Friday, December 13, 2024

THĂM NÚI BAO THIỀN: THAM VỌNG CỦA TỂ TƯỚNG VƯƠNG AN THẠCH

Vương An Thạch (王安石) – tể tướng của triều đại Bắc Tống (960–1127 sau Công Nguyên) – là một nhà văn, nhà chính trị lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc. Khi còn đương chức, ông đã đưa ra các cải cách tiến bộ để giúp vua Tống khắc phục những khủng hoảng về quân sự, kinh tế, chính trị và xã hội trong nước. Tuy nhiên Tân Pháp của ông lại gây ra sự chia rẽ hơn là cải thiện. Bài ký sự “Du ngoạn núi Bao Thiền” là một ẩn dụ sâu sắc của ông về quyết tâm thúc đẩy các cải cách nhưng không được ủng hộ.

(Ảnh minh họa: wabbit photo/ Shutterstock)

Núi Bao Thiền (褒禪山) là một danh lam thắng cảnh nằm tại tỉnh An Huy miền đông Trung Quốc, cũng có người gọi là “Núi Thiền” vì sự liên kết của nó với Phật giáo. Trên núi Bao Thiền là động Hoa Dương nổi tiếng, được biết đến không chỉ vì những khối đá ngầm phức tạp mà còn là nơi lưu lại một câu chuyện được viết bởi tể tướng Vương An Thạch.

Nội dung bài ký sự như sau: Một nhóm năm người đàn ông đến du ngoạn động Hoa Dương. Những cảnh quan bên trong hang động rất xứng đáng để khám phá, càng đi sâu hơn thì khung cảnh càng trở nên kỳ diệu hơn. Tuy nhiên, mặc dù nhiều du khách đã ghé thăm động và để lại tên trên vách, nhưng chỉ một số ít người dũng cảm dám mạo hiểm để khám phá những cảnh đẹp tự nhiên ẩn giấu sâu trong lòng động Hoa Dương tối tăm, lạnh lẽo.

Bài ký sự viết rằng năm người đàn ông đều mang theo những ngọn đuốc đủ cho cuộc hành trình khó khăn: “Khi ta mạo hiểm đi sâu hơn, hành trình trở nên khó khăn hơn, nhưng những cảnh tượng ta chứng kiến ​​ngày càng phi thường hơn”.

Nhưng khi chưa đi được đến 1/10 quãng đường mà “những người thích mạo hiểm có thể thử”, một trong số họ trở nên lo lắng: “Nếu chúng ta không quay lại sớm, đuốc sẽ tắt mất,” anh ta nói, mệt mỏi vì phải tiếp tục.

Vì vậy, cả nhóm không còn cách nào khác là phải quay lại. Vài người bày tỏ sự thất vọng với người đòi quay trở ra – người đã làm hỏng cuộc hành trình.

Vương than thở: “Nhìn vào hai bên vách động, đã có rất ít người đến đây để lại tên. Càng đi sâu hơn thì càng ít người mạo hiểm hơn. Khi quyết định quay trở ra, ta vẫn còn rất nhiều sức lực và những ngọn đuốc vẫn có thể chiếu sáng. Sau khi ra khỏi động, một số người phàn nàn về người đã khuyên rời đi, và ta cũng rất hối hận khi quay lại cùng người đó vì không thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui khám phá hang động.”

Tâm huyết của Vương An Thạch

Bài ký sự của Vương An Thạch rất đơn giản và khá ngắn giống như nhiều tác phẩm cổ điển nổi tiếng của Trung Quốc. Nhưng nó trực tiếp đề cập đến những vấn đề mà ông và hoàng đế Tống Thái Tổ phải đối mặt trong việc cai trị đất nước, và nó cũng phản ánh thái độ của ông đối với những vấn đề đó.

Chân dung Vương An Thạch. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Theo giới sử học, nhà Tống nổi tiếng với nền chính trị khoan dung và tương đối cởi mở. Hoàng đế lập quốc Tống Thái Tổ, tên thật là Triệu Khuông Dận (Zhao Kuangyin), mặc dù là một vị tướng lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính quân sự, nhưng đã nhìn thấy tầm quan trọng của nền hành chính dân sự. Ông cấm tất cả những người kế vị của mình xử tử các học giả, ngay cả khi họ phản đối nhà vua.

Kết quả là nhiều nhân vật nổi tiếng về chính trị và triết học Trung Quốc đã xuất hiện vào thời nhà Tống, một triều đại nhìn chung có sự quản lý chặt chẽ, thịnh vượng về kinh tế, tiến bộ về công nghệ và thậm chí có cả khả năng phòng thủ mạnh mẽ mặc dù không tập trung quá nhiều vào phát triển quân sự hoặc mở rộng lãnh thổ.

Vào cuối những năm 1000, khi Vương An Thạch còn tại chức, ông nhận thấy thời thịnh thế của nhà Tống không đảm bảo sẽ kéo dài mãi mãi. Ông từng viết: “Chúng ta không thể luôn phụ thuộc vào những đặc ân mà Thiên thượng ban tặng cho chúng ta”.

Là một người tài giỏi, ông coi tương lai của nhà Tống là sứ mệnh của đời mình, tể tướng Vương đã thuyết phục hoàng đế rằng ông có những biện pháp cần thiết để tạo ra tương lai đó.

Khi viết trong “Du ngoạn núi Bao Thiền”, Vương nhấn mạnh sự cần thiết phải đi đến cùng để đạt được kết quả huy hoàng nhất: “Người xưa khi quan sát trời đất, núi sông, cây cỏ, côn trùng, cá chim và động vật đã có thể có được những hiểu biết tổng quát về các nguyên tắc tự nhiên. Đó là do họ đã tìm tòi, suy ngẫm về các vấn đề 1 cách sâu rộng,” và “những cảnh quan hùng vĩ, tráng lệ, độc đáo và phi thường trên thế giới thường nằm ở những nơi xa xôi hiểm trở hiếm khi được con người ghé thăm.”

Tính tất yếu của cải cách

Vương An Thạch là một thiên tài, đã vượt qua kỳ thi tiến sĩ nghiêm ngặt ở tuổi 21 và được bổ dụng làm trợ lý cho quan đứng đầu thủ phủ tỉnh Dương Châu cùng năm. Ông là người cùng thời với nhiều vĩ nhân như nhà sử học lừng danh – Thừa tướng Tư Mã Quang, nhà thơ lỗi lạc Tô Thức (Tô Đông Pha), nhà thư pháp và nhà văn Âu Dương Tu, cũng như triết gia Trình Hạo – một đại diện quan trọng của cách giải thích mới về Nho giáo và triết học xã hội.

Trước khi đến kinh thành, Vương làm quan ở các địa phương, nơi ông hết lòng tranh thủ thời gian để đưa ra luật lệ và biện pháp giúp đỡ dân thường.

Tại Ninh Ba, một cộng đồng ven biển, ông đã cung cấp cho nông dân nghèo các khoản vay từ triều đình với lãi suất thấp để họ có thể mua hạt giống vào mùa xuân để gieo trồng thay vì phải vay mượn những người giàu có với lãi suất quá cao. Vào mùa thu, nông dân có thể trả các khoản vay theo lãi suất của triều đình và nền kinh tế địa phương đã phát triển mạnh mẽ. Ông cũng đầu tư vào các công trình thủy lợi công cộng và thu được lợi nhuận ở quy mô lớn hơn.

Vào những năm 1060, ông được mời đến kinh thành Khai Phong và nhận được sự sủng ái của thái tử Triệu Húc. Năm 1068, thái tử trở thành hoàng đế, lấy hiệu là Tống Thần Tông. Năm tiếp theo, Hoàng đế phong Vương An Thạch làm tể tướng và cho ông quyền tự do làm điều ông mong muốn nhất: Đảm bảo phúc lợi cho người dân và đảm bảo sự trị vì lâu dài của nhà Tống.

