Tuesday, December 17, 2024

SANTA KURO: ÔNG GIÀ NOEL ĐẦU TIÊN Ở XỨ PHÙ TANG


Cách đây hơn 120 năm, người Nhật đã biết đến Ông già Noel qua câu chuyện cảm động giàu tính nhân văn giữa mùa đông lạnh giá.

Lễ Giáng sinh ở Nhật Bản thời xưa

Kitô giáo được truyền bá đến Nhật Bản vào thế kỉ 16, sứ mệnh này được nhà truyền giáo người Tây Ban Nha Francis Xavier (1506-1552) thực hiện năm 1549. Thánh lễ Giáng sinh đầu tiên ở Nhật Bản được cho là diễn ra tại Nhà thờ Yamaguchi vào năm 1552.

Nhà truyền giáo Francis Xavier đến Nhật Bản thực hiện sứ mệnh vào năm 1549. Ảnh: rekishinihon.com

Đến thế kỉ 17, vào khoảng năm 1614, người theo đạo Kitô đã bị đàn áp và sau đó tôn giáo này đã bị cấm ở xứ Phù Tang. Vì vậy, các tín đồ theo đạo không thể công khai tổ chức lễ Giáng sinh mà phải tiến hành trong bí mật.

Kitô giáo bị đàn áp ở Nhật Bản vào đầu thế kỉ 17. Ảnh: rekishinihon.com

Mãi đến thời Minh Trị, khi nước Nhật mở cửa với phương Tây, quyền tự do tôn giáo mới được cho phép. Khi này, tín đồ và những nghi lễ của đạo Kito đã được chấp nhận. Từ đầu thế kỉ 20, hình tượng Ông già Noel đã xuất hiện phổ biến trong đời sống tinh thần của người Nhật.

Câu chuyện về Santa Kuro

Lần đầu tiên người Nhật biết đến Ông già Noel là qua cuốn sách Santa Kuro do Shindo Nobuyoshi xuất bản năm 1900. Trong đó là câu chuyện về Santa Kuro lấy bối cảnh ở vùng Nagano với hình ảnh minh họa.

Câu chuyện mở đầu vào một đêm đông giá rét tuyết rơi đầy trời, tại nhà Hayashi ở vùng núi thuộc tỉnh Nagano. Gia đình Kitô giáo gồm ba người - cha mẹ và cậu con trai tám tuổi tên Mineichi đang ngồi quanh lò sưởi trò chuyện, cười đùa. Bỗng nhiên chú chó Buchi của gia đình từ đâu chạy đến thả một chiếc mũ xuống chân cậu bé Mineichi khiến cả nhà hết sức kinh ngạc.

Buchi sủa và lao ra ngoài trong đêm tối khi giông bão sắp nổi lên, người cha ngay lập tức đuổi theo. Mineichi cũng chạy theo cha mình, tò mò tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra.

Đi theo chú chó, họ tìm thấy một lữ khách bị mắc kẹt đang nằm bất tỉnh trong lớp tuyết dày. Hai cha con cùng nhau đưa người gặp nạn về nhà, sưởi ấm và cố gắng cứu lấy sinh mạng anh ta. Cuối cùng, người khách lạ cũng tỉnh lại.

Anh là Iguchi Gohei, một người nông dân 50 tuổi đến từ ngôi làng xa xôi trên núi. Sau khi vui mừng khôn xiết vì sự hồi phục kỳ diệu của người đàn ông, gia đình Hayashi bắt đầu chia sẻ niềm tin tôn giáo của họ với người bạn mới.

Gohei, một tín đồ của đạo Shinto bản địa (Thần đạo), sửng sốt trước những gì anh nghe được. Sau ba ngày dưỡng bệnh, anh cảm tạ những người cứu mình và trở về nhà.

Ông già Noel xuất hiện ở bìa trong của cuốn sách "Santa Kuro". Ảnh: Nippon

Đông qua xuân đến, cuộc sống của nhà Hayashi vẫn diễn ra bình yên, cha cày ruộng, mẹ nuôi tằm dệt vải, con chăm chỉ cắp sách đến trường. Tuy nhiên biến cố đã ập đến khi người cha đột nhiên đổ bệnh, dù được chữa trị nhưng tình trạng của ông ngày một trở nặng. May thay, sau một thời gian dài chạy chữa, vào mùa thu, người cha cuối cùng cũng hồi phục.

