Monday, December 16, 2024

NGƯỜI NHẬT ĐẢM NHIỆM "GIỌNG HÁT" CHO NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS

Itaru Sekiguchi là một trong số ít chuyên gia được giao nhiệm vụ lên dây và chỉnh âm cho chiếc đại phong cầm ở Nhà thờ Đức Bà Paris.


Lần đầu nghe thấy tiếng đàn ở Nhà thờ Đức Bà Paris vào năm 10 tuổi, âm thanh của đàn organ ống (hay còn được gọi là đại phong cầm) đã “chạm” đến Itaru Sekiguchi. Khi ở độ tuổi đôi mươi, ông đã chuyển đến Pháp để học và trở thành thợ chế tạo, phục chế đàn chuyên nghiệp.

Năm 2018, ông trở thành người chịu trách nhiệm bảo trì chính thức cho đại phong cầm của Nhà thờ Đức Bà Paris - có chiều cao tương đương một tòa nhà bốn tầng và là một kiệt tác của phong cách gothic, ông gọi công việc này là “một giấc mơ”. Mỗi tháng 3 tuần đều đặn, Sekiguchi phụ trách các hoạt động bảo trì, bao gồm lên dây đàn organ, trong điều kiện thời gian hạn chế.

“Công việc này phải làm vào ban đêm để không làm phiền đến khách du lịch và hơn hết là cần im lặng tuyệt đối để lên dây đàn”, Sekiguchi cho biết.

Itaru Sekiguchi. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, một sự kiện lớn đã xảy ra – đó là việc Nhà thờ Đức Bà bị cháy phần mái khi đang trong quá trình cải tạo. May mắn là chiếc đàn vẫn còn nguyên nhưng vẫn bị hư hại do ảnh hưởng từ nước trong quá trình chữa cháy. “Tôi lo cho cây đàn vì trong đêm chúng tôi không biết chuyện gì xảy ra…”, ông Sekiguchi miêu tả về cảm xúc lúc ấy.

Cặn chì đã thấm vào đàn và nhạc cụ này càng trở nên yếu hơn do nhiệt độ tăng cao trong đợt nắng nóng mùa hè năm 2019. Vào tháng 12/2020, cây đàn đã được tháo dỡ và gửi đi để phục chế chuyên nghiệp. Ba xưởng chế tạo đại phong cầm đã tham gia vào công việc này.

Một phần của chiếc đại phong cầm của Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: Organs of Paris

Sau khi công việc hoàn tất, Sekiguchi và các chuyên gia khác bắt đầu lên dây cho nhạc cụ như việc họ vẫn làm ngày trước.

Tuy vậy, vì đã trải qua quá trình chỉnh sửa nên điều mà mọi người quan tâm là cây đàn còn có thể tạo ra được âm thanh như ngày trước hay không? Theo như chia sẻ của Sekiguchi, ông sẽ cố gắng mang đến âm thanh nguyên bản nhất dựa trên đôi tai và ký ức của mình, dù có nhiều áp lực nhưng ông vẫn tự hào vì góp phần khôi phục lại biểu tượng của nước Pháp.

Theo: Kilala
Nguồn: Japan Today

Link tham khảo: