Monday, December 9, 2024

Ý NGHĨA BÚT DANH CỦA NỮ VĂN SĨ QUỲNH DAO

Quỳnh Dao tên thật là Trần Triết, một nữ văn sĩ nổi tiếng. Ngoài bút danh Quỳnh Dao, bà còn bút danh khác là Tâm Như.

Nữ văn sĩ Quỳnh Dao 

Nhiều người thắc mắc không biết bút danh Quỳnh Dao nghĩa là gì. Có người cho rằng "quỳnh dao" là trò chơi hình xúc xắc; người khác lại giải thích đó là hoa quỳnh đẹp. Thật ra, không phải vậy.

Tâm Như (心 如) là bút danh đầu tiên của Trần Triết (陳喆) khi bà viết tiểu thuyết Vân ảnh vào năm 1955, song độc giả châu Á hầu như chỉ biết bút danh Quỳnh Dao của bà khởi đầu từ tiểu thuyết Song ngoại, xuất bản năm 1963.

Bà Trần Triết lấy bút danh "Quỳnh Dao" là dựa vào hai câu thơ từ bài Mộc Qua trong phần Vệ Phong của Thi kinh - một tổng tập thi ca khuyết danh của Trung Quốc, sáng tác từ đầu thời Tây Chu (khoảng TK 11 – 771 TCN) đến giữa thời Xuân Thu (770 – 476 TCN).

Nữ văn sĩ Quỳnh Dao (trái) và người thân

Quỳnh Dao: một loại ngọc đẹp, quý giá, tinh tế và thuần khiết

Bài Mộc qua tương truyền là do Khổng Tử sáng tác, trong đó có hai câu thơ:

Đầu ngã dĩ mộc đào, báo chi dĩ quỳnh dao (投我以木桃,報之以瓊瑤), nghĩa là "người ném tặng ta trái mộc đào, ta đáp lại bằng loại ngọc đẹp".

Mộc đào (木桃) tên đầy đủ là Mộc qua hải đường, tên khoa học là Chaenomeles cathayensis. Đây là loài cây bụi rụng lá hoặc cây nhỏ thuộc chi Chaenomeles, họ Rosaceae. Mộc qua hải đường phân bố ở Thiểm Tây, Cam Túc, Giang Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam, Tứ Xuyên và những nơi khác ở Trung Quốc.

Cành của loài cây này có gai ngắn; lá hình elip, hình mác; trái hình trứng hoặc gần giống hình trụ; thời kỳ ra hoa từ tháng 3 đến tháng 5.

Chaenomeles cathayensis

Nhà thơ Lục Du (1125- 1210) từng ca ngợi mộc đào qua câu: "bích kê hải đường thiên hạ tuyệt" (gà xanh và hải đường đẹp nhất thiên hạ). Cây mộc đào thường được trồng thành cụm, dùng để trang trí sân vườn vì có cành rất độc đáo; trái được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc.

Quỳnh dao (瓊瑤) là từ ghép, gồm hai phần:

Quỳnh (瓊) là ký tự xuất hiện lần đầu trong Thuyết văn với nghĩa là "ngọc đỏ", về sau được định nghĩa: "quỳnh, ngọc sắc mỹ dã" (quỳnh, màu ngọc đẹp) - Chính tự thông. Ngọc bộ rồi mở rộng, dùng để chỉ vẻ đẹp của ngọc.

Dao (瑤) có ý nghĩa ban đầu là ngọc đẹp. Từ này còn được dùng để mô tả những điều đẹp đẽ hay một lời khen ngợi. Dao cũng có nghĩa là làm bằng ngọc hoặc dát ngọc, ví dụ như từ ghép "dao cầm" (đàn ngọc) trong bài Đề Bá Nha cổ cầm đồ của Nguyễn Trãi: "Độc bão dao cầm đối nguyệt đàn" (Một mình ôm đàn ngọc gảy trước vầng trăng).

Như vậy, ý nghĩa của bút danh "Quỳnh Dao" là nói về một loại ngọc đẹp, quý giá, một sản phẩm tinh tế và thuần khiết.

Bà Trần Triết lấy bút danh "Quỳnh Dao" là dựa vào hai câu thơ từ bài Mộc Qua trong phần Vệ Phong của Thi kinh. Ảnh: FBNV

Ngày nay, hai câu thơ Đầu ngã dĩ mộc đào, báo chi dĩ quỳnh dao đã trở thành thành ngữ ở Trung Quốc; ý nghĩa "người ném tặng ta trái mộc đào, ta đáp lại bằng loại ngọc đẹp", nói về sự có qua có lại, sự đền đáp lợi ích cho người khác gấp mười, gấp trăm lần, biểu thị cho tình bạn vĩnh cửu (theo Đại Từ Hải, Hán ngữ đại từ điển).

Vương Trung Hiếu / Theo: TNO