Sư tử đá được biết đến như một linh vật oai phong, mạnh mẽ. Ảnh minh họa: Sohu
Trong đó sông Kim Thủy thực chất là một kênh đào, còn núi Vạn Niên cũng là sản phẩm nhân tạo, được làm từ đất đào sông, gạch đá từ cung điện nhà Nguyên cũ.
Đoạn Hồng Kiều là cây cầu vòm bằng đá qua một đoạn sông Kim Thủy, được trang trí cực kỳ hoa lệ, điêu khắc tinh mỹ. Hai bên thành cầu đặt 34 con sư tử đá sinh động, mỗi con đều có tư thế đứng, biểu cảm gương mặt hoàn toàn khác nhau.
Có thể nói, Đoạn Hồng Kiều là công trình đứng đầu trong các cây cầu bên trong Tử Cấm Thành nên khách tham quan rất thích chụp ảnh tại đây. Ảnh: 刑警视觉
Tuy du khách có thể thoải mái lại gần nhìn ngắm những con sư tử đá khác nhưng riêng con sư tử thứ 4 tính từ hướng nam của cây cầu thì các hướng dẫn viên du lịch luôn khuyến cáo phải tránh xa, không tự tiện chạm tay vào hoặc chụp ảnh cùng nó.
Người ta cho rằng tác phẩm điêu khắc này mang lại điềm gở cho du khách nên không ai muốn lại gần, thậm chí nhiều người không chịu đi bộ qua cầu. Vậy điều gì khiến con sư tử đá này đáng sợ tới vậy? Thực hư câu chuyện kỳ ảo này ra sao?
Con sư tử đá trên cầu Đoạn Hồng Kiều (断虹橋)
Kể cả khi nhìn bằng mắt thường, người ta cũng cảm nhận được điểm khác biệt của con sư tử thứ 4 trên cầu. Trong khi những con sư tử đá còn lại đều đứng bằng bốn chân, chỉ mình bức tượng này khắc họa con vật ngồi bằng hai chân sau, còn lại một chân ôm đầu một chân ôm lấy hạ bộ.
Đây là con sư tử duy nhất có dáng ngồi hai chân, một chân ôm đầu một chân ôm hạ bộ giống như một người chịu đau đớn. Ảnh: 刑警视觉
Theo các ghi chép dã sử, con sư tử đá đặc biệt trên cầu Đoạn Hồng Kiều có liên quan đến vua Thanh Tuyên Tông (1782 - 1850), niên hiệu Đạo Quang, vị hoàng đế thứ 8 của triều đại nhà Thanh.
Vua Đạo Quang có một người con trai rất thông minh là hoàng tử Dịch Vĩ, tuy Thanh Tuyên Tông đặt nhiều kỳ vọng vào con trai nhưng Hoàng tử Dịch Vĩ vốn yêu thích tự do, không chịu gò mình vào kỷ luật nên thể hiện rõ sự ngang ngạnh.
Khi người thầy dạy học khuyên hoàng tử nên chăm đọc sách để sau này trở thành vị vua anh minh, hoàng tử Dịch Vĩ đã ngang ngược nói: "Lúc ta trở thành hoàng đế, ta sẽ xử tử ngươi đầu tiên!"
Những lời nói xấc láo của Dịch Vĩ sớm truyền đến tai hoàng thượng, khiến Thanh Tuyên Tông vô cùng tức giận, vua chưa chết mà con đã muốn lên làm hoàng đế, còn muốn giết thầy!
Vua Đạo Quang không kiềm chế nổi cơn giận đã tung một cú đá khủng khiếp vào giữa hai chân Dịch Vĩ, khiến vị hoàng tử đau đớn hét lên. Vài ngày sau thì hoàng tử Dịch Vĩ cũng qua đời vì vết thương.
Cái chết của người con trai khiến vua Đạo Quang vô cùng hối hận, tiếc nuối. Tương truyền không lâu sau, vua đi ngang qua cầu Đoạn Hồng Kiều, nhìn thấy con sư tử đá trên cầu có tư thế thê thảm giống hệt hoàng tử Dịch Vĩ trước lúc chết lại càng thêm đau lòng, hoàng đế lệnh trùm một tấm vải đỏ lên con sư tử đá để không ai còn nhìn thấy nó nữa.
Giải thích của chuyên gia
Độ xác thực của câu chuyện Đạo Quang Đế nhìn thấy con sư tử đá chưa từng được xác nhận, tuy nhiên, các chuyên gia cũng đã đưa ra những nhận định riêng về tư thế lạ của con sư tử đá trên cầu Đoạn Hồng Kiều.
Truyền thuyết sư tử đá đã giúp Tử Cấm Thành thu hút rất nhiều khách tham quan du lịch. Ảnh: Sohu
Trong cuốn sử ký "Hán Thư" có ghi chép, loài sư tử vốn xuất hiện tại Trung Quốc như một cống phẩm bắt nguồn từ Tây Vực, do số lượng cống phẩm ít ỏi nên chỉ có hoàng đế, quan triều đình hay hoàng thân mới có cơ hội chiêm ngưỡng chúng.
Đối với dân thường hay các thợ thủ công, sư tử là loài vật quá đỗi xa lạ. Những bức tượng sư tử đá ra đời từ bài tay tạo tác của các nghệ nhân dân gian cũng vì vậy mà rất chủ quan, sáng tạo tự do, chủ yếu kết hợp đặc tính của mèo, hổ và các loài vật khác nên không có sự hùng dũng, uy nghiêm của loài sư tử trong thực tế.
Bản thân công trình cầu Đoạn Hồng Kiều cũng chưa thể xác định thời gian xây dựng. Theo China News, có thể cây cầu đã xuất hiện trước cả thời nhà Minh và được xây từ thời nhà Nguyên. Chuyên gia điêu khắc đá Lưu Vệ Đông cho biết: "Các tác phẩm khắc đá dưới thời nhà Nguyên rất sinh động, sư tử đá thời kỳ này có phần đầu to, eo nhỏ nên dáng ngồi giống như một con ếch."
Sau khi Nho giáo phát triển cực thịnh dưới thời nhà Minh, tính sáng tạo suy yếu đáng kể, sư tử mới dần có hình dạng thống nhất là dáng vẻ uy nghiêm, dữ dằn và dáng ngồi thuần phục như thường thấy ngày nay.
Lúc này, những tác phẩm điêu khắc độc đáo và trái với khuôn mẫu xuất hiện từ thời kỳ trước dễ trở thành nguồn cảm hứng cho những mẩu chuyện ly kỳ lưu truyền trong dân gian.
Ngày nay, giống như giai thoại về những giếng nước, tiếng khóc trong đêm ở Tử Cấm Thành, dù tính chính xác của sự kiện xoay quanh con sư tử đá xui xẻo vẫn chưa được xác nhận nhưng những truyền thuyết "nửa thật nửa ảo" như thế này mỗi năm vẫn đang giúp thu hút hàng triệu lượt khách du lịch tới tham quan và chiêm ngưỡng khu phức hợp cung điện Tử Cấm Thành.
Theo: Pl & Bạn đọc