Có một con chim anh vũ của Lĩnh Nam tiến cống từng khiến hai nhân vật nổi tiếng là Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi đau xót không thôi.
Theo sách “Hán Thư – Võ Đế Kỷ” của Ban Cố đời Hán, thì năm 121 trước Công Nguyên, vua nước Nam Việt (nhà Triệu), lúc đó mới lên ngôi được ba năm, vẫn giữ lệ triều cống của cha ông mình, cống cho vua Hán Võ Đế, một loại voi và một loại chim, mà Hán Thư chỉ ghi một cách gọi mộc mạc là “voi dễ bảo, và chim biết nói” (tuần tượng, năng ngôn điểu).
Sang đến đời Đông Hán, có Hứa Thận giải thích “năng ngôn điểu” chính là chim anh vũ. Đến đời Đường Thái Tông Lý Thế Dân, viên quan Bí Thư Thiếu Giám là Nhan Sư Cổ được lệnh khảo đính ngũ kinh văn tự, và chú thích sách “Hán Thư” của Ban Cố, giải thích voi dễ bảo (tuần tượng) là voi đã được nuôi thuần, và hiểu được ý người. Còn chim biết nói (năng ngôn điểu) là chim anh vũ.
(Tranh: Họa sĩ Ito Jakuchu, Public Domain)
Trong lời chú của sách Hán Thư còn dẫn sách “Nam châu dị vật chí” của Vạn Chấn, chẳng những kể rõ các loại chim anh vũ mà còn nói thêm là các nước phía nam đất Giao Châu là xứ sở của loài chim này.
Chim anh vũ bản tính thông minh, lại rất đẹp, nên trở thành một cống phẩm rất quý. Liên quan đến loài chim này có một câu chuyện thú vị được ghi lại như sau:
Khoảng những năm thịnh trị thời Đường Huyền Tông, Đường Huyền Tông rất yêu thích chim. Vị hoàng đế này gọi chim hoàng oanh là Kim y công tử. Trong thành Trường An có một con chim anh vũ phá được án lập công, Huyền Tông phong nó là Lục y sứ giả, giao cho hậu cung nuôi dưỡng.
Bấy giờ vùng Lĩnh Nam dâng chim anh vũ trắng rất đẹp, Huyền Tông và Quý Phi gọi nó là Tuyết y nương. Tuyết y nương ở trong cung rất được sủng ái, được đãi ngộ rất hậu, và cũng được huấn luyện lanh lợi, thuần thục, nhất là nói rất giỏi, nhân đó mà Huyền Tông rất yêu quý.
(Tranh: Họa sĩ Ito Jakuchu, Public Domain)
Huyền Tông ngâm tụng thơ của mấy các nhà thơ đương thời, sau khi ngâm qua mấy lần, Tuyết y nương đã có thể thuộc, nó đọc lên không nhầm. Dương Quý Phi dạy Tuyết y nương Tâm kinh, nó thuộc làu làu, ngày đêm không ngừng đọc kinh đó, tựa hồ cầu đảo cho Quý Phi.
Tuyết y nương dường như không rời Huyền Tông và Quý Phi nửa bước, ngày đêm hầu bên cạnh. Huyền Tông thường cùng Quý Phi và chư vương chơi cờ. Khi Huyền Tông sắp thua, thị tụng bèn hô Tuyết y nương, Tuyết y nương nghe mệnh lập tức nhảy lên bàn cờ, dùng chân đạp, xoè cánh ra múa, bàn cờ đành phải bắt đầu lại.
Nhưng một ngày kia, Tuyết y nương đang chơi trong sân điện, đột nhiên gặp phải chim ưng tập kích, sau một hồi quần thảo, Tuyết y nương đã mất. Huyền Tông và Quý Phi nhìn thấy thảm trạng của Tuyết y nương như thế, đau xót không thôi, tình cảm bi thương dâng tràn trong lòng. Tuyết y nương được an táng long trọng trong vườn, lập mộ trủng gọi đó là Anh Vũ trủng.
Trong văn chương cổ điển của Trung Hoa, người ta gọi chim Anh vũ là Nam Việt Điểu, sở dĩ gọi như vậy vì Nam Việt là nơi sinh sản của loài chim này, và vua Nam Việt đã công hiến cho vua nhà Hán.
Nhà thơ Trương Hỗ đời Đường, trong bài thơ “Anh Vũ”, có câu :
Tê tê Nam Việt điểu
Sắc lệ tư trầm dâm.
Theo: Trithucvn