảo: