Wednesday, December 11, 2024

"THIÊN KIM" LÚC ĐẦU DÙNG ĐỂ CHỈ "THẦN ĐỒNG", TỪ KHI NÀO TRỞ THÀNH ĐẠI TỪ ĐỂ GỌI "NỮ NHI"?

Nếu quý vị nghe nói có một “Thiên kim” mới chào đời trong một gia đình thì biết ngay trẻ sơ sinh là con gái. Nói đến chủ đề “Thiên kim” này, còn có rất nhiều điều thú vị. Nó không những dùng để chỉ tiền tệ, mà còn từng sử dụng để chỉ con trai. Vậy từ khi nào “Thiên kim” trở thành từ chuyên dùng chỉ con gái?

Ảnh minh họa. (Ảnh: Fotolia)

Tiền tệ thiên kim

“Sử ký – Bình chuẩn thư” ghi chép rằng: “Đến thời nhà Tần thì tiền tệ trong nước phân thành ba hạng. Vàng gọi là “dật”, được xem là thượng tệ; tiền đồng được xem như nửa lượng, nặng bao nhiêu được ghi bằng chữ trên tiền, và được xem là hạ tệ.” Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước, ông lập tức bắt tay vào việc thống nhất tiền tệ. Nhà Tần lấy vàng làm loại tiền tệ hạng nhất, lấy “dật” làm đơn vị tính (một “dật” là 20 lượng, có thuyết nói là 24 lượng), tiền đồng được xem là tiền tệ hạng kém hơn. “Nhà Tần lấy một “dật” làm một “kim”, như vậy, “thiên dật” (một ngàn dật) cũng chính là “thiên kim” (một ngàn kim).

Đến thời nhà Hán thực hiện việc cải cách tiền tệ, lấy một cân đồng vàng quy thành “một kim”, có giá trị vạn đồng tiền. Trong “Sử Ký – Hạng Vũ bản kỷ” có ghi: “Ngô văn Hán cấu ngã đầu thiên kim, ấp vạn hộ”, tức là Hán vương treo thưởng ngàn vàng và phong ấp có vạn hộ cho ai lấy được đầu của Hạng Vũ.

Trong quá trình phát triển của văn hóa, “thiên kim” đã lồng ghép vào ý nghĩa quý trọng, trân quý. Ví dụ như “Nhất phạn thiên kim” (bát cơm ngàn vàng), “Nhất nặc thiên kim” (lời hứa ngàn vàng) .v.v.

Vậy, thiên kim vốn dùng chỉ tiền tệ, bắt đầu từ khi nào được dùng chỉ người?

Thiên kim thần đồng

“Nam sử – Tạ Hoằng Vy truyện” ghi chép: “Tạ Phỉ ấu thông tuệ, phụ thân Tạ Trang khí chi, thường trí tả hữu.” Tạ Phỉ thời Nam Triều lúc nhỏ thông minh hơn người, mười tuổi đã có thể ngâm thơ viết văn, phụ thân của ông là Tạ Trang (421 – 466) rất yêu thương người con này, thường mang theo bên mình đích thân dạy bảo.

Có một ngày, Tạ Trang mang theo con trai Tạ Phỉ đi du ngoạn. Thấy cảnh đẹp trước mắt, ông liền bảo con trai hãy lập tức viết một bài thơ phú. Tạ Phỉ tâm trung hữu ý, xuất khẩu thành thơ, lấy bút viết liền một mạch ra bài thơ. Tạ Phỉ không chỉ viết ra một bài thơ có ý tứ hay mà còn dùng từ ngữ có nghiên cứu chọn lọc, rất có văn tài.

Sau khi Lang Gia Vương Cảnh Văn (tức Vương Úc) đọc qua bài thơ, ông thực sự tán dương Tạ Phỉ và nói: “Hiền tử túc xưng thần đồng, phục vy hậu lai đặc đạt”, ý nói rằng người con trai này của Tạ Trang thật sự là một thần đồng, sau này nhất định rất hiển đạt. Tạ Trang nghe được những lời tán thưởng của Lang Gia Vương thì rất mừng rỡ. Ông vỗ nhẹ vào lưng của con trai và nói: “Chân ngô gia thiên kim” (Thật đúng là thiên kim của nhà ta), giống như cách nói của người ngày nay là “thật đúng là người con bảo bối của nhà ta!”

Tạ gia sinh xuất một thần đồng, danh tiếng Tạ Phỉ đứng đầu một thời. Ngay cả Tống Hiếu Vũ Đế cũng nghe nói đến Tạ Phỉ. Vì vậy trong lúc du ngoạn Cô Tô, Hoàng đế muốn kiểm tra thần đồng này, nên đặc biệt ra lệnh cho Tạ Trang đưa Tạ Phỉ theo cùng trong chuyến đi.

Tạ Phỉ nhìn thấy Tống Hiếu Vũ Đế còn chưa định thần đã phải lập tức nhận một nhiệm vụ. Thiên tử ra lệnh cho cậu viết một thiên “Động tỉnh tán”. Tạ Phỉ ngồi trước mặt Hoàng đế, ung dung hoàn thành bài thơ. Sau khi Tống Hiếu Vũ Đế xem qua thì vui vẻ vỗ tay khen ngợi: “Cậu bé tuy nhỏ, nhưng là trẻ nhỏ không tầm thường”.

Tạ Phỉ thông minh trời phú, từ nhỏ đã nổi danh khắp thiên hạ. Tuy nhiên, ông không trở thành một nhân vật bi kịch như “Thương Trọng Vĩnh” (*). Sau này ông không những ra làm quan, thăng đến chức Thượng thư lệnh, Tư đồ, mà trình độ văn chương cũng đạt đến chỗ thâm hậu, có thể được xem là ‘nhất đại văn hào’ (nhà văn kiệt xuất của một thời đại). Vì một câu nói của cha Tạ Phỉ là “Chân ngô gia thiên kim”, nên người ta đã dùng “Thiên kim” để chỉ một bé trai thông minh. Cách gọi này không thay đổi cho đến thời nhà Nguyên.

Thiên kim tiểu thư

Tạp kịch (Nguyên khúc) rất thịnh hành vào thời nhà Nguyên. Trong vở tạp kịch “Tiết Nhân Quý vinh quy cố lý”, lần đầu tiên xuất hiện việc “Thiên kim” và con gái liên hệ cùng nhau.

Tác giả của vở tạp kịch này là Trương Quốc Tân đã viết: “Thưa tiểu thư, tôi là con gái bách tính thứ dân, cô là thiên kim tiểu thư con nhà quan lại, xin cứ yên tâm.” Trong nội dung vở kịch lấy nhóm từ “Thiên kim tiểu thư” để chỉ thân phận tôn quý của con gái quan lại. Kể từ đó trở đi, trong các tiểu thuyết bạch thoại lưu hành thời nhà Minh, nhà Thanh đã cố định việc dùng từ “Thiên kim” để chỉ con gái của hào môn thế gia.

Liên quan đến từ “Thiên kim tiểu thư” còn có một thuyết khác có liên quan đến Ngũ Tử Tư. Dựa theo vở tạp kịch thời Minh (Côn khúc) là “Hóa sa ký” và trong “Ngô Việt Xuân Thu” cũng có ghi lại một phiên bản khác về “Thiên kim tiểu thư”. Có thuyết kể rằng phụ thân của Ngũ Tử Tư là Ngũ Xa vốn là Thái phó của Thái tử nước Sở, cũng tức là thầy của Thái tử Kiến. Sau đó, Thái tử Kiến bị kẻ gian là Phí Vô Cực vu cáo hãm hại. Ngũ Xa chính trực bị liên lụy. Trước sự xúi giục của Phí Vô Cực, Sở Bình Vương đã ra lệnh sát hại phụ thân của Ngũ Tử Tư là Ngũ Xa và huynh trưởng Ngũ Thượng. Ngũ Tử Tư bỏ trốn, chuẩn bị đến nương nhờ nước khác.

