Thần Hotei. Ảnh: freestock
Không chỉ riêng các nước phương Tây mà người Nhật cũng cực kỳ yêu thích dịp lễ Giáng sinh. Bỏ đi những nghi thức tôn giáo cầu kỳ, ước lệ, người Nhật tận hưởng một mùa Noel đặc biệt của riêng mình. Đi cùng với dịp lễ hội lớn nhất trong năm là hình ảnh ông già Noel đáng mến với bộ râu trắng, nụ cười ấm áp và đặc biệt luôn mang túi quà đến cho các trẻ em. Và trong văn hóa Nhật cũng có một vị thần mang hình ảnh tương tự như thế, đó là thần Hotei.
Thần Hotei (布袋) là một trong 7 vị thần Shichi Fukujin (七福神 - Thất Phúc Thần). Đây là 7 vị thần may mắn trong thần thoại và văn hóa dân gian Nhật Bản. Mỗi vị thần đều mang một ý nghĩa khác nhau. Trong đó, thần Hotei được xem là hiện thân của Phật Di Lặc, vì luôn mang theo bên mình chiếc túi to nên mọi người cũng thường gọi ông là Bố Đại. Ông là vị thần của tài sản, vận mệnh gia đình, hòa bình, yên ổn, bất lão và trường thọ.
Vị thần của hạnh phúcThần Hotei được cho là có nguồn gốc từ Phật giáo Đại thừa, bắt nguồn từ tôn giáo Trung Quốc và Ấn Độ. Vào thế kỷ thứ 10, tại Trung Quốc có một nhà sư Phật giáo có tên là Budai, sống tại núi Siming, thuộc tỉnh Chiết Giang ngày nay. Ông thường xuyên đi dạo quanh thị trấn gần đó với một chiếc túi vải và được xem là hóa thân của Bồ tát Miroku (Di Lặc trong tiếng Phạn).
Tương tự như vậy tại Nhật Bản, thần Hotei được miêu tả là một người có thân hình to lớn, tròn trịa và vui vẻ. Trong tiếng Trung Quốc, ông được gọi là “Phật Cười”. Vì vậy, bất cứ khi nào bạn nhìn thấy một vị Phật to lớn, tươi cười khoe chiếc bụng béo của mình, đó có thể là Hotei.
Trong nhiều tác phẩm tranh, thần Hotei được thể hiện với khuôn mặt tươi cười, cái bụng to để trần, mặc quần áo rộng, mang theo một chiếc túi vải (Nunobukuro - 布袋) trên lưng và một cây gậy bằng gỗ. Ông cũng khoác chiếc áo choàng được cho là bảo vệ ông chống lại bệnh tật và sự tấn công của ma quỷ. Trong các bức tranh sau này, Hotei được vẽ trong nhiều tư thế khác nhau, thường là ngồi hoặc ngủ trên túi, nhưng cũng có thể nhảy múa, đi bộ hoặc chỉ tay lên mặt trăng. Ngoài ra, thần Hotei cũng thường xuất hiện cùng với các nhóm trẻ em đang chơi đùa. Do đó, không khó để nhận ra những điểm tương đồng với ông già Noel.
Bức tranh Hotei và trẻ em của Utagawa Kuniteru I (1808 - 1876)
Sau này, Hotei còn được ví như thần hộ mệnh của các chủ nhà hàng và bartender (người pha chế rượu). Khi một người rượu chè quá chén, đôi khi người ta có thể đùa rằng đó là ảnh hưởng của Hotei.
Có gì bên trong túi vải của Hotei?Trong khi chiếc túi của ông già Noel chứa đầy đồ chơi và quà thì của Hotei lại bí ẩn hơn một chút. Có nhiều truyền thuyết về chiếc túi này, người thì nói rằng bên trong túi vải của thần Hotei là một kho báu vô tận, bao gồm đồ ăn, nước uống để cứu giúp người nghèo, hay giả thiết khác là chứa toàn bộ những tai ương được thu thập trên thế giới.
Chính vì thế, nhiều người coi thần Hotei sẽ mang lại may mắn, niềm vui và hạnh phúc cho mọi người nhờ chiếc túi ma thuật của mình.
Sự tương đồng giữa Hotei và ông già Noel.
Người bạn của trẻ emĐều là những người được trẻ em yêu quý, tuy nhiên, giữa thần Hotei và ông già Noel có sự khác biệt. Trong khi Santan Claus được biết đến là người mang quà đến cho trẻ em, thì Phật tử ở Nhật Bản tin rằng Hotei có được tấm lòng rộng lớn là nhờ vào tâm hồn bao la tràn ngập tình yêu thương đối với nhân loại.
Tác phẩm “Thần Hotei và những đứa trẻ Trung Hoa” của Torii Kiyomitsu II. Ảnh: Gaijinpost
Một số bức tranh miêu tả cảnh Hotei bồng trẻ em qua sông hoặc để chúng trèo lên bụng mình một cách vị tha. Hay như tác phẩm “Thần Hotei và những đứa trẻ Trung Hoa” của Torii Kiyomitsu II mô tả Hotei nằm nghiêng trên một chiếc xe đẩy do những đứa trẻ vui vẻ kéo.
Để nhận được lời chúc của Hotei, những đứa trẻ cần tụ tập thành một nhóm vào đêm Giao thừa.
Bức tượng Phật Di Lặc tại Đà Nẵng. Ảnh: iStock
Tuy nhiên, Hotei sẽ chỉ ban điều ước nếu nhiều người yêu cầu điều tương tự nên hầu hết mọi người sẽ cùng ước một điều gì đó có thể chia sẻ cho nhau. Ngoài ra, một số người sẽ đặt hình của Hotei cùng 6 vị Thất Phúc Thần còn lại dưới gối để hi vọng giấc mơ đầu tiên trong năm mới may mắn và thành hiện thực.
Theo: Kilala
No comments:
Post a Comment