Hý họa của Tuổi Trẻ về áp lực của giáo viên khi phải thao giảng để đạt danh hiệu “dạy giỏi”
Đặt vấn đề “Giáo viên dạy giỏi hay giáo viên diễn giỏi?”, Tuổi Trẻ ngày 4 Tháng Tư 2023 đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của bạn đọc là việc dự giờ (có báo trước) để đánh giá giáo viên dạy giỏi hay dở như thông lệ xưa nay của ngành giáo dục Việt Nam, chỉ là trò “trình diễn” và nên chấm dứt!
Một giáo viên tâm sự: Mỗi lần chuẩn bị một tiết học có cấp trên dự giờ để đánh giá, thầy cô phải đưa trước câu hỏi, thậm chí cả đáp án cho học sinh chuẩn bị. Có giáo viên mất rất nhiều ngày để tập cho học sinh thuyết trình… và dặn dò trước vài em học giỏi phải đặt câu hỏi như thế nào. Những tiết thi giáo viên dạy giỏi được đánh giá cao là những tiết được được đầu tư chuẩn bị từ rất lâu, mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, với sự hỗ trợ của cả tổ bộ môn. Sau tiết thao giảng, giáo viên đó có thể được cấp trên và đồng nghiệp đánh giá cao, nhưng học sinh thì… thấy thầy cô và chính mình phải giả dối và thiếu sự chân thật nên không còn hứng thú. Thậm chí, trong những giờ thao giảng dự thi đó, có những em học sinh cá biệt hoặc học kém được giáo viên dặn dò trước là… nên ở nhà, đừng đến lớp.
Giáo viên phải tự đùa với nhau là nên đổi tên “giáo viên dạy giỏi” thành “giáo viên diễn giỏi”, vì những hội thi giáo viên dạy giỏi chỉ là cuộc chạy đua thành tích giữa các trường với nhau. Áp lực về số lượng giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi của một trường đè nặng lên vai các thầy cô giáo.
Kết quả thăm dò bạn đọc của Tuổi Trẻ cho thấy đa số đồng tình việc bỏ thi giáo viên dạy giỏi và để học sinh bình chọn giáo viên giỏi – Ảnh chụp màn hình
Một học sinh cho biết: Khi tôi đặt một câu hỏi không có trong chương trình dự giờ (đã được chuẩn bị từ trước), tôi bị thầy cô tham gia dự giờ nhìn lom lom như một “kẻ phá đám”.
Rõ là cả thầy và trò cùng khổ, thế thì việc thi giáo viên giỏi và dự giờ hiện nay có nên duy trì? Đa số bình luận dưới bài viết đều có chung một ý kiến là ngành giáo dục nên bỏ việc làm vô bổ này, nếu cần dự giờ đánh giá năng lực giáo viên thì ngành giáo dục nên làm đột xuất, không báo trước.
Một giáo viên viết: “Không chỉ diễn trên bục giảng mà diễn cả ở bên dưới, trong vai giáo viên dự giờ… để rồi tính ra % giáo viên giỏi của trường mình, của quận mình, của thành phố mình, của ngành mình, rồi sau đó tự mình khen thưởng lẫn nhau, tung hô lẫn nhau, nói như bây giờ là ‘tự sướng với nhau’! Và quên rằng thầy – trò đang cùng nhau giết thì giờ một cách lãng phí”.
Còn bạn đọc Khaducbui ngậm ngùi: “Sự trung thực là điều quan trọng nhất trong giáo dục nhưng chính những nhà làm giáo dục tạo ra những quy tắc, những cuộc thi… và biến những người thầy, người cô đáng ra phải đề cao tinh thần trung thực làm gương cho các em thì lại trở thành những con người gieo vào đầu các em sự giả dối.
