Ghi dấu 200 năm ông Charles Heidsieck chào đời, dòng Champagne mang tên lừng danh Mỹ quốc năm nào, “Champagne Charlie” lại xuất hiện. Charles Heidsieck chính là doanh nhân trẻ đã tiên phong mang loại vang sủi được gọi là Champagne đến với giới thượng lưu ở các thành phố miền Đông nước Mỹ cách nay 170 năm. Ngày 4 Tháng Bảy này, khi khui chai sâm banh Charles Heidsieck Brut Réserve, bạn nhớ dành một vài giây vinh danh gã giang hồ Charles Heidsieck. Ông là người rất nổi tiếng, đến độ có sách, ca vũ nhạc kịch và cả phim truyện về ông (phim Champagne Charlie, năm 1989 với tài tử điển trai người Anh Hugh Grant thủ vai chính).
NHỮNG GÃ GIANG HỒ
Hồi đầu những năm 2000 khi còn là nhân vật chỉ huy số một của nhà Champagne Taittinger, lúc được nêu câu hỏi ai đã tạo ra Champagne cho đến ngày nó vang danh toàn thế giới như hiện nay, ông Claude Taittinger nhận định: “Có hai týp người làm nên Champagne. Trước nhất là những nhà đầu tư và quản lý vốn đến từ vùng Palatinat hoặc vùng Ruhr bên Đức. Họ có hai thứ vốn quý gồm kinh nghiệm quản lý tài sản và sự nắm bắt ngọn ngành về hiện tượng lên men”. Cho nên ngày nay, các bạn thấy có nhiều nhà Champagne với tên rất ư là “Đức”, nào là Bollinger, Krug, Heidsieck và còn là Mumm, Taittinger…
Ông Claude Taittinger giải thích tiếp, “Nhưng có tay nghề chuyên môn sản xuất sản phẩm tốt là một chuyện, bán nó rộng khắp nơi lại là một chuyện khác. Xuất hiện những “aventuriers” (tôi chọn từ nghe cho đã, hàm ý nói về các tay chơi giang hồ thích phiêu lưu mạo hiểm) sẵn sàng ngày trước ngày sau là lên đường sang Nga, Anh, Ấn Độ, Mỹ…, cưỡi từ ngựa qua lạc đà đến voi, lên thuyền vượt đại dương không ngại sóng gió, bão táp, đến nơi là lăn xả vào cuộc chinh phục bất chấp hiểm nguy. Đó là những tay chơi thứ thiệt với hành lý là những cái rương chất đầy sâm banh!”. Trong cuốn sách bán chạy Voyage en Champagne (Du hành miền Champagne), nhà báo tài ba Jean-Paul Kaufman (Pháp) gọi các tay giang hồ ấy là những “grands cinglés” – những kẻ điên rồ vĩ đại!
GÃ GIANG HỒ CHINH PHỤC MỸ QUỐC
Trong lịch sử Champagne có khá nhiều những tay giang hồ như thế và họ đều thành công lớn. Nhiều tay tiếp theo nhau chinh phục thị trường Nga, thu phục được sự ưu ái của sa hoàng (trong đó có cả Bà góa Clicquot và ông Charles-Henri Heidsieck, nhà Louis Roederer…); thị trường Anh, chiếm được trái tim của những hoàng đế và nữ hoàng… Nhưng chỉ có một tay liều lĩnh vượt Đại Tây Dương để chinh phục thị trường Mỹ!
Vào thời nửa sau của thế kỷ 19, hành trình từ Pháp, Đức hay Hà Lan bằng thuyền buồm qua Bờ Đông Mỹ kéo dài trung bình sáu tuần, không may gặp thời ngược gió, sóng cuộn lồng lộn thì có khi hành trình lê thê đến 12, 14 tuần. Vậy mà vào năm 1852, anh chàng Charles-Camille Heidsieck, mới 30 tuổi, không ngại lên thuyền du hành Mỹ, tìm đến New York. Dĩ nhiên anh mang theo rất nhiều chai Champagne làm ra từ chính lò vang do anh lập ra trước đó một năm. Tại New York, anh nhanh chóng bắt tay hợp tác với một thương nhân Mỹ đảm nhận vai trò đại lý phân phối, tiêu thụ sản phẩm, phần anh đảm nhận nhiệm vụ “đại sứ” quảng bá. Có thể nói anh là doanh nhân Pháp tiên phong làm công việc mà nay chúng ta thường nhắc đến là “tiếp thị”. Và anh tỏ ra rất xuất sắc trong vai trò này.
