Chùa Keo làng Hành Thiện (Ảnh: Wikipedia)
Ngôi làng Hành Thiện xuất hiện từ trước thế kỷ thứ 10 với tên ban đầu là làng Giao Thủy, dân chúng cũng hay gọi theo tên nôm là làng Keo.
Năm 1061, vua Lý Thánh Tông đã cho dựng tại đây ngôi chùa Nghiêm Quang Tự ven sông Hồng. Sau này người dân hay gọi ngôi chùa này là chùa Keo.
Làng Hành Thiện nằm ở ngã ba sông Hồng và sông Ninh Cơ, có địa thế hình “lý ngư”, tức là một con cá chép. Đầu cá hướng nam về sông Ninh Cơ, nơi đây có miếu thờ thần Tam Giáp; đuôi quẫy về hướng bắc có sông Hồng; bụng cá có hình giống như nghiên mực. Ngôi làng có hình cá chép như đang quẫy đuôi ra biển nhưng dân làng không hề hay biết.
Vào thời Lê Sơ, cụ Tả Ao một lần đi qua phủ Xuân Trường, đến gần bến thì phải lội bùn một quãng mới lên được bờ. Một người đi cùng chuyến đò đã cõng cụ đi qua quãng đường lầy lội. Tại làng Giao Thủy, người dân đã tiếp đã cụ Tả Ao rất chu đáo và nồng hậu. Vì vậy cụ Tả Ao đã ngỏ ý muốn xem thế đất của làng.
Theo lời dân làng truyền lại thì cụ Tả Ao khi xem đất đã nói rằng:
“Kiểu đất làng này rất đẹp, chẳng khác gì hình con cá đang quẫy đuôi tung mình ra biển. Chỗ kia là đầu và mình cá, còn cánh đồng kia là khúc đuôi. Sau này kết phát, khúc đuôi đó sẽ nở to dần, do đất phù sa ở con sông bồi vào. Lại nữa, những con lạch bao bọc quanh làng là mạch nước nuôi sống con cá, quanh năm chẳng bao giờ bị cạn, nhờ đó dân trong làng được thịnh vượng, làm ăn phát đạt, ít bệnh tật, ốm yếu. Chỉ hiềm một nỗi là con cá không có mắt, nên đến giờ làng vẫn không thể phát khoa danh”.
Giếng nước làm mắt cá.
Cụ Tả Ao liền tìm đúng vị trái mắt cá rồi nói dân làng nên đào một cái giếng để làm mắt cá, nước giếng sẽ rất thiêng, cần giữ sạch sẽ, sau này dân làng sẽ có người làm quan, giàu có.
Người dân làng kể lại rằng từ sau ngày đào giếng nước, người làng ngày càng trở nên giàu có, nam thì học hành đỗ đạt, nữ thì khéo léo ươm tơ, giỏi việc nhà. Thời nào làng cũng có người đỗ cao và làm quan lớn trong Triều.
Đến thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng rất thích ngôi làng này, vì làng không chỉ có nhiều người đỗ đạt, học cao, mà người dân nơi đây đều chân thật, đôn hậu, chuyên làm việc thiện. Năm 1823, Vua tặng 4 chữ sơn son thiếp vàng: “Mỹ tục khả phong” và đổi tên thành làng Hành Thiện.
Người dân lưu truyền câu “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện” ngụ ý phía Đông có làng Cổ Am (nay thuộc Vĩnh Bảo, Hải Phòng), phía Nam có làng Hành Thiện. Đây đều là nơi có nhiều người học hành đỗ đạt cao.
Con trai làng Hành Thiện ai cũng biết chữ nghĩa, nhiều người đậu cao, thấp nhất cũng là tú tài, vì thế mà dân gian có câu: “Đậu phụ Thủy Nhai, tú tài Hành Thiện” để chỉ làng Thủy Nhai gần đấy nổi tiếng về đậu phụ, còn làng Hành Thiện thì nhà nào cũng đậu tú tài.
Giếng mắt cá làng Hành Thiện. (Ảnh: LangHanhThien.com)
Những người đỗ đạt cao đều được khắc trên bia đá của làng, trở thành tấm gương để con cháu noi theo. Người làng Hành Thiện hiếu học không để làm quan to hay giàu có, mà muốn có được phẩm chất như những bậc Thánh Hiền.
Trong lịch sử khoa bảng thời Nho học, làng Hành Thiện có 7 người đỗ đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài.
Người đỗ cao nhất là ông Đặng Xuân Bảng thời vua Tự Đức. Năm 1856 ông thi và đỗ tiến sĩ, đỗ hạng nhì khoa thi năm ấy. Tương truyền Quyển thi của ông đáng đậu Hoàng Giáp, nhưng phần cuối ông thẳng thắn can Vua thanh sắc tuần du, Vua không thích nên đánh ông xuống đỗ đầu hàng Tam giáp tiến sĩ (tức Tam giáp tiến sĩ đệ nhất danh).
Khoa thi Nho học có 2 kỳ thi chính là thi Hương tổ chức ở các địa phương, qua được 4 vòng kỳ thi Hương sẽ thi Hội ở Triều đình. Làng Hành Thiện lập kỷ lục khi 42 kỳ thi Hương ở Nam Định đều có người đỗ Hương Cống (tức đỗ đầu kỳ thi Hương).
Thời thuộc Pháp, trong hoàn cảnh khoa bảng không còn được coi trọng như xưa, làng Hành Thiện vẫn có 51 người đỗ tú tài đến cử nhân trở lên. Giai đoạn này có ông Nguyễn Thế Truyền đỗ cao học khoa học ở Pháp khi mới 24 tuổi. Ông nghiên cứu và làm luận án tiến sĩ, nhưng lại quyết định bỏ dở trình bày luận án này vì lo lắng việc cứu nước.
Đến thời hiện đại ,Hành Thiện vẫn là ngôi làng nổi tiếng học giỏi ở miền bắc, là làng có người đỗ đạt nhiều nhất ở tỉnh Nam Định với 88 người được phong hàm giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ và trên 600 người có bằng cử nhân cả trong lẫn ngoài nước.
Trần Hưng
Theo: Trithucvn