Bộ GD-ĐT vào cuộc vụ học sinh kém không được tham dự lớp thi giáo viên giỏi
Nhà trường trở thành sàn diễn, học sinh là những diễn viên để diễn cho đúng, cho đạt yêu cầu của đạo diễn (là thầy, cô mà các em kính trọng). Do đó, sự suy giảm, mất niềm tin vào nền giáo dục của nhiều bậc phụ huynh, học sinh là có cơ sở”.
Ý kiến của một bạn đọc tên Thanh Hiếu là “thay vì tổ chức các hội thi vô nghĩa, thay vì chấm chọn giáo viên dạy giỏi thì để học sinh được bình chọn giáo viên được yêu quý nhất” đã được Tuổi Trẻ nêu ra để thăm dò ý kiến và có 244 bạn đọc chọn cách này, đứng thứ 2, sau 350 ý kiến cho rằng nên bỏ thi giáo viên dạy giỏi.
Điều kỳ lạ là trước đó, một bài báo trên Giáo Dục ngày 18 Tháng Hai 2023 đã viết: “Sứ mệnh lịch sử của việc dự giờ đã hết, nên thực hiện nghiêm quy định của Bộ Giáo dục”, trong đó khẳng định Bộ Giáo dục không còn quy định về việc dự giờ đối với trung học cơ sở (cấp 2) và trung học phổ thông (cấp 3) nữa. Bài viết nói rõ Thông tư 32/2020 có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Mười Một 2020 của Bộ Giáo dục chỉ còn quy định dự giờ ở bậc tiểu học, mà người có trách nhiệm dự giờ chỉ là giáo viên chủ nhiệm lớp, với trách nhiệm dự giờ các giáo viên dạy lớp mình chủ nhiệm để nắm tình hình học tập của học sinh, chứ không phải để “soi mói”, “đánh giá” giáo viên như trước.
Tuy nhiên, không hiểu sao ở rất nhiều địa phương vẫn còn tình trạng nhà trường (cấp 2 và cấp 3) vẫn yêu cầu giáo viên phải dự giờ, viết sổ dự giờ, điều này không đúng với các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Giáo dục ban hành và tạo áp lực không đáng có lên giáo viên.
Đằng sau những kỳ thi giáo viên dạy giỏi là muôn vàn những điều khó có thể nói hết.
Một bài viết khác trên trang Giáo Dục ngày 10 Tháng Mười Một 2020 đã khảo sát tình hình các trường sau khi Thông tư 32/2020 có hiệu lực, đã cho kết quả: Thực tế các trường học (cấp 2 và cấp 3) vẫn quy định số tiết dự giờ trong năm học cho giáo viên trong trường và quy định này thực hiện mỗi nơi mỗi khác, tùy vào ban giám hiệu. Có trường yêu cầu giáo viên dự giờ đồng nghiệp mỗi tháng 1 tiết, có trường 2 tiết, có trường mỗi năm 10 tiết, có trường thì quy định 12 tiết… Dù cùng một quận, một thành phố, nhưng có trường quy định giáo viên dự giờ đồng nghiệp chỉ rút kinh nghiệm tiết dạy chứ không đánh giá, xếp loại tiết dạy; có trường lại quy định hẳn cho tổ trưởng, tổ phó chuyên môn xếp loại và những phiếu dự giờ này phải lưu vào hồ sơ chuyên môn của giáo viên hàng năm; có trường lại yêu cầu tất cả giáo viên (không kiêm nhiệm chức danh) khi đi dự giờ lẫn nhau thì ngoài việc rút kinh nghiệm tiết dạy vẫn bắt buộc phải cho điểm và xếp loại tiết dạy!
Có nghĩa là Thông tư 32/2020 của Bộ Giáo dục chỉ có hiệu lực trên giấy, vì mỗi nhà trường theo quán tính vẫn thích hành hạ giáo viên, buộc họ và học sinh phải diễn!
Đúng là “trên bảo dưới không nghe”, “phép vua thua lệ làng”… hay đúng hơn là “thượng bất chính, hạ tắc loạn”?
An Vui / Theo: saigonnhonews