Tướng tá bảnh trai, lại sẵn có tài tán chuyện thu hút người đối diện nên chẳng lâu sau khi đặt chân đến đất Mỹ, anh ta đã trở thành nhân vật ngôi sao, được giới có chức có quyền và có của ở thành phố New York đang phát triển giàu có này yêu mến. Và họ thi nhau mời anh ta đến nhà ăn tiệc, sâm banh của anh ta khui liên tục, dâng trào, tuồn chảy ào ào. Giới khá giả ở Bờ Đông Mỹ quốc biết thưởng thức Champagne là nhờ anh ta. Người Mỹ gọi anh bằng cái tên thân mật Champagne Charlie. Còn tại thành phố New Orleans đậm dấu ấn văn hóa Pháp, anh là vua không ngai, mỗi năm tiêu thụ tại đây hàng ngàn chai. Trong một bức thư gửi về cho vợ Amélie, anh ta kể rằng cư dân New Orleans, “đón tiếp anh thật nồng ấm, họ biết tiếp khách, hào phóng và rất sành ăn và uống!”. Có tài liệu ghi rằng vào thời điểm 1857, Champagne Charlie tiêu thụ ở Mỹ gần 300,000 chai!
SUÝT TOI NƠI ĐẤT MỸ
Đời đang lên hương, sâm banh đang bán chạy, khách hàng đang gia tăng và cả đống tiền khách mua chưa thanh toán xong thì Nội chiến Bắc-Nam nổ ra vào năm 1860. Không may là có nhiều đại lý phân phối sâm banh của nhà Heidsieck lại ở miền Nam nên chàng Charles Heidsieck phải lên thuyền buồm thả trôi về Nam, tìm họ đòi nợ. Một đại lý đồng ý thanh toán bằng cách giao cho Charles cả một nhà kho chất đầy các kiện bông gòn tại thành phố Mobile, tiểu bang Alabama. Khi ấy, do bị Bắc quân phong tỏa, giao thương liên Đại Tây Dương bị gián đoạn, bông gòn là mặt hàng nóng, giá cao tại châu Âu. Charles đồng ý và chất bông gòn lên hai chiếc thuyến, mỗi chiếc đi một hướng nhưng đều trực chỉ cảng bên Pháp. Không may, cả hai chiếc thuyền đều bị Bắc quân phát hiện, bắn chìm.
Sạt nghiệp, tay giang hồ từng làm giàu trên đất Mỹ đành phải ra đi, nhưng đường về nhà không yên bình. Mang theo mình một cặp nhỏ đựng nhiều hồ sơ của sứ quán Pháp tại Mobile gửi đồng nghiệp tại New Orleans, anh ta định sẽ từ cảng này đi thuyền xuống Mexico hoặc Cuba rồi trở về Pháp. Nhưng lính Bắc quân chặn bắt anh, tướng Benjamin F. ‘Beast’ Butler kết tội anh làm điệp báo cho Nam quân, nhốt vào tù ở Fort Jackson, chờ đến ngày lôi ra đứng trước đội hành quyết.
Từ Paris, Bộ Ngoại giao Pháp ra sức phản đối sự quy kết công dân Charles Heidsieck làm điệp viên và rồi đích thân Hoàng đế Napoléon III phải ra tay, viết thư cho phía Bắc quân, tức chính quyền của Tổng thống Abraham Lincoln. Mãi đến Tháng Mười Một 1862, Charles Heidsieck mới được trả tự do, bị đại lý “chơi tình vờ”, không còn tiền, sức khỏe suy yếu, anh trở về Pháp, sa sút tinh thần.