Nhưng khó khăn vẫn còn với gia đình Hayashi khi cánh đồng nhà họ không có ai cày cuốc, trồng trọt trong thời gian qua, như vậy cả nhà sẽ không có tiền cũng như đồ ăn tích trữ cho mùa đông sắp tới.

Đêm Giáng sinh, cậu bé Mineichi thấu hiểu hoàn cảnh gia đình nên chẳng đòi hỏi gì nhưng vẫn cảm thấy chạnh lòng vì không có món quà nào.

Thế nhưng điều kỳ diệu đã xuất hiện. Vào đêm Giáng sinh, người lữ khách tên Gohei mà nhà Hayashi cứu giúp năm nào đã bí mật đến thăm gia đình họ. Anh mang theo ba túi quà và hai kiện gạo lớn, chúng được khuân vác bởi những thanh niên lực lưỡng trong làng. Trong số những món quà được mang đến có quần áo, sách vở và cả tiền bạc.

Tỉnh dậy vào lúc rạng sáng, Mineichi ngạc nhiên và vui mừng khôn xiết khi thấy giường mình được bao quanh bởi những món quà. Trong sự phấn khích, Mineichi đánh thức cha mẹ và đọc cho họ nghe tấm thiệp được đính kèm những túi quà:

"Ta tặng con những món quà này vì con đã tuân theo lời dạy của Chúa và giúp cha mình cứu mạng người lữ hành đó. Giỏi lắm, cậu bé! - Ông già đến từ phương bắc, Santa Kuro (三太九郎)"

Câu chuyện khép lại với cảnh Mineichi vui mừng khoe quà mà cậu được Santa Kuro tặng với bạn bè. Sau đó tiếng chuông nhà thờ trong làng vang lên hòa cùng tiếng hát thánh ca, mọi người cùng nhau reo hò, "Hoan hô Giáng sinh, hoan hô trường Chúa Nhật và hoan hô Ông già Noel!".

Ông già Noel ở thế kỷ 20

Từ khi cuốn sách Santa Kuro được xuất bản và trở nên phổ biến, người dân Nhật Bản dần chú ý và quen với hình tượng Ông già Noel. Sau đó, rất nhiều tác phẩm về Santa Kuro lần lượt được sáng tác và xuất bản, chiếm lĩnh thị trường văn học nghệ thuật tại xứ hoa anh đào.

Thập niên 1910, Ông già Noel trở thành một nhân vật được biết đến rộng rãi. Vào năm 1912, người tiên phong trong thiết kế đồ họa hiện đại của Nhật Bản là ông Hisui Sugiura (1876-1965) đã phác họa một Ông già Noel theo phong cách Đông Tây kết hợp trên tạp chí Mitsukoshi.

Đến năm 1914, tác phẩm Kodomo No Tomo (tạm dịch: Người bạn của trẻ em) phát hành giới thiệu về Ông già Noel với diện mạo gần với hình tượng trong văn hóa châu Âu - trang phục đỏ trắng, thân hình mũm mĩm phúc hậu; cùng câu chuyện về chuyến đi khắp thế giới phát quà cho những đứa trẻ ngoan vào đêm Giáng Sinh của ông.

Hình tượng ông già Noel trong trang phục đỏ trắng dần trở nên phổ biến tại Nhật Bản. Ảnh: reactormag.com

Ngày nay, mặc dù Giáng Sinh không phải ngày lễ quốc gia nhưng ở Nhật Bản vào dịp lễ cuối năm này, không khí vẫn rất tưng bừng, khắp nơi đều được trang hoàng rực rỡ và mọi người đều hưởng ứng nhiệt tình.

Đường phố Tokyo ngập tràn ánh sáng vào dịp lễ Noel. Ảnh: Time Out

Giáng sinh ở Nhật Bản không mang nhiều màu sắc tôn giáo mà là dịp đặc biệt để các cặp đôi hẹn hò, thể hiện tình cảm.

Theo: kilala

No comments: