Saturday, December 7, 2024

HOÀN CẢNH SÁNG TÁC "XIN CÒN GỌI TÊN NHAU" (NHẠC SĨ TRƯỜNG SA)

Âm nhạc Việt có những cặp đôi nhạc sĩ – ca sĩ đã trở thành tri giao tri kỷ. Họ cùng nhau thăng hoa trong âm nhạc, cùng nhau ghi tạc tên tuổi mình trong lòng khán giả. Khi nhắc đến nhạc sĩ Trường Sa, không thể không nhắc đến nữ danh ca Lệ Thu. 


Bốn bản nhạc lãng mạn nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trường Sa sáng tác trước 1975 là Rồi Mai Tôi Đưa Em, Mùa Thu Trong Mưa, Xin Còn Gọi Tên Nhau và Mùa Thu Trong Mưa đều do danh ca Lệ Thu thể hiện đầu tiên và đi vào lòng người nghe suốt nửa thế kỷ. Nói về mối thâm tình của mình với ca sĩ Lệ Thu, nhạc sĩ Trường Sa từng chia sẻ:

“Chúng tôi quen biết nhau từ bài Mùa Thu Trong Mưa. Sau khi bài được thâu dĩa với tiếng hát Lệ Thu, tôi đã bàng hoàng xúc động trước giọng ca này, và tôi đã ao ước sẽ tiếp tục viết cho giọng hát Lệ Thu. Tôi đã thực hiện điều ước này bằng ca khúc Xin Còn Gọi Tên Nhau, Rồi Mai Tôi Đưa Em… tiếp theo nữa là Sầu Muộn, Còn Mãi Xa Người, Một Mai Em Đi, Nụ Cười Tím, Như Hoa Rồi Tàn… Lệ Thu đã chắp cánh cho một số ca khúc của tôi bay xa đến tận hôm nay. Trong thâm tâm, tôi không bao giờ quên sự nhiệt tình của Lệ Thu và để đáp lại sự nhiệt tình đó, từ lâu tôi đã đồng ý cho Lệ Thu sử dụng bài nào cô ấy muốn mà không bị ràng buộc điều kiện nào. Tôi quý Lệ Thu bằng tấm chân tình nghệ sĩ thật chính đáng và trong sáng, trước sau như một…”

Nếu như ca khúc Rồi Mai Tôi Đưa Em được nhạc sĩ Trường Sa thai nghén rất lâu trong tận 2 năm thì với Xin Còn Gọi Tên Nhau, dòng cảm xúc bất chợt đổ xuống như thác lũ ngay khi nhạc sĩ đang cầm lái chiếc lambretta thời thượng trên đường phố Sài Gòn năm 1969. Nhạc sĩ Trường Sa đã phải dừng xe lại giữa phố để ghi vội những note nhạc đầu tiên của ca khúc vừa bất chợt ngân lên trong đầu. Sau đó, ông về nhà và hoàn thành nhạc phẩm chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng
Chiều đong đưa những bước chân đau mòn…


Chỉ với câu hát đầu tiên Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng, người nghe đã bị cuốn vào thế giới lãng du, bay bổng của những thanh âm, nhịp điệu mê hồn. Tiếng hát ấy chính là tiếng hát của nữ danh ca Lệ Thu vọng ra trên hàng phố khi trình diễn tại phòng trà Tự Do, nơi nhạc sĩ Trường Sa thường lui tới để nghe hát. Khi đó phòng trà nổi tiếng nằm ở góc đường Tự Do – Thái Lập Thành này không có cửa kính hãm thanh, nên âm thanh của phòng trà được tự do bay bổng ra hàng phố bên ngoài.

Với nữ danh sĩ Lệ Thu, đây là một ca khúc vô cùng đặc biệt bởi nhạc sĩ Trường Sa vì yêu giọng hát Lệ Thu viết thành ca khúc để tặng riêng cho nữ danh ca này:

Chợt nghe mùa thu bay trên trời không
Còn ai giữa mênh mông đời mình
Nỗi đau mù lấp trên tuổi thơ

Phố vẫn hoang vu từ lúc em đi
Rồi trong mưa gió biết ai vỗ về
Bàn tay nào đưa em trong lần vui
Bằng những tiếng chim non thì thầm
Cho ngày tháng ưu phiền em quên

Phòng trà Tự Do ở góc Tự Do – Thái Lập Thành

Đó là một buổi chiều cô quạnh, người nghệ sĩ lãng du lê những bước chân đau mòn lang thang trên hành trình vô định của mình, hành trình của một kẻ vừa trải qua một cơn “bão lòng” dữ dội. Buổi chiều ấy với tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng say lòng người ấy đã chẳng thể ve vuốt trái tim đau thương của kẻ lãng du mà ngược lại còn “đong đưa”, trêu đùa, đánh động cõi lòng sâu thẳm đã cố chôn sâu một mối tình vừa qua. Tiếng hát sang trọng, cao vút, trong veo trong vắt ấy của nữ danh ca Lệ Thu đã kéo tuột nỗi lòng xa xăm, sâu thẳm của chàng nghệ sĩ chìm trôi, lênh đênh vào một niềm nhớ mênh mông, da diết, bất tận.

Mùa thu, mùa của tình yêu “chợt… bay trên trời không”, chẳng thể nào nắm bắt, chẳng thể chạm vào hay cảm nhận, giống như tình yêu kia, cũng đã hoá thành gió cát bay đi tự bao giờ. Từng câu hát, từng chữ, chầm chậm ngân lên, rõ ràng, sắc cạnh như những tảng đá lạnh vô hình đè nặng lên tâm hồn người nghe.

Người nghệ sĩ thả mình vào những nốt nhạc kiều diễm và giọng hát vút bay của nữ danh ca, để mình ướt rượt trong những gió mưa vần vũ của thời gian và cuộc đời, mặc cho những kỷ niệm xưa cũ ập về, tràn lên khoé mắt, băng lạnh trái tim đau. Bởi người cũ hẳn là đã quên rồi, chỉ còn kẻ bị lãng quên vật vạ nơi đây, lang thang những bước chân đau mòn vô định, mò mẫm trong nỗi đau mù lấp và tự hỏi liệu có còn ai? Còn ai giữa mênh mông đời mình? Còn ai vỗ vễ trong mưa gió cuộc đời? Đó là sự cô độc, hoang lạnh, lạc lõng, chống chếnh, niềm mong nhớ đớn đau, mỏi mòn không gì có thể khoả lấp của người bị lãng quên, kẻ bị bỏ lại.

Câu hát Phố vẫn hoang vu từ lúc em đi… gợi cho khán giả yêu nhạc Trường Sa nhớ đến một lối phố gầy guộc và bước chân hoang vu trong ca khúc Rồi Mai Tôi Đưa Em, được nhạc sĩ sáng tác 2 năm trước khi bắt đầu viết Xin Còn Gọi Tên Nhau, và chuyện tình buồn trong cả 2 ca khúc này chính là một.

Tình trong cơn ngủ mê, rồi phai trên hàng mi
Chợt khi mình nhớ về
Mộng thành mây bay đi, còn gì trên đôi tay
Nên thầm hờn dỗi mình, cho tình càng thêm say…


Cuộc tình buồn nhưng thật đẹp, thật thơ. Những kỷ niệm xưa cũ lóng lánh, ngọt lịm, tươi mát như những giọt sương đầu ngày, trong trẻo hồn nhiên như trẻ thơ mà chàng trai cứ mãi nhâm nhi, đắm chìm trong cơn mộng mị, cuồng say trong nỗi nhớ, để rồi khi tỉnh ra lại giật mình thảng thốt nhận ra mộng thành mây bay đi tự bao giờ. Vậy nên mới thầm hờn dỗi mình và có lẽ cũng thầm hờn dỗi cả người cùng cuộc tình xưa, nên tình càng thêm say, chưa từng lãng quên, chưa từng buông bỏ.

Dòng cảm xúc đó cứ kéo dài kéo dài mãi, thành một chuỗi dài bất tận những cung bậc trầm bổng: hoài nhớ, đau thương, tiếc nuối, hờn dỗi,… rồi lại trân trọng, yêu thương như những kỷ niệm đẹp trong đời:

Tiếng hát ru em còn nuối trên môi
Lời nào gian dối cũng xin qua rồi
Để lỡ ngày sau khi ta cần nhau
Còn nuôi chút êm vui ngày đầu
Cho mình mãi kêu thầm tên nhau…

Bởi trong sâu thẳm trái tim mình, người nhạc sĩ vẫn thầm hy vọng lỡ ngày sau khi ta cần nhau. Cái sự “lỡ” đó chẳng phải đã từng xảy đến với nhiều đôi tình nhân đó sao? Và nếu đôi ta có “lỡ” yêu lại từ đầu thì vẫn còn “nuôi chút êm vui ngày đầu”, còn nuôi những kỷ niệm đẹp về nhau, chứ không chỉ là sầu bi, oán giận mù lấp tất cả.

Cho mình mãi gọi thầm tên nhau là một câu kết rất đặc biệt. Câu hát nhẹ nhàng đặt xuống một cánh hoa tình yêu thơm mát, thuỷ chung, gội rửa mọi đớn đau, ưu phiền, hờn dỗi. Bởi tình yêu khi đi qua suy cho cùng nên được khắc ghi ở những cung bậc yêu thương, ngọt ngào nhất chứ không phải khắc ghi những nỗi đau. Có như vậy, bản thân mỗi người mới có thể vững vàng trên những cung đường mới, có thể mỉm cười khi nhìn lại quá khứ.

Ca khúc đã hết, tiếng hát đã im bặt từ bao giờ, nhưng khối tình “chim non” thơ ngây, dịu dàng, vẫn sáng rỡ đâu đó, đọng lại mãi trong lòng người nghe.


Trong một dịp, danh ca Lệ Thu từng nói đại ý rằng Xin Còn Gọi Tên Nhau được nhạc sĩ Trường Sa sáng tác dựa trên cảm xúc có thật về một chuyện tình lỡ làng, mất mát đã trải qua. Đồng thời vào năm 2003, trên chương trình Paris By Night, chính nhạc sĩ Trường Sa cũng đã kể về mối tình vô vọng của ông với một cô gái trong bài hát Rồi Mai Tôi Đưa Em, nhưng đó là mối tình buộc phải chia xa, bởi vì nó xảy ra sau khi nhạc sĩ đã có gia đình. Như vậy, có thể sau khi ông đã “đưa em xa kỷ niệm” rồi, thì những nỗi đau, niềm nuối tiếc vẫn còn ở lại rất dai dẳng, nên ông viết tiếp Xin Còn Gọi Tên Nhau như một lời thầm nhắn nhủ gửi đến người tình xa:

Để lỡ ngày sau khi ta cần nhau
Còn nuôi chút êm vui ngày đầu
Cho mình mãi kêu thầm tên nhau…

Bài: Niệm Quân
Nguồn: nhacxua