CÚ HỒI PHỤC DENVER
Mấy tháng sau đó, một nhà truyền giáo người Mỹ gõ cửa nhà anh tại Reims, thủ phủ vùng Champagne với một gói giấy để giao cho anh. Thì ra người em trai của ông đại lý Mỹ từng quỵt tiền bán Champagne cảm thấy nhục với hành động của ông anh và quyết định đền bồi thiệt hại cho Charles. Trong gói giấy ấy là những chứng từ chủ quyền nhiều lô đất ở tiểu bang Colorado. Lúc đầu, Charles không màng để ý đến nhưng rồi vài năm sau đó, chính các chứng từ ấy đã giúp anh có được cú hồi phục ngoạn mục.
Nào có ít ỏi gì, cộng chung giá trị của những tờ giấy có dấu chứng rõ ràng ấy thì chàng lãng tử Charles Heidsieck trở thành đại gia bất động sản, làm chủ đến 1/3 tổng diện tích Denver, thành phố phát triển sầm uất ở Colorado – chính ông Cyril Brun, chef de caves (nghệ nhân chính sản xuất sâm banh) hiện nay của nhà Charles Heidsieck cho biết. Bán các miếng đất, anh ta có món tiền lớn để gầy dựng lại nhà Charles Heidsieck Champagne, dần biến nó thành một nhà sản xuất Champagne rất có uy tín với sản lượng hàng năm ăn đứt sản lượng của nhiều nhà sâm banh lớn khác thời ấy.
Khi chàng doanh nhân Pháp giang hồ đất Mỹ qua đời ngày 3 Tháng Mười Hai 1893 (70 tuổi) thì Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của Charles Heidsieck mãi cho đến năm 1920 khi nổ ra Prohibition (thời kỳ cấm sản xuất, kinh doanh rượu). Nhà Champagne Charles Heidsieck bị ảnh hưởng nặng, suy yếu suốt một thời gian dài sau đó, nhưng rồi cũng đã hồi phục và tái phát triển tốt trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21. Đó lại là đề tài của một chuyện kể khác.
Bài và ảnh: P. Nguyễn Dũng
___________CHAMPAGNE CHARLIE
*Năm 2022 đánh dấu 200 năm “tay giang hồ” chuyên ngành Champagne là Charles-Camille Heidsieck ra đời (sinh ngày 17 Tháng Sáu 1822; qua đời 1893).
*Trong khi các nhà sản xuất Champagne khác lo chăm chút chọn lọc vườn nho, giống nho… thì Charles Heidsieck chú tâm đạt thỏa thuận với những nhà nông trồng nho có tay nghề sừng sỏ nhất toàn vùng Champagne, chọn ra những thùng vang hoàn hảo của rất nhiều làng trong vùng này. Vì biệt tài của ông là “pha trộn” (assemblage) và tạo ra những chai vang sủi hoàn hảo, mỗi dòng có thể là “chất lỏng thơm ngon” của gần đến 60 vườn nho và mỗi dòng lại được ấp ủ trong hầm đá vôi sâu dưới lòng đất theo những khoảng thời gian dài, ngắn khác nhau, nhưng luôn dài hơn thời ngủ yên trung bình của đại đa số các dòng Champagne khác.
*Mới 30 tuổi, Charles Heidsieck thân chinh mang sản phẩm của mình sang giới thiệu cho giới thượng lưu ở các thành phố Bờ Đông, nước Mỹ. Thành công vang dội. Giới sành điệu ở Mỹ gọi ông là “Champagne Charlie”,
*Kỷ niệm 200 năm Charles Heidsieck chào đời, sau 37 năm vắng bóng, dòng Champagne mang tên lừng danh Mỹ quốc năm nào, “Champagne Charlie” lại xuất hiện. Với đặc điểm “cellared 2017 (mis en caves, bắt đầu ủ trong hầm) bao gồm khoảng 80% vang dự trữ được cất giữ suốt thời gian dài, có chai lên đến 25 năm và 20% vang niên vụ 2016 (trong đó có 48% là Pinot Noir và 52% là Chardonnay)!
*Trước đây chỉ có các chai Champagne Charlie 1979; 1981; 1982, 1983 và 1985.
*Champagne Charlie 2017 được chào bán trước nhất tại thành phố New York, nơi mà ông tổ Charles Heidsieck đã từng bán ra hàng ngàn chai vào những năm 1852.