Chân dung Ngũ Tử Tư trong “Thánh Quân Hiền Thần toàn thân tượng”, hiện lưu trữ tại bảo tàng Cố Cung Đài Bắc. (Ảnh: Tài sản công)

Ngũ Tử Tư trên đường chạy trốn, vì vừa mệt vừa đói nên từng xin cơm một cô gái giặt lụa (hoán sa) bên bờ sông Lật. Cô gái giặt lụa cảm thấy thương xót nên khẳng khái mang cơm canh cho ông ăn. Ngũ Tử Tư được ăn một bữa no. Trước khi rời đi, ông hứa với cô gái rằng ngày sau sẽ báo đáp, đồng thời hy vọng cô có thể giữ bí mật, không để quân Sở biết được hành tung của ông.

Cô gái giặt lụa thở dài nói: “Tôi và mẫu thân sống cô độc với nhau suốt 30 năm, giữ gìn sự kiên trinh, thanh bạch của bản thân. Sao tôi có thể đưa cơm canh cho một người đàn ông được, làm một việc không hợp lễ nghi như vậy thực sự khiến tôi không chịu nổi. Ông đi nhanh đi!”

Sau khi Ngũ Tử Tư rời đi, ông quay nhìn lại và thấy cô gái giặt lụa nhảy xuống sông Lật (một giả thuyết khác cho rằng quân Sở đến, cô gái giặt lụa sợ bị làm nhục nên ôm tảng đá trầm mình). Nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, Ngũ Tử Tư trong lòng càng đau xót, ông cắn ngón tay, viết huyết thư trên đá: “Nhĩ hoán sa, ngã hành khất; Ngã phúc bão, nhĩ thân nịch, thập niên chi hậu, thiên kim báo đức.” (Nàng giặt lụa, ta ăn xin; Ta bụng no, nàng thân chìm, mười năm sau, ngàn vàng báo đức.)

Trong “Ngô Việt Xuân Thu – Vương Liêu Sử công tử quang truyện” ghi lại câu chuyện cô gái giặt lụa xả thân cứu Ngũ Tử Tư. (Dữu Tử/The Epoch Times)

Thời gian chớp mắt trôi qua, Ngũ Tử Tư trở thành Tướng quốc nước Ngô, dẫn đầu đại quân tấn công nước Sở để rửa hận báo thù cho phụ thân và huynh trưởng đã mất oan uổng. Sau khi thù lớn báo xong, Ngũ Tử Tư tìm đến nơi cô gái giặt lụa tự vẫn năm nào, ném ngàn vàng xuống sông để trả ơn cô gái giặt lụa đã cho ông một bữa ăn. Ngũ Tử Tư đã đem “lời hứa ngàn vàng”, “bát cơm ngàn vàng” bày tỏ rõ ràng. Đây chính là nguồn gốc của “Thiên kim tiểu thư”. Kể từ đó, không còn ai thay đổi địa vị của “Thiên kim tiểu thư” nữa và nó vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.

Chú thích của người biên dịch: (*) Nhà Thương Trọng Vĩnh đời đời làm nghề nông. Trọng Vĩnh lên năm tuổi có tài thơ phú. Có người thưởng thơ, thử tài, chỉ vật yêu cầu làm thơ, Trọng Vĩnh đều có thể lập tức hoàn thành. Người cùng huyện lấy làm ngạc nhiên, lấy lễ đãi khách đối đãi với phụ thân của Trọng Vĩnh, còn có người dùng tiền xin thơ. Phụ thân Trọng Vĩnh thấy có lợi, hàng ngày đem Trọng Vĩnh đi bái phỏng người trong huyện, không cho học tập. Bởi vì phụ thân không cho cậu học tập, lại bị coi như công cụ kiếm tiền nên sau này Trọng Vĩnh lưu lạc thành người bình thường.

Thủy Tiên biên dịch
Theo: Epoch Times