Friday, December 27, 2024

KHÁM PHÁ ĐÔN HOÀNG - HÒN ĐẢO XANH CÔ ĐƠN GIỮA SA MẠC KHÔ CẰN

Nằm trên con đường tơ lụa, Đôn Hoàng là điểm giao thương quan trọng bậc nhất giữa phương đông và phương tây. Trung Quốc đang đổ hàng tỷ USD để làm sống lại con đường nổi tiếng này.


Nguyệt Nha Tuyền có tuổi đời ước tính khoảng 2.000 năm tuổi, phần nhiều đã bị tàn phá do sa mạc hóa. Trong nhiều thế kỷ, nơi đây được ví như hồ nước trên sa mạc, hay khuôn miệng kiều diễm của một người đàn bà đẹp do có hình bán nguyệt.


Ngoài ốc đảo, ở đây còn có một trảng cát khổng lồ được gọi là Minh Sa, nghĩa là “cát hát”. Người ta đồn rằng tiếng hát của cát ở sa mạc Gobi là để ám ảnh các thương nhân trên con đường tơ lụa.


Gobi là sa mạc lớn nhất châu Á. Người Trung Quốc thường gọi đó là Biển Vô Tận. Là một thị trấn ốc đảo, Đôn Hoàng như một hòn đảo xanh cô đơn giữa chốn khô cằn gió cát. Tuy nhiên, sa mạc Gobi có địa hình rất đa dạng tùy theo khí hậu từng vùng.


Truyền thuyết kể rằng, có một nhà sư khất thực tên là Le Zun. Một đêm vào năm 366 sau Công nguyên, nhà sư nhìn thấy hàng ngàn đức Phật tỏa sáng trên bầu trời Minh Sa. Sau đó, ông làm một ngôi đền với bức tượng Phật bằng vàng ở vách núi bên sông. Sau này, một nhà sư khác có pháp danh Fa Liang đến thăm Đôn Hoàng và tạo một chiếc hang thứ 2. Trong vòng vài thập kỷ, 70 hang động đã được chạm khắc ở Mạc Cao.


Trải qua 1.000 năm, các nghệ sĩ đã tạo ra hơn 700 ngôi đền trong hang với 45.000 m2 các bức bích họa. Đây là di sản được UNESCO bảo vệ và thu hút rất nhiều khách du lịch.


Sự tiến bộ về kiến trúc của các hang Mạc Cao phản ánh ảnh hưởng từ Trung Quốc và các khu vực phía tây. Nhiều hang được cải tạo vào các triều đại sau này.


Đối với các nhà sư Mạc Cao, nghệ thuật thị giác có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền các học thuyết tôn giáo. Để tạo ra những bức bích họa này, người ta phải đổ 3 lớp thạch cao lên một bức tường bằng phẳng để vẽ.


Hiện có khoảng 2.415 bức tượng còn tồn tại ở Đôn Hoàng, nhiều bức được khôi phục từ triều Thanh. Trong các triều đại trước, mặt sau các bức tượng được gắn vào tường, đầu được làm riêng, sau đó đặt lên thân. Đến thời nhà Đường, các bức tượng mới được hoàn toàn tách ra.


Trong thời Đường, có 2 bức tượng Phật khổng lồ được xây dựng tại đây, phản ánh sức mạnh và sự tự tôn của đế chế bấy giờ.


Hang từ thời Đường được coi là đỉnh cao ở Mạc Cao. Không giống như các bức tượng từ các triều đại trước, những bức tượng tách rời của thời này có thể được chiêm ngưỡng từ mọi phía. Màu sắc rực rỡ và các chi tiết sắc nét từ trang phục của tượng cũng phản ánh cuộc sống sung túc của các nhà sư thời bấy giờ.

Theo: Zing News