Với hiểu biết sâu sắc các nguyên tắc kinh tế tài chính vĩ mô, Vương ngay lập tức bắt tay vào khắc phục những gì ông cho là gây hao tổn cho đất nước và nhân dân. Ví dụ, ông đã đề ra Phép bảo giáp: Lấy dân làm lính. Chia ra 10 nhà làm một bảo, 500 nhà làm một đô bảo. Mỗi bảo có đặt hai người chánh phó để dạy dân luyện tập võ nghệ. Như vậy vẫn đảm bảo duy trì lực lượng quân đội ổn định, vững mạnh nhưng không gây ảnh hưởng quá mức đến cuộc sống của người dân – những người sẽ được gọi đi lính khi cần thiết.

Ngoài ra, ông còn thúc đẩy các chính sách mà ông đã thực hiện rất tốt ở Ninh Ba với mong muốn người dân nghèo có thể vay vốn của triều đình để mua hạt giống, đất đai hoặc bất cứ thứ gì khác mà họ cần để kiếm sống và kịp thời trả lãi cho ngân khố.

“Tân Pháp” (新法) hay “Hi Ninh Biến Pháp” (熙寧變法) gần như chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc. Và nhà Tống sẽ đạt được những thành tựu kinh tế, văn hóa, chính trị cần thiết nếu thành công.

Nhưng ông đã sớm nhận ra rằng không phải mọi thứ đều có thể được thực hiện chính xác theo kế hoạch của ông.

Những bất đồng về Tân Pháp

Tân Pháp của Vương An Thạch đã bị gièm pha ngay từ đầu. Ngoài những địa chủ giàu có mà lợi ích của họ bị ảnh hưởng bởi những cải cách, hầu như tất cả quan chức triều đình, cũng như Thái hậu – đều nghi ngờ về những cải cách mạnh mẽ mà ông đề xuất. Một số thậm chí còn trực tiếp lập luận rằng không nên liều lĩnh trao quyền sở hữu đất đai cho nông dân vì nó sẽ làm đảo lộn hệ thống phân cấp xã hội truyền thống.

Hoàng đế và tể tướng Vương đã chuẩn bị cho sự bất đồng chính kiến này và họ vẫn tiếp tục thực hiện cải cách.

Hiện nay vẫn có nhiều quan điểm trái chiều về Vương An Thạch, nhưng đánh giá trung dung thừa nhận rằng cần có những cải cách của ông nhưng vấn đề nằm ở việc thực hiện.

Trước Vương An Thạch cũng có những người cố gắng cải tổ chính quyền triều đình nhà Tống. Dưới thời trị vì của Hoàng đế Nhân Tông (1022–1063), chính khách, văn nhân Phạm Trọng Yên (范仲淹) đã lập ra một chương trình 10 điều cần cải cách.

Nhưng trong khi Phạm Trọng Yên chủ trương trước hết cần bồi dưỡng và bổ nhiệm những người có đạo đức và năng lực để thực hiện nhiệm vụ, thì không có đề xuất nào của Vương An Thạch liên quan đến việc cân nhắc tư cách đạo đức và hầu như không có yếu tố con người – thay vào đó ông chỉ quan tâm đến các vấn đề kinh tế xã hội.

Và khi sự phản đối của phe bảo thủ đối với Tân Pháp ngày càng gia tăng thì Vương An Thạch đã thu mình vào một nhóm những người vâng lời, gọi là “Tân Đảng”, nhiều người trong số họ dường như đã thuận theo ông vô điều kiện.

Vương An Thạch phải đối mặt với sự phản đối từ các quan chức bảo thủ trong triều đình nhà Tống. Sự bất đồng dẫn đến việc thành lập Tân Đảng và Cựu Đảng.

Con đường chính trị của Vương An Thạch đã có những tác động đáng buồn đến các mối quan hệ cá nhân của ông. Là một học giả và quan chức của triều đình, Vương An Thạch sống gần đại thần và nhà sử học Tư Mã Quang (司馬光), hai người đã từng là những người bạn gắn bó keo sơn khi mới bắt đầu sự nghiệp.

Tuy nhiên, Tư Mã Quang, một người có tính cách bảo thủ, không thể thấy bất kỳ điều tốt đẹp nào trong Hi Ninh Biến Pháp, và Vương An Thạch cũng không có khả năng hay tài ăn nói khéo léo để đạt được bất kỳ sự thỏa hiệp nào với đồng sự của mình.

Trong ba bức thư gửi cho Vương An Thạch, Tư Mã chỉ trích tính cách quá bướng bỉnh, đòi hỏi thay đổi ngay lập tức và chỉ lấy tiền bạc là cốt lõi trong các chính sách của ông.

Câu trả lời của Vương An Thạch rất đơn giản: Tất cả những gì ông làm là vì lợi ích của hoàng đế, và ông sẽ theo đuổi mục tiêu của mình bất kể có thể thành công hay không. Hơn nữa, ông viết cộc lốc, bất cứ ai cản đường ông, đặc biệt là các học giả bảo thủ dành cả ngày cho các triết lý trống rỗng, đều phải bị cách chức và trục xuất.

Quyết tâm của Vương An Thạch đã khiến ông được biết đến với cái gọi là “ba ‘không cần’:

Ông tuyên bố: “Không cần phải sợ những biến đổi của thiên thượng”, để đáp lại niềm tin truyền thống của Trung Quốc rằng con người phải thuận theo Đạo và tuân theo tự nhiên; “Không cần phải tuân theo những phong tục do tổ tiên truyền lại” và cuối cùng là “Không cần phải để ý đến những lời chỉ trích của người khác”.

Thái độ này cùng với sự hậu thuẫn từ hoàng đế đã cho phép Vương An Thạch đi theo con đường của mình. Nhưng việc ông không đạt được sự ủng hộ nào từ các đại thần và học giả có ảnh hưởng khác cùng thời đã dẫn đến sự thất bại của các cải cách và chấm dứt sự nghiệp của ông.

Sự thất bại của Tân Pháp

Không phải mọi thứ đều là lỗi của Vương An Thạch. Phần lớn những lời chỉ trích chống lại ông không phải xuất phát từ mối quan tâm thực sự đến sự tồn tại lâu dài của nhà Tống, mà đơn giản là vì không thích cá nhân ông cũng như những lợi ích của giới thượng lưu bị ảnh hưởng.

Khổng Tử từng nói: “Người quân tử hòa hợp mà không cấu kết bè phái.” Tuy nhiên, trong triều đình nhà Tống, phe đối lập với Tân Đảng do Vương An Thạch lãnh đạo lại là Cựu Đảng do Tư Mã Quang đứng đầu.

Tư Mã Quang, một quan chức triều đình nhà Tống và là tác giả của cuốn sách lịch sử nổi tiếng 資治通鑑 (Tấm gương toàn diện hỗ trợ cai trị). (Ảnh: Annonymous/ Wikimedia Commons)

Không thể và không quan tâm đến việc giải quyết những chia rẽ ngày càng gia tăng, Vương An Thạch tìm kiếm sự bầu bạn của những người chắc chắn tuân theo mệnh lệnh của ông.

Vì các chính sách của Vương An Thạch đòi hỏi phải có một đội ngũ quan chức đông đảo để thực hiện nên những kẻ cơ hội đã đổ xô về phe của ông. Những nhân vật như Chương Đôn và Sái Kinh – được ghi tên trong lịch sử là những kẻ phản bội nổi tiếng, đã hết lời ca ngợi và ủng hộ Tân Pháp.

Ngoài kinh thành, trên khắp đất nước, các chính sách có mục đích tốt của Vương An Thạch, giống như một dự án kinh doanh được lên kế hoạch tồi, thường đi theo hướng hoàn toàn khác với những gì ông dự định.

Ví dụ, tại các địa phương, các quan lại đã sử dụng mánh khóe để tư lợi. Thay vì cho những người thực sự cần vay tiền thì họ lại ép buộc những người giàu có phải vay tiền. Làm như vậy có thể đảm bảo rằng các khoản vay và lãi suất sẽ được thanh toán để họ đạt được những thành tựu chính trị không có thật và giành được sự ưu ái của các quan chức cấp cao hơn.

Nhìn chung, Tân Pháp tập trung quá nhiều vào việc tăng thu ngân sách nhà nước, vô tình làm căng thẳng triều đình và khiến các quan chức phải đấu tranh kinh tế với dân thường.

Một số chính sách khác của Vương An Thạch, chẳng hạn như cải cách quân đội và giảm bớt nghĩa vụ quân sự, thực sự đã phát huy tác dụng như dự định, nhưng cần thời gian để thấy được kết quả đối với triều đình hoặc người dân.

Hoàng đế Tống Thần Tông của nhà Tống đã chấp nhận ý tưởng của Vương An Thạch và trao quyền cho ông thực hiện các cải cách của mình. (Ảnh: Public domain)

Năm 1074, một trận hạn hán lớn xảy ra ở Trung Quốc. Cựu Đảng đã chớp lấy cơ hội để trục xuất Tể tướng Vương. Dưới áp lực tuyệt đối từ các quan chức bên dưới và Thái hậu, Hoàng đế Tống Thần Tông – người thân cận nhất và có lẽ là đồng minh thực sự duy nhất của Vương – đã buộc phải lưu đày ông về phía nam, đến thành phố Nam Kinh ngày nay.

Một năm sau, hoàng đế gọi Vương trở lại. Nhưng đã quá trễ, cựu tể tướng không được chào đón ở kinh đô nhà Tống nữa. Và vào năm 1076, ông lại bị đày về phía nam, nơi ông sẽ dành mười năm cuối đời ở đó.

Di sản và bài học

Không giống như nhiều nhân vật thất bại khác của Trung Quốc thời phong kiến, Vương An Thạch không được coi là một nhân vật phản diện hay một anh hùng thất thế, mà là một người có tham vọng, có năng lực nhưng không có sự khéo léo trong việc thực thi sứ mệnh của mình.

Ngoài ra, tính cách của ông còn phản ánh điểm mạnh và điểm yếu của ông trong triều đình. Vương An Thạch là một người ham đọc sách và chăm chỉ, ông cũng có khả năng sáng tác tuyệt vời. Tuy nhiên, niềm đam mê của ông quá mãnh liệt đến nỗi ông thường xuyên không ăn uống tử tế, chải chuốt hoặc thậm chí tắm rửa nên thường nhận phải sự khinh thường của những người xung quanh.

Sự cống hiến của Vương vì lợi ích của nhà Tống là không thể nghi ngờ, và ông cũng là một nhà thơ và nhà thư pháp tài ba. Trong thời gian sống lưu vong, ông cống hiến hết mình cho nghệ thuật và nghiên cứu Phật giáo và Đạo giáo. Không giống như mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Tư Mã Quang, ông vẫn giữ mối quan hệ cá nhân với một trong những người phản đối ông – nhà thơ vĩ đại Tô Thức (蘇軾), người đã bị cách chức và lưu đày vì phản đối Tân Pháp.

Vương An Thạch dường như đã nhận thức được và cam chịu trước thất bại của mình. Trong lời kể của mình về chuyến đi đến Núi Bao Thiền, ông đã viết:

“Có sức mạnh để đạt được mục tiêu [nhưng lại không đạt được] là điều mà ở người thì đáng chê còn ở ta thì nên hối tiếc. Nhưng nếu đã cố gắng hết sức mà vẫn không đạt được thì không cần phải hối tiếc. Ai có thể chế nhạo được đây? Đây là điều ta đã học được.”

Nhiều năm sau khi Vương An Thạch qua đời, các cuộc tranh luận và đấu đá nội bộ về việc thực hiện cải cách đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Trong cơn giận dữ, Tư Mã Quang – người thay thế Vương – đã bãi bỏ hoàn toàn Tân Pháp, chỉ để hoàng đế trẻ Tống Chân Tông khôi phục một số luật trong đó vào năm 1093. Việc bãi bỏ rồi lại thực hiện này chỉ thúc đẩy sự hỗn loạn xã hội và thêm những cuộc cãi vã trong triều đình giữa hai phe bảo thủ và phe tiến bộ.

Cuối cùng, nhà Tống mất khả năng cai trị hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ các quốc gia phía bắc. Năm 1127, một cuộc đột kích bất ngờ của nhà Kim (tộc Nữ Chân) tấn công kinh đô nhà Tống ở Khai Phong khiến hoàng đế và phần lớn triều đình bị bắt. Tàn dư nhà Tống buộc phải rút lui về phía nam và không bao giờ có thể cường thịnh trở lại được nữa.

Ngọc Chi, Vision Times
Theo: